Ghi nhận từ lễ giỗ lần thứ 192 Khâm sai chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt
Hằng năm, đến ngày 30/7 và 1-2/8 âm lịch tại Di tích Quốc gia Lăng Tả quân tổ chức lễ giỗ Khâm sai chưởng Tả quân Lăng Lê Văn Duyệt đều tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ một vị anh hùng dân tộc, người đã có công vô cùng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vị anh hùng đó chính là Tả quân Lê Văn Duyệt. Bản thân em là một sinh viên thuộc ngành Quản lý văn hóa, em rất muốn được tìm tòi, học hỏi, tham gia và trải nghiệm các hoạt động văn hóa của dân tộc ta. May mắn em được tạo điều kiện từ TS. Phạm Văn Luân và cô ThS.NCS Nguyễn Lưu Bích Trâm đã giúp em có cơ hội được tham gia và trải nghiệm lễ giỗ đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau khi được trải nghiệm lễ giỗ, bản thân em cảm thấy vô cùng xúc động, tự hào và biết ơn.
Vậy vị anh hùng này là ai, đã đóng góp công lao gì cho đất nước? Em xin được điểm qua một vài nét về Tả quân Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt sinh năm 1763, mất năm 1832 tại làng Nhị Bình, tỉnh Định Tường (nay thuộc địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Đồng Tháp). Lê Văn Duyệt đã có công lao vô cùng to lớn cho lịch sử nước nhà. Ông là một trong những vị tướng tài giỏi và trung thành của triều Nguyễn, có công lớn giúp Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) khôi phục vương quyền và thống nhất đất nước sau thời kỳ loạn lạc do cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Tả quân Lê Văn Duyệt 2 lần được các vua Gia Long, vua Minh Mạng cử làm Tổng trấn Gia Định thành, có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển vùng đất Nam Bộ. Lần làm Tổng trấn thứ nhất, là ở thời trị vì của Hoàng đế Gia Long, từ năm 1812 đến năm 1815. Trong những tình huống căng thẳng, có nhiều phức tạp – ông đã vừa cương quyết, vừa mềm dẻo, bảo vệ được thanh thế và sự vẹn toàn vùng đất Nam Bộ, vừa giúp giải quyết êm thấm những lục đục, rối ren, tranh chấp trong nội bộ triều đình Chân Lạp và giữa Chân Lạp với Xiêm La. Lần làm Tổng trấn Gia Định thành thứ hai dài hạn hơn, từ năm 1820 đến năm 1832 là ở thời trị vì của Hoàng đế Minh Mạng. Khi Chân Lạp lại gặp biến động từ vụ nổi loạn của Sư Kế, khởi dấy từ Phiên An, Lê Văn Duyệt đã lập tức ra tay trấn áp ngay và thành công trong việc giữ yên bờ cõi, cùng với sự an toàn của triều chính nước láng giềng, cho dù phải điều binh khiển tướng đến hai lần trong năm 1820. Và còn thêm vô vàn những chiến công của ông đối với đất nước; dưới sự cai quản của ông Gia Định trở thành một vùng đất phồn thịnh, ổn định về an ninh và phát triển về kinh tế. Ông cũng nổi tiếng với sự liêm khiết, cương trực, bảo vệ lợi ích của dân chúng và có những cải cách hành chính tiến bộ và có một tầm nhìn về văn hoá – văn nghệ rộng lớn. Tuy vậy, cuộc đời Tả quân Lê Văn Duyệt lại khá bất công khi ông qua đời ở tuổi chưa được hưởng tuổi thọ do bạo bệnh. Sau khi mất Tả quân Lê Văn Duyệt được an táng tại Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh). Mộ của ông được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ, kết hợp giữa yếu tố dân gian và triều đình, với những chi tiết trang trí mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Thời vua Minh Mạng, Lê Văn Duyệt bị kết tội “làm loạn” và bị xử phạt sau khi qua đời. Ngôi mộ của ông bị triều đình Minh Mạng hạ lệnh xiềng xích, và gia đình của ông cũng chịu sự truy bức nặng nề. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị kế nghiệp vua Minh Mạng, vừa lên ngôi, đã xuống lệnh tẩy oan cho Lê Văn Duyệt, tháo xiềng và xây lại mộ.
Sơ lược về cuộc đời của Tả quân Lê Văn Duyệt, giúp em cảm nhận được một vị anh hùng dân tộc của nhân dân. Là con cháu của Việt Nam chúng ta cần biết ơn và ghi nhớ công lao của ngài. Để tưởng nhớ ngài hằng năm vào ngày 30/7 và 1-2/8 âm lịch tại Di tích Lăng Tả quân tổ chức lễ giổ Khâm sai chưởng Tả quân Lăng Lê Văn Duyệt. Bản thân em vô cùng vinh hạnh và hạnh phúc khi được tham dự và góp một phần ít công sức vào lễ giỗ của ông. Đây là lần đầu tiên em tham dự lễ giỗ lớn như thế này và trải nghiệm buổi lễ đã để lại trong em nhiều cảm xúc sâu lắng và đầy ấn tượng.
Khi nhận được thông báo được tham gia dự lễ của cụ, em đã đến nơi tổ chức rất sớm. Vừa bước vào không gian lễ giỗ em đã cả nhật được không khí vô cùng trang nghiêm và tôn kính. Xung quanh cây cối cổ thụ rất nhiều, tiếng chim ríu rít sáng sớm tạo một không khí trong lành, tươi mát. Những lá cờ ngũ sắc được treo trải dài đường vào lăng cùng với tiếng trống múa lân tạo ra khí thế hào hùng, mạnh mẽ. Bản thân em được phân công nhiệm vụ đứng lễ tân, đón tiếp khách đến tham dự lễ. Nhờ đó mà em được mở mang thêm nhiều kiến thức, biết thế nào là ông Hội, được gặp gỡ rất nhiều đoàn từ nhiều địa điểm di tích nổi tiếng từ các nơi về tham dự lễ như: đền Dinh Cô ở Vũng tàu, Đình thần Tân Sơn Nhì, Đình Tân Thới Nhất,…
Lễ giỗ diễn ra trong không khí linh thiêng, với sự tham gia của rất đông người dân và các lãnh đạo địa phương. Tất cả mọi người đều mặc trang phục nghiêm chỉnh, thành kính dâng hương, cầu nguyện cho vị danh tướng đã có công lao bảo vệ đất nước, giữ gìn sự thịnh vượng và bình yên cho dân chúng. Những bài văn tế được đọc lên, nhắc lại công đức của Lê Văn Duyệt, càng làm em thêm thấm thía về tầm vóc và ảnh hưởng của ông đối với lịch sử Việt Nam.
Đặt biệt buổi lễ còn có chương trình hát Bội. Đây không chỉ là một phần của nghi lễ mà còn là một nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc, mang đậm hồn cốt dân tộc Việt Nam. Khi âm thanh của nhạc cụ truyền thống vang lên, những giọng ca mạnh mẽ và đầy biểu cảm của các nghệ sĩ hát bội đã tạo nên một không gian vừa linh thiêng, vừa đậm chất nghệ thuật. Hát bội trong lễ giỗ Lê Văn Duyệt không chỉ là để tưởng nhớ một vị tướng tài ba, mà còn là để gìn giữ và truyền tải những giá trị văn hóa mà ông và những thế hệ trước đã để lại. Mỗi động tác, mỗi cử chỉ của các nghệ sĩ đều mang trong mình sự trang nghiêm và tôn kính. Em cảm nhận được sự tinh tế trong từng bước đi, sự uyển chuyển trong từng động tác, và sự nhiệt huyết trong giọng ca của các nghệ sĩ trình diễn. Chầu hát Bội đã khắc họa một cách sống động hình ảnh của Lê Văn Duyệt, những công lao và phẩm chất đáng kính của ông, khiến cho người nghe không khỏi xúc động.
Đứng trước lăng mộ của hai cụ một cảm giác thiêng liêng, biết ơn trong em cứ rạo rực, cùng với đó là cảm xúc dân trào khi thấy rất nhiều người dân đến tham dự, thắp nhang cho cụ. Thể hiện một truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của nhân dân ta.
Đến với lễ giỗ, tuy không có thời gian để em tiếp tục tham dự các hoạt động khác nhưng những trải nghiệm ban đầu cũng đã cho em rất nhiều những cảm xúc, những kiến thức mới. Sau khi tham gia lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt, trong lòng em dâng lên niềm tự hào sâu sắc về truyền thống yêu nước và lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Buổi lễ không chỉ là dịp để tưởng nhớ một vị anh hùng dân tộc với những công lao to lớn, mà còn là cơ hội để em cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của lịch sử và văn hóa dân tộc. Không gian trang nghiêm, thanh âm từ chầu hát Bội vang lên trong lễ giỗ đã gợi nhắc sự cống hiến, lòng trung thành và tinh thần bất khuất của Lê Văn Duyệt. Đến với lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt em nguyện một lòng biết ơn, kính trọng và tự nhắc nhở mình về trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Qua bài viết này em muốn gửi gắm đến các bạn trẻ Việt Nam chúng ta hãy chủ động, tìm hiểu về lịch sử nước nhà nhiều hơn nữa để biết trân quý, biết ơn công lao của các vị anh hùng đất nước và ông cha ta ngày xưa đã dốc lòng, dốc sức trong sự nghiệp giữ gìn bờ cõi.
Một lần nữa, em xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến thầy Phạm Văn Luân, Cô Nguyễn Lưu Bích Trâm và quý thầy cô các trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tạo điều kiện, cơ hội cho em được trải nghiệm và giúp em có thêm nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam qua lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt. Em mong rằng, trong tương lai một dịp gần nhất nào đó em sẽ được có cơ hội đồng hành cùng quý thầy cô trong các chương trình lễ hội tương tự và các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa./.
(Trần Thị Thanh Mùi, Khoa QLVHNT, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)