Tọa đàm “Cái nhìn giao thoa trong ẩm thực Pháp – Việt” và bài học cho Giảng viên – Học viên & Sinh viên trường ĐH Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh
Pháp và Việt Nam có mối quan hệ “đặc biệt” trên 150 năm nay, trải qua thăng trầm lịch sử, tuy còn nhiều nhận thức khác nhau về mặt lịch sử nhưng ẩm thực Pháp và Việt Nam tìm được tiếng nói chung và hai trong số những nền ẩm thực nổi tiếng nhất thế giới. Mỗi nền ẩm thực đều rất phong phú về hương vị, truyền thống hay kỹ thuật chế biến. Ẩm thực Pháp và Việt Nam gặp nhau đã tạo nên sự bùng nổ về hương vị và tính sáng tạo, đem đến sự đóng góp và vay mượn giữa 2 nền ẩm thực, sự kết hợp các nguyên liệu và phương pháp chế biến để tạo ra những biến tấu thú vị, nguồn cảm hứng từ các yếu tố bản địa đến cảm nhận về ẩm thực Việt Nam tại Pháp cũng như vốn từ vựng trong ẩm thực Việt được vay mượn từ tiếng Pháp đã làm giàu đẹp và hiện đại tiếng Việt.
Tọa đàm “Cái nhìn giao thoa trong ẩm thực Pháp – Việt” diễn ra ngày 23/3/2023, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser Tổng lãnh sự Pháp tại Tp.Hồ Chí Minh, Bà Sophie Maysonnave, Tham tán văn hóa và hợp tác, Đại Sứ Quán Pháp tại Việt Nam, các đầu bếp nổi tiếng của Pháp và Việt Nam như Didier Corlou – Đầu bếp và là chủ các nhà hàng “Spices Verticale” tại Hà Nội và “Cô Mai” ở Hội An, Alain Nguyễn- Đầu bếp, tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Ẩm thực Paris Ferrandi, Thảo Na – Đầu bếp Nhà hàng Lavelle Library.và TS. Trần Lê Bảo Chân – Trưởng bộ môn Biên phiên dịch, khoa tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh đã chia sẻ những thông tin phong phú, độc đáo về ẩm thực của 2 quốc gia trước đông đảo đại biểu dự buổi toạ đàm, đại biểu đến từ trường ĐH Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh có ThS. Nguyễn Thị Thạch Ngọc, Thư ký Tạp chí Văn hoá & Nguồn lực, TS. Phạm Văn Luân- Cố vấn nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre (STT) và các học viên cao học, sinh viên thuộc Câu lạc bộ Nghiên cứu Khoa học, Khoa Quản lý Văn hoá, Nghệ thuật.
Trao đổi tại Toạ đàm ThS. Nguyễn Thị Thạch Ngọc đã chia sẻ quan điểm với các diễn giả về sự đa dạng với nhiều biến tấu, gam màu rất khác nhau của ấm thực Việt trong quá trình giao thoa văn hoá Pháp – Việt, quá trình đó cho phép không có quan niệm món ăn “sai – đúng” mà có “độ mở” trên nền những nguyên tắc, kỹ thuật ẩm thực nhất định… Vấn đề này được các đại biểu quan tâm và là cơ sở để có những buổi Toạ đàm sâu hơn về giao thoa giữa ẩm thực để những người có cùng mối quan tâm chia sẻ thêm và như vậy sẽ thắt chặt hơn tình hữu nghị Pháp – Việt.
Trao đổi với chúng tôi bên lề Toạ đàm TS. Phạm Văn Luân cho biết: Thầy cảm thấy vô cùng hứng thú với buổi giao lưu có chủ đề rất đặc biệt và gần gũi – Ẩm thực, ngoài phần trình bày rất sinh động của các diễn giả, người tham dự còn được thưởng thức các món ăn và dự khán phần trình diễn rất độc đáo của các đầu bếp… Tọa đàm thực sự là một sự kiện độc đáo mở đầu chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Pháp – Việt. Toạ đàm không chỉ là dịp để nhìn lại quan hệ hệ mật thiết giữa hai nền ẩm thực Pháp – Việt trong suốt tiến trình lịch sử, mà còn là dịp khẳng định Ẩm thực là nhịp cầu kết nối nhân dân 2 nước, chính từ sự giao thoa ẩm thực trong lịch sử, ngày nay quan hệ 2 nước sẽ có thêm một bước phát triển mới. Nhân dịp về dự Toạ đàm, TS. Phạm Văn Luân đã giới thiệu và tặng sách Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn cho Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser Tổng lãnh sự Pháp tại Tp. Hồ Chí Minh và giao lưu với nhân viên Tổng lãnh sự Pháp và Viện Pháp tại Tp. Hồ Chí Minh (ảnh dưới).
(Tin, ảnh Hải My và STT Bến Tre)