Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thạc San-Con người của khát khao đổi mới
Ông đã được Hội đồng cấp cơ sở thống nhất đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo Nhân dân”. Ở tuổi sắp nghỉ hưu, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thạc San vẫn say mê lên lớp, vẫn tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) và vẫn hoàn thành xuất sắc cương vị Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương TP HCM.
Thầy Nguyễn Thạc San (thứ 2 từ trái) và học trò K9 Văn A, CĐSP Bến Tre (bìa phải) tại Hội thảo KH toàn quốc về vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường ĐH – CĐ Việt Nam, Buôn Mê Thuột
tháng 3/2009 (Ảnh STT)
Hãy luôn luôn cháy sáng ngọn lửa yêu người – yêu nghề
Chàng trai của vùng quê nổi tiếng là Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh Nguyễn Thạc San đang học năm thứ 3 – khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội I, đã xung phong vào bộ đội vào Nam đánh Mỹ vào tháng 1/1972. Sau khi xuất ngũ và tiếp tục theo học ĐHSP Hà Nội I. Tháng 9/1977 ra trường, Nguyễn Thạc San lại xung phong vào quê hương Đồng Khởi nổi tiếng, dạy học ở trường CĐSP Bến Tre. Thời bấy giờ, Bến Tre được coi như “ốc đảo” nghèo khó nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cả 2 lần xung phong, chàng trai Thạc San đều chọn nơi hiểm nguy, gian khổ nhất để thử thách lòng mình. Trong bài thơ “Gửi đồng đội cũ” thời chống Mỹ, Nguyễn Thạc San ngậm ngùi xót xa, vì biết bao bạn bè đã mất: “… Thằng Hưng “còm” hy sinh ở Thạnh Thất / Thằng Ngạn “hài” ngã xuống ở B2 / Nguyễn Bình Vân ôm ấp tập thơ dài / Vĩnh biệt cuộc đời ở ngã ba Đồng Lộc…”.
“Tôi chọn nghề dạy học, vì nó đòi hỏi người thầy phải không ngừng đam mê, sáng tạo. Nếu đơn thuần chỉ biết truyền thụ kiến thức thì đó là thợ dạy – ai cũng có thể làm được, miễn là được đào tạo cơ bản. Còn nhà giáo đúng nghĩa là phải biết khơi gợi, dẫn đường cho các thế hệ học sinh biết cách tự khám phá chân trời khoa học – nghệ thuật. Phải truyền được ngọn lửa đam mê cho các em….”.
21 năm làm giáo viên (GV), làm trưởng khoa Ngữ văn; trưởng khoa Xã hội, phó bí thư Đảng uỷ trường CĐSP Bến Tre, nhà giáo Nguyễn Thạc San nổi danh là thầy dạy Văn hấp dẫn của tỉnh. Năm 1997, lần đầu tiên thầy San đưa ra quan điểm hết sức mới: “Hãy dạy các em nắm chắc kiến thức trừu tượng – cơ bản của phân môn Lý luận Văn học.Từ đó giúp các em vận dụng vào việc phân tích tác phẩm cụ thể”. Phân môn Lý luận Văn học rất khó, hầu như chỉ dạy một số tiết ít ỏi cho học sinh (HS) lớp 11, lớp 12. Trong khi thầy San lại đưa trực tiếp vào dạy đội tuyển HS giỏi lớp 9 môn Văn của tỉnh Bến Tre đi thi HS giỏi quốc gia. Kết quả không ngờ năm này, đội tuyển thầy San có 7/8 em đạt HS giỏi toàn quốc!
Năm 1995, thầy San chuyển công tác về trường CĐ Công thương TP HCM (tiền thân là trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp 2). Môi trường công tác mới, ngành nghề đào tạo của trường mới khá xa lạ với chuyên môn của thầy dạy Văn, nhưng thầy San đã khéo léo huy động được sức mạnh của tập thể. Trên cương vị trưởng ban chỉ đạo đội tuyển Robocon của trường CĐ Công thương dự thi vòng toàn quốc, NGƯT Nguyễn Thạc San đề xuất cho quay trực tiếp camera tất cả các trận đấu Robocon. Sau đó về chiếu lại, toàn đội mổ xẻ cái hay cái dở của từng đội tuyển đối phương, tìm đấu pháp cho trận đấu sắp tới. Kết quả, đội Robocon trường CĐ Công thương đạt giải 3 toàn quốc, đồng thời đạt giải con “Rô bốt tự động tốt nhất” của vòng thi chung kết quốc gia…
Vừa tròn 35 năm dạy học, làm cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) kể cả ở lĩnh vực đào tạo hay công tác Đảng – Đoàn thể, nhà giáo Nguyễn Thạc San đã có hơn 30 sáng kiến, giải pháp, đề tài NCKH, giáo trình, bài báo khoa học có giá trị cao. Ông đã lên lớp là ai cũng cảm thấy thích học, vì kiến thức bài giảng phong phú, cập nhật, vừa rộng, vừa sâu. Đặc biệt thầy San đòi hỏi rất cao ở HS tính tự học, về phương pháp tư duy tích cực sáng tạo.
Nhà quản lý đa tài
35 năm gắn bó với bục giảng, NGƯT Nguyễn Thạc San có 15 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp trường – tỉnh – bộ (trong đó có 1 danh hiệu thời còn tại ngũ). Dù mới chỉ là thạc sĩ Giáo dục học, nhưng thầy San có những đóng góp lớn về mặt QLGD và NCKH không thua gì tiến sĩ.
Trường CĐ Công thương TP HCM đã cử NGƯT Nguyễn Thạc San làm trưởng ban xây dựng chương trình đào tạo trình độ trung cấp nghề Công nghệ sản xuất hàng Da – Giày của trường. Ông đã có bốn công trình, tham luận khoa học gây được tiếng vang lớn, có giá trị đột phá trong QLGD và đổi mới phương pháp dạy học. Có thể kể đầu tiên là tham luận “Quản trị chất lượng tự học của sinh viên – một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả GDVN”. “Chất lượng tự học của sinh viên” được nhà giáo Thạc San, lần đầu tiên đưa vào bộ ”tiêu chuẩn đầu ra của sinh viên”, quả là rất mới mẻ… Thứ hai: trong tham luận khoa học “Sử dụng phương tiện dạy học – từ đèn đỏ đến đèn xanh”, NGƯT Nguyễn Thạc San đã khiến nhiều CBQLGD; chuyên gia GD và GV phải giật mình! Tham luận này của thầy San đã cảnh báo sự lạm dụng, sự lầm tưởng của nhiều GV, khi sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực giúp GV sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại… Thứ ba: Với những ý kiến đóng góp tâm huyết mang tính khoa học sắc bén, NGƯT Nguyễn Thạc San đã 2 lần được Bộ GD&ĐT bổ nhiệm làm “thành viên Hội đồng thẩm định chương trình Kỹ năng giao tiếp trình độ trung cấp chuyên nghiệp” và làm “thành viên Hội đồng thẩm định chương trình học phần Khởi tạo doanh nghiệp trình độ trung cấp chuyên nghiệp” vào năm 2011 và 2012… Được sự chỉ đạo tận tình của TS Lê Thanh Bình (hiệu trưởng trường CĐ Công thương TP HCM), hiệu phó Nguyễn Thạc San trên cương vị phụ trách đào tạo, ông đã góp phần đắc lực để nhà trường chuyển đổi thành công phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ; hoàn thành tốt báo cáo tự đánh giá công tác kiểm định chất lượng đào tạo; hoàn thành tốt việc xây dựng “bộ tiêu chuẩn đầu ra cho sinh viên” và thực hiện nghiêm túc “ba công khai” theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Một hình ảnh bình thường, nhưng ai đã gặp thầy San đều cảm phục. Tại phòng làm việc của ông ở trường CĐ Công thương, số lượng sách – báo – tạp chí gần nửa phòng. Ở nhà riêng thầy San, số lượng sách – báo – tài liệu gần gấp đôi ở trên. Hễ rảnh là ông nghiến ngấu kho tư liệu đến quên ăn, quên ngủ (chưa kể kho thông tin internet khổng lồ, mà mỗi ngày thầy San phải vào đó ít nhất 1 – 2 tiếng để phục vụ cho công việc).
NGƯT Nguyễn Thạc San chưa bao giờ cảm thấy tự hài lòng với chính mình. Ông tâm sự: “Mọi thành công ít nhiều trong cuộc đời dạy học và làm CBQLGD của tôi, phần lớn là nhờ được rất nhiều đồng nghiệp bạn bè tận tình giúp đỡ.” Tuy nhiên với đồng nghiệp cũng như sinh viên, ông luôn luôn sâu sát, chân thành lắng nghe, cảm thông và chia sẻ mọi sự vui buồn, thành công cũng như thất bại. Tác phong “nghệ sĩ” với nụ cười rộng mở, cách ăn nói có duyên, cung cách quản lý chỉ đạo “nói được – làm được”, dám đi đầu đột phá trong nhiều lĩnh vực QLGD, dám chịu trách nhiệm, hết lòng với nghề nghiệp…, có thể nói đó là phác thảo chân dung của NGƯT Nguyễn Thạc San và có lẽ cũng là phác thảo chân dung cần có của một CBQLGD nước ta thời công nghiệp hoá – hiện đại hoá.
* Các bạn có nhu cầu giao lưu, trao đổi với NGƯT Nguyễn Thạc San có thể liên hệ với STT qua email: sangtaotre2010@gmail.com chúng tôi sẽ là cầu nối giữa các bạn vối thầy. Xin cám ơn
(TNV-STT)