DA Dạy Chữ Dạy Nguời
Địa phương minh bạch, dân sẽ bớt hối lộ

Địa phương minh bạch, dân sẽ bớt hối lộ

5

“Minh bạch các chính sách liên quan đến đất đai là yêu cầu từ cấp trung ương, nhưng khi thực thi tại địa phương còn hạn chế”, ông Anderson lấy ví dụ. “Chỉ 20% xã có công khai về các quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, qua một khảo sát của WB”.

Chính quyền địa phương hoàn toàn có đủ thẩm quyền để tạo chuyển biến trong chống tham nhũng. Ảnh minh họa: Bình Minh
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách phát triển (DEPOCEN) khi trình bày về thực trạng tham nhũng ở 4 tỉnh, thành miền Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Hải Dương cũng chỉ ra: Minh bạch là một công cụ tốt để phòng chống tham nhũng, nhưng dường như đang bị các tỉnh bỏ quên.

“Những thông tin liên quan đến đất đai mà quy định của nhà nước bắt buộc công bố trên mạng Internet thì có tỉnh làm, tỉnh không, còn những thông tin không bắt buộc thì không tỉnh nào làm”, ông Ngọc Anh nói.

Dẫn kinh nghiệm Ấn Độ cho thấy “chính quyền minh bạch các khoản chi tiêu sẽ giảm được tình trạng người dân đưa hối lộ”, chuyên gia James Anderson nhận định Việt Nam cũng có thể làm được tương tự.

“Thực hiện các chính sách một cách minh bạch và cởi mở; giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, lắng nghe phản hồi từ phía người dân và doanh nghiệp… là những việc mà chính quyền địa phương có thể làm để giảm các cơ hội tham nhũng trong các cơ quan công quyền ở địa phương mình”, chuyên gia WB kiến nghị.

Ông Anderson đưa ra một thông điệp: Chính quyền địa phương hoàn toàn có đủ thẩm quyền để tạo chuyển biến trong chống tham nhũng, thông qua tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị công tốt.

Chia sẻ nhận định của các chuyên gia về tình hình tham nhũng ở địa phương mình, đại diện các tỉnh, thành cũng nêu những khó khăn. Chánh VP Ban chỉ đạo chống tham nhũng của Sơn La cho rằng tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh còn khó khăn. Chánh Thanh tra Hà Nội chỉ ra Thủ đô có đặc thù là nơi tập trung người dân từ khắp nơi đổ về trong khi các dịch vụ công không đủ đáp ứng, khó tránh khỏi những hành vi “ngoài luồng mà chính quyền không thể ngăn chặn”.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Anh nhận định: “Nguồn lực để đầu tư cho việc phòng chống tham nhũng là cần thiết nhưng mức độ nghiêm túc và cam kết của chính quyền địa phương mới là quyết định”.

Ông Renwick Irvine, cố vấn thể chế của Cơ quan phát triển quốc tế Anh (DFID) tại Việt Nam cũng kiến nghị các địa phương không nên chờ đợi những thay đổi trong hệ thống để tăng cường tính minh bạch mà hoàn toàn có thể có những sáng kiến để thực hiện ngay tại địa phương.

Tại nhiều diễn đàn về phòng, chống tham nhũng gần đây, cũng có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam là tương đối đầy đủ, điều cần tập trung là thực thi chúng có hiệu quả trong thực tế.

Sẽ có thêm hai cuộc thảo luận tương tự được Thanh tra Chính phủ và Cơ quan phát triển quốc tế Anh (DFID) tổ chức tại Đà Nẵng và Cần Thơ để tham khảo ý kiến cho Đối thoại chống tham nhũng giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế cuối tháng 11 tới.

(TVN-STT-TH)