Tin Tức & Sự Kiện
Làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi đang bị mai một nhưng chưa từng bị lãng quên

Làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi đang bị mai một nhưng chưa từng bị lãng quên

Đây là lần đầu tiên đến với Củ Chi của em – một sinh viên năm 3 trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, em đã cùng các bạn trong lớp đến thăm một địa điểm làm bánh tráng nổi tiếng ở 272C tỉnh lộ 15, ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi vào ngày 3/9/2024. Chuyến đi thực tế đẻ lại nhiều cảm xúc nhưng cũng không ít phần khó khăn, thách thức trong quá trình nghiên cứu thực trạng hiện nay của làng nghề làm bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông.

Hình 1: Cổng làng nghề bánh tráng của một hộ gia đình – Nguồn: Trương Hoài Em – 3/9/2024

Sau nhiều ngày và nhiều lần lên ý tưởng về chuyến đi tìm hiểu về làng nghề làm bánh tráng truyền thống ở xã Phú Hòa Đông, sáng ngày 3/9/2024 em cùng các bạn đã có mặt tại đây. Để có một chuyến đi đầy tốt đẹp và ý nghĩa vừa qua là nhờ vào sự hướng dẫn tận tình của TS Nguyễn Thái Hòa và TS Phạm Văn Luân cố vấn cho chúng em. Đây là chuyến đi trên cơ sở nghiên cứu và phục vụ cho môn Di sản văn hóa phi vật thể đồng thời bổ trợ cho môn Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng. Thông qua chuyến đi này, chúng em đã có rất nhiều trải nghiệm thực tế và song đó nhận diện được thực trạng của làng nghề làm bánh tráng Phú Hòa Đông đang như thế nào.

Sau hơn 1 giờ 30 phút di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến địa điểm làng nghề làm bánh tráng, em cùng các bạn đã đến nơi và trời vừa trở nắng. Chúng em di chuyển bằng xe máy xuống địa điểm, vừa đến nơi em đã bắt gặp được chị Châu – chị là chủ hộ gia đình làm nghề làm bánh tráng thủ công, chị đang mua rau củ trước nhà. Trong số chúng em, chỉ có bạn Trang là người đã từng xuống địa điểm và biết chị Châu, Trang nhanh chóng xin phép chị Châu cho chúng em tham quan địa điểm làm bánh tráng và xin phỏng vấn chị Châu về những thông tin liên quan đến làng nghề làm bánh tráng.

Theo lời kể của chị Châu khi được hỏi về việc tại sao gọi là làng nghề bánh tráng nhưng chỉ thấy duy nhất hộ gia đình chị Châu làm bánh tráng thủ công, chị Châu chị Châu chia sẻ trước đây còn rất nhiều hộ gia đình làm bánh tráng thủ công, cứ cách một đến hai hộ là lại thấy một gia đình làm nghề bánh tráng. Tuy nhiên hiện nay do thị trường tiêu thụ lớn, việc làm bánh tráng thủ công không đáp ứng năng suất sản phẩm nên các hộ hầu như đã chuyển qua làm bánh tráng hiện đại bằng máy móc và dây chuyền, một số hộ do không đủ nhân lực để duy trì nên đã bỏ nghề.

Hình 2: Khu trưng bày các sản phẩm bánh tráng của hộ gia đình chị Châu – Nguồn: Thiện Nhân 3/9/2024

Về nguồn gốc của bánh tráng ra đời từ khi nào, chị Châu chia sẻ: từ thuở xa xưa, đất nước ta đã trồng trọt lương thực đặc biệt là lúa gạo, hay còn gọi là nền nông nghiệp lúa nước nên việc dư sản lượng lúa gạo là điều không tránh khỏi, việc dự trữ lâu làm ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo như bị mốc, bị mọt nên mọi người đã nghĩ ra cách làm các loại bánh từ gạo. Nói về các loại bánh đa dạng không nơi đâu bằng nước ta, nào là bánh bò, bánh pía, bánh da lợn, bánh phu thê,… mỗi vùng miền đặc trưng khác nhau và có cả bánh tráng. Chị kể: từ nhỏ chị đã nhìn thấy những người thân trong gia đình làm bánh tráng thủ công và chị không biết hình thành từ khi nào, chỉ biết nghề làm bánh tráng này đã có rất lâu từ trước, phải hơn 80 năm, đến chị đã là đời thứ tư trong gia đình được truyền nghề và chị còn dạy lại cho con gái của mình.

Hình 3: Con gái của chị Châu đang tầm tráng bánh – Nguồn: Trương Hoài Em 3/9/2024

Nói về việc tại sao hộ gia đình chị Châu vẫn chưa từ bỏ nghề làm bánh tráng thủ công trong khi đã nhiều hộ gia đình từ bỏ hoặc chuyển sang làm bánh tráng bằng công nghệ hiện đại. Chị Châu cho rằng việc gìn giữ lại nghề làm bánh tráng thủ công là một điều vô cùng khó bởi lẽ, rất ít người quan tâm đến việc truyền nghề, hơn nữa việc làm bánh tráng hiện đại cho năng suất cao hơn nhưng chị vẫn muốn giữ lại cái riêng, cái đặc biệt mà không muốn nó biến mất đi bởi từ khi sinh ra cho tới khi lớn lên, hình ảnh đốt lò, phơi bánh và còn nhiều công đoạn khác đã in sâu vào tiềm thức chị. Chị trân quý những giá trị truyền thống đó nên không muốn nó bị mai một. Chị cho hay để thu hút lại được sự quan tâm của mọi người về việc làm bánh tráng thủ công, chị kết hợp việc duy trì làm bánh tráng và kinh doanh các sản phẩm lưu niệm khác đi kèm và kết hợp việc cho du khách trải nghiệm việc làm bánh tráng ở các công đoạn như đổ bánh tráng, tráng bánh, phơi bánh.

Hình 4: Các líp bánh sau khi tráng sẽ được phơi ngoài nắng – Nguồn; Diễm Kiều 3/9/2024

Ngoài ra, chị cũng có ký kết với xã cho việc chị kết hợp mô hình kinh kinh doanh bánh tráng với các tour du lịch, khi có tour du lịch quan tâm đến các giá trị truyền thống thì địa điểm không thể thiếu trong lịch trình tham quan của du khách là ở hộ gia đình của chị Châu. Tuy không thể cạnh tranh với những hộ làm bánh tráng hiện đại, song nghề làm bánh tráng truyền thống vẫn được chị gìn giữ và phát huy, hộ gia đình của chị cũng là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhộn nhịp và bền vững.
Chuyến đi chỉ vỏn vẹn trong một ngày nhưng đã cho em được nhiều bài học ý nghĩa về việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua việc trải nghiệm thực tiễn, em cùng các bạn là sinh viên trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã có góc nhìn khách quan hơn về thực trạng làng nghề bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Thông tin thu nhận được đủ để em cùng các bạn thảo luận và đưa ra giải pháp cho những khó khăn khi duy trì làng nghề bánh tráng truyền thống. Trên thực tế, nghề làm bánh tráng thủ công tuy không mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho cộng đồng người dân xã Phú Hòa Đông, nhưng những giá trị tinh thần – nét đẹp đặc trưng riêng ở vùng đất Củ Chi từ nghề làm bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông không bao giờ bị lãng quên.

Trần Thị Thanh Thúy-