Lan Đình Bến: điểm đến ghi dấu ấn sinh thái nhân văn
Khó có ngôn từ nào, hình ảnh nào có thể diễn tả vẻ đẹp của Lan Đình Bến. Nơi đây không chỉ là một bức tranh thiên nhiên thanh bình, mà còn ẩn chứa một nét đẹp trầm mặc, tĩnh lặng. Sự đan xen giữa màu xanh biếc, màu sắc tươi sáng và sự tinh tế trong quần thể sinh vật cũng làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên khó cưỡng. Dòng sông trước nhà thì nhẹ nhàng vỗ vào bờ, hòa cùng không khí ảm đạm khi trời đã lặng gió, chỉ còn tiếng giọt mưa rơi lộp độp trên mái hiên trước nhà mà thôi, đâu đó vẫn còn những ánh nắng len lỏi giữa không gian yên tĩnh này, đã tạo nên một khung cảnh thơ mộng làm sao.
Có đến đây, tận mắt thấy một Lan Đình Bến chân thật đến như vậy. Quả là một cơ hội hiếm khi cho em khi được dịp đến đây để đi thực tế nhằm có cơ sở thực tiễn và lý luận đóng góp cho đề tài nghiên cứu “Quản lý, bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa tư nhân chưa được xếp hạng di tích (trường hợp: Á Nam Lưu niệm đường)” – đây là nơi thờ phụng Á Nam Trần Tuấn Khải (phụ thân của Bà Lan Hinh – Trần Thị Lan). Nằm trên một ngọn đồi thoáng đãng ở Bình Thuận, nơi đây như một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ và yên bình. Không gian yên tĩnh, tách biệt với nhịp sống ồn ào bên ngoài, Lan Đình Bến được bao phủ bởi những tán cây xanh, tạo nên cảm giác mát mẻ và dễ chịu quanh năm. Lan Đình Bến được xây dựng vào ngày 21 tháng 02 năm Giáp Thìn- 2024, đây là nơi bà Lan Hinh chọn làm chốn dưỡng già sau này. Bình Thuận là nơi bà tìm thấy sự bình an trong từng nhịp thở của đất trời. Bà yêu sự giản dị và hiền hòa của ngọn đồi, nơi bà sẽ an yên sống những ngày cuối đời, giữa thiên nhiên bao la và thanh bình.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi với bà Lan Hinh, bà chia sẻ: “Ăn uống nấu nướng bằng củi không ga, không điện thì ở đây nó là như vậy. Tức là tôi là người muốn duy trì hoàn toàn cái dân dã của Việt Nam”. Như vậy, đủ để thấy bà yêu quê hương, yêu bản sắc truyền thống dân tộc và muốn giữ gìn những hình ảnh, giá trị văn hóa dân tộc không bị mai một như thế nào. Đã từng đên Á Nam Lưu niệm đường và hôm nay về Lan Đình Đình Bến, em nhận ra môht điều: – không thể không nhắc đến anh Duyên – kiến trúc sư thiết kế cả 2 công trình này, người đã tâm huyết, kỳ công xây dựng tạo nên những không gian giao lưu văn hóa cộng đồng ấn tượng như vậy.
Bước vào không gian sinh hoạt rộng lớn chất chưa đầy ưu tư của bà Lan Hinh, ấn tượng đầu tiên chính là cánh cổng chào đồ sộ, mang đậm dấu ấn của thời gian và văn hóa truyền thống, thấm đẫm hơi thở của vùng quê Bắc Bộ. Hai bên cổng là hai tảng đá lớn khắc hai câu thơ “Đội ơn cha cho con dòng máu Việt/ Nước trong nguồn dòng sữa mẹ con mang” đậm chất triết lý. Cả hai hình ảnh đều gợi lên lòng biết ơn đối với cha mẹ vì đã cho con sự sống, dòng máu, văn hóa và bản sắc dân tộc. Đồng thời, nhấn mạnh sự gắn kết không thể tách rời giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa cá nhân với dân tộc. Những nét chữ uốn lượn mềm mại như hòa quyện cùng không gian yên tĩnh xung quanh, gợi lên cảm giác vừa trang nghiêm, vừa gần gũi. Cánh cổng không chỉ là lối vào, mà còn như một lời mời gọi nhẹ nhàng, đưa người ta bước vào thế giới tĩnh lặng và sâu sắc của bà Lan Hinh. Kiến trúc ở đây toát lên vẻ mộc mạc, đơn sơ mà không kém phần tinh tế. Những chi tiết bằng gỗ, mái lá uốn cong, từng góc cạnh đều gợi lên phong vị của làng quê Bắc Bộ. Không gian ấy như một bức tranh sống động, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện, tạo nên một cảm giác bình yên, thanh thản mà ít nơi nào có được.
Đi thẳng vào bên trong, hai hàng hoa sâu nhái nở rộ đẹp tuyệt dọc trên đường đi. Tiếp đến là những tảng đá khắc 12 bến. Mỗi bến mang một câu chuyện, một triết lý sâu xa về cuộc đời và số phận con người. Những bến đá ấy đứng sừng sững, như những cột mốc nhắc nhở về sự thăng trầm của cuộc sống, về những lựa chọn và ngã rẽ mà mỗi người đều phải đối mặt trong hành trình của mình. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của từng bến, mọi người có thể tìm đọc cuốn “Bến Nào” trong đó có đến 20 bến, một tác phẩm mà bà Lan Hinh tâm đắc. Cuốn sách này không chỉ là câu chuyện về những bến bờ địa lý, mà còn là những “bến” trong tâm hồn, nơi con người dừng chân, suy ngẫm và chọn con đường tiếp theo cho mình. Thêm vào đó, em còn bị choáng ngợp khi nhìn thấy vườn cây ăn trái trải dài khắp Lan Đình Bến. Nào là ổi, nhãn, xoài, măng cụt, mít… tất cả đều được chăm sóc cẩn thận, xanh tốt bởi Cô Tám (Mama tổng quản chăm sóc Nữ sĩ Lan Hinh).
Càng đi lên đồi cao, hiện lên hai gian nhà tranh mang đậm chất văn hóa Bắc Bộ, có cô Tám đang lột bắp, thổi lửa giữa cái thời tiết mưa đang lấp phấp. Khoảnh khắc này khiến em phải đứng lại ngắm nhìn cũng một lúc, sao mà giản dị và bình yên đến thế! Những giọt mưa lất phất rơi, tạo thành những âm thanh lộp bộp trên mái nhà, như một bản nhạc du dương, nhẹ nhàng ru hồn người. Em cảm nhận được sự bình yên trong từng khoảnh khắc, sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại. Hơn thế nữa, không gian nhìn xuống sông La Ngà, bên kia là rừng Nam Cát Tiên, phía trên là thác nước và sự hiếm hoi của thuyền tàu qua lại ở đây. Không gian yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng có tiếng chim hót, tiếng nước chảy, cộng thêm tiếng nhạc từ gian nhà của bà Lan Hinh. Mỗi ngày trôi qua ở bến sông này đều là một hành trình tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn, một nơi để trở về và tìm lại chính mình.
Vào trong các gian nhà gỗ, em bị cuốn hút bởi không gian ấm cúng và gần gũi, nơi treo những vần thơ do bà Lan Hinh sáng tác cùng những tác phẩm của các tác giả khác viết tặng. Những bài thơ với những nét chữ mềm mại, nghệ thuật, tạo nên một không gian tràn đầy cảm hứng. Không gian này như một thư viện thơ ca sống động, nơi mọi người có thể tìm đến để tìm kiếm sự an ủi, nguồn cảm hứng, và cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống qua từng câu chữ. Em thầm nghĩ rằng, đây không chỉ là những bài thơ đơn thuần, mà là những nhịp cầu kết nối giữa các thế hệ bằng những triết lý, lời dặn quý giá.
Đón tiếp nhiệt tình nhóm chúng tôi là sự thân thiện cô Tám và bà Lan Hinh. Cô Tám, người phụ nữ đảm đang, góp mặt trong câu chuyện với những ký ức sâu sắc về cuộc sống nơi đây. Cô kể cho chúng tôi nghe về công việc hàng ngày và tâm sự về tâm nguyện của bà Lan Hinh, cái duyên mà cô đã đồng hành cùng bà qua nhiều năm. Bà Lan Hinh, với phong thái điềm đạm, ngồi đó chia sẻ nỗi lòng, câu chuyện cuộc đời của bà vô cùng chân thành và sâu sắc. “Bây giờ các em đến, tôi cảm ơn tôi được nói, vì người nói phải có người nghe”. Bà không chỉ là người kể chuyện, mà còn là nhân chứng sống cho những thăng trầm của cuộc đời. Bà chia sẻ về niềm đam mê thơ ca, những sáng tác đã gắn liền với tâm hồn và cuộc sống của bà, cùng những suy tư về quê hương, về đất nước. Những câu chuyện của bà, anh Khôi và cô Tám như một sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại, tạo nên một không gian đầy ý nghĩa, nơi mà mỗi người đều có thể tìm thấy bản thân mình trong từng câu chuyện. Nữ sĩ Lan Hinh Trần Thị Lan mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn còn khỏe hơn so với nhiều người ở độ tuổi của mình, và điều đó khiến tôi khâm phục. Các tác phẩm của bà luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn và giáo dục sâu sắc. Song cách thể hiện lại rất giản dị, hồn nhiên, dí dỏm, tinh tế, giàu hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc, “Bến nào” hay “Đạo thường” là một tác phẩm như thế. Không chỉ viết sách, bà còn có sở thích ca hát, được nghe bà cất giọng cũng chính là niềm vinh hạnh của em. Với bà, âm nhạc không chỉ là sở thích, mà còn là một phần trong cuộc sống, là cách để kết nối với những kỷ niệm xưa, với cuộc đời và với những người xung quanh. Nói thêm về Nữ sĩ Lan Hinh, trong 30 năm qua, bà đã không ngừng lao động, nghiên cứu, biên soạn và sáng tác để tạo nên tác phẩm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là việc bà dày công biên soạn cuốn Kim Sinh Lụy Á Nam Trần Tuấn Khải: Tác phẩm, nhận định và tư liệu, xuất bản năm 2015 đã tập hợp được nhiều tư liệu, bài viết quý báu của các nhà nghiên cứu, các tác gia nổi tiếng. Hằng năm, bà trao học bổng Á Nam Trần Tuấn Khải cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Chí Quốc thành phố Thủ Đức tham gia tìm hiểu về sự nghiệp văn thơ của ông. Rồi bà kết nối, chào đón các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, các trường, khoa chuyên môn cùng tổ chức các hội thảo chuyên đề, các hoạt động tưởng nhớ về Á Nam. Năm 2018, bà được Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.
Nơi đây thường tổ chức các buổi giao lưu văn hóa cộng đồng, nơi mọi người có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và cùng nhau khám phá những giá trị văn hóa độc đáo của quê hương. Những hoạt động này không chỉ giúp gắn kết các thế hệ mà còn là dịp để truyền bá những nét đẹp văn hóa đến với thế hệ trẻ. Những buổi giao lưu này thường diễn ra với nhiều hình thức phong phú như hát chèo, quan họ,… Điều này không chỉ giúp gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra một không gian tương tác, nơi mà mọi người có thể bày tỏ ý kiến, tâm tư, và kết nối với nhau thông qua tình yêu văn hóa. Đặc biệt, dự định sinh nhật cuối năm của bà sẽ tổ chức giỗ cha, tạo thành một buổi lễ đầy ý nghĩa, nơi mọi người có thể tưởng nhớ và tri ân công lao của những người đã khuất.
Mặt khác, khi đến được đây đoàn chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì thời tiết và đường đi. Đoạn đường đi tới đây vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi trời mưa. Mặt đường trơn trượt, những cơn mưa rào làm cho các vũng nước đọng lại, khiến việc di chuyển trở nên chậm chạp và cẩn trọng. Hai bên đường là những vườn cao su, vườn cà phê, những cây hồ tiêu, không chỉ vậy, những luống khoai môn và bắp trải đều bên đường, với những chiếc lá xanh mướt, thỉnh thoảng lại rung rinh theo từng cơn gió. Màu xanh của cây cối hòa cùng màu đất nâu ẩm ướt, tạo nên một bức tranh vừa giản dị vừa tươi đẹp. Đường đi tuy khó khăn nhưng cũng là hành trình đáng nhớ, nơi mà thiên nhiên hiện lên một cách sống động, giúp em trân trọng hơn từng khoảnh khắc trong cuộc sống.
Em biết ơn và gửi lời cảm ơn sâu sắc vì đã được trải nghiệm vẻ đẹp của cuộc sống nơi đây, nơi mà mỗi chi tiết nhỏ đều chứa đựng một câu chuyện, một giá trị văn hóa đáng trân trọng. Thật may mắn khi em có cơ hội được đến Lan Đình Bến, nơi mà bao lâu nay em chỉ nghe kể qua lời nói và tưởng tượng qua những bức hình. Khi đặt chân đến đây, em mới thực sự cảm nhận được hết vẻ đẹp tuyệt diệu mà lời kể không thể lột tả hết. Thật sự, may mắn không chỉ là được đến đây, mà còn là được đắm chìm trong sự bình yên và sâu lắng qua chuyến đi Lan Đình Bến.
Sự hiếu khách của những người dân nơi đây đã mang lại cho em không chỉ những kỷ niệm đẹp, giá trị tự hào về bản sắc văn hóa. Em cảm ơn bà Lan Hinh, anh Nguyễn Võ Kim Khôi, Cô Tám, Cô Thanh và Thầy Phạm Văn Luân và những người bạn trong nhóm nghiên cứu cùng đồng hành để em có cơ hội tham quan Lan Đình Bến. Những câu chuyện, những chia sẻ chân thành trong những buổi giao lưu văn hóa đã giúp em hiểu rõ hơn về lý do tại sao bà Lan Hinh chọn “chốn riêng” để tận hưởng cuộc sống ở tuổi xế chiều. Chính nhờ sự hướng dẫn và nhiệt tình ấy mà chuyến đi của em trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn bao giờ hết. “Lan Đình Bến” cần phải được biết đến nhiều hơn. Một lần đến với Lan Đình Bến, trong lòng chúng em, những người trẻ sinh năm 2005 chỉ được thấy trên internet thì khi đến đây thật ngỡ ngàng và đó cũng là những mơ ước khi chúng tôi về già. Đây không chỉ là chuyến đi để khám phá mà còn là nguồn cảm hứng cho đề tài nghiên cứu của nhóm, một sự kết nối giữa thế hệ trẻ với những giá trị văn hóa quý báu của cha ông. Với sự bảo tồn và phát triển của Lan Đình Bến, em hy vọng rằng thế hệ tương lai cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận được những giá trị văn hóa mà nơi đây mang lại.
Tp. HCM, cuối thu 2024, Đỗ Thị Phương Anh