Tin Tức & Sự Kiện
LAN ĐÌNH BẾN – LẦN ĐẦU EM DẾN

LAN ĐÌNH BẾN – LẦN ĐẦU EM DẾN

Trước tiên, em xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến TS. Phạm Văn Luân, giảng viên môn Lý luận văn hoá lớp 18.2 đã tạo điều để em được đồng hành cùng Nhà điêu khắc cô Lại Thị Kim Thanh, anh Nguyễn Võ Kim Khôi tham gia buổi khảo sát thực tế tại Lan Đình Bến, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Chuyến đi đã mang lại cho em nhiều thông tin và kiến thức, giúp em học hỏi được những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc qua lời truyền đạt sâu sắc của Nữ sĩ Lan Hinh

Hình 1. Buổi gặp gỡ Nữ sĩ Lan Hinh (thứ 3 từ trái) cùng nhóm nghiên cứu và TS. Phạm Văn Luân. Nguồn: Nguyễn Võ Kim Khôi

Nữ sĩ Lan Hinh, tên thật Trần Thị Lan, sinh năm 1938 tại Hà Nội, quê Nam Định, bà là con gái của nhà văn Á Nam Trần Tuấn Khải. Bà lớn lên trong môi trường giàu truyền thống văn hóa, được thừa hưởng nề nếp sâu sắc từ cha và hun đúc tinh thần văn chương mạnh mẽ từ nhỏ. Nữ sĩ Lan Hinh không viết về đấu tranh giải phóng phụ nữ như Hồ Xuân Hương thời xưa, mà thay vào đó tôn vinh, gìn giữ vẻ đẹp, sức mạnh và thành tựu của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Thơ của bà khuyến khích phụ nữ sống đúng với ước mơ, hoài bão, tự do lựa chọn và khẳng định bản thân. Cuộc đời bà là hành trình kiên trì với văn chương và gia đình vì sự trường tồn của văn hóa dân tộc. Bà đã đưa ra ý tưởng và quyết tâm xây dựng Á Nam Lưu Niệm Đường (Số nhà 58/4, khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) trở thanh một điểm hẹn độc đáo – nơi lưu giữ di sản văn học của cha mình, dù phải sống trong cô đơn suốt hơn 30 năm. Ngày nay Á Nam Lưu niệm đường trở thành điểm đến cho các nhà nghiên cứu văn hoá, học sinh, sinh viên tìm hiểu về thơ ca và giá trị văn học của Á Nam Trần Tuấn Khải. Sự nghiệp văn chương của Nữ sĩ Lan Hinh để lại nhiều tác phẩm có giá trị, nổi bật là tập Thơ Bến Nào, khắc họa hạnh phúc và đau thương của phụ nữ trong bối cảnh xã hội hiện đại. Bà không chỉ viết về tình yêu mà còn chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống gia đình, phản ánh sự chuyển biến giữa giá trị truyền thống và thay đổi xã hội qua góc nhìn của người phụ nữ. Bên cạnh đó, còn có các tác phẩm như: Đời thường, Vườn hồng ABC,…

Hình 2. Nữ sĩ Lan Hinh. Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Sau khi tìm hiểu về cuộc đời của nữ sĩ Lan Hinh, em vô cùng thán phục và cảm kích trước sức mạnh cùng sự kiên trì của một người phụ nữ nhỏ bé nhưng đã làm nên những điều phi thường. Khi nhận được gợi ý đề tài về “Quản lý, bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa tư nhân chưa được xếp hạng di tích (Trường hợp: Á Nam Lưu niệm đường)” bản thân em cảm nhận được đây là một đề tài rất hay. Cùng với đó là sự mai một ngày càng đáng quan ngại của không gian văn hóa Á Nam Lưu niệm đường, nơi Nữ sĩ Lan Hinh dùng cả cuộc đời của mình tích lũy, xây dựng nên. Nhận thức được điều đó, em cùng với nhóm quyết định chọn đề tài này và đây chính là cơ duyên em được gặp trực tiếp người phụ nữ phi thường ấy, có cơ hội được nghe Bà truyền đạt lại nhiều kinh nghiệm sống, đặc biệt là việc giữ gìn phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Phỏng vấn nữ sĩ Lan Hinh là nguồn tư liệu quan trọng nhất, hỗ trợ cho bài nghiên cứu của nhóm em có được dữ liệu đúng đắn nhất. Vậy nên, khi được có cơ hội cùng TS. Phạm Văn Luân, Nhà điêu khắc Lại Thị Kim Thanh và anh Nguyễn Võ Kim Khôi về Lan Đình Bến nơi Nữ sĩ Lan Hinh đang cư trú em cảm thấy vô cùng may mắn. Quảng đường từ TP.HCM đến Bình Thuận không quá xa nhưng cũng không quá gần. Suốt chặng đường em cùng cả nhóm đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm, sự chia sẻ của thầy cô, đây là những điều vô cùng vinh dự đối với em.

