VÀI NÉT CHẤM PHÁ VỀ LUẬT SƯ HUỲNH VĂN PHƯƠNGTỪ MỘT TÀI LIỆU LỊCH SỬ
Nội dung chia sẻ dưới đây là một bản dịch (chưa chính thức) của một tài liệu lịch sử liên quan đến Luật sư Huỳnh Văn Phương. Tài liệu này là công văn của Giám đốc Tổng cục Thông tin và Trò chơi gửi đến Cảnh sát Trưởng Pari ngày 7/4/1930 đánh giá về nhân thân và hoạt động của Luật sư Huỳnh Văn Phương tại Pháp – người chú ruột có ảnh hưởng rất quyết định đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Trong thời gian du học tại Pháp, Ông là một trong những người tuyên truyền chống Pháp tích cực và là người nhiệt thành ủng hộ nền độc lập của Đông Duơng. Ông bị chính quyền Pháp trục xuất về Việt Nam ngày 30/5/1930 do tham gia biểu tình ủng hộ cuộc khởi nghĩa Yên Bái và phản đối Pháp tử hình Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ cách mạng.
Trong quá trình nghiên cứu về KTS Huỳnh Tấn Phát, chúng tôi được tiếp cận nguồn tư liệu đồ sộ từ cộng đồng và khảo cứu từ tàng thư, dẫn theo dòng ký ức tư liệu từ các nhân chứng sống trong và ngoài nước và nguồn tư liệu thu thập được, chúng tôi trân trọng giới thiệu một trong số các tài liệu quý giá đó sau khi được tham vấn, thẩm định từ các học giả nước ngoài. Thông tin từ bài khảo cứu và biên dịch này là một minh chứng làm sâu sắc và sáng ngời lòng yêu nước, phẩm chất cách mạng và đức độ, sự công hiến vô giá cho nhân dân và đất nước Việt Nam không chỉ của KTS Huỳnh Tấn Phát mà cả người chú ruột lâu nay ít được chính sử đề cập là LS. Huỳnh Văn Phương
Chủ đề: A.S. de HUỲNH VĂN PHƯƠNG xin hộ chiếu đi các quốc gia châu Âu.
Paris, ngày 7 tháng 4 năm 1930
Giám đốc Tổng cục Thông tin và Trò chơi gửi đến CẢNH SÁT TRƯỞNG
HUỲNH-VĂN-PHƯƠNG, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1906 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (Nam Kỳ), lập gia đình năm 1927 tại Thuộc địa với một người đồng hương, tên là Nguyễn Kim Cúc [1]. Họ không có con (thời điểm của Báo cáo này).
Ông đã có vài năm sinh sống ở số nhà 84 đường Pascal, Cachan, Pháp.
Huỳnh Văn Phương hiện đang theo học Văn khoa; Hồ sơ nhận dạng của ông: Đông Dương N° C. 32.600.
Đến Pháp một mình vào tháng 8 năm 1925, ông học ở Lycée Louis le Grand, nơi ông lấy bằng tú tài. Tháng 6 năm 1927, ông trở lại Đông Dương, kết hôn và sống tại nhà người anh rể (thứ 9, ông Huỳnh Văn Phương thứ 11) là Lê Thắng Tường (Le Thang Tuong), lục sự Tòa án Sài Gòn.
Ông cùng vợ trở về Pháp vào tháng 1 năm 1928, và trước khi định cư tại nơi ở hiện tại, ông đã sống một thời gian tại Paris, 87 bis Đại lộ Brune.
Huỳnh Văn Phương là một trong những người tuyên truyền chống Pháp tích cực nhất và là người nhiệt thành ủng hộ nền độc lập của Đông Dương, ông thuộc “Hội Mutuelle des Indochinois” khi tổ chức này có trụ sở tại 15 đường du Sommerard – một điểm nóng thực sự của các hoạt động tuyên truyền chống Pháp. Vào thời điểm tổ chức này bị giải tán, ông tham gia “Tổng Hội sinh viên” lúc đó được lãnh đạo bởi các phần tử tập hợp theo đường lối của Pháp có trụ sở chính ở số 6 rue Lagarde. Đồng thời, ông cùng với Tạ Thu Thâu, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn La Châu thành lập “An Nam Độc Lập Đảng”, một nhóm do có xu hướng đấu tranh lật đổ nên đã bị giải tán vào ngày 21 tháng 3 năm 1929 theo phán quyết của Phòng thứ nhất – Tòa án dân sự sông Seine.
Huỳnh Văn Phương là tổng biên tập báo “La Résurrection”, cơ quan của “An Nam Độc Lập Đảng”. Tờ này, bị cấm theo sắc lệnh ngày 24 tháng 9 năm 1927, chỉ xuất bản ba số đã bị tịch thu.
Sau sự biến mất của “An Nam Độc Lập Đảng”, Huỳnh Văn Phương và các cộng sự của ông ta đã làm mọi cách để thâm nhập “Tổng Hội sinh viên Đông Dương” bằng cách tấn công thô bạo các nhà lãnh đạo của nó, cụ thể là Tổng hội trưởng Trau Van Doe (Trần Văn Đốc), người mà ông gọi là “đầy tớ” của Chính phủ Pháp. Họ đã thành công trong việc chiếm được văn phòng của nhóm này, mà ngày nay rõ ràng đã trở thành một tổ chức chống Pháp có trụ sở chính đặt tại số 40 đường Gay Lussac, Chính tổng hội này đã tổ chức cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 22 tháng 3 vừa qua nhân lễ khánh thành Ngôi nhà Đông Dương, tại Cité Universitaire (Đại học thành phố).
Tuy không giữ chức vụ gì trong ban trị sự của nhóm này, nhưng Huỳnh Văn Phương là một trong những người cầm đầu ở “hậu trường”.
Trong khu vực tư nhân (Về mặt cá nhân), ông được đại diện thuận lợi. Ông không được ghi nhận trong Sommiers Judiciaires.
Giám đốc,
Ủy viên Cảnh sát,
(Tư liệu của nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre
Bản dịch của TS. Phạm Lan Hương
TS. Phạm Văn Luân hiệu đính
với sự tham gia của đại diện gia đình, hậu duệ Luật sư Huỳnh Văn Phương)
Tp. Hồ Chí Minh, 23/7/2023 – 2/8/2024.
Bản gốc của công văn cảnh sát Pari lưu trữ. Nguồn: Nhóm sáng tạo Trẻ Bến Tre