KHÔNG GIAN TRẢI NGHIỆM SẢN PHẨM THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG HUẾ
“Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”
Cội nguồn luôn là tâm điểm trong tâm trí của người Việt Nam – một quốc gia ngàn năm văn hiến với truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ bao đời. Tuy gian nan vất vả nhưng đó là tiền đề để nước ta có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với nhiều nền văn hóa tiên tiến khác nhau trên toàn thế giới. Mặc dù tiếp xúc và rơi vào tình trạng có thể bị đồng hóa hoàn toàn nhưng ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Với sự thật ấy, nhân ngày “Di sản văn hóa Việt Nam 23/11” – Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc Phòng Trưng bày Chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, những dấu ấn lịch sử”. Nội dung của chuyên đề là những dấu ấn vinh quang của dân tộc Việt Nam về mặt văn hóa lẫn hành chính trong bề dày lịch sử.
Trong không gian ấm cúng của ngày hội, nhiều sản phẩm văn hóa lịch sử như những câu chuyện lịch sử, những dấu ấn lịch sử hay những bút tích, những sản vật từ thời chúa Nguyễn chúa Trịnh hoặc những ảnh chụp Sài thành thời bấy giờ cũng được trưng bày cho du khách tham quan và thường thức. Một trong số đó tác giả ấn tượng với “Không gian trải nghiệm sản phẩm thủ công truyền thống Huế” – tại đây tác giả và du khách có cơ hội trải nghiệm các hoạt động thú vị, mang đậm nét dân gian như tô tượng khắc hay chiêm ngưỡng những cành hoa giấy rực rỡ sắc màu.
Không gian tuy đơn sơ và nhỏ bé nhưng đã thể hiện được sự mộc mạc, giản dị của phố Huế thơ mộng. Nhìn vào background phía sau, ta có thể nhìn thấy các hình ảnh quen thuộc như nghề làm hương trầm – ngành nghề truyền thống mang hơi thở Cố đô xưa. Để làm ra được một bó hương trầm như thế, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau từ phơi hương, chuốt hương, pha màu….Hương trầm xứ Huế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng lưu giữ hồn Việt và có vị trí nhất định trong lòng khách du lịch khi đến với mảnh đất hữu tình này. Vào mỗi dịp lễ, dịp tết khắp nẻo đường phố ở Huế đều phảng phất mùi hương của trầm hương khiến lòng người thêm xao xuyến và mang lại cảm giác không muốn rời xa chốn này.
Tiếp đến là hình ảnh biểu trưng cho Làng hoa giấy – một vẻ đẹp truyền thống của xứ Huế. Miền trung là dải đất với khí hậu khắc nghiệt, mưa bão và nắng nóng luân phiên hoành hành quanh năm. Huế cũng không là ngoại lệ khi phải chịu sự ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và sự tác động mạnh của gió Lào, chính vì vậy mà việc sử dụng những loại hoa tươi để thờ cúng hay trưng bày trong các dịp lễ còn gặp nhiều bất cập, là vấn đề nan giải. Vì thế, các làng hoa giấy dần được hình thành, các nghệ nhân quây quần bên nhau và thiết kế ra những bông hoa, giỏ hoa với nguyên liệu chính là giấy. Một trong số các sản phẩm hoa giấy nổi bật tại nơi đây có thể điểm qua như hoa ngũ sắc, các loại hoa thông dụng trong thờ cúng như hoa sen, hoa tường vi, hoa mẫu đơn. Một trong số những làng nghề nổi tiếng tạo nên tên tuổi của nghề hoa giấy chính là Làng hoa giấy Thanh Tiên, nếu có dịp tác giả mong mình sẽ đến đây và trải nghiệm một lần trong đời.
Ngoài các hình ảnh trưng bày trên, du khách khi đến tham quan còn được trải nghiệm hoạt động tô tượng khắc các vị quan thời xưa, hoạt động này hoàn toàn miễn phí, tự do trải nghiệm.
Khoảnh khắc các bạn trẻ cùng nhau trang trí những sản phẩm dân gian là hình ảnh mà tác giả ấn tượng nhất. Bởi có lẽ phần nào đó trong các bạn, vẫn có niềm yêu thích các sản phẩm văn hóa dân gian, có niềm tin vào văn hóa Việt. Từ đó tạo thêm động lực và cơ hội để các bạn tìm hiểu và phát huy những giá trị văn hóa mang hồn Việt. Đó cũng là mong muốn của tác giả gửi đến các bạn trẻ là tương lai của đất nước sau này, thật hi vọng các bạn có thể gìn giữ và phát triển văn hóa Việt bởi nó là yếu tố tiên quyết tạo nên sự vững mạnh trường tồn của một quốc gia. Trích lời phát biểu của Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộ. Văn hóa còn thì dân tộc còn,..”. Thật vui sướng khi các bạn hoàn thành sứ mệnh của chính mình!
Những dòng chia sẻ cuối cùng, tác giả gửi lời cám ơn chân thành và sâu sắc nhất đến TS. Phạm Văn Luân đã tạo điều kiện, giúp tác giả tiếp cận Chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, những dấu ấn lịch sử” – một mảnh ghép trong kho tàng văn hóa lịch sử nước nhà. Chuyến đi này đã giúp tác giả hiểu rõ hơn về cội nguồn, về những giá trị văn hóa dân gian đồng thời hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa của dân tộc, trọng tâm là giá trị truyền thống. Những trải nghiệm quý báu này sẽ mãi được tác giả trân trọng và sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho tác giả trong giai đoạn sau này.
Nguyễn Thị Thanh Thảo – Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật