Tin Tức & Sự Kiện
Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc -Tinh thần bất khuất vẫn mãi mãi sáng ngời

Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc -Tinh thần bất khuất vẫn mãi mãi sáng ngời

 “Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

Đây là hai câu thơ em nhớ mãi cho đến tận bây giờ, trong bài thơ Đất Nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, em được học rất nhiều về lịch sử, sự biết ơn công lao với các thế hệ cha ông đi trước. Những người đã đánh đổi nước mắt, mồ hôi, xương máu tất cả đã hoà quyện với đất mẹ để giữ được từng hạt cát, viên sỏi của nước nhà. Có mấy ai biết tên họ hay không? Hàng bao thế hệ góp nhặt ấy, đã tạo ra một thời đại mới, thời đại của hoà bình. Liệu có ai tự hỏi từ đâu mà những con người “vô danh” này, đã sống trọn phần đời của mình hay chưa? Hay họ chỉ sống với cái lý tưởng sẽ góp ý chí, thể xác mình vào với đất, để gìn giữ tấc đất thiêng liêng của non sông này. Đôi khi em cũng tự hỏi, họ có ước mơ hay không? Ước mơ ở cái độ tuổi đẹp nhất, hay ước mơ ở cái độ tuổi đã bước qua tuổi xế chiều. Nhưng em chợt nhận ra, có lẽ ước mơ của những con người ấy đã hoà làm một với nhau, ước mơ về một đất nước thống nhất, độc lập, ước mơ được sống trong hoà bình, được sống trong cái ấm no và hạnh phúc. Những điều tưởng chừng như đơn giản, đã được đánh đổi bởi những lý tưởng, những hoài bão, những gia đình hạnh phúc và rất nhiều cái khác. Tất cả những mong muốn riêng phải gạt bỏ đi để cùng với cái mong nguyện chung của toàn dân tộc. Và có những ngôi sao không có tên, lặng lẽ tỏa sáng trên bầu trời đêm. Và có những anh hùng, họ đã ngã xuống vì Tổ quốc mà không một dòng chữ khắc tên. Họ là những ngôi sao vô danh nhưng ánh sáng của họ vẫn mãi soi sáng cho chúng ta. Và cũng tại Long An, những người anh hùng đã đứng lên chống lại cái chế độ độc tài, với ước mong dùng chút sức lực nhỏ bé góp phần vào công cuộc đấu tranh giành lại độc lập. Tưởng chừng họ là những người đã quen với súng trường, đạn dược nhưng không họ chỉ là những người nông dân, chân đất tay bùn, cuộc sống chỉ có bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, những người nông dân hiền lành, chất phác ấy, đã bị dồn ép đến thế nào mà phải đứng lên chống lại cái xã hội lúc bấy giờ. Em chợt nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Trãi “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”. Dù ở thời đại nào, một đất nước có lúc mạnh, lúc yếu. Nhưng anh hùng, người xuất chúng, tài giỏi thì luôn xuất hiện.

Thầy và trò chụp hình lưu niệm tại Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc

Theo lộ trình của lớp, chúng em đi đến Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc là địa điểm cuối cùng của ngày trong chuyến hành trình “khám phá” Long An- mảnh đất của những giá trị lịch sử, cội nguồn, em như được về với những dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc. Tượng đài không chỉ đơn thuần là công trình kiến trúc mà còn là biểu tượng thiêng liêng, ghi dấu những hi sinh cao cả của các nghĩa sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi đặt chân đứng dưới tượng đài, em bị thu hút bởi sự trang nghiêm và linh thiêng ở đây. Bức tượng đá lớn cao khoảng 6m và nặng gần 100 tấn miêu tả lại cuộc tấn công đồn Tây Dương của đốc Binh Bùi Quang Diệu và nghĩa dân Cần Giuộc. Bức tượng lớn, uy nghiêm, đứng sừng sững giữa trời xanh như lòng tự tôn, ý chí, sự quyết tâm đứng đấu tranh, chống trả sự áp bức của dân tộc ta. Tuy đánh đổi chính mạng sống của mỗi người dân, những ước mơ, hạnh phúc, cuộc sống của họ, tất cả đã nằm im, nằm xuống với đất mẹ. Nhưng ắt hẳn họ chưa bao giờ hối hận vì họ đứng lên bảo vệ gia đình mình, bảo vệ thế hệ con cháu mai sau. Như trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu:

“Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao

Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ.”

 Mỗi chúng ta, thế hệ sau này luôn biết đến mà trân trọng từng phút giây được sống trên mảnh đất này, mảnh đất được cha ông dùng chính máu của mình đánh đổi. Tất cả thật chua xót làm sao!

Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc (góc chính diện)
Thầy Phạn Văn Luân và chị Lê Thị Trúc Linh chụp hình lưu niệm bên
Bia Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc

Ở bên dưới tượng đài là phòng trưng bày. Bước vào phòng trưng bày em gần như bị choáng ngợp bởi hình ảnh, quang cảnh trang trí ở đây. Em dường như mình chính là đứa con của Cần Giuộc đi xa để rồi khi trở về, cảm xúc như thể được về với ngày tháng tuổi thơ. Được sống, được trưởng thành và tâm hồn được nuôi dưỡng ở đây. Ông bà ta cũng thường nói “Uống nước nhớ nguồn” cũng chính vì vậy, mà ở phòng trưng bày có một hình hộp tái hiện lại quá trình khẩn hoang, lập làng của người dân. Sơ nét về Đất và người Cần Giuộc. Danh sách các Hương chức, hữu công quá cố (hiện lưu giữ ở đình Tích Đức, thị Trấn Cần Giuộc). Những người có công xây dựng mảnh đất này, khi ngày nay, sự phát triển của xã hội cũng kéo theo nhiều thay đổi ở Cần Giuộc, những nhà cao tầng, công trình lớn, được xây dựng, cuộc sống người dân cũng đầy đủ hơn, dư giả hơn. Thì người ta lại nhớ cái cội nguồn của mình, nhớ những người đã đặt tên cho vùng đất, đặt từng cái cái cuốc, cái xẻng để có ngày hôm nay. Tất cả đã được người dân tưởng nhớ, biết ơn dù ở hiện tại hay là tương lai, những người con mảnh đất Cần Giuộc vẫn nhớ mãi mà lưu truyền cho các thế hệ sau. Những tấm ảnh đen trắng về Cần Giuộc xưa như hình ảnh buôn bán trên ghe, sản xuất, hay chợ Cần Giuộc xưa…. và bản đồ Cần Giuộc nay. Đã là những minh chứng rõ nhất cho sự tồn tại và đi lên không ngừng của Cần Giuộc

Để lại ấn tượng sâu sắc nhất, đối với em có lẽ là mô hình hộp tái hiện lại trận Đại đồn Chí Hòa. Từ những cái chi tiết nhất như khói, lửa, từng mô hình người dân, người lính, tất cả được làm một cách công phu, tỉ mỉ, đây cũng là trận đánh gây thương hại cho dân ta từ người cho đến của cải, có đến 1000 người chết và bị thương. Trong khi đó, phía quân Pháp chỉ có 250 người chết và bị thương. Tất cả sự đánh đổi là quá lớn, đối với một quốc gia nhỏ bé như nước ta thời bấy giờ. Sự chênh lệch về số lượng, vũ khí, sức mạnh của 2 phía, như thể người dân sẽ phải chịu khuất phục trước một quốc gia hùng mạnh như vậy. Nhưng không, dù có yếu, thua thiệt về nhiều mặt thì dân và quân ta lại có một ý chí kiên cường, một trái tim quả cam, một lý tưởng cao đẹp, những điều ấy, chính là thứ “vũ khí” lớn mạnh nhất của quân ta, một sức mạnh không thể đánh gục được. Tuy sau cùng, trận đánh đã thất thủ, nhưng tiếng vang vẫn để lại muôn đời, những con người nằm xuống kia, không ai biết tên họ, sự hy sinh to lớn ấy, đã góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước. Và ba miền Bắc, Trung, Nam đều là anh em một nhà. Tất cả người dân Việt Nam thân thương gọi nhau 2 tiếng “đồng bào”.  Đứng trước mô hình em tự hỏi “Đây chỉ là hình ảnh tái hiện cũng đã thấy được sự ác liệt của trận đánh. Vậy ngày xưa trận đánh còn ác liệt, kinh khủng đến mức độ nào nữa?”. Nếu sự hy sinh của những con người dũng cảm ấy được quy đổi, báo đáp thì bao nhiêu là cho đủ. Chắc chắn sẽ là không bao giờ là đủ cả, vì sự hy sinh ấy quá lớn, vượt xa tất cả mọi thứ.

