Tin Tức & Sự Kiện
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ LẦN THỨ HAI: “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục”

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ LẦN THỨ HAI: “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục”

Lời nói đầu tiên, em xin chân thành cảm ơn đến Ban tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí Tuệ nhân tạo trong Giáo dục” (Effective Implementation of Artificial Intelligence Technology in Education) do Viện Đào tạo và Nâng cao Tp.HCM phối hợp cùng Trường Giáo dục, Đại học Johns Hopkins Hoa Kỳ tổ chức lần thứ hai vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Nhờ sự kết nối của TS. Phạm Văn Luân, TS. Nguyễn Hồ Phong để em lần đầu tiên em được tham gia một Hội thảo Khoa học tầm cỡ Quốc tế với nhiều nội dung sâu sắc và thực tiễn cao góp phần nâng cao nhận thức cho bản thân em và trao cho em nhiều kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ học thuật để có thể chia sẻ cho bạn bè và người thân… Tại Hội thảo em được vinh dự tiếp cận, giao lưu với rất nhiều nhà khoa học, nhà công tác xã hội, gặp gỡ các nhà quản lý giáo dục ở Trung ương và địa phương… đang tích cực hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, khoa học, xã hội cũng như các lĩnh vực khác…

Tác giả (bìa phải) cùng PGSTS. Jennifer Adams, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Quốc tế và lãnh đạo toàn cầu (ITGL)
Nguồn: Hải Đăng

Là một sinh viên ngành Quản lý Văn hóa, em thực sự cảm thấy thích thú và được tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn nhất thông qua Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí Tuệ nhân tạo trong Giáo dục”. Đây là sự kiện tiếp nối với sự thành công của Hội thảo lần thứ nhất năm 2023 do Viện Đào tạo và Nâng cao Tp.HCM đã phối hợp với Trường Giáo dục, Đại học Johns Hopkins Hoa Kỳ đồng tổ chức. Hội thảo Quốc tế lần thứ hai được tổ chức vào ngày 08/11/2024 và được chuẩn bị công phu đã thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo đại biểu.

Chủ trì Hội thảo có Bà Nguyễn Thụy Vũ, TS. Khoa học Giáo dục – Viện Trưởng Viện Đào Tạo và Nâng cao TP.HCM và một số thành viên trong Ban tổ chức. Về phía  trường Giáo dục – Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) có PGS. TS. Jennifer Adams – Giám đốc Chương trình Giảng dạy quốc tế & Lãnh đạo toàn cầu; Về phía Tổ chức Giáo dục ACEE Global có bà Cecilia Chen-Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành ACEE Global. Tại Hội thảo lần này có sự tham gia của 5 diễn giả chính đến từ trong và ngoài nước.

Ban tổ chức Hội thảo và đại biểu
Nguồn: IFP

Tham dự Hội thảo, ngay từ đầu em đã cảm nhận được sự chu đáo, tận tình của các anh chị hướng dẫn, giúp em không bị bỡ ngỡ và có cơ hội tham dự rất tốt trong suốt quá trình dự Hội thảo. Không gian phòng tổ chức Hội thảo rộng rãi, mát mẻ và sạch sẽ, bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn trang nghiêm, có bàn dành riêng cho Chủ trì Hội Thảo, cách bố trí sắp xếp bàn ghế rất logic và ngay ngắn, tài liệu Hội thảo được để trong túi zip giúp việc sử dụng được tiện lợi và nhanh chóng.

Sinh viên và giảng viên trường ĐH Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh dự Hội thảo
Nguồn: Hải Đăng

Tại thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo có 2 phiên sáng và chiều, em tham gia phiên Hội thảo buổi sáng, Hội thảo được tổ chức rất thành công đáp ứng sự mong muốn của trên dưới 100 đại biểu đang rất quan tâm đến vấn đề nghiên cứu; đề xuất các giải pháp ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI); nhất là các vấn đề liên quan đến đạo đức, trách nhiệm xã hội, tư duy phản biện, trí tuệ cảm xúc, đảm bảo an toàn dữ liệu quyền riêng tư khi ứng dụng Al, thích ứng với công cuộc chuyển đổi số ngành giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.

Tác giả (phải) và TS. Phạm Văn Luân
Nguồn: Hải Đăng

Tại phiên này em được nghe trình bày các bài phát biểu với nhiều chủ đề khác nhau: Đầu tiên là PGS.TS. Jennifer Adams (Giám đốc chương trình Giảng dạy quốc tế & Lãnh đạo Toàn cầu trường Giáo dục, Đại học Johns Hopkins) với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong Giáo dục Đại học”, kế đến TS. Nguyễn Khắc Chiến (Trường Đại học cảnh sát nhân dân) với chủ đề “Một số thách thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và biện pháp phòng ngừa”, TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung (Thành viên Hội đồng Cố vấn Thế giới về Chương trình và Giảng dạy, Trưởng Hội đồng Khoa học Viện Đào Tạo và Nâng cao Tp.HCM) với chủ đề “Văn hóa số và trí tuệ cảm xúc trong lãnh đạo và quản lý giáo dục”, TS. Nguyễn Nam (Trường Đại học Fulbright Việt Nam) với chủ đề “Tư duy phản biện đồng hành cùng chatbox?” và cuối cùng là PGS.TS. Trịnh Quang Từ (Viện Đào tạo và Nâng cao Tp.HCM) với chủ đề “Thách thức và giải pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào giáo dục”. Các diễn giả với sự đầu tư công phu cho báo cáo đã trình bày báo cáo rất thuyết phục, thu hút sự quan tâm lắng nghe của đại biểu. Qua quá trình lắng nghe và tiếp thu những kiến thức vô cùng giá trị cũng đã góp phần định hướng bản thân em trong tương lai.

TS. Nguyễn Nam (đứng) trình bày báo cáo tại Hội thảo
Nguồn: Hải Đăng

Bên lề TS. Phạm Văn Luân, TS. Nguyễn Hồ Phong đã có những trao đổi, trò chuyện về chuyên đề cùng với TS. Nguyễn Nam và TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung. Từ cuộc trò chuyện của hai thầy và các chuyên gia giúp em có những hiểu biết về lĩnh vực văn hóa cũng như những kiến thức nền tảng về AI giúp em có những định hướng đúng đắn trong quá trình tiếp cận, sử dụng AI để phát triển bản thân.

TS. Phạm Văn Luân và TS. Nguyễn Hồ Phong trò chuyện với TS. Nguyễn Nam và TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung
Nguồn: Hải Đăng
Bên lề Hội thảo TS. Phạm Văn Luân, TS. Nguyễn Nam có cuộc trò chuyện thú vị với PGSTS. Jennifer Adams
Nguồn: Hải Đăng

Qua quá trình tham gia Hội thảo em cảm thấy bản thân được học hỏi rất nhiều điều thú vị, những kiến thức vô cùng bổ ích mà trước đó em chưa từng được nghe. Hội thảo giúp em phát triển bản thân trong quá trình định hình trong tương lai. Nội dung Hội thảo hấp dẫn và thú vị khiến em và nhiều đại biểu rất tâm đắc. Lần đầu tiên được trải nghiệm một hoạt động học thuật lớn, một Hội thảo Khoa học Quốc tế, em có nhiều ấn tượng tốt đẹp và tích cực, em hi vọng sẽ có cơ hội tham gia những chương trình có ý nghĩa như thế này do Viện IFP và Đại học Johns Hopskins tổ chức trong thời gian sắp tới.

Hải Đăng