Tin Tức & Sự Kiện
Học phần Lý luận văn hóa – bài học từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TP. Hồ Chí Minh

Học phần Lý luận văn hóa – bài học từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TP. Hồ Chí Minh

Lời đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Phạm Văn Luân là giảng viên Bộ môn Lý luận văn hóa, người đang giảng dạy lớp em tại trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy đã nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành cùng em cũng như các bạn trong nhóm đề tài nghiên cứu về “Văn hóa danh nhân tiếp cận từ việc đặt tên đường khu vực trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh” đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II ngày 14/10/2024. Nhờ thầy, chúng em đã có cơ hội tìm hiểu tài liệu quý giá về đường phố Sài Gòn trước năm 1975 và hệ thống trường dạy cho người Nhật trước năm 1975 ở Sài Gòn phục vụ cho đề tài nghiên cứu của nhóm. Buổi tham quan học tập hôm nay mang lại cho em rất nhiều kiến thức và trải nghiệm bổ ích, giúp bổ sung kiến thức, kỹ năng không chỉ cho môn học Lý luận văn hóa mà còn cho cả quá trình học tập của em.

Tác giả (phải) chụp hình cùng TS. Phạm Văn Luân. Nguồn: Hải Đăng

Địa điểm tham quan lần này có vị trí tại số 17, đường Lê Duẫn, phường Bến Nghé, Q.1, Tp.HCM. Em tham gia tham quan học tập và trải nghiệm từ 14h30 đến 16h30 ngày 14/10/2024

TS. Phạm Văn Luân tại cổng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II – nơi gần 300 năm trước cụ Nguyễn Đình Huy – cha danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu làm việc, khi ấy gọi là Văn hàn ty. Nguồn: Hải Đăng

Trong buổi tham quan, em được đồng hành cùng thầy Phạm Văn Luân và được thầy hướng dẫn trực tiếp từ đầu đến kết thúc chuyến đi. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của ba thành viên của nhóm gồm bạn Hải Đăng, Anh Thư và Khánh Linh. Chuyến đi tham quan Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II lần này để lại cho em ấn tượng sâu sắc ngay từ lần đầu tiên. Em cảm nhận được sự chu đáo và tận tình của các chị nhân viên hướng dẫn, giúp em không bị bỡ ngỡ và có cơ hội tiếp cận rất tốt trong quá trình tìm kiếm thông tin từ tàng thư. Nhân viên trung tâm đã hướng dẫn chi tiết cho em cách làm thẻ độc giả một cách tỉ mỉ và tận tâm giúp em có thể dễ dàng quay lại nhiều lần để tra cứu tài liệu. Về không gian tại Trung tâm Lưu trữ, em cảm thấy rất mát mẻ, sạch sẽ và rất thoải mái, có đầy đủ thiết bị phục vụ nghiên cứu, học tập như máy tính, máy in,..vô cùng hiện đại giúp em thuận tiện trong việc tìm kiếm cũng như trao đổi thông tin học thuật. Chuyến đi này không chỉ giúp em mở rộng kiến thức mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho những lần nghiên cứu sau này.

Nhân viên Trung tâm cùng GV Bộ môn hướng dẫn bạn Hải Đăng tìm kiếm tài liệu
Nguồn: Ngọc Linh

Sau khi làm thẻ độc giả, em có thể chủ động tiếp cận và tìm kiếm thông tin từ tàng thư một cách nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu học tập cá nhân, khác hẳn so với cách tiếp cận truyền thống qua thư viện. Đặc biệt, tại đây tài liệu hoàn toàn là tài liệu gốc, không sao chép từ các nguồn khác, giúp em có được thông tin một cách chính thống và dễ dàng hơn.

Thầy Bộ môn cùng các bạn tìm kiếm thông tin. Nguồn: Ngọc Linh

Chuyến tham quan này đã mang lại cho em nhiều kiến thức mới mẻ, mà trước đây em chưa có cơ hội trải nghiệm. Em rất ấn tượng với quy trình mượn và trả tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II rất tiện lợi và dễ dàng hơn so với các thư viện thông thường. Trung tâm không chỉ hỗ trợ em trong việc trao đổi, tìm kiếm thông tin mà còn giúp ích rất nhiều cho việc hoàn thành đề tài nghiên cứu của chúng em.

Nhóm nghiên cứu cùng thầy Bộ môn trao đổi thông tin trước khi thao tác tìm tài liệu trên hệ thống máy tính của Trung tâm. Nguồn: Hải Đăng

Trong chuyến đi này, chúng em còn may mắn được gặp gỡ và trò chuyện cùng hai nhà nghiên cứu khác cũng đang nghiên cứu tại Trung tâm. Một trong số họ là Frédéric Thomas, một nhà nghiên cứu đến từ Pháp, người đang tìm hiểu sâu về các tài liệu liên quan đến lịch sử Việt Nam. Những cuộc trao đổi với họ đã mang lại nhiều góc nhìn mới và khơi gợi thêm sự tò mò, nhiệt huyết cho công việc nghiên cứu của chúng em.

Tác giả (thứ 2 từ trái) và các nhà nghiên cứu đến từ Pháp và ĐH Thủ Dầu Một. Nguồn: Hải Đăng

Sau khi tham gia chuyến đi này, em nhận thấy đây là một hoạt động vô cùng bổ ích đối với các bạn sinh viên. Đặc biệt, với tư cách là sinh viên ngành Quản lý văn hóa, em rất hứng thú và thấy chuyến đi mang lại nhiều giá trị thiết thực. Đây là cơ hội để em học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, đặc biệt về lĩnh vực văn hóa danh nhân, thông qua việc tìm hiểu về cách đặt tên đường và tôn vinh những nhân vật lịch sử, văn hóa qua tàng thư mà không nơi nào có được tư liệu quý hiếm này. Những kiến thức quý báu từ tư liệu chuyên ngành không chỉ giúp em mở rộng hiểu biết mà còn hỗ trợ rất nhiều trong việc học các môn lý luận liên quan cũng như công việc trong tương lai.

Em cảm thấy chuyến đi đã giúp mình kết nối sâu hơn với ngành học, đồng thời khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa từ góc độ thực tiễn. Em hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia những chuyến đi như thế này, để tiếp tục mở rộng kiến thức và trau dồi kỹ năng, chuẩn bị cho hành trình sự nghiệp sau trong tương lai.

Huỳnh Thị Ngọc Linh