Hội thảo khoa học quốc tế 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản
STT- Nguồn Q. Hoa, báo Văn hóa
Vừa qua, tại Hà Nội, Trường ĐH KHXH&NV đã phối hợp với Trường Đại học Việt – Nhật thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Quá khứ – Hiện tại – Tương lai”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
Hội thảo quy tụ hàng chục nhà khoa học, sử học hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản, Việt Nam và đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh Nhật Bản và Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu về quan hệ bang giao của hai quốc gia trong lịch sử. GS. Shimizu Masaaki, ĐH Osaka, người bạn lớn của STT Bến Tre đã tham dự và trình bày báo cáo tại Hội thảo (xem Chương trình kèm theo).
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh: “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện nay có thể nói tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Ngài Đại sứ đánh giá rất cao ý nghĩa của Hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản. Hội thảo được tổ chức như một minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp đó, đồng thời góp phần mở ra một thời kì phát triển mới trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và hoạt động giáo dục giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản”.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV cho biết: Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử quan hệ bang giao lâu đời từ thời cổ trung đại. Và năm 1973 hai nước đã chính thức kí kết văn bản ngoại giao, thiết lập mối quan hệ giữa hai nước. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được tăng cường và củng cố. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động đứng thứ hai, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Hai quốc gia đang hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cả hai quốc gia hiện đang nỗ lực hợp tác nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Nhật Bản – Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn.
“Trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 50 năm, Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Quá khứ – Hiện tại – Tương lai” được tổ chức để nhìn lại các thành tựu trong hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa hai nước. Đặc biệt, nhằm tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh của hai nước được trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu. Kết quả của Hội thảo hôm nay sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và giáo dục lịch sử ở hai nước trong thời gian tới”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong báo cáo đề dẫn với chủ đề “Việt Nam học ở Nhật Bản” GS.TS. Momoki Shiro, Trường ĐH Việt Nhật (ĐH QGHN) đã chia sẻ: Ngay từ thế kỉ XX các nhà trí thức trung đại Nhật Bản đã có những hiểu biết nhất định về Đông Nam Á và Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam học đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu Nhật Bản và đạt được nhiều kết quả.
Báo cáo điểm lại quá trình phát triển của giới nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản, không chỉ nhằm mục đích giới thiệu những sự kiện lịch sử trong giao lưu Việt – Nhật mà còn đưa gợi ý về các vấn đề tương lai của giao lưu Việt – Nhật từ góc nhìn sử học. Điều đó thể hiện tinh thần cải cách giáo dục đang được triển khai tại hai nước Việt Nam và Nhật Bản cũng như ở nhiều nước trên thế giới, mà ở đó người học không chỉ học về sự thật lịch sử mà còn học cách tìm hiểu lịch sử như là một phương pháp suy nghĩ, thảo luận và quyết định vấn đề hiện tại thông qua lịch sử.
Là chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản tại Việt Nam cũng như mối quan hệ bang giao giữa hai nước, GS.TS Nguyễn Văn Kim (ĐH KHXH&NV) đã trình bày tổng quan nêu bật kết quả nghiên cứu về Nhật Bản trong thời gian qua. Trong đó nhấn mạnh: “Từ sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao – năm 1973) việc nghiên cứu Nhật Bản đã có được nhiều điều kiện thuận lợi mới. Đặc biệt, từ thời kỳ Đổi mới (1986), Việt Nam thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế. Việc nghiên cứu về Nhật Bản đã trở thành xu thế trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Kim cho biết, trong những năm gần đây xuất hiện nhiều nghiên cứu mang tính liên ngành từ kinh tế, chính trị đến môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu, đời sống văn hoá – xã hội đương đại, nghiên cứu về các chính sách văn hoá, ngoại giao văn hoá, quyền lực mềm của Nhật Bản, các tôn giáo mới ở Nhật Bản,… Mặc dù đã có sự gia tăng về số lượng và chất lượng nghiên cứu nhưng vẫn còn những lĩnh vực chưa đạt được kết quả như mong đợi: Nghiên cứu lý thuyết và Nghiên cứu ứng dụng (thực nghiệm). Do đó, cần tăng cường hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản để thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, chuyên sâu.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học gợi mở những hướng nghiên cứu mới, các phương pháp và tư duy nghiên cứu mới của ngành Sử học ở Việt Nam và Nhật Bản qua đó thúc đẩy sự phát triển của khoa học và giáo dục lịch sử ở hai nước. 20 báo cáo nghiên cứu chuyên sâu, công phu của các nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam và Nhật Bản sẽ góp phần hệ thống hoá và cập nhật các tư liệu và kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua của giới học giả Việt Nam và Nhật Bản về lịch sử hai nước (nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản và nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam), qua đó chia sẻ và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. như báo cáo của GS.TS. Shimizu Masaaki, Đại học Osaka: Lịch sử học tiếng Việt ở Nhật Bản qua các thời kì …
(STT có biên tập, bổ sung thông tin , hình ảnh trên nền bài của tác giả Q.HOA vì mục đích phát triển cộng đồng. Xin trân trọng cảm ơn!)
Hình ảnh về sự kiện – Nguồn Shimizu Masaaki