“Nói cho bạn biết, Tú Quyên và gánh hát Thiên Lý có thể khiến bạn yêu cải lương thêm chút nữa”
Em là một thế hệ sau 2000 đang theo học tại trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh với một lĩnh vực mà mình yêu thích, đó chính là văn hóa và nghệ thuật. Gần đây, em và nhóm bạn học đang tìm một đề tài nghiên cứu cho học phần Lý luận văn hóa, được thầy Phạm Văn Luân gợi ý và có cơ hội tiếp xúc với một gánh cải lương nhỏ giữa trung tâm thành phố phồn hoa – Gánh cải lương Thiên Lý. Chọn Gánh Thiên Lý làm đề tài chính, chúng em đã có một buổi đến xem gánh biểu diễn vào tối thứ bảy, ngày 12 tháng 10, đó là một buổi tối rất “đẹp” và đặc biệt.
Em muốn nói cho thầy cô, bạn bè và người thân biết, Tú Quyên và Gánh Thiên Lý đã khiến em yêu cải lương thêm chút nữa và em nghĩ Gánh Thiên Lý còn có thể khiến nhiều người yêu cải lương hơn nữa. Gánh Thiên Lý đã kéo em đến gần hơn nữa với cải lương, thúc giục em phải khai thác những điều mình chưa hiểu về cải lương Nam Bộ, để hơi thở của mình quay trở lại với quá khứ, hòa với những giai điệu truyền thống thân thương.
Gánh Thiên Lý và chị Tú Quyên vốn xuất thân là một “nhân vật” trong tác phẩm điện ảnh “Song Lang” của đạo diễn Leon Quang Lê ra mắt khán giả năm 2018 và sau đó chính thức bước ra đời thực vào năm 2022. Gánh có trụ sở tại một tòa chung cũ kỹ trên đường Nguyễn Siêu, một nẻo đường náo nhiệt của quận 1 trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Em không thể nào ngờ được, tại một góc quận trung tâm lại có một Gánh cải lương như thế đang tồn tại với một sức sống mạnh mẽ và đang vươn lên một cách âm thầm. Thật cảm ơn thầy Phạm Văn Luân, nếu không có gợi ý của thầy thì em và chúng em, những người trẻ còn đang “hờ hững” với cải lương sẽ chẳng bao giờ biết đến sự tồn tại của Thiên Lý.
Gánh cải lương Thiên Lý là một gánh hát phi lợi nhuận, nhưng khán giả đến xem phải đặt vé trước vì không gian có giới hạn. Nhóm chúng em đã đặt vé cho 6 người từ rất sớm để chuẩn bị cho lần trải nghiệm đặc biệt này. Vé online được thiết kế theo phong cách khá “cũ”, sự cổ điển của nó rất đúng với tinh thần của cải lương xưa. Bước vào tòa chung cư cũ, trải qua một đoạn đường lên thiếu thốn ánh sáng và hơi người, cuối cùng em và nhóm bạn học cũng đến được Gánh hát, đó là một căn nhà nhỏ, cổng vào thô sơ. Em phải cảm thán rằng, khu chung cư này giấu Thiên Lý quá chi là kín đáo. Đón tiếp chúng em là một bạn nam mặc áo in dòng Thiên Lý, nghe loáng thoáng cũng là sinh viên đại học, đáng tiếc em chưa có cơ hội hỏi thăm về cơ duyên giữa bạn và gánh hát này. Bên cửa ra vào trang trí một vài lồng đèn đỏ thô sơ và một số sản phẩm lưu niệm dành cho khán giả đến xem biểu diễn.
Bên trong cánh cửa thô sơ là một căn phòng nhỏ chừng 40 mét vuông, để sẵn khoảng 30 chiếc ghế cao và gần sân khấu hơn thì trải chiếu để khán giả ngồi bệt xuống. Chúng em đã tìm hiểu về Gánh trước khi đến đây nên đối với không gian eo hẹp của chỗ này cũng không mấy bất ngờ. Chính cái không gian này đã tạo nên nét đặc trưng cho Gánh cải lương nhỏ giữa lòng thành phố. Đúng 7 giờ, khán giả có vé đã đến đủ, em và không chỉ mình em đều ngạc nhiên vì sự có mặt của rất nhiều người trẻ tuổi đến với Thiên Lý hôm nay. Sau đó, chúng em được đưa vào một không gian mới, không gian sau tấm màn nhung đỏ, không gian của ánh đèn màu, không gian của nhạc cụ truyền thống và không gian của tiếng hát cô đào Tú Quyên. Lòng em khoảnh khắc ấy bồi hồi khác lạ, những hình ảnh, những âm thành đầu tiên như những nét bút mở màn khắc họa vào tâm trí em hình bóng của cải lương thuở ban đầu…
Như em đã nói, em cũng từng tiếp xúc cải lương từ nhỏ nhưng chưa bao giờ là khán giả của một đêm diễn vở cải lương trực tiếp, gần gũi và mộc mạc như thế này nên với lần đầu tiên trải nghiệm ở Gánh Thiên Lý, em bắt đầu có nhiều rung động và em nghĩ không chỉ mình như thế. Không gian “eo hẹp” trong căn phòng ấy, người nghệ sĩ và khán giả như là những nhân vật cùng đứng trên một sân khấu, cảm xúc trong lời ca tiếng đàn của người nghệ sĩ nung nấu cảm xúc của khán giả đến dâng trào. Gánh hát Thiên Lý là nơi đầu tiên em được xem cải lương theo một cách truyền thống nhất. Em chợt quên rằng, nơi em đang ở là quận 1 trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nơi hoa lệ và hào nhoáng với cầu Ba Son tráng lệ, nơi có những tòa nhà cao đa sắc đa màu, nơi có bến Bạch Đằng lấp lánh ánh đèn đưa rước những du thuyền ngược xuôi, nơi những “con đường Nhật Bản” ồn ào náo nhiệt,…
Ngày em và nhóm bạn học đi xem, Thiên Lý biểu diễn độc thoại về nữ đế Lý Chiêu Hoàng, theo như chị Tú Quyên chia sẻ thì đây là vở duy nhất mà ban nhạc bước ra biểu diễn trước sân khấu cùng với chị. Chính vì thế mà chúng em không chỉ được thấy Lý Chiêu Hoàng, mà còn thấy cả Trần Cảnh, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Thuận Thiên… Họ gắn liền với các nhạc cụ như ghi ta phím lõm, đàn tranh, tiêu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… Các nhạc công đều mặc áo dài màu đỏ rượu, đội mấn và đeo mặt nạ. Chiếc mặt nạ ngụ ý che đi cảm xúc của họ khi đối diện với khán giả nhưng lại không che đi được những người nghệ sĩ tài hoa như TS, Nghệ sĩ ưu tú đàn tranh Hải Phượng… Khuất bên trong cánh gà còn có người đánh trống và người kéo nhị, để giúp lột tả hết các cung bậc cảm xúc của Lý Chiêu Hoàng đang độc thoại trên sân khấu.
Thông qua Tú Quyên, thông qua giàn âm thanh chân thực không qua một thiết bị khuếch đại nào khiến em, người ngồi bên dưới sân khấu chẳng thể nào quên được dáng vẻ tình yêu hồn nhiên của Chiêu Thánh và Trần Cảnh trước giông bão cuộc đời. Dáng vẻ cánh hoa mỏng manh trôi giữa hoàng triều của Chiêu Thánh trước tình thế Trần thịnh Lý suy, dáng vẻ Chiêu Thánh đau khổ trước cảnh phải san sẻ chồng với chị ruột, dáng vẻ Chiêu Thánh vừa hận vừa thương đối với mẹ ruột phản Lý theo Trần. Lời ca tiếng đàn đến bên tai, giai điệu bổng trầm đặc trưng của cải lương, áo hoa, trâm cài, mấn đỏ của nhân vật, đèn chiếu đa sắc đa màu…
Em không còn đặt mình vào thế kỷ 21 nữa, em đang sống trong thời đại huy hoàng nhất của nghệ thuật cải lương. Vào thời khắc tôi ngồi ở đó em tin như thế. Những đêm diễn phi lợi nhuận của gánh đã khiến tôi và các bạn học được một lần mãn nhãn, cái mộc mà Thiên Lý đã thể hiện trên sân khấu ấy không một nhà hát lớn nào làm được. Em có nói với chị Tú Quyên rằng, trước lúc đến xem, em muốn hỏi chị xem, để phát triển Thiên Lý chị có ý định là sẽ thay đổi mô hình sân khấu và phương thức hoạt động của gánh hay không, nhưng khi em được trải nghiệm một buổi nghe nhìn thật “hay” và “đẹp” ở đây em không còn ý định với câu hỏi đó nữa. Em cảm thấy rằng Thiên Lý đang làm rất tốt vai trò của mình trong quá trình viết nên trang sử kế tiếp của nghệ thuật cải lương truyền thống. Đôi khi cái gọi là làm cho “phát triển” ấy không thể áp dụng cho tất cả, chính cái sự mộc mạc của gánh cải lương Thiên Lý bây giờ đã tạo nên điều đặc biệt, cứ đặc biệt chắc chắn sẽ tỏa sáng.
Kết thúc buổi diễn, màn nhung của nghệ thuật khép lại và màn nhung của cuộc đời mở ra, Tú Quyên trở về là Tú Quyên, ban nhạc trở về là những người nghệ sĩ, khán giả trở về là những người cảm thụ nghệ thuật. Căn phòng nhỏ bắt đầu xôn xao những câu nói, câu chào, những lời chia sẻ và tâm tình đầy cảm xúc. Khán giả đêm ấy có một vài cô trung niên là giảng viên đại học, còn lại đa phần là các sinh viên trẻ từ các trường đại học khác nhau. Ai cũng đứng lên bày tỏ những tâm tình của mình về nghệ thuật cải lương truyền thống và buổi biểu diễn của gánh Thiên Lý. Em nhận ra rằng, gánh Thiên Lý còn thật tài tình trong việc nuôi dưỡng xúc cảm trong lòng người xem.
Hóa ra sức sống của cải lương vẫn còn rất mạnh mẽ như thế, dù không thể đối đầu với hàng loạt sản phẩm giải trí hiện đại ngoài kia nhưng cải lương vẫn có một vị trí nhất định trong lòng những người yêu nghệ thuật. Ban đầu em và nhóm bạn học có dự định sẽ phỏng vấn chị Tú Quyên và khán giả đến xem, nhưng không ngờ được sau buổi biểu diễn ấy, những người thật sự yêu và cảm thụ nghệ thuật đã “phỏng vấn” lẫn nhau, tạo nên một không khí hết sức “chân tình”. Cũng nhờ vậy mà nhóm chúng em đã thu thập được rất nhiều tư liệu quý giá phục vụ ch bài học của mình. Vở diễn của Gánh Thiên Lý đã có một cái kết thúc vô cùng đặc sắc và khiến người ta lưu luyến như thế.
Quá trình trưởng thành, những năm học tập đã giúp em “biết” và trân trọng cải lương, một loại hình nghệ thuật truyền thống của vùng đất phía Nam tổ quốc. Nhưng sau đấy thật nhiều năm em được biết về Thiên Lý, Gánh hát nhỏ đã khiến em yêu cái nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình thêm một chút. Em và các bạn học rất cảm ơn Tú Quyên và Gánh Thiên Lý đã dành một tình yêu lớn như thế cho cải lương, quyết tâm đem cải lương đến với đời sống hiện đại của con người Việt Nam, dùng cuộc đời mình để giữ gìn nó và tên tuổi của mọi người sẽ được viết vào lịch sử nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Xã hội vận động không ngừng, bất cứ một loại hình nghệ thuật nào cũng có một thời huy hoàng của nó, nghệ thuật cải lương đã từng như thế. Em không dám mong cải lương sẽ huy hoàng trở lại nhưng em xin chúc cho gánh hát Thiên Lý sẽ tạo nên được một thời đại huy hoàng của riêng mình trong bối cảnh Thành phố mang tên Bác đang đẩy mạnh phát triển Công nghiệp văn hóa mà Gãnh Thiên Lý theo chúng em và thầy giáo của mình đã là 1 mô hình sáng tạo công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Bài viết: Mỹ Quyên; Ảnh: Nhóm Đang đọc sách