Tin Tức & Sự Kiện
Diễn đàn của những nhà nghiên cứu tâm huyết khai thác văn hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh để phát triển ngành kinh tế du lịch gắn với

Diễn đàn của những nhà nghiên cứu tâm huyết khai thác văn hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh để phát triển ngành kinh tế du lịch gắn với

Em là Thạch Thanh Tâm, sinh viên ngành Quản lý văn hóa, nghệ thuật tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, em vô cùng vinh dự khi được cùng TS. Phạm Văn Luân tham dự Hội thảo cấp Thành phố với chủ đề “Phát triển ngành kinh tế du lịch gắn với khai thác văn hóa Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh”, do Trường Đại học Tài chính – Marketing tổ chức ngày 30/11/2024. 

Chụp hình lưu niệm cùng quý đại biểu tham dự hội thảo – Ảnh: TTT

Hội thảo không chỉ là một diễn đàn khoa học mà còn là cơ hội quý báu để em hiểu sâu hơn về ngành kinh tế du lịch và văn hóa. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giảng viên từ nhiều trường đại học lớn cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp thiết thực nhằm phát triển du lịch bền vững tại TP. Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh hội thảo ảnh: Ngọc Sơn, TTT

Những nội dung nổi bật tại hội thảo trao đổi và làm rõ về ba nhóm vấn đề chính:

– Chủ đề 1: Phát triển ngành kinh tế du lịch Sài gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

– Chủ đề 2: Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh;

– Chủ đề 3: Mô hình về phát triển ngành kinh tế du lịch gắn với khai thác văn hóa Sài gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia uy tín, bao gồm: 

– TS. Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, 

– TS. Nguyễn Minh Trí – Chánh văn phòng Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh,    

– PGS.TS. Nguyễn Quốc Cường – Trưởng khoa Thương mại Du lịch, trường ĐH Công Nghiệp TP. HCM, 

– TS. Hoàng Ngọc Hiển – Phó Trưởng khoa Du lịch, ĐH Văn Lang, 

– TS. Phạm Văn Luân – Giảng viên chsnh, Trưởng nhóm Nghiên cứu Du lịch, Trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, và nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu khác. Các tham luận đã phác họa bức tranh tổng quan về thực trạng, tiềm năng và hướng đi của ngành du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa-lịch sử tại Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.

Staycation: Xu hướng phát triển du lịch mới 

Bài tham luận của PGS.TS. Nguyễn Quốc Cường về “Staycation: Xu hướng phát triển du lịch mới cho TP. Hồ Chí Minh” đã để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc. Staycation – du lịch tại chỗ, tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa và dịch vụ địa phương – được nhấn mạnh như một xu hướng bền vững. Đây không chỉ là giải pháp phù hợp với nhu cầu hiện nay mà còn là cách để tối ưu hóa giá trị văn hóa bản địa, giảm áp lực cho các điểm du lịch truyền thống. 

Di tích lịch sử Củ Chi và bài học từ Bali 

Một bài trình bày đầy cảm hứng khác đến từ TS. Vũ Thu Hiền, với nội dung về “Phát huy giá trị di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi”. Sự kết hợp giữa bảo tồn yếu tố lịch sử và áp dụng cách tiếp cận hiện đại trong khai thác di sản đã mở ra những gợi ý thiết thực để tăng cường sức hấp dẫn của Địa đạo Củ Chi. Bài tham luận còn đề cập đến bài học kinh nghiệm từ Bali, Indonesia, giúp tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc học hỏi và vận dụng mô hình quốc tế vào thực tế địa phương. 

TS. Vũ Thu Hiền, với nội dung về “Phát huy giá trị di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trong quá trình phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh Kinh nghiệm từ Bali,

Du lịch cộng đồng trong lòng đô thị Sài Gòn tại quận Tân Phú 

TS. Phạm Văn Luân trình bày tham luận về “Phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị văn hóa cộng đồng tại quận Tân Phú” ảnh: TTT

Bài tham luận của TS. Phạm Văn Luân về “Phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị văn hóa cộng đồng tại quận Tân Phú” đã cung câp nhiều thông tin ý nghĩa. Bài nghiên cứu đã xác định khai thác các giá trị văn hóa Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh thông qua du lịch văn hóa là một điểm nhấn trong chiến lược phát triển của Thành phố, bắt đầu từ cấp quận. Đặc biệt bài viết đã đặt ra giải pháp tiếp cận lấy Bộ Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam – TCVN 2020 – Du lịch cộng đồng – Yêu cầu về chất lượng dịch vụ làm trọng tâm trong phát triển du lịch văn hóa. Bộ Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam – TCVN13259: 2020 – Du lịch cộng đồng – Yêu cầu về chất lượng dịch vụ – Community based tourism – Requirements for service quality là Bộ Tiêu chuẩn do Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh biên soạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố năm 2020. Bộ Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu cơ bản về chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch cộng đồng do các bên liên quan cung cấp.

Quận Tân Phú, dù là một địa phương trẻ, nhưng sở hữu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như Địa đạo Phú Thọ Hòa, Đình Tân Thới, Chùa Pháp Vân và các trung tâm thương mại hiện đại. Việc khai thác các điểm đến này theo hướng du lịch cộng đồng kết nối với các không gian văn hóa độc đáo như “Đường vải”, “Đường Trương Vĩnh Ký”, Mộ cổ ông bà Nguyễn Quý Anh không chỉ là di tích của riêng con cháu ông Nguyễn Quý Anh mà còn là di tích liên quan đến các tổ chức Cách mạng và Bác Hồ. Lần theo những điểm đến giàu giá trị văn hóa giúp du khách trải nghiệm các câu chuyện đang được ký thác cho mảnh đất Sài Gòn…tất cả hướng đến mục tiêu không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn mở ra những cơ hội phát triển kinh tế địa phương từ du lịch. 

Hội thảo không chỉ là nơi em được học hỏi, trải nghiệm thực tế học thuật, mở rộng kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội rèn luyện tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và khả năng kết nối với các chuyên gia trong ngành kinh tế du lịch. Những ý tưởng, giải pháp tại hội thảo đã giúp em hiểu rõ hơn về cách kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, bổ sung giá trị thực tiễn vào Học phần “Di sản văn hóa gắn với du lịch” mà em đang theo học. 

Hơn hết, sự kiện này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để em tiếp tục trau dồi bản thân và cống hiến cho sự phát triển của ngành văn hóa – du lịch. Em nhận ra rằng, chỉ cần kiên trì theo đuổi mục tiêu và biết tận dụng cơ hội học hỏi, em có thể góp phần xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam ở thành phố mang tên Bác nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung. 

Hội thảo là động lực để em nỗ lực hơn nữa trong hành trình học tập và thực hành. Tôi tin rằng, với kiến thức tích lũy được, tôi sẽ không chỉ đạt được ước mơ cá nhân mà còn góp phần mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội. 

(Thạch Thanh Tâm, lớp 16-3)