Hình 3. Thầy cô đồng hành chuyến đi. Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Cảm giác đầu tiên của em khi vừa đến Lan Đình Bến là sự ngạc nhiên ở một nơi vắng nhà dân nhưng lại có vị trí địa lý vô cùng đắc địa. Lan Đình Bến nằm trên một quả đồi không cao lắm nhưng độ cao ấy có thể quan sát, ngắm nhìn được tất cả cảnh quan xung quanh. Phía trước mặt là một nhánh của con sông La Ngà với dòng chảy nhẹ nhàng, tạo cảm giác bình yên và thư thái. Con sông trở nên đặc biệt đối với điểm ngắm của em, khi một bên bờ chính là rừng Nam Cát Tiên, bên còn lại là Lan Đình Bến. Ngắm dòng nước nhẹ nhàng trôi cùng với tiếng chim hót từ cánh rừng bên bờ sông đã mang đến một bản giao hưởng của thiên nhiên vô cùng êm tai và đẹp mắt. Không khí nơi đây trong lành và mát mẻ, so với không khí ở thành phố với khói bụi, đông đúc, ồn ào.. thì Lan Đình Bến chính là một thiên đường. Nơi đây khiến em cảm nhận được sự tĩnh lặng trong tâm hồn, như mọi lo âu, bộn bề đều tan biến, chỉ còn lại cảm giác an yên và trong lành.

Hình 4. Mặt trước Lan Đình Bến nhìn ra sông La Ngà và rừng Nam Cát Tiên
Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Vừa bước vào cổng tiến vào bên trong, xung quanh Lan Đình Bến được Nữ sĩ Lan Hinh đặt các tảng đá tạo một khung cảnh thiên nhiên vô cùng thơ mộng. Nhưng điều đặt biệt hơn là trên các tảng đá đó đều được khắc họa những bài thơ của Á nam Trần Tuấn Khải và Nữ sĩ Lan Hinh. Mỗi tảng đá đều mang Những nội dung, ý nghĩa khác nhau. Nổi bậc nhất có lẽ là các tảng đá được nối dài 2 bên đường từ ngoài cổng vào đến trong nhà. Các tảng đá đó chính những bến mà Nữ sĩ Lan Hinh đã viết dành cho người phụ nữ Việt Nam. Nhắc bên Nữ sĩ Lan Hinh thì khổng thể thiếu được tác phẩm thơ “Bến nào”. “Bến Nào” là một tập thơ trong đó nói về các bến gồm: Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục, Cầm, Kỳ, Thi, Họa, Hầu, Bá, Tử, Ca, Nha, Tửu, Bác. Mỗi bến mang một ý nghĩa khác nhau, người phụ nữ biết chọn bến nào.

Hình 5. Các tảng đá đại diện cho các Bến. Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Kết cấu không gian ở Lan Đình Bến được tạo nên từ năm gian nhà, tượng trưng cho một bàn tay với đầy đủ năm ngón. Mỗi gian nhà không chỉ là một phần của tổng thể kiến trúc mà còn mang trong mình những câu chuyện riêng, phản ánh sâu sắc văn hóa và lịch sử vùng đất Bắc Bộ. Các gian nhà được xây dựng theo phong cách truyền thống, với chất liệu hoàn toàn từ gỗ và mái tranh, tạo nên cảm giác mộc mạc, giản dị nhưng đầy ấm cúng. Gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, với những họa tiết tinh tế thể hiện bàn tay khéo léo của người thợ xây dựng. Không gian xung quanh được bao bọc bởi cây cối xanh tươi, tạo ra một bầu không khí trong lành và dễ chịu, nơi âm thanh thiên nhiên hòa quyện cùng nhịp sống bình dị. Mỗi bước đi trong khuôn viên đều gợi nhớ về những giá trị văn hóa, truyền thống lâu đời, khiến ai nấy đều cảm thấy gần gũi và thân thuộc. Lan Đình Bến không chỉ là nơi lưu giữ di sản văn hóa, mà còn là điểm dừng chân bình yên, nơi tâm hồn có thể trở về và tìm lại sự tĩnh lặng giữa bộn bề cuộc sống.

Hình 6. Kết cấu gian nhà tại Lan Đình Bến. Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Tạm gác lại sự chiêm ngưỡng không gian thơ mộng của Lan Đình Bến, quay lại với chủ đề quan trọng nhất của chuyến đi đó chính là cuộc gặp gỡ, trò chuyện, tâm sự cùng Nữ sĩ Lan Hinh. Đây là lần đầu tiên mà em được gặp một nhà thơ có sự nghiệp vô cùng nổi tiếng, đặc biệt bà còn là truyền nhân của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. Năm nay tuy đã 88 tuổi nhưng nhìn thần thái của Nữ sĩ Lan Hinh lại vô cùng trẻ và minh mẫn. Gần 2 tiếng đồng hồ em và các bạn được ngồi nghe Bà chia sẽ về hành trình xây dựng Á Nam Lưu niệm đường, nơi cất giữ tinh hoa văn học mà cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đã dành cả cuộc đời để sáng tác. Tiếp đến là nghe Bà truyền dạy về vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đầy đủ các phẩm chất. Điều đặc biệt quan trọng là sự chia sẻ, tâm sự về tâm nguyện của Bà – giữ gìn, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa Á Nam Lưu niệm đường. Nữ sĩ Lan Hinh lo sợ việc Á Nam Lưu niệm đường sau này sẽ không còn được nguyên vẹn vì không ai chăm sóc, quản lý

Hình 7: Buổi phỏng vấn Nữ sĩ Lan Hinh. Nguồn: Trần Thị Thanh Mùi

Nữ sĩ Lan Hinh đã giành cả cuộc đời, tuổi thanh xuân của mình xây dựng, tích lũy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, chúng ta, những sinh viên trẻ, chính là lực lượng có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu ấy. Chúng ta không chỉ là những người kế thừa mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng cách tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành các truyền thống văn hóa, chúng ta có thể làm sống dậy những di sản của ông cha. Hơn thế nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc gìn giữ bản sắc văn hóa càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua nghệ thuật, giáo dục và các hoạt động cộng đồng, tạo ra những giá trị mới mà vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc. Hãy cùng nhau nỗ lực, không chỉ để tôn vinh những đóng góp của những bậc tiền bối như Lan Hinh mà còn để xây dựng một tương lai rạng rỡ cho văn hóa dân tộc Việt Nam.

Kết thúc chuyến đi khảo sát thực tế tại Lan Đình Bến, trong em vẫn mang một cảm giác tiếc nuối, lưu luyến. Bởi không gian, quan cảnh nơi đây vô cùng thơ mộng, cảm giác thư thái và yên bình khiến em muốn hòa mình vào thiên nhiên, để tâm hồn được nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Nếu có thêm thời gian chắc chắn em sẽ chiêm ngưỡng, cảm nhận nơi đây một cách trọn vẹn hơn. Chắc chắn rằng những trải nghiệm này sẽ tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ, làm giàu thêm tâm hồn và hiểu biết của em về văn hóa. Đặc biệt, cảnh vật vô cùng đẹp mà con người vô cùng hiếu khách, em cũng như mọi người khi đến nơi đây đều được tiếp đón vô cùng nồng nhiệt từ Bà Lan Hinh và cả người thân trong nhà của Bà. Không phân biệt là khách, xem đây như là nhà của mình, điều đó tạo cho em có một cảm giác vô cùng gần gũi thân thuộc. Sự hiếu khách càng làm nổi bật bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt Nam.

Đây có lẽ là một trải nghiệm mà em sẽ không bao giờ quên. Nếu có cơ hội, chắc chắn Lan Đình Bến sẽ là điểm đến mà em ao ước được tiếp tục khám phá trong tương lai. Chuyến đi đã mang lại cho em thêm nhiều kiến thức mới về lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là có thêm nhiều dữ liệu vô cùng hữu ích cho đề tài của nhóm em đang nghiên cứu. Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn TS. Phạm Văn Luân đã tạo điều kiện, cơ hội cho em cũng như cả nhóm được khảo sát thực tế tại Lan Đình Bến, được gặp trực tiếp Nữ sĩ Lan Hinh. Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến anh Nguyễn Võ Kim Khôi là cầu nối trực tiếp cho nhóm em tiếp cận với dữ liệu cho đề tài và Nhàĩ Điêu khắc Lại Thị Kim Thanh đã đồng hành cùng chúng em trong chuyến đi khảo sát thực tế tại Lan Đình Bến. Em mong rằng trong tương lai gần nhất sẽ có dịp cùng quý thầy cô và các bạn sinh viên tham gia những chuyến đi thực tế để khám phá và trải nghiệm trên lĩnh vực văn hóa bổ ích như Lan Đình Bến – lần đầu tiên em đến ./.

Trần Thị Thanh Mùi, Khoa QLVHNT, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM