Tin Tức & Sự Kiện
DI SẢN VĂN HÓA – GÓC NHÌN TỪ ĐOÀN CẢI LƯƠNG NAM BỘ MỘT THỜI HOA LỬA

DI SẢN VĂN HÓA – GÓC NHÌN TỪ ĐOÀN CẢI LƯƠNG NAM BỘ MỘT THỜI HOA LỬA

Chương trình “Toạ đàm giao lưu nhân chứng lịch sử Đoàn cải lương nam bộ một thời hoa lửa” đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí trang nghiêm và ấm cúng tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình với mục đích kỉ niệm 70 năm Hiệp định giơ-ne-vơ và Chuyến tàu tập kết, đồng thời hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.

Ảnh 1. Chương trình Toạ đàm giao lưu nhân chứng lịch sử- Đoàn cải lương Nam Bộ Một thời hoa lửa. Ảnh: Thanh Hải

Với sự tham gia của các khách mời là những thành viên của Đoàn Cải Lương Nam Bộ từ những ngày đầu, đó là những người đã góp phần trong việc cổ vũ kháng chiến, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

  • NSƯT Ca Lê Hồng- nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
  • NDƯT Lê Thiện- Nguyên Phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang.
  • Đạo diễn Thanh Hạp- nguyên trưởng đoàn Kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh.
  • NSƯT Phi Điểu
  • NSƯT Văn Hai
  • Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu- Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Phó tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Cô chính là con gái của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch.
Ảnh 2. Cô chú nhận hoa cảm ơn từ BTC. Ảnh: Thanh Hải

Trong buổi toạ đàm, bản thân tôi rất vinh dự được gặp gỡ lắng nghe những câu chuyện, những chia sẻ từ các cô chú đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu cải lương, không chỉ trên sàn diễn mà còn trên giảng đường truyền dạy kiến thức cho thế hệ sau. Họ còn là những nhân chứng lịch sử đã gắn bó một phần tuổi thơ của mình ở Đoàn Cải Lương Nam Bộ.
Đoàn Cải lương Nam Bộ, thành lập năm 1956 sau khi hơn 200.000 đồng bào, cán bộ, văn nghệ sĩ từ miền Nam tập kết ra Bắc, đã trở thành một tập thể nghệ thuật đặc biệt với những tài năng xuất sắc trong lĩnh vực sáng tác, đạo diễn, và biểu diễn. Đây là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm đã tạo nên những tác phẩm gây được tiếng vang như: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Dệt gấm, Khuất Nguyên, Nàng tiên mẫu đơn, Thạch Sanh, Võ Thị Sáu, Máu thắm đồng Nọc Nạn…

Ảnh 3. Chú Thanh Hạp và cô Lê Thiện cùng tái hiện lại vở diễn trên sân khấu cải lương phía Bắc. Ảnh: Thanh Hải
Ảnh 4. NSƯT Phi Điểu chia sẻ những kỉ niệm trong Đoàn Cải Lương Nam Bộ. Ảnh: Thanh Hải

Buổi tọa đàm đã tôn vinh Đoàn Cải lương Nam Bộ, biểu tượng của nghệ thuật và tinh thần dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, khi đoàn đã mang lời ca, tiếng hát đậm chất Nam Bộ đến phục vụ nhân dân miền Bắc.

Qua những lời chia sẻ đầy xúc động của các cô chú đã cho chúng ta thấy được những khó khăn và thử thách của các diễn viên trong Đoàn Cải Lương Nam Bộ, từ đó có thể hiểu được tầm quan trọng cũng như vai trò của Đoàn Cải Lương Nam Bộ nói riêng và nghệ thuật Cải Lương nói chung đến đời sống văn hoá tinh thần của quân và dân trong giai đoạn khốc liệt của một cuộc chiến.

Ảnh 5. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, con gái của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch có đôi lời phát biểu. Ảnh: Thanh Hải

Không chỉ riêng tôi mà tất cả những người được tham dự buổi toạ đàm sẽ cảm thấy rất vinh dự khi được giao lưu với các cô chú. Bản thân tôi muốn gửi một lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các cô các chú, những người đã truyền cảm hứng cho tôi về sự nhiệt huyết với tình yêu nghề, tinh thần đoàn kết, sự yêu thương, đùm bọc của các cô chú đối với nhau. Đó là những bài học sâu sắc cần đáng để học hỏi, và bản thân tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, nếu cơ cơ hội hãy thử tập diễn cải lương, bởi đây là một loại hình nghệ thuật dặc sắc cần đáng được lưu truyền.

Ảnh 6. Các bạn đoàn thanh niên và các bạn sinh viên cùng cô chú tại toạ đàm.

Tin: Hoàng Thị Hải Vy