Tin Tức & Sự Kiện
Những điểm dừng chân đáng nhớ trong chuyến tiền trạm tìm hiểu câu chuyện liên quan đến Liệt sĩ Nguyễn Thái Bìnhở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

Những điểm dừng chân đáng nhớ trong chuyến tiền trạm tìm hiểu câu chuyện liên quan đến Liệt sĩ Nguyễn Thái Bìnhở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

Ảnh Tư liệu

Cây có cội, nước có nguồn” – đạo lý về nguồn cội luôn là ngọn đuốc chỉ đường sáng mãi trong lòng mỗi con người Việt Nam mỗi khi nhớ về công ơn to lớn của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương đổi lấy nền độc lập, tự do của dân tộc. Hôm nay, em vẫn không quên tưởng nhớ và tri ân những bậc tiền bối, cha ông ta đã dũng cảm đứng lên bảo vệ đất nước Việt Nam xinh đẹp trước các thế lực thù địch. Thông qua dịp đi thực tế về huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An sắp tới vào ngày 13/10/2024, em càng có động lực tìm hiểu về những câu chuyện liên quan đến Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình qua chuyến đi tiền trạm qua lời kể của người dân sống ở quê hương ông.

Để có một chuyến đi tiền trạm vô cùng tốt đẹp và ý nghĩa, em vô cùng cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của Tiến sĩ Phạm Văn Luân, là giảng viên hướng dẫn học phần Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng. Nhờ sự cố vấn của thầy mà em đã tự tin hơn khi đặt chân đến một vùng đất mới lạ nhưng cũng vô cùng tự hào khi nơi đây – Thị trấn Cần Giuộc, Tỉnh Long An là sinh quán của Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Thông qua chuyến đi này, em đã hiểu được sự quan tâm của người dân ở cộng đồng quê hương dành cho Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình như thế nào. Đồng thời đây cũng là cơ sở để bổ trợ cho chuyến đi thực tế sắp diễn ra giữa nhóm em và các bạn cùng lớp  22DQLDS, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 26km, kết nối Thành phố Hô Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long qua Quốc lộ 50, sau gần 1 giờ 30 phút đi bằng phương tiện xe gắn máy, vào lúc 8:30 ngày 6/10/2024, em đã đến được địa điểm Công viên Tượng đài Nguyễn Thái Bình, nơi mà em và các bạn nhóm 9 lớp 22DQLDS sẽ cùng đến trong chuyến đi thực tế sắp tới.

Người dân ở huyện Cần Giuộc đang thắp nhang tưởng niệm Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình tại Công viên Tượng đài Nguyễn Thái Bình – Nguồn: Thiện Nhân – 06/10/2024

Sau khi vừa tới địa điểm đầu tiên là công viên Nguyễn Thái Bình, em may mắn bắt gặp được trọn vẹn khoảnh khắc cô An, là người dân đang sinh sống tại Thị trấn Cần Giuộc đến thắp nhang cho Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Sau khi quan sát nghĩa cử của cô, em nhanh chóng tiếp cận và xin phép phỏng vấn cô về những câu chuyện hoặc thông tin mà cô biết về Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Được hỏi, cô An niềm nở trả lời phỏng vấn. Cô cho hay lí do cô đến đây thắp nhang cho Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình là vì cô rất cảm kích và biết ơn các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc. Khi được hỏi về việc cô có biết thông tin tiểu sử về Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình cùng những thành tích hay giá trị mà Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình để lại cho nhân dân không ? Cô thành thật trả lời là cô không biết gì về ông ngoài việc cô biết ông là Liệt sĩ có công với đất nước, người dân nơi đây tôn kính và tưởng niệm ông nên cô cũng thế và không có khi nào tìm hiểu chi tiết về ông cả. Cô vui vẻ hướng dẫn em rằng nếu em muốn tìm hiểu về ông có thể tới trung tâm văn hóa ở gần công viên cách công viên khoảng 1 km có các anh cán bộ rất am hiểu về ông. Cô An cho hay rằng cô là người Hà Nam chuyển tới Long An để lập nghiệp và chỉ mới sinh sống ở thị trấn Cần Giuộc được 3 năm. Khi được hỏi về hành động thắp nhang cho Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình cô đã nghĩ gì, cô cho rằng thắp nhang cho ông không chỉ là để tưởng nhớ và biết ơn ông mà cũng là niềm tin của cô về tâm linh, cầu mong sức khỏe cho những người thân và thành công phát đạt. Qua những lời cô chia sẻ, em cảm thấy vô cùng cảm kích khi những người từ nơi khác đến đây lập nghiệp nhưng lại có niềm tôn kính với các anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Đặc biệt là Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình.

Cũng theo lời cô, địa điểm thứ 2 em đặt chân đến là Trung tâm văn hóa – thông tin và truyền thanh huyện Cần Giuộc. Khi tới đây, em gặp được một anh trai tầm khoảng độ tuổi 25 – 30 đang ngồi ghế đá. Em xin phép phỏng vấn anh những gì anh biết về Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình, anh cho hay rằng anh chỉ đến đây để đưa con đi học năng khiếu, anh có từng nghe qua về Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình nhưng để nói được rành mạch và chi tiết thì anh lại không thể. Lí do anh chia sẻ là vì những thông tin mà anh biết từng được học trong môn lịch sử. Tuy nhiên do đã rời trường lớp khá lâu nên anh không còn tự tin những thông tin mình nhớ về ông là đúng.

Một góc đường ở trung tâm văn hóa – thông tin và truyền thanh huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An – Nguồn: Thiện Nhân – 06/10/2024

Sau khi phỏng vấn 2 người, em cảm thấy có vẻ như người dân chưa quan tâm lắm về tiểu sử cũng như những giá trị mà Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình để lại cho các thế hệ sau. Lúc này em quyết định đến địa điểm thứ 3 là địa chỉ mà ông đã từng sinh sống thuở còn nhỏ. Thông tin trên mạng lúc này lại cực kì khan hiếm, điều chúng em có thể tìm ra được đó là xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và không có địa chỉ chi tiết nhà ông. Nhưng không thể tuyệt vọng và lùi bước, em quyết đến khu vực xã Trường Bình thì gặp được một người đàn ông đang gặt lúa, quần áo đã dính đầy bùn. Lúc đó, em chỉ nghĩ đây sẽ là người có thể biết nhiều câu chuyện về Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình, em không ngần ngại đến gần ông và xin phỏng vấn. Cảm giác vui nhất của một sinh viên ngành Quản lý văn hóa và đang tìm hiểu về những câu chuyện có liên quan đến Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình không phỉa là làm tốt công việc hay trách nhiệm của mình, mà là khi thấy được sự am hiểu và lòng biết ơn của người dân đối với các anh hùng có công với đất nước. Ông tên Tăng, hiện 73 tuổi, đang thường trú tại xã Trường Bình cũ ở huyện Cần Giuộc. Khi em phỏng vấn ông, ông không nề hà hay rụt rè bởi một cô sinh viên trẻ, ông sẵn sàng chia sẻ về những gì ông biết về Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Ông Tăng cho hay, ông thường nghe đài và truyền hình tivi nhắc đến Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình, ông không chắc có thể nhớ chính xác về gia đình của Nguyễn Thái Bình ra sao, nhưng tiểu sử và những giá trị mà Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình để lại ông đều biết. Ông nói với em, Nguyễn Thái Bình sinh năm 1948 và mất năm 1972, ông không nhớ được ông Nguyễn Thái Bình sinh ngày bao nhiêu hay mất ngày, tháng, năm nào, nhưng nếu ông Nguyễn Thái Bình còn sống sẽ rơi vào khoảng 76 tuổi, hơn ông 3 tuổi. Ông bày tỏ sự kính trọng rằng: “Ông Nguyễn Thái Bình sinh quán ở xã Tân Kim trước kia, nay xã Tân Kim và xã Trường Bình đều đã là một phần của huyện Cần Giuộc. Lúc nhỏ ông học ở quê nhà, sau lên học ở trường Petrus Ký, rồi được vào học ở Cao đẳng Nông Lâm Súc, hiện là Trường Đại học Nông Lâm. Vì ông học giỏi nên cấp học bổng sang Mỹ tiếp tục phát triển con đường học tập.

Ông Tăng đang trả lời phỏng vấn của sinh viên Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh – Nguồn: Thiện Nhân – 06/10/2024

Ước mơ được học tập ở Mỹ là ước mơ của rất nhiều thế hệ trẻ ham học hoit lúc bấy giờ, chính vì vậy Nguyễn Thái Bình là niềm tự hào vô cùng to lớn với người dân huyện Cần Giuộc nói riêng và đất nước ta nói chung. Cũng thời điểm ấy, Mỹ đang xâm lược nước ta. Tuy là một sinh viên đang học tập dưới chương trình giáo dục của đế quốc Mỹ, Nguyễn Thái Bình chưa từng sợ hãi mà luôn dũng cảm đứng lên đấu tranh vì dòng máu ông đang mang. Là một người con Việt Nam ông tham gia các cuộc biểu tình, mít tinh,… phản chiến các cuộc chiến tranh xâm lược. Ông Tăng chia sẻ, chính vì những hành động quả quyết và dũng cảm của ông, tuy khi ấy chỉ là một cậu sinh viên trẻ nhưng đã luôn lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ đất nước quê hương của mình mà Nguyễn Thái Bình đã bị trục xuất về Việt Nam. Trên chuyến bay về lại quê nhà, ông đã bị ám sát và bị vứt sát xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi được tận tay nghe những gì ông Tăng chia sẻ, trong lòng em cảm thấy vô cùng tự hào và ngưỡng mộ về kiến thức và sự quan tâm của ông dành cho Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Theo đó, em hỏi ông Tăng có thường xuyên ra ghé thăm hay dâng hương cho ông Nguyễn Thái Bình tại Công viên Tượng đài Nguyễn Thái Bình hay không, ông lấy làm tiếc rằng không thường xuyên ra vì nhà không khá giả hay có điều kiện, quanh năm suốt tháng gắn bó với nghề làm nông tay lấm chân bùn. Tuy nhiên, ông biết rõ ở chính địa phương mà ông đang sinh sống đều có con đường mang tên Nguyễn Thái Bình, có trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình và thậm chí ông còn biết ở quận Tân Bình, cũng có Trường THPT Nguyễn Thái Bình.

Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình huyện Cần Giuộc vào một ngày chủ nhật – Nguồn: Thiện Nhân – 06/10/2024

Qua ba người mà em đã phỏng vấn được cũng như ba địa điểm mà em đã ghé thăm trong chuyến đi tiền trạm, em lấy làm vui và tự hào khi người dân nới đây đều biết đến Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình, tuy kiến thức mỗi người là mỗi khác nhau ít hoặc nhiều nhưng nhìn chung đều có lòng tôn kính và biết ơn những giá trị Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình đã đẻ lại. Song, em vẫn lấy làm tiếc khi chưa thể có cơ hội để phỏng vấn đầy đủ hết các độ tuổi và giới tính khác nhau của người dân huyện Cần Giuộc, đặc biệt là các độ tuổi thanh thiếu niên. Vì ông Tăng cũng là người cuối cùng mà em phỏng vấn được trong chuyến đi và sau đó trở lại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên em đến Long An và cũng mang trong mình rất nhiều nhiệt huyết và tự hào sau khi tìm hiểu về những câu chuyện liên quan đến Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình qua chính lời kể của người dân. Những tấm gương như ông Nguyễn Thái Bình sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ hiện tại và tương lai noi theo. Đó cũng là gái trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta và là nguồn động lực khuyến khích mọi người đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, địa phương. 

Trần Thị Thanh Thúy