Tin Tức & Sự Kiện
Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Giáo dục Nghề giữa Việt Nam và Trung Quốc

Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Giáo dục Nghề giữa Việt Nam và Trung Quốc

Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Giáo dục Nghề giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM ngày 10/07/2025 là một sự kiện lần đầu tiên em được tham dự với sự dẫn dắt của TS. Phạm Văn Luân, trường ĐH Văn hóa Tp. HCM đã để lại trong em nhiều ấn tượng tốt đẹp. Là một người trẻ như em đang theo học và tham gia nhiều dự án đổi mới sáng tạo trong giáo dục, em luôn quan tâm đến những mô hình kết nối thực tiễn giữa trường học và doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục nghề và Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Giáo dục Nghề giữa Việt Nam và Trung Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM) chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, Trường Cao đẳng Nghề Phật Sơn (Trung Quốc), Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Đông tại Việt Nam tổ chức đã mang lại cho em một cơ hội rất quý báu.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Ông Từ Châu, PGSTS. Phan Thị Hồng Xuân và
TS. Phạm Văn Luân (từ trái sang)

Đây không chỉ là một sự kiện trao đổi chuyên môn, mà còn là “điểm giao nhau” giữa chiến lược giáo dục quốc tế, nhu cầu doanh nghiệp và khát vọng học tập của thế hệ trẻ. Em tham dự với tâm thế lắng nghe, quan sát, ghi nhận – và rời khỏi hội trường với rất nhiều câu hỏi mới, cảm hứng mới, cùng những kiến nghị tôi tin là thiết thực nhằm thúc đẩy liên kết giáo dục nghề, chia sẻ mô hình đào tạo quốc tế, và mở rộng mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp hai nước.

 Chương trình được khai mạc với các phát biểu đại diện cho nhiều bên: Ông Từ Châu – Phó Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM: nhấn mạnh vai trò của hợp tác giáo dục trong mối quan hệ hữu nghị song phương, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục nghề mang tính ứng dụng cao. Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Chủ tịch VCCI-HCM: đề cao việc xây dựng hệ thống đào tạo gắn liền thực tiễn, tăng cường đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp FDI. Ông Lê Thắng Lợi – Trưởng Văn phòng Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, Đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo: khẳng định mô hình đào tạo nghề tích hợp đang là xu hướng chiến lược. Trường Đại học Hùng Vương và Học viện Nghề Phật Sơn chia sẻ định hướng quốc tế hóa chương trình học, chuyển đổi tín chỉ, giao lưu sinh viên và giảng viên.
Một trong những phần trọng tâm của diễn đàn là lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM và Học viện Phật Sơn (Trung Quốc).

 Theo đó, nội dung Thỏa thuận Hợp tác được công bố:

  • Chương trình hợp tác sẽ triển khai đào tạo song phương theo mô hình:

 → “Tiếng Trung + kỹ năng nghề”

 → Kết hợp giảng dạy tiếng Trung với các ngành: cơ khí, điện tử, thương mại, trí tuệ nhân tạo, xe năng lượng mới, sản xuất thông minh v.v.
Lộ trình học bao gồm:

Giai đoạn học tiếng Trung dự bị (3–24 tháng)

Giai đoạn học nghề chuyên sâu (có thể tổ chức luân chuyển giữa hai nước).

Hệ thống chuyển đổi tín chỉ và công nhận chứng chỉ liên quốc gia.

Ngoài ra, đại diện Học viện Nghề Phật Sơn còn chia sẻ kế hoạch hỗ trợ sinh viên quốc tế, bao gồm học bổng bán phần, ký túc xá và trải nghiệm giao lưu văn hóa.

Phần tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo nhà trường, đại diện doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Một số điểm nổi bật được ghi nhận:

  • Doanh nghiệp cần nhân sự có thể giao tiếp tiếng Trung cơ bản trong môi trường làm việc.
  • Họ sẵn sàng tham gia thiết kế chương trình đào tạo, cung cấp thiết bị thực hành, chỗ thực tập và cả cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
  • Các nhà quản lý giáo dục cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế kiểm định chất lượng xuyên biên giới, đảm bảo đầu ra phù hợp thị trường lao động.
    Qua theo dõi toàn bộ diễn đàn, bước đầu em rút ra ba nhận định chính:

1. Mô hình hợp tác thực chất và có khả năng triển khai cao

Việc đưa vào đào tạo mô hình “Tiếng Trung + nghề” là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế: nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại miền Nam Việt Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…) đang thiếu lao động kỹ thuật biết tiếng. Mô hình này giúp tiết kiệm thời gian đào tạo và nâng cao năng suất lao động khi tuyển dụng.

2. Vai trò thiết yếu của doanh nghiệp trong đào tạo nghề

Không giống với nhiều chương trình giáo dục trước đây vốn nặng về lý thuyết, các nội dung trong diễn đàn cho thấy: doanh nghiệp cần – và sẵn sàng – tham gia sâu vào quy trình đào tạo, không chỉ hỗ trợ thực tập mà còn đồng hành cùng nhà trường ngay từ giai đoạn xây dựng chương trình, tuyển chọn sinh viên, và chuẩn hóa đầu ra.

3. Học sinh – sinh viên được hưởng lợi nhiều mặt

Các bạn trẻ tham gia chương trình sẽ có:

  • Cơ hội tiếp cận môi trường đào tạo quốc tế
  • Cơ chế học – làm rõ ràng
  • Nhiều cơ hội học bổng, thực tập, chuyển tiếp tín chỉ
  • Trải nghiệm đa văn hóa và cơ hội phát triển nghề nghiệp quốc tế sau tốt nghiệp
Tác giả bài viết (bên trái)

Đề xuất

Từ những nội dung ghi nhận tại diễn đàn, tôi xin đề xuất một số kiến nghị cụ thể:

  1. Đưa chương trình mô hình “Tiếng Trung + nghề” về các tỉnh công nghiệp trọng điểm, nơi có nhu cầu lao động lớn như Tp. HCM,…
  2. Xây dựng cơ chế tuyển sinh công khai – minh bạch cho học sinh – sinh viên biết được lộ trình, học phí, học bổng, tiêu chí đầu ra.
  3. Tổ chức thêm các diễn đàn định kỳ, không chỉ để ký kết mà để công bố tiến độ triển khai, đánh giá hiệu quả và tạo sự tương tác thường xuyên giữa nhà trường – doanh nghiệp – người học.
  4. Hình thành các nhóm sinh viên hỗ trợ chương trình, đóng vai trò cầu nối ngôn ngữ – văn hóa – học thuật giữa hai phía.

Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Giáo dục Nghề giữa Việt Nam và Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, mở ra hướng đi mới cho đào tạo nghề tại Việt Nam theo hướng hội nhập, thực tiễn và quốc tế hóa. Với sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên, mô hình “Tiếng Trung + kỹ năng nghề” hoàn toàn có thể trở thành giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời đại mới. Bên lề Diễn đàn, TS. Phạm Văn Luân đã có các cuộc trao đổi với Ông Từ Châu – Phó Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM về văn hóa – nguồn lực quan trọng trong hợp tác giữa hai nước…

TS. Phạm Văn Luân và Ông Từ Châu

Em đánh giá cao tinh thần tổ chức nghiêm túc, nội dung đa chiều và tính hành động của diễn đàn, và mong rằng sẽ có thêm nhiều hoạt động tương tự được triển khai tại các tỉnh thành, đặc biệt ở khu vực Tp. HCM và Nam Bộ.

Hình ảnh bên lề sự kiện:

TS. Phạm Văn Luân và cô Liêu Vũ Hà (bên phải)- Nhân viên Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc

Bùi Đức Thành