
ĐỘNG ĐẤT Ở MYANMAR HÉ LỘ TÀN TÍCH CUNG ĐIỆN TRIỀU ĐẠI KONBAUNG TẠI THÀNH CỔ RATNAPURA AVA
Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra vào ngày 28/3/2025 tại miền Trung Myanmar đã gây ra thảm họa nghiêm trọng, cướp đi hàng ngàn sinh mạng và phá hủy nặng nề tài sản. Tuy nhiên, trong bi kịch, những dư chấn của trận động đất đã làm lộ ra các di tích cổ xưa bị chôn vùi, mở ra cơ hội quý giá để khám phá lịch sử hoàng gia của Myanmar.

Theo thông tin từ Bộ Khảo cổ học và Bảo tàng Quốc gia Myanmar (Department of Archaeology and National Museum), các tàn tích được phát hiện nằm ở khu vực Đông Bắc bên ngoài tường thành hình tròn của thành phố cổ Ratnapura Ava (nghĩa là “Thành phố của những viên ngọc”), thuộc thị trấn Tada-U, vùng Mandalay, cách thủ phủ Mandalay khoảng 10km (6,2 dặm). Ratnapura Ava, nằm tại Inwa, từng là kinh đô của các vương quốc Miến Điện từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19, trước khi bị bỏ hoang sau loạt trận động đất lớn vào tháng 3/1839.
Các chuyên gia cho rằng tàn tích này có thể liên quan đến một “cung điện nước” từ thời kỳ đầu triều đại Konbaung (1752 – 1885), hay còn gọi là Đế quốc Miến Điện thứ ba – triều đại cuối cùng của Myanmar trước khi bị Đế quốc Anh sáp nhập sau các cuộc chiến tranh Anh – Miến.
Cung điện nước được ghi nhận trong bản vẽ Purapaik của quan đại thần Left Noratha; bao gồm các cầu thang gạch lớn Tharapaka với nhà cầu thang hình voi, cùng các tòa nhà bằng gỗ tếch. Một tài liệu khác cho thấy tại khu đất Sanyat Sone của lần dựng thành thứ tư Ratnapura, cung điện nước có 5 cầu thang Tharapaka, các tòa Pyatsat và Zetawan, với tổng cộng 18 tòa nhà, và có thể lên tới 20 nếu tính cả nhà nước.

Cầu thang Tharapaka phía Nam của công trình này từng được người dân địa phương phát hiện vào năm 2009 khi làm gạch và đã được bảo tồn. Trận động đất năm 2025 đã làm lộ thêm các di sản văn hóa liên quan qua các vết nứt.
Từ ngày 6/4/2025, Chi nhánh Mandalay của Bộ Khảo cổ học và Bảo tàng Quốc gia đã tiến hành khai quật thử nghiệm, phát hiện cánh Bắc của cầu thang Tharapaka phía Đông và bệ gạch hình voi. Kết quả đo đạc cho thấy bệ gạch Pannak dài 10 feet 6 inch, sâu 3 feet 8 inch, với các chi tiết kiến trúc như góc nghiêng 18 inch và tay vịn 8 inch.

Tuy nhiên, các phát hiện ban đầu cho thấy công trình này có thể không phải là một cung điện nước hoành tráng như mô tả trong bản vẽ Purapaik, mà là một nhà nước dài khoảng 200 – 250 feet, rộng 200 feet, với cầu thang Tharapaka được kết nối bằng cột gỗ, tương tự tu viện gỗ Baka ở Inwa hay tu viện Shwenandaw ở Mandalay.
Công trình này có thể được dùng để tổ chức các nghi lễ liên quan đến nước; như lễ gội đầu may mắn, lễ hội nước Atar, và lễ hội trang trí nước – những nghi thức quan trọng do chính nhà vua chủ trì.

Bộ Tôn giáo và Văn hóa cùng Bộ Khảo cổ học và Bảo tàng Quốc gia Myanmar cam kết sẽ tiếp tục khai quật và bảo tồn các di sản văn hóa thời Inwa này; đồng thời tạo điều kiện để công chúng có thể nghiên cứu và tìm hiểu thêm về lịch sử hoàng gia Myanmar. Phát hiện không chỉ mang đến cái nhìn hiếm hoi về quá khứ mà còn khơi dậy hy vọng về những khám phá khảo cổ mới trong tương lai.
LÊ NGỌC HÂN
Nguồn: Tạp chí điện tử Nông thôn Việt