Tin Tức & Sự Kiện
HÓC MÔN ĐƯA NGHỆ THUẬT – VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC ĐẾN VỚI TRẺ EM

HÓC MÔN ĐƯA NGHỆ THUẬT – VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC ĐẾN VỚI TRẺ EM

GÓC NHÌN SINH VIÊN VHS THỰC TẬP CUỐI KHÓA

Lần đầu tiên trên mảnh đất “18 thôn vườn trầu”, Nhà Thiếu nhi Hóc Môn – cơ sở thực tập cuối khóa của nhóm SV trường ĐH Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm ca nhạc nhẹ Thành phố đưa nghệ thuật múa rối đến gần với các em của các trường Tiểu học và mầm non trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Nhóm sinh viên thực tập Trường Đại học Văn hóa TPHCM

Sáng ngày 12/03, Tại trường Tiểu học Võ Văn Thặng huyện Hóc Môn đã tổ chức chương trình mang tên “Thiếu nhi đất vườn trầu thêm yêu truyền thống qua hương qua nghệ thuật múa rối” cho 1833 học sinh và thầy cô tại trường. Đây là chương trình phục vụ múa rối đầu tiên cho các em trong huyện được thực hiện bởi Nhà Thiếu nhi huyện Hóc Môn phối hợp với Trung tâm ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh.

Các em trường Tiểu học Võ Văn Thặng huyện Hóc Môn xem chương trình nghệ thuật múa rối vở Trần Quốc Toản ra quân” (Ảnh: Văn Tuấn)

Đây là một chương trình được ấp ủ từ rất lâu của Nhà Thiếu nhi huyện Hóc Môn, nhằm giúp cho trẻ em trong huyện hiểu thêm về các câu truyện cổ tích, kể chuyện bằng nghệ thuật múa rối giúp cho trẻ yêu thích về nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam. Dưới sự phân công của BGĐ Nhà Thiếu nhi anh Nguyễn Văn Hòa trưởng Khoa TDTT, Thẩm mỹ Nghệ thuật cùng các bạn sinh viên thực tập cuối khóa của Trường Đại học Văn hóa TPHCM đã tổ chức mộtchương trình múa rối đầy cảm xúc cho các em.

Nhà Thiếu nhi cùng với các diễn viên nhà hát Thiếu nhi (Ảnh: Văn An)

Khác với những chương trình khác, lần đầu nghệ thuật múa rối được biễu diễn trong các trường mầm non và tiểu học trong địa bàn huyện. Đây là sản phẩm tập luyện của các anh chị trong nhà hát Thiếu nhi nhằm mang lại niềm vui tiếng cười cho các bạn nhỏ, ngoài ra để các em có thể một phần nào hiểu thêm về nghệ thuật múa rối và các câu chuyện cổ tích Việt Nam.

Vở múa rối Trần Quốc Toản ra quân” (Ảnh: Văn An)

Qua ngày biểu diễn đầu tiên tại trường Tiểu học Võ Văn Thặng cho thấy hiệu ứng yêu thích của các em qua chương trình kể chuyện bằng nghệ thuật múa rối rất cao. Khi biết chương trình diễn ra các em đi rất sớm xếp hàng ngay ngắn ngồi đúng vị trí thầy cô hướng dẫn. Khi xem chương trình các em rất vui vẻ và phấn khích với những tràng pháo tay, tiếng cười, hò hét, có đôi khi hòa mình vào nhân vật đã làm cho chương trình diễn ra càng hấp dẫn và sôi nổi.

Các em trường Tiểu học Võ Văn Thặng huyện Hóc Môn xem chương trình nghệ thuật múa rối (Ảnh: Triệu Vỹ)

Để có những buổi diễn thành công ngoài sự chuẩn bị kỹ càng của Nhà Thiếu nhi huyện Hóc Môn, Trung tâm ca nhạc nhẹ Thành phố, nhóm sinh viên thực tập Trường Đại học Văn hóa TPHCM đã chủ động thực hiện tốt công tác được giao. Bằng sức trẻ của mình các bạn thể hiện sự năng động, hăng say trong công việc như hỗ trợ hậu cần, sắp xếp ghế chỗ ngồi cho các em, dọn dẹp sau chương trình.

Trong tháng ba này chương trình múa rối dành cho các em sẽ được phục vụ tại các trường: Trường tiểu học Võ Văn Thặng (12/03/2024); Trường mầm non Tân Hòa (14/03/2024); Trường mầm non 23/11 (18/03/2023); Trường tiểu học Trần Văn Danh (22/03/2024); Trường mầm non Xuân Thới Đông (28/03/2024); Trường tiểu học Nhị Tân (29/03/2024). Nhóm sinh viên thực tập Trường Đại học Văn hóa TPHCM rất mong nhận được sự quan tâm ủng hộ, đồng hành nhằm góp sức giáo dục nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ Thành phố mang tên Bác.

(Văn Tuấn)