Sinh viên với câu chuyện khởi nghiệp
Xudua.com – Nói đến chuyện khởi nghiệp sinh viên ở Bến Tre hôm nay … có lẽ phải quay trở lại câu chuyện của ngót 10 năm trước, khi lần đầu tiên phong trào sinh viên trường CĐ Bến Tre tiếp cận và tham gia cuộc thi rất đặc biệt – Ngày Sáng tạo Việt Nam – VID 2007 chủ đề “An toàn giao thông” do Ngân hàng Thế giới và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức, một cuộc thi mà nay có dịp xâu chuỗi lại từ hiệu ứng của phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp và phát triển Doanh nghiệp mới phát động cách nay một tháng, chúng tôi nhận ra rằng: – tinh thần doanh nhân, ý thức đổi mới, sáng tạo – khởi nghiệp luôn tiềm ẩn, là nguồn tài nguyên vô giá của chúng ta, thời nào cũng có, vấn đề là cách khơi dậy, cách thức tiếp cận, truyền cảm hứng… làm sao cho mỗi sinh viên bắt nhịp câu chuyện khởi nghiệp của mình một cách tự tin, sáng tạo như đang nạp năng lượng cho cuộc sống ???
Có cơ duyên 5 lần tham gia cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và các đối tác từ phía Chính phủ Việt Nam đồng tổ chức từ 2007 – 2013, làm việc trong môi trường đậm chất sinh viên vơi 10 năm là thủ lĩnh Hội SV trường CĐSP Bến Tre… tôi nhận ra rằng: – Hễ nói đến sinh viên học sinh (SVHS) là nói đến Khởi nghiệp (KN) bởi khi bước chân vào trường ĐH – CĐ- TCCN là mỗi HSSV đã nhận lấy sứ mệnh “lập thân, lập nghiệp”, chính vì vậy chúng ta từng có phong trào “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp” từ lâu rồi… Thế nhưng với cách tiếp cận lúc bấy giờ là “lập nghiệp” cho “ngày mai” nên câu chuyện KN của SV hôm nay cần phải có cách tiếp cận khác… và đây chính là điều chúng tôi cảm nhận và kỳ vọng rất cao vào sự kiện rất có ý nghĩa của tỉnh nhà gần đây- Phát động phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp – câu chuyện hôm nay – bài học lớn, trường học mở của SV…
Để mở đầu câu chuyện SVKN, chúng tôi đã làm 1 cuộc khảo sát mini xoay quanh vấn đề SV quan tâm: “Đổi mới KHCN- Sáng tạo và Khởi nghiệp” với sự tham gia của các bạn SV trong tỉnh với mong muốn lắng nghe các bạn cần phản hồi gì và có thể tương tác điều gì từ câu chuyện này một cách thoải mái, thân thiện nhất, không hề chịu bất cứ một áp lực nào… Kết quả khảo sát và một vài bàn luận dưới đây có lẽ sẽ chỉ là phần “đề dẫn” cho câu chuyện dài Sinh viên với khởi nghiệp và phần nội dung chính câu chuyện chính là sự tham gia của chính các bạn SV, của quý thầy cô giáo đang đồng hành với SV trên giảng đường, của các chuyên gia, tư vấn và những ai có cùng mối quan tâm đến 1 vấn đề nóng – KN …
Sinh viên SV quan tâm thế nào đến sáng tạo khởi nghiệp ?
Tham gia trả lời khảo sát, có 87,5% cho rằng mình rất thích và rất quan tâm đến Đổi mới KHCN- Sáng tạo và Khởi nghiệp bởi có đến 13 điều theo các bạn là thuận lợi như: có phong trào KN phát động rộng mạnh, có điều kiện tiếp cận thông tin, tìm hiểu mô hình… để hướng các bạn đến sự quan tâm này và các bạn thường làm những công việc thể hiện sự quan tâm của mình như: đọc sách (82,3 %); đi thực tế, trải nghiệm, tham gia các hoạt động cộng đồng có liên quan (31,3 %). Tuy nhiên sự quan tâm này chưa đạt tới tầm mong đợi của các bạn bởi có đến 12 khó khăn đáng kể như: kiến thức, kỹ năng được trang bị về lĩnh vực này ngay trong nhà trường chưa đáp ứng; trải nghiệm thực tế về sáng tạo khởi nghiệp chủ là do tự phát, chưa được tổ chức bài bản, chưa được truyền cảm hứng theo cách tiếp cận “cầm tay chỉ việc”; ngoài ra sự hạn chế về thời gian, kinh phí, tiếng Anh… là những cản trở khi các bạn quan tâm, nghiên cứu, tìm kiếm nguồn lực hình thành ý tưởng và thực hiện khởi nghiệp. Chính vì vậy, chỉ có 18,7 % SV được hỏi cho rằng mình thường xuyên vận dụng kiến thức, kết quả học tập để tập dượt, thực hành sáng tạo, khởi nghiệp (chủ yếu là các bạn SV có tham gia sinh hoạt họ thuật cuea nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre), còn đến 81,3 % SV chưa vận dụng kiến thức đã học để tham gia vào “sân chơi” sáng tạo, khởi nghiệp; đây là điều các trường học cần quan tâm tìm hiểu để điều chỉnh, cải thiện phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo, khởi nghiệp cho người học và không chỉ các trường ĐH-CĐ-TCCN mà cả các trường phổ thông, các cơ quan chức năng, cả cộng đồng cần vào cuộc để góp phần cùng các trường ĐH-CĐ lan tỏa tinh thần doanh nhân trong chỉ đạo, điều hành mọi ngõ ngách của cuộc sống!
SV vào trường ĐH-CĐ là hướng đến một nghề cụ thể để lập nghiệp, sự quan tâm của SV đến khởi nghiệp, lập nghiệp không chỉ là chuyện của SV, mà còn là chuyện của các trường bởi chuẩn đầu ra của các trường đều đáp ứng nhu cầu xã hội, cụ thể là chuẩn tuyển dụng của cơ quan, doanh nghiệp. Dưới góc nhìn cận cảnh SV với KN qua vài số liệu ban đầu nêu trên đã chấm phá một bức tranh khởi nghiệp ở Bến Tre với những điểm nhấn đòi hỏi sự quan tâm đầu tư giáo dục sáng tạo – khởi nghiệp một cách thực chất hơn, đưa tinh thần doanh nhân vào nhà trường nhằm làm thay đổi diện mạo và bản chất phong trào SVKN – một mũi đột phá mang tính chiến lược của phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp hiện nay.
Nỗ lực sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên và sự vào cuộc của xã hội
Bến Tre đã phát động phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp, để phong trào này trở thành một “đột phá khẩu” đưa nghị quyết ĐH Đảng các cấp vào cuộc sống có nhiều vấn đề cần giải quyết trong cả một quá trình vận động thực tiễn phong phú. Cách tiếp cận vấn đề từ góc nhìn SV với những thông số ban đầu về “sức hút” của Khởi nghiệp theo chúng tôi là cách tiếp cận căn cơ nhất bởi không ai khác chính SV là nhân vật trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo!
Tuy gặp không ít khó khăn trên hành trình khởi nghiệp như đã phác họa trong bức tranh chấm phá trên đây, nhưng SV Bến Tre đã có nhiều nỗ lực, nhanh chóng tiếp cận và hưởng ứng Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp do Tỉnh ủy phát động. Những cố gắng của các đơn vị, trường học, doanh nghiệp trong tỉnh để đưa ĐKKN vào cuộc sống học đường như: Cô Lê Thanh Trúc, TGGD Cty Phú Lễ trong kỳ sinh hoạt Quý 1/2016, ngay khi tỉnh nhà chưa phát động Đồng Khởi khởi nghiệp đã trực tiếp tham gia chia sẻ tinh thần doanh nhân với các bạn HSSV trong nhóm Sáng tạo Trẻ, chỉ dẫn, khuyến khích và cổ vũ các bạn trong nhóm Sáng tạo Trẻ dấn thân bằng con đường sáng tạo, khởi nghiệp, gần đay như Hội nghề cá, Liên Minh Hợp tác xã tỉnh, trường CĐ Bến Tre, nhóm Sáng tạo Trẻ, Cty Thành Vươn… cử nhiều cán bộ, giảng viên, cựu SV tham gia các khóa huấn luyện, tọa đàm Khởi nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đồng Tháp, Kiên Giang trong nửa đầu tháng 5 … đã tạo ra chất xúc tác góp phần truyền cảm hứng cho nhiều SV, cựu SV mạnh dạn hình thành các nhóm liên kết với các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh xây dựng những ý tưởng sáng tạo đề xuất ươm mầm khởi nghiệp như nhóm Cựu SV Huỳnh Tấn Đạt (khoa Kinh tế Tài chính), Trần Chí Thanh (khoa Công nghệ Thông tin), Ngô Thị Thiên Kim, Trần Ngọc Linh (khoa KH Xã hội & Nhân văn), SV Sử Hoàng Ân, Nguyễn Như Phương, Nguyễn Thị Ngọc (khoa Kinh tế Tài chính) … đã hợp tác với các bạn trẻ: Trần Trường Quân – xã Tam Hiệp, Bình Đại, Nguyễn Trung Hiếu, Trương Minh Châu, xã Phú Hưng, Tp Bến Tre, Trịnh Thị Ngọc Hiện, Trung tâm FACOD, Hội nghề cá Việt Nam, Nguyễn Lưu Bích Trâm, Trung tâm Hàn Quốc học, trường ĐHSP Tp Hồ Chí Minh, Phạm Minh Quang, trường ĐH Thủ Dầu Một… với các mô hình ươm mầm khởi nghiệp về lọc nước sạch sinh học, lọc nước mặn, máy sấy nông thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nước uống tại vòi, cung cấp rau quả an toàn, chất lượng cao. Những đề xuất này chưa hẳn là điểm sáng nhưng bước đầu đã thể hiện được những bước đi chắc và xứng đáng là những viên gạch xây nền phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp trong SV và giới trẻ tỉnh nhà.
Khởi nghiệp là một quá trình không đơn giản, SV đã ra trường, thanh niên ở địa bàn dân cư có đủ điều kiện trong tay khởi nghiệp đã khó, SV đang trên ghế nhà trường khởi nghiệp càng khó hơn! Nhìn ra tỉnh bạn, Đồng Tháp để khởi nghiệp Bí thư tỉnh ủy chỉ đạo mỗi cán bộ cấp trưởng phó phòng trở lên phải có cuốn Quốc gia Khởi nghiệp của Israel làm sách “gối đầu giường”, ở Kiên Giang phía sau mỗi nhóm SV có dự án khởi nghiệp là 1 giảng viên chuyên ngành có kinh nghiệm và tâm huyết, hướng dẫn, kết nối, trường CĐ Nghề của tỉnh dành đất cho SV thực hiện các dự án khởi nghiệp và cung ứng sản phẩm phục vụ SV ký túc xá của trường, tháng 6 tới trường tổ chức Hội thảo quốc tế về đào tạo nghề ASEAN trong dó có nội dung quan trọng là giúp SV khởi nghiệp qua kênh hợp tác quốc tế …Có thể nói từ cơ chế, lý thuyết đến hành động những nới có cách làm tốt, mô hình hay đều xác định khởi nghiệp, sáng tạo là đòn bẩy, là động lực của sự phát triển, là nhiên liệu” của cuộc sống. Đây cũng chí là lý do vì sao Trung tâm Tia sáng chọn Đồng Tháp và Kien Giang là 2 điểm kết nối để tổ chức 2 khóa tập huấn và 1 Tọa đàm Sáng tạo, khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Từ kinh nghiệm của tỉnh bạn, theo chúng tôi, để có môi trường cho hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành và phát triển, vấn đề cấp bách đặt ra, một đòi hỏi có tính chất quyết định là sự quan tâm thực chất và triển khai phong trào sáng tạo khởi nghiệp trong môi trường làm việc của cả hệ thống chính trị thấm đượm “tinh thần doanh nhân”, thay lối tư duy quản lý, mệnh lệnh hành chính bằng cách tiếp cận quản lý theo hướng tổ chức, kiến tạo, phục vụ vì sự phát triển bền vững của phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp.
Khi có cơ hội trao đổi với các chuyên gia về Sáng tạo, khởi nghiệp như: GT.TS Vũ Gia Hiền – Hiệu trưởng trường Trung cấp Âu Việt, Tp Hồ Chí Minh, ông Lê Đình Long – Giám đốc phát triển Trung tân Phát triển Doanh nghiệp Tia sáng Hà Nội – SPARK thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, cô Trần Thị Tuyết Nga- Chủ tịch làng nghề Một thoáng Việt Nam, anh Lê Trung Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý người nghiện ma túy – Hà Nội… chúng tôi đều nhận được những phản hồi tích cực về phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp của Bến Tre, chính bức tranh SV Bến Tre và câu chuyện ươm mầm cho SV khởi nghiệp đã giúp các chuyên gia dành cho Bến Tre sự quan tâm đặc biệt khi cả 4 chuyên gia đều sẵn lòng giúp tư vấn cho Bến Tre tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có thực chất phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp; đặc biệt là khởi nghiệp trong SV – mối bận tâm nhiều nhất của 4 chuyên gia tâm huyết với Bến Tre và khởi nghiệp. Hy vọng, thời gian tới, khi có sự vào cuộc của các chuyên gia, câu chuyện sinh viên khởi nghiệp ở Bến Tre sẽ được nhắc tới với những dấu ấn sâu sắc và phong phú bởi những điểm sáng SV, những mô hình khởi nghiệp, sáng tạo thành công lan tỏa từ nhà trường – nởi khởi nguồn của phong trào Đồng Khởi Khởi nghiệp & Phát triển Doanh nghiệp Bến Tre.
Bến Tre, cuối tháng 6/2016
(Nguyễn Khắc Kỳ)