Tin Tức & Sự Kiện
Thành phố Bến Tre khảo sát cây cổ thụ đăng ký Cây Di sản Việt Nam

Thành phố Bến Tre khảo sát cây cổ thụ đăng ký Cây Di sản Việt Nam

Trong khuôn khổ các hoạt động nhân Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam – cây Thiên Tuế Đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, ngày 10/01/2025, ông Nguyễn Văn Thương, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre đã dẫn đầu đoàn khảo sát bao gồm PGS.TS Nguyễn Công Thuận, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; TS. Phạm Văn Luân, trường ĐH Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Có vấn nhóm Sáng tạo rẻ Bến Tre, Chuyên gia cây Di sản Việt Nam đã có chuyến điền dã thực địa các cây cổ thụ có tiềm năng đăng ký cây Di sản Việt Nam.

Đoàn khảo sát cây Di sản Việt Nam của thành phố Bến Tre trước khi bắt đầu chuyến thực địa). Ảnh: Nhóm STT

Tại đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre, Chánh Bái Trần Văn Kỵ, Trưởng Ban quản lý di tích đình Phú Nhuận đã hướng dẫn khảo sát cây Dầu cổ thụ trong khuôn viên đình Phú Nhuận, cạnh Miếu Bà, theo đánh giá của TS. Phạm Văn Luân, cây Dầu cổ thụ ngay bên sân Miếu Bà có độ tuổi trên 100 tuổi và có liên hệ mật thiết đến các câu chuyện được người dân thờ cúng Miếu Bà trao truyền… Cây Dầu cỏ thụ này đủ điều kiện đăng ký cây Di sản nhưng theo hướng gắn kết với cây Thiên Tuế để trở thành quần thể 2 cây Di sản đình Phú Nhuận.

Chánh Bái Trần Văn Kỵ (trái) và TS. Phạm Văn Luân khảo sát cây Dầu cổ thụ cạnh Miếu Bà. Ảnh: Nhóm STT.

Đến đình Phú Tự, xã Phú Hưng, đoàn đã khảo sát cây Khế 200 năm tuổi và cây Thị 300 năm tuổi (độ tuổi ước đoán theo kinh nghiệm dân gian). PGS.TS Nguyễn Công Thuận cho rằng cả hai cây cổ thụ này đều có tiềm năng đăng ký Cây Di sản, đặc biệt là cây Thị rất quý hiếm ở phía Nam, cả hai cây đều có giá trị minh  họa sống động cho các giai thoại dân gian về các câu chuyện “Ăn Khế trả vàng”, quả thị trong chuyện cổ tích Tấm Cám…

Ông Nguyễn Văn Thương , TS. Phạm Văn Luân, PGS.TS Nguyễn Công Thuận, ông Đoàn Văn Mười, Đại diện Ban quản lý đình Phú Tự (tư phải sang) thăm cây Di sản đầu tiên của Bến Tre – Bạch Mai cỏ thụ. Ảnh: STT
PGS.TS Nguyễn Công Thuận, TS. Phạm Văn Luân, ông Nguyễn Văn Thương, ông Đoàn Văn Mười, Đại diện Ban quản lý đình Phú Tự (tư phải sang) bên cây Khế 200 năm tuổi. Ảnh: STT

Theo TS. Phạm Văn Luân, đình Phú Tự có khuôn viên rộng, nơi có đến 3 cây cổ thụ rất đặc biệt, vấn đề là Bến Tre chưa có kinh nghiệm đăng ký quần thể cây Di sản Việt Nam, đối với các cây cổ thụ đăng ký tiếp sau vẫn đăng ký độc lập hay có sự liên kết, kế từ hồ sơ cây Di sản đã được công nhận bên cạnh… rất cần sự hướng dẫn của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE).

Ông Nguyễn Văn Thương , PGS.TS Nguyễn Công Thuận, TS. Phạm Văn Luân,  ông Đoàn Văn Mười (từ trái sang) bên cây Thị 300 năm tuổi. Ảnh: Nhóm STT.
Ông Nguyễn Văn Thương , TS. Phạm Văn Luân (từ trái sang) đo vòng tay cây Thị 300 năm tuổi (cây Thị 4 người vòng tay mới giáp). Ảnh: Nhóm STT

Điểm khảo sát sau cùng là khuôn viên Thánh thất Cao Đài Ban chỉnh Bến Tre, Nhà tu Thượng Thừa, phường 6, thành phố Bến Tre với quần thể 9 cây Điệp, cây Dầu cổ thụ, trong đó cây Điệp được nhà nghiên cứu Đỗ Văn Công cho rằng có độ tuổi cao nhất trong số các cây cổ thụ ở Bến Tre.

Đoàn khảo sát và đại diện Nhà tu Thượng Thừa bên cây Điệp cổ thụ. Ảnh: Nhóm STT.

Theo TS. Phạm Văn Luân cây Điệp cổ thụ (trong ảnh dưới) ước khoảng 400 –500 năm, cây có đến 7-8 người đo vòng tay… Các cây cổ thụ ở khuôn viên Nhà tu Thượng Thừa, phường 6, thành phố Bến Tre hội tụ trên 1 vùng đất thiêng gắn liền với Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương và Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh Bến Tre đã là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh nên bước đầu có thể nói cây Điệp đã đủ điều kiện đăng ký Cây Di sản Việt Nam.

Đoàn khảo sát gồm 4 người đo vòng tay được 1/2 cây Điệp. Ảnh: Nhóm STT.

PGSTS. Nguyễn Công Thuận cho rằng ở Nam Bộ chưa có cây Điệp nào cổ thụ như vậy, đây là loài gắn liền với tuổi học trò, sân trường… nên là kho tàng của các câu chuyện dân gian nếu có quá trình khảo cứu, điền dã dân gian

Ông Nguyễn Văn Thương , PGS.TS Nguyễn Công Thuận, TS. Phạm Văn Luân,  (từ phải sang) ở sân sau Nhà tu Thượng Thừa. Ảnh: Nhóm STT.

Phát biểu kết thúc chuyến khảo sát, ông Nguyễn Văn Thương  PCT Thường trực UBND Thành phố Bến Tre đã đề nghị PGS.TS Nguyễn Công Thuận, TS. Phạm Văn Luân báo cáo VACNE hỗ trợ thành phố Bến Tre tiếp cận quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đăng ký cây Di sản Việt Nam đối với các cây cổ thụ đã hội đủ điều kiện, thành phố Bến Tre sẽ phấn đấu để trở thành 1 điểm đến du lịch giáo dục lịch sử-văn hoá và sinh thái nhân văn theo Chương trình “Bảo tồn di tích – phát triển du lịch thành phố Bến Tre theo bóng cây Di sản Việt Nam”, đẩy mạnh kết nối các tour tuyến, điểm du lịch sinh thái nhân vă du lịch tâm linh ở thành phố Bến Tre với các quần thể Di tích cấp tỉnh – cây Di sản ở đình Phú Tự, xã Phú Hưng, đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận và Thánh thất Cao Đài Ban chỉnh, phường 6, thành phố Bến Tre.

Khôi Nguyên