Thầy và trò chụp hình lưu niệm tại phòng trưng bày

Xung quanh phòng trưng bày còn là những tấm hình đen trắng nào là khu vực đồn Tây Dương, bài vị linh Nguyễn Hưu Tình (thủ lĩnh nghĩa binh đánh Pháp) được thờ ở Miếu Ngũ Hành xã Long Thượng. Bài vị Đốc binh Bùi Quang Diệu được thờ tại đình Vạn Phước xã Mỹ Lệ Huyện Cần Đước. Đặc biệt còn phải nói Cần Giuộc cũng được coi là quê hương thứ hai của Nguyễn Đình Chiểu- Danh nhân văn hoá thế giới. Dù không sinh ra ở đây nhưng Long An lại là một phần đời của cụ Đồ Chiểu, người đàn bà Năm Điền tần tảo sớm hôm chăm sóc lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho chồng, cho con. Cũng từ đó, cụ có nhiều thời gian cho những “đứa con tinh thần” của cụ tại mảnh đất Long An, mà giờ đây những bài Hán-Nôm ấy, không chỉ được người dân Việt Nam biết đến mà còn được thế giới quan tâm và ngưỡng mộ. Người dân Cần Giuộc không ai là không biết Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… tất cả là những giá trị lịch sử, văn hoá, dấu tích của Long An.

Thầy Luân và chị Linh chụp hình bên chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu

Có lẽ vì thế người Long An nói chung và người Cần Giuộc nói riêng luôn bày tỏ sự tôn kính, ngưỡng mộ cụ Đồ Chiểu, cũng tại đây tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu được dựng bên cạnh là những bài thơ của cụ được cụ Lê Công Cẩn người xã Mỹ Lộc sao chép lại, truyền đời cho các thế hệ mai sau. Cụ Đồ Chiểu dùng chính cây bút là thứ “vũ khí” để tố cáo tội ác của chiến tranh, tình yêu thương nhân dân những con người tuy không cùng máu mủ nhưng lại ngã xuống vì quê hương, đất nước. Để giờ đây, khi ngọn nến cuộc đời cụ Đồ Chiểu tắt, nhưng ánh sáng của cụ vẫn mãi toả sáng đến muôn đời sau. Ánh sáng của tri thức, của tình yêu quê hương, đạo làm con, đạo làm người và cả một tấm lòng cao cả, bao dung với nhân dân

Thầy Phạm Văn Luân chụp hình bên tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu

Những cơn gió lùa nhẹ và hoàng hôn đã buông xuống nhuộm đỏ cả một vùng trời. Ấy, cũng là lúc chuyến hành trình này của chúng em đã khép lại. Nhưng lòng em lại rối bời, đầy suy nghĩ, em muốn ở lại thêm, chỉ thêm một ít nữa thôi, để cảm nhận rõ được cái mùi đất, cái mùi cây cỏ hay là chỉ một lần sống làm một phần của Cần Giuộc. Để thấy được mảnh đất em đang đứng lên lại chính lại sự hy sinh của thế hệ cha ông, những người con đã ngã xuống để bảo vệ đất mẹ. Những cảm xúc đan xen nhau, sự tự hào vì là một người con của một đất nước anh hùng, đau thương vì sự ra đi của bao nhiêu thế hệ, niềm hạnh phúc vì đã được sống và cống hiến tiếp tục cho đất nước… tất cả trào trực trong người em. Để có một chuyến đi ý nghĩa em xin bày tỏ sự biết ơn, lời cảm ơn sâu sắc đến với Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Di sản văn hoá, các cơ quan, ban ngành thuộc Thị trấn Cần Giuộc và thầy Phạm Văn Luân đã tạo cơ hội quý giá này cho em được đến học hỏi, tham quan các di tích lịch sử. Đặc biệt, để hiểu rõ hơn về các ý nghĩa lịch sử của từng điểm không thể không kể đến chị Lê Thị Trúc Linh đã đi cùng chúng em để thuyết minh về từng địa điểm. Những gì để lại trong em hôm nay, nhiều hơn cả những gì em được thấy trên sách vở, đó là những cảm xúc, những bài học quý báu mà em nghĩ những người dân Việt Nam phải biết đến. Đặc biệt là thế hệ sinh viên chúng em là những người đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước, thế hệ xây dựng đất nước trong thời bình. Em sẽ cố gắng sống và học tập đúng như lời Bác Hồ kính yêu dạy bảo, để trong tương lai không xa đất nước ta sẽ được sánh vai với các nước khác.

Và liệu mọi người có biết được, hoà bình, ấm no, hạnh phúc chúng ta đang có được phải trả giá bằng những điều gì không? Có lẽ mỗi chúng ta phải Biết…

Ngày đại thắng năm ấy… đánh đổi bằng những giọt nước mắt của mẹ, những hoài bão tuổi 20, những tình yêu chưa kịp kết trái, những giấc mơ còn đang dang dở, những gia đình hạnh phúc và những lời hứa chẳng thể thực hiện.

Bài: Hồng Liên, Ảnh: Lớp 22QLDS