Tin Tức & Sự Kiện
LÝ LUẬN VĂN HÓA – GÓC NHÌN TỪ LAN ĐÌNH BẾN, BÌNH THUẬN

LÝ LUẬN VĂN HÓA – GÓC NHÌN TỪ LAN ĐÌNH BẾN, BÌNH THUẬN

Cổ nhân có câu nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng” – tức mọi chuyện trên đời đều có nhân duyên, vì thế ở những dòng đầu tiên này, tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành và tri ân sâu sắc đến TS. Phạm Văn Luân đã cho tác giả có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và học hỏi các giá trị văn hóa thông qua bộ môn Lý luận văn hóa tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 1. Hình chụp buổi báo cáo sơ bộ kết quả thực hành môn học Lý luận văn hóa. Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Văn hóa, như một dòng sông chảy mãi, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi, giá trị đích thực của văn hoá sẽ tồn tại trong những hình thức như thế nào hay chưa? Nếu chưa, tác giả hi vọng một ngày nào đó các bạn sẽ đến Á Nam Lưu niệm đường tọa lạc tại địa chỉ 58/4 Kp5, Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh – nơi thờ cúng và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của nhà thơ Trần Tuấn Khải thông qua những bút tích, bài thơ, những tấm thư pháp, những bia đá khắc,…Để có được một không gian như trên, chủ nhân của nơi này đã từ bỏ nước Mỹ phát triển ngược dòng về Việt Nam – bà là nữ sĩ Trần Thị Lan (Lan Hinh) hiện ngụ tại Lan Đình Bến xã Đông Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.


Hình 2. Không gian Lan Đình Bến tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận
Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Điều gì đã khiến tác giả cảm thấy say mê đến vậy khi đặt chân đến nơi này? Đó chính là sự trong lành, mát mẻ của không khí – một bầu không khí mà không nơi nào trên đất Sài thành có thể đáp ứng được. Ngay từ những bước chân đầu tiên, nhóm tác giả đã có thể cảm nhận được sự thanh bình, như thể mọi căng thẳng, bộn bề của cuộc sống đô thị đều tan biến. Toàn cảnh như một bức tranh, với những hàng cây xanh mát bao quanh, những làn gió nhẹ thoảng qua mang theo hương thơm cỏ cây. Con người, thực vật, động vật, thủy văn cùng hòa mình vào nhau tạo nên một khung cảnh hết sức thơ mộng, trữ tình. Sau cổng chào, năm gian nhà tranh dần hiện ra giữa khung cảnh xanh tươi, tạo thành một bức tranh sống động hài hòa. Một trong những gian nhà ấy là nơi ở của cụ Lan Hinh, người đã một tay gây dựng và gắn bó mật thiết với mảnh đất này.

Hình 3. Nữ sĩ Lan Hinh (thứ 3 từ trái) cùng thầy, trò bộ môn Lý luận văn hóa.
 Nguồn: NNC

Góc chính diện nhìn từ cổng, là địa điểm diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan. Bước vào bên trong, không gian giản dị nhưng tràn đầy hơi thở cổ xưa. Những bộ bàn ghế bằng gỗ được chạm khắc tinh tế, những tấm phảng gỗ bình dị trải dài trên tường, tạo nên cảm giác gần gũi và quen thuộc.

Hình 4. Không gian bên trong gian chính. Nguồn: TG

Mỗi đồ vật đều mang theo câu chuyện của riêng mình, gợi nhớ về những kỷ niệm và phong tục tập quán lâu đời của người Việt ta. Tất cả đều làm bằng gỗ, tỏa ra một cảm giác ấm áp, gần gũi, khiến tác giả cảm thấy lòng mình như được gột rửa, tâm hồn trở nên thư thái và bình yên. Nơi đây không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm về chốn bình yên, là điểm cắm trại lí tưởng mà còn là nơi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Khi ghé thăm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh vật, mà còn có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống giản dị, bình yên tại nơi đây. Mọi thứ đều tỏa ra sự ấm áp và thân thiện, khiến ai cũng muốn quay lại một lần nữa.

Hình 5. Đoàn hướng dẫn cùng nhóm nghiên cứu sinh hoạt trong không gian chính
Lan Đình Bến. Nguồn: Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trần Thị Tranh Mùi

Và một trong những điều mà tác giả không thể quên khi đến Lan Đình Bến chính là việc được gặp gỡ, giao lưu trao đổi cùng nữ sĩ Trần Thị Lan – là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa: đoan trang, nghiêm chỉnh, gia giáo. Nơi bà, nhóm nghiên cứu đã có những góc nhìn đa chiều hơn cho một vấn đề bất kì nào đó, tưởng chừng như việc đó là lẽ đương nhiên nhưng nếu xét dưới góc độ lời chia sẻ của cụ thì chưa hẵn chúng ta có thể thực hiện thành công. Đơn cử, việc phân biệt và đảo ngữ cụm từ “quý khách” – “khách quý” sẽ giúp gia chủ có thêm sự yêu mến từ mọi người; hay việc thay đổi trật tự, ngữ pháp câu văn giúp thấu tình đạt lý hơn “Để con giúp mẹ cho.” – “Mẹ cho con giúp mẹ nhé!” và chắc hẵn ít người Việt Nam nào quan tâm đến văn hóa ứng xử thường ngày như trên, khi chính nó cũng nằm trong lĩnh vực văn hóa, chỉ khi nào con người ta đụng đến nó thì mới bắt đầu chiêm niệm về chúng.

Hình 6. Đại diện nhóm nghiên cứu tặng sách và trò chuyện cùng nữ sĩ Trần Thị Lan –
Chủ nhân Lan Đình Bến .Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Cuộc trò chuyện với nữ sĩ Lan Hinh kéo dài trong hơn 3 giờ đồng hồ, bên cạnh việc giúp nhóm nghiên cứu nhìn nhận rõ các tình huống văn hóa đơn giản, cụ bà còn chia sẻ những khúc mắt, nỗi lo tiềm ẩn trong công tác quản lý tư nhân và quản lý nhà nước về mặt di sản văn hóa; tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc – đây cũng là sự nan giải mà chưa thể giải quyết dứt điểm khi thiếu hụt nhân lực quản trị và đặc biệt là thiếu sức ảnh hưởng từ các giá trị truyền thống đến tầng lớp trẻ hiện tại. Nếu có cơ hội, các bạn trẻ nên một lần tìm đọc cuốn sách với tựa đề “Bến nào” của nữ sĩ, tác phẩm đã thể hiện cụ thể 12 bến lênh đênh của người phụ nữ: Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục, Cầm, Kì, Thi, Họa và 8 bến do nữ sĩ bổ sung: Công, Hầu, Bá, Tử, Ca, Nha, Tửu, Bác – các bến được khắc trên các tấm đá trên con đường vào Lan Đình Bến. Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ như tập thơ “Vườn hồng ABC”, “Kim Sinh Lụy”,…

Hình 6. Đá khắc thơ của Nữ sĩ Lan Hinh – Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Những dòng chia sẻ sau cùng, tác giả một lần nữa gửi lời cám ơn chân thành và sâu sắc nhất đến TS. Phạm Văn Luân cùng các thành viên trong đoàn hướng dẫn đã tạo điều kiện, giúp tác giả tiếp cận Lan Đình Bến – một mảnh ghép trong bức tranh thơ mộng, hữu tình. Chính sự nhiệt tình, chu đáo và những kiến thức sâu rộng từ môn học của đoàn đã giúp tác giả có một chuyến đi đến Lan Đình Bến thật sự ý nghĩa. Vẻ đẹp hoang sơ, hữu tình của nơi đây, cùng những câu chuyện được kể lại một cách sinh động; những lời chia sẻ từ các cá nhân khác nhau, đặc biệt là lời chia sẻ của nữ sĩ Trần Thị Lan đã để lại trong lòng tác giả biết bao cảm xúc khó tả. Lan Đình Bến xứng đáng là một địa danh du lịch nên được nhiều người đến hơn và cũng là một nguồn cảm hứng vô tận dành cho giới văn nghệ sĩ. Chuyến đi này đã giúp tác giả khám phá ra những điều kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng, đồng thời hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa của dân tộc, trọng tâm là giá trị truyền thống. Những trải nghiệm quý báu này sẽ mãi được tác giả trân trọng và sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho tác giả trong giai đoạn sau này

.
Nguyễn Thị Thanh Thảo, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật,
Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh