Đề: Viết cảm nhận sau khi tham gia lễ Giỗ lần thứ 192 Khâm Sai Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt – Tổng trấn Gia Định Thành
Lễ giỗ lần thứ 192 của Khâm Sai Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc ngay từ khi bước chân vào khu di tích. Nghi thức tế lễ được tiến hành chu đáo, tỉ mỉ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với vị khai quốc công thần. Lê Văn Duyệt, một trong những danh tướng tài ba của triều Nguyễn, đã có những đóng góp to lớn trong việc củng cố và mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế cho vùng đất Gia Định. Sự nghiệp của ông đã trở thành niềm tự hào của dân tộc và hình ảnh của ông mãi khắc sâu trong lòng của người dân.
Sáng sớm ngày 3 tháng 9 năm 2024, không khí trang nghiêm bao trùm Lăng Lê Văn Duyệt khi lễ giỗ lần thứ 192 của vị khai quốc công thần được tổ chức. Tiếng trống mõ trầm hùng vang vọng, khói hương nghi ngút bay lên, hòa cùng tiếng đọc văn tế trầm ấm, tạo nên một không gian linh thiêng. Bên cạnh các nghi lễ “Xây chầu – Đại bội”, Cúng Chánh giỗ,… tại đây đã tổ chức sân khấu hát Bội với hai vở tuồng vô cùng đặc sắc. Qua các vở diễn, bản thân em và cũng như các khán giả được nghe kể về những truyền thuyết, phong tục tập quán của dân tộc góp phần vào việc nâng cao trách nhiệm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá
Qua các thế hệ, lễ giỗ của Lê Văn Duyệt về cách thức tổ chức và những người tham gia đã có nhiều thay đổi nhưng những ý nghĩa thiêng liêng vẫn còn được gìn giữ. Khi tham gia buổi lễ trên, em đã gặp và được lắng nghe những có chia sẻ từ những cô, chú, ông, bà đến từ những nơi khác nhau cùng tham dự lễ. Họ đã kể những câu chuyện dân gian, những giai thoại liên quan đến Lê Văn Duyệt, chia sẻ về ý nghĩa của lễ giỗ trong văn hóa Việt Nam, về việc tưởng nhớ tổ tiên và những người có công với đất nước. Bên cạnh đó, các cô, chú còn căn dặn rằng thế hệ trẻ chúng em cần phải biết trân trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống. Như một vị khách đến từ Thạnh Phú, Bến Tre đã chia sẻ với chúng em rằng: “Bác cảm thấy rất vui khi tụi con đến chụp ảnh với bác trong bộ áo dài này và có một tinh thần biết trân trọng giá trị của dân tộc, bác rất cảm kích”. Trong thời đại ngày nay, khi đất nước đang trên con đường phát triển và hội nhập, chúng ta càng cần phải học tập và noi theo tấm gương sáng của các bậc tiền nhân. Việc tổ chức lễ giỗ là một hoạt động ý nghĩa, giúp chúng ta luôn ghi nhớ công ơn của những người đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước. Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia vào tháng 11 năm 1988, chính vì thế việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tại lăng là vô cùng quan trọng. Là một sinh viên thuộc thế hệ trẻ, em luôn nhận thức được tầm quan trọng ấy. Vì vậy, để có thể góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia Lăng Văn Duyệt, em có thể chia sẻ những hiểu biết của mình về Lê Văn Duyệt từ các thông tin thu nhập được khi tham quan lăng đến các bạn học khác, đưa ra những góc nhìn mới mẻ và những cách hiểu khác biệt về nhân vật lịch sử này thông qua các bài cảm nhận, nghiên cứu,… Đặc biệt ở những giá trị mà Lê Văn Duyệt để lại như lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo… em có thể đưa ra những ý tưởng về cách ứng dụng những giá trị đó vào cuộc sống hôm nay.
Sau khi tham dự buổi lễ, em đã có thêm nhiều kiến thức mới cũng như những trải nghiệm thú vị, đồng thời còn mang theo trong lòng nhiều cảm xúc. Đó là sự biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp của Lê Văn Duyệt, là niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc và là quyết tâm sẽ luôn nỗ lực học tập và làm việc để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông. Những giá trị mà Lê Văn Duyệt để lại vẫn luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Việc tổ chức lễ giỗ không chỉ để tưởng nhớ một vị anh hùng dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh.
Họ và tên: Phạm Thị Ánh Quỳnh
MSSV: D23QL010
Lớp: 23DTCSKVH2
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Minh Hiệp (25/08/2022), Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Trang điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/lang-duc-ta-quan-le-van-duyet-don-nhan-bang-chung-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-1491898206, 03/09/2024.
Thùy Linh (02/09/2024), Thưởng thức nghệ thuật Hát Bội dịp giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt, Báo điện tử Tổ quốc, https://toquoc.vn/thuong-thuc-nghe-thuat-hat-boi-dip-gio-ta-quan-le-van-duyet-20240902183858982.htm, 03/09/2024.
Bùi Thị Ngọc Trang (1995), Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt Nghệ Thuật – Kiến trúc – Lễ hội, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đỗ Văn Trụ (28/11/2022), Vai trò của Di sản văn hóa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/vