Tin Tức & Sự Kiện
HƯỚNG ĐẾN NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 2024,  “VỌNG NGUYỆT”- THANH ÂM CÒN MÃI TỪ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ- DI SẢN PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI

HƯỚNG ĐẾN NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 2024,  “VỌNG NGUYỆT”- THANH ÂM CÒN MÃI TỪ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ- DI SẢN PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN LOẠI

Em tên là Trần Thanh Toàn – sinh viên năm hai, lớp Đại học Quản lý văn hóa 18.2, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Trong gần 02 năm học tập tại trường, em đã có cơ hội tham dự nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật với những chủ đề khác nhau được tổ chức tại Hội trường C (HT C) của trường từ sinh viên chúng em. Tuy nhiên, các chương trình nghệ thuật được tổ chức dường như đã “bỏ quên” các loại hình nghệ thuật dân tộc như cải lương, đờn ca tài tử…. Một tín hiệu đang dần khởi sắc cho vấn đề cạnh tranh giữa loại hình nghệ thuật dân tộc với các loại hình nghệ thuật đương đại khác trong các chương trình được tổ chức tại trường cũng như là niềm khao khát được thưởng thức một chương trình nghệ thuật dân tộc của sinh viên mộ điệu loại hình nghệ thuật dân tộc là sự xuất hiện của “Vọng Nguyệt”-chương trình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, được tổ chức bởi lớp Đại học Quản lý văn hóa 17.3 (ĐH.QLVH 17.3).

Hình 1: TS. Phạm Văn Luân và TS. Nguyễn Hồ Phong tham dự ủng hộ “Vọng Nguyệt”-chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ- Nguồn: Ban tổ chức

Em xin chân thành cảm ơn trường Đại học Văn hóa TP. HCM, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật cùng lớp ĐH.QLVH 17.3 cùng các đơn vị phối hợp và hỗ trợ đã tổ chức nên chương trình ý nghĩa và giàu giá trị văn hóa dân tộc, đánh dấu sự khởi sắc của việc tiếp cận từ sinh viên với loại hình nghệ thuật của dân tộc. Tiếp theo em xin chân thành cảm ơn TS. Phạm Văn Luân và TS. Nguyễn Hồ Phong đã kết nối, khơi nguồn cảm hứng trong em với loại hình nghệ thuật dân tộc, cụ thể là Đờn ca tài tử Nam Bộ qua các học phần Lý luận văn hóa, phương pháp nghiên cứu khoa học. Cuối cùng em cảm ơn bạn Trịnh Phúc Thạnh-sinh viên lớp ĐH. QLVH 18.3 đã gửi lời mời em đến tham dự chương trình “Vọng Nguyệt” được sự cố vấn tận tâm của giảng viên, TS. Phạm Phương Thùy.

Hình 2: TS. Vũ Thị Phương và TS. Phạm Phương Thùy check-in thảm đỏ “Vọng Nguyệt”- Nguồn: Ban tổ chức

Chương trình “Vọng Nguyệt” được diễn ra tại HT C, trường Đại học Văn hóa TP. HCM- số 51, đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức, TP. HCM, lúc 19h ngày 13/11/2024. Chương trình với sự tham gia của các giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật và các khách mời: Nghệ sĩ Thanh Hằng, NSƯT Phan Minh Đức, Nghệ sĩ Thảo Vy, các tài tử: Nguyễn Nghiệp, Quốc Đại, Lâm Diễm Trinh, Lâm Diễm My, Huyền Trang, Trung Hậu và Thạc sĩ Phạm Thái Bình.

            Mở đầu chương trình là tiết mục biểu diễn “Bài ca Đất Phương Nam” đến từ sinh viên lớp ĐH. QLVH 17.3 và tiết mục “Điệu Buồn Phương Nam” với sự góp mặt đặc biệt của Nghệ sĩ Thanh Hằng. Tiếp theo, chương trình đi vào Phần 1: Dấu ấn thời mở cõi. Trong phần này, chương trình mang đến những kiến thức về Đơn ca tài tử Nam Bộ với phần diễn thuyết của Th.S Phạm Thái Bình và các tiết mục thể hiện đậm nét loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ như Nam xuân qua trống xuân, hòa tấu bản Bắc: Xuân tình (lớp 1-4), tiểu khúc 17 câu-niệm khúc tri ân. Đến với Phần 2: Di sản Phương Nam-Bảo tồn, quảng bá và phát triển, chúng ta sẽ được thưởng thức tiết mục “Dạ cổ Hoài Lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng nguồn gốc của bài hát này với phần thể hiện của Th.S Phạm Thái Bình và sinh viên đang xem chương trình. Ngoài ra ở phần 2 cũng là phần kết của chương trình “Vọng Nguyệt” với các tiết mục: Cung tơ hòa điệu-vọng cổ nhịp 32, trích đoạn: Tiếng trống Mê Linh, Sáng đèn.

Hình 3: NS. Thanh Hằng VỚI Tiết mục “Điệu buồn phương Nam” – Nguồn: Ban tổ chức
Hình 4: Th.S Phạm Thái Bình diễn thuyết về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ- Nguồn: Ban tổ chức
Hình 5: Tiết mục “Hương sắc mùa xuân, giai điệu tương phùng” của Tài tử Trung Hậu, Sinh viên nhăm thứ nhất, trường Đại học Văn hóa TP. HCM – Nguồn: Ban tổ chức
Hình 6: Tài tử Huyền Trang thể hiện “Niệm khúc tri âm”- Nguồn: Ban tổ chức
Hình 7: NSUT. Phan Minh Đức và NS. Thảo Vy thể hiện trích đoạn
 “Tiếng trống Mê Linh”-Nguồn Ban tổ chức

Khi tham dự chương trình, với góc độ là một khán giả, em cảm nhận được sự chỉnh chu, chuyên nghiệp của Ban tổ chức chương trình lớp ĐH. QLVH 17.3. Sự chỉnh chu nằm trong việc kiểm soát lối ra vào dành cho khán giả, không làm đứt mạch cảm xúc của chương trình, của khán giả khi đã đóng cánh cửa ra vào ở bên cạnh sân khấu mà những chương trình trước em tham gia không làm được. Điều nhận thấy thứ 2 là việc xử lý cực kỳ nhạy bén đến từ MC trên sân khấu của chương trình, trường hợp là hệ thống kết nối trình chiếu màn hình led xuất hiện cuộc gọi Zalo, MC nhanh chóng ứng biến từ việc tưởng chừng như sự cố hy hữu, ảnh hưởng đến chất lượng thưởng thức chương trình của khán giả đến tràn vỗ tay tung hô đến từ khán giả cho sự chuyên nghiệp, nhanh trí ấy. Qua điều đó, chúng ta có thể thấy, Ban tổ chức đã có một tầm nhìn nhân sự cho vị trí MC thật xa rộng, đặt để nhân sự phù hợp. Chương trình thú vị hơn với sự ngẫu hứng trên sân khấu đến từ Th.S Phạm Thaí Bình và sinh viên với tiết mục hát “Dạ cổ Hoài Lang”. Bạn sinh viên này chia sẻ về khao khát muốn thưởng thức chương trình nghệ thuật dân tộc nói riêng và niềm đam mê với loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói chung.

Hình 8: Chương trình tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ -“Vọng Nguyệt”
-Nguồn: Ban tổ chức

Sự khao khát được thưởng thức chương trình “Vọng Nguyệt” nói riêng và các chương trình về loại hình nghệ thuật dân tộc nói chung không xuất phát thuần túy từ sở thích cá nhân của riêng bản thân em, mà nó thể hiện cho việc một bộ phận sinh viên  đang góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, giúp sinh viên chúng em hiểu biết và trân trọng các loại hình nghệ thuật dân tộc, từ đó góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Khi sinh viên tiếp cận và thể hiện những loại hình nghệ thuật dân tộc, sinh viên sẽ phát triển lòng tự hào về di sản văn hóa phong phú của đất nước, đặc biệt là sinh viên ngành Quản lý văn hóa của trường Đại học Văn hóa TP. HCM. Những chương trình nghệ thuật này tạo ra môi trường để em và các bạn sinh viên  giao lưu, học hỏi lẫn nhau về chủ đề văn hóa dân tộc cũng như học từ các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử giàu kinh nghiệm, giúp  sinh viên mở rộng kiến thức và kỹ năng. Khi sinh viên tham gia và tiếp xúc với nghệ thuật dân tộc, sinh viên sẽ xây dựng vững chắc hơn ý thức về cội nguồn và phát triển nhân cách toàn diện hơn của sinh viên nói chung và bản thân em là sinh viên ngành văn hóa nói riêng. Những chương trình này còn tạo sự gắn kết giữa sinh viên với nhau và giữa sinh viên với cộng đồng, làm tăng tính đoàn kết và tinh thần cộng đồng trong môi trường học tập. Ngoài ra, việc tổ chức các chương trình nghệ thuật dân tộc như “Vọng Nguyệt” không chỉ là một hoạt động văn hóa mà còn là cách để khơi gợi niềm yêu thích và sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong thế hệ trẻ.

Là một sinh viên ngành quản lý văn hóa đang học tập tại trường, em rất hi vọng trong tương lai gần, trường chúng ta sẽ tổ chức được nhiều chương trình mang dấu ấn của nghệ thuật dân tộc hơn nữa. Không những đơn thuần là chương trình nghệ thuật dân tộc, mà còn là sự khẳng định thương hiệu cho sinh viên ngành quản lý văn hóa. Đến với “Vọng Nguyệt” là chúng ta đã góp phần cùng nhau tôn vinh và gìn giữ giá trị truyền thống của Đờn ca tài tử Nam Bộ – một hoạt động rất nhiều ý nghĩa hướng đến chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay của Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trần Thanh Toàn