VỀ NGUỒN CHRAU JRO – NHỮNG SẮC MÀU VĂN HÓA ĐẶC SẮC
Chuyến đi thực tế đến thăm đồng bào dân tộc Chrau Jro vào ngày 25-26/11/2024 vừa qua là bước quan trọng để hoàn thành bài thi kết thúc học phần “Phát triển đời sống văn hoá cộng đồng”, nhìn chung chuyến đi này đã diễn ra thành công và có một kết quả tốt đẹp. Đây là một hành trình đầy ý nghĩa và đáng nhớ không chỉ riêng mình chúng em mà toàn bộ thầy, trò đã cùng tham gia lịch trình 2 ngày 1 đêm diễn ra tại ấp Xuân Thiện, Xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Chuyến đi không chỉ về học tập mà đó còn là những trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, chia sẻ nhiều câu chuyện, giao lưu văn hóa và biết thêm nhiều giá trị văn hoá mới trong đó không thể kể đến ngôn ngữ Chrau Jro, đó cũng là đề tài mà nhóm em đã chọn để phát triển đời sống văn hoá cộng đồng nơi này. Chuyến đi không chỉ về vấn đề học tập mà đó còn là những trải nghiệm.
1. Nhà văn hoá dân tộc Chrau jro
Nhà văn hóa dân tộc Chrau Jro là nơi mà 2 lớp sẽ ở lại trong chuyến hành trình này, đây là nơi mà chúng em được nghiên cứu, học tập, giao lưu và sinh hoạt trong chuyến đi thực tế của mình.
Ngày đầu tiên khi đặt chân đến xã, chúng em rất vinh dự khi được gặp và nghe được những chia sẻ về nguồn gốc, lịch sử, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chrau Jro từ Nghệ nhân Điểu Tám, đặc biệt là ông Trần Đức Hòa – Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất.
2. Viếng Thăm Đức Mẹ Núi Cúi
Sau buổi trao đổi với phó chủ tịch huyện Thống Nhất chúng em được chú tạo cơ hội để ghé thăm và tham quan Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi (tọa lạc tại Dốc Mơ, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Nơi đây là một điểm hành hương mới cho người Công Giáo và là địa điểm du lịch thu hút du khách của tỉnh Đồng Nai. Tới đây, chúng em được chiêm ngưỡng Bức tượng Đức Mẹ Núi Cúi nằm uy nghi trên đỉnh đồi, giữa khung cảnh thiên nhiên hài hòa và hùng vĩ. Bao quanh là lòng hồ Trị An rộng lớn và rừng cây cao su xanh ngát, tạo nên một không gian mát mẻ và trong lành, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Đây không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự thanh tịnh và yên bình.
3. Lắng nghe những chia sẻ của người dân đồng bào Chrau Jro thực hiện đề tài nghiên cứu của nhóm
Sau chuyến hành trình khám phá Núi Cúi đoàn chúng em cùng nhau quay trở lại nhà văn hoá dân tộc Chrau Jro để ăn trưa và nghỉ ngơi. Vào khoảng 13h30 ngày 25/11 dưới sự hỗ trợ nhiệt tình của cô tổ trưởng ấp, cô đã dẫn chúng em ghé thăm nhà người dân xung quanh để nghe bà con kể những câu chuyện về ngôn ngữ của dân tộc Chrau Jro. Đây cũng là đề tài mà nhóm chúng em lựa chọn để thực hành cho môn phát triển đời sống văn hoá cộng đồng. Nhờ sự nhiệt tình và thân thiện của bà con chúng em đã có được rất nhiều thông tin bổ ích để có thể thực hiện bài tiểu luận một cách tốt nhất. Nhóm chúng em rất vui và hạnh phúc vì nhận được sự chào đón nồng nhiệt của bà con dân tộc Chrau Jro.
Hình 14: Các bạn nhỏ Người dân tộc Chrau Jro đi cùng các bạn sinh viên lớp 17.2 trong lần thăm hỏi bà con tại ấp Xuân Thiện
(Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 25/11/2024)
4. Đêm giao lưu văn nghệ, các thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận với nét văn hoá của đồng bào dân tộc Chrau Jro, đặc biệt Cồng chiêng – di sản văn hoá phi vật thể đại diện của Nhân loại được UNESCO ghi danh
Nhớ mãi khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc khi lần đầu được chứng kiến những tiết mục cồng chiêng của người dân tộc Chrau Jro. Âm thanh của những chiếc chiêng vang lên, trầm bổng, ngân dài như muốn hòa quyện cùng đất trời, mang theo những câu chuyện của tổ tiên, của núi rừng bao la. Thế hệ trẻ đang từng bước nối gót thế hệ trước thổi bùng lên những âm thanh dân tộc của mình, sinh viên chúng em ai cũng đều say mê trong điệu múa uyển chuyển, gắn kết từng nhịp chiêng của đồng bào dân tộc nơi đây. Mỗi tiếng chiêng như thổi bùng lên tình yêu quê hương, bản sắc dân tộc, khiến chúng em cảm nhận được sự mạnh mẽ, kiên cường, và tình đoàn kết bền chặt của cộng đồng này. Cảm xúc vỡ òa, ngập tràn trong lòng mỗi con người, khi được hòa mình vào tiếng hát đầy nội lực của nghệ nhân Điểu Tám và cô Thị Nhung đã tạo nên một không gian đầy âm thanh, đầy sức sống với chan chứa tình cảm của văn hóa của đồng bào dân tộc Chrau Jro. Không chỉ vậy chúng em còn được thưởng thức các tiết mục rất chỉnh chu và đầu tư từ các bạn 17.3 đã tạo nên một bầu không khí sôi động đầy sắc màu.
(Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 25/11/2024)
(Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 25/11/2024
Hình 17: Hình ảnh đêm giao lưu văn nghệ. (Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 25/11/2024)
(Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 25/11/2024)
(Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 25/11/2024)
5. Nghệ nhân Điểu Tám
Không những vậy, chúng em may mắn được trò chuyện và nghe chia sẻ từ nghệ nhân Điệu Tám, người đang thổi lửa cho nền văn hoá dân tộc nơi đây. Qua buổi phỏng vấn với nghệ nhân Điểu Tám chúng em đã thu nhập được rất nhiều thông tin bổ ích về lễ hội Sayangva, trang phục dân tộc, cồng chiêng, nhà sàn và đặc biệt là tiếng nói và chữ viết của dân tộc Chrau Jro. Đây chắc hẳn là một trong những vấn đề nan giải nhất hiện đang được chính quyền địa phương cũng như nghệ nhân Điểu Tám đang dốc sức để bảo tồn và phát huy ngôn ngữ đồng bào mình để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Tuy là thế, quá trình gìn giữ và phát huy trước sự mai một ngôn ngữ gặp không ít khó khăn như việc: Thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết, thiếu nhân sự giảng dạy tiếng Chrau Jro,…. ngôn ngữ chủ yếu chỉ dựa vào truyền miệng từ những người lớn tuổi và đôi khi dễ dẫn đến những câu từ chưa chính xác tạo nên sự nhầm lẫn trong ngôn ngữ giao tiếp . Qua bao thế hệ, hiện nay thế hệ trẻ tại đây đa số đang sinh sống và học tập bằng ngôn ngữ thuần Việt, dẫn đến ít cơ hội được tiếp xúc tiếng dân tộc Chrau Jro của mình. Và thời gian học tập trên lớp chiếm khá nhiều thời gian dẫn đến khó khăn cho việc mở lớp trau dồi ngôn ngữ dân tộc,….
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Như Khuê 25/11/2024)
Hình 21: Những tài liệu tiếng Chrau Jro do Nghệ nhân Điểu thu thập và biên soạn (Nguồn: Nghệ nhân Điểu Tám 28/11/2024)
6. Tham quan di tích lịch sử vườn cao su đầu tiên lô 9
Địa điểm cuối cùng chúng em được tham quan đó làvườn cao su rộng 8 ha (hay còn gọi là Lô 9) tọa lạc tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, là vườn cao su đầu tiên được người Pháp trồng tại Việt Nam vào năm 1906. Vườn cao su này trước đây mang tên đồn điền Suzanah, được xem là cột mốc quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp cao su ở Việt Nam. Đây là một trong những di tích lịch sử có giá trị văn hóa, phản ánh quá trình bắt đầu của việc trồng và khai thác cao su ở miền Nam Việt Nam, cũng như sự ảnh hưởng của thực dân Pháp trong việc đưa cây cao su vào phát triển tại khu vực Đông Dương.
Khi lần đầu đặt chân đến vườn cao su Lô 9, cảm giác đầu tiên của chúng em là sự tĩnh lặng, bình yên bao trùm cả không gian rộng lớn. Những cây cao su lâu năm đứng thẳng tắp, vươn mình ra tận chân trời, khiến chúng em cảm nhận được sức sống mạnh mẽ và kiên cường của thiên nhiên. Dù trải qua hơn một thế kỷ, nhưng vườn cao su này vẫn mang trong mình dấu ấn của thời gian, với những cây cao su cổ thụ, tỏa bóng mát xuống mặt đất. Qua những lời giới thiệu và chia sẻ từ chị Trương Thị Ái Duyên – thuyết minh viên tại di tích lịch sử vườn cao su đầu tiên lô 9 đã cho chúng em cảm nhận gần hơn mỗi bước chân như chạm vào một phần lịch sử, nơi đã chứng kiến bao thăng trầm của đất nước. Không gian rộng lớn, yên tĩnh này khiến chúng em không khỏi cảm thấy xúc động, bởi đó không chỉ là một di tích nông nghiệp mà còn là một phần ký ức sống động về sự cống hiến và nỗ lực của những người dân đã tạo dựng nên ngành công nghiệp cao su Việt Nam.
Hình 22,23: Vườn cây Cao su bảo tồn tọa lạc tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai (Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 26/11/2024)
(Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 26/11/2024)
(Nguồn: Nguyễn Hương Quỳnh 26/11/2024)
7. Đề xuất
Nhờ có cơ hội tìm hiểu, trao đổi trực tiếp với bà con dân tộc Chrau Jro và đặc biệt là với chú Tám Điểu. Nhóm chúng em nhận ra rằng ngôn ngữ của người dân tộc Chrau Jro ở xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đang bị mai một rất nghiêm trọng. Từ thực tiễn đó nhóm chúng em đã cùng nhau đưa ra những giải pháp sau để một phần nào đó giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống này.
Thứ nhất, đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung môn học tiếng dân tộc Chrau Jro vào hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn xã. Và nhà trường cần tích hợp các bài học về ngôn ngữ Chrau Jro vào chương trình giảng dạy, tạo điều kiện cho học sinh được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Chrau Jro.
Thứ hai, để việc truyền dạy ngôn ngữ Chrau Jro được hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng. Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách của huyện hỗ trợ cho người học, người truyền dạy tiếng DTTS, trong đó có nghệ nhân Điểu Tám đang rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, cũng như kinh phí để xuất bản sách và tài liệu chữ Chro Jro. Thứ tư, áp dụng việc chuyển đổi số trong giáo dục vào Đề án, đó là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác truyền dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình truyền dạy; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến Thứ năm, tuyên truyền về sự cần thiết của bảo tồn, phát huy tiếng DTTS; khuyến khích việc sử dụng tiếng DTTS trong cộng đồng, để tạo môi trường phát huy ngôn ngữ dân tộc. Thứ sáu, để việc tuyên truyền dễ dàng hơn, giúp cho giới trẻ thích thú hơn thì ngoài việc mở lớp học, có thể tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt, hay lễ hội. Và trong những buổi này hoàn toàn dùng bằng tiếng Chrau Jro, vì vậy cần có sự hỗ trợ về kinh phí từ xã, huyện giúp cho người dân có thể tổ chức, tuyên truyền ngôn ngữ này.
KẾT LUẬN
Chuyến đi đã khép lại trong không khí ấm áp của tình làng nghĩa xóm. Sự hỗ trợ nhiệt tình của bà con đã tiếp thêm động lực cho chúng em, giúp chúng em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chuyến đi đã mở ra cho chúng em một chân trời mới về văn hóa Chrau Jro. Những câu chuyện, những giá trị truyền thống mà chúng em được nghe kể đã khơi dậy trong chúng em niềm tự hào dân tộc và mong muốn được đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình.
Chúng em xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình từ bà con tại xã Xuân Thiện, đặc biệt là anh Điểu Tám, Già làng Thổ Nơi, cô Thị Nhung, và chú Trần Đức Hòa – Phó Chủ tịch huyện Thống Nhất. Chúng em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến anh Điểu Tám và bà con dân tộc Chrau Jro tại ấp Xuân Thiện. Đặc biệt, chúng em trân trọng cảm ơn Thầy Phạm Văn Luân, Cô Vũ Thị Phương, và Thầy Nguyễn Hồ Phong, thầy cô đã đồng hành, hướng dẫn tận tình trong quá trình học tập và tạo điều kiện cho chúng em thực hiện chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa này.
Nguyễn Hương Quỳnh – Nguyễn Ngọc Như Khuê – Đỗ Thanh Quỳnh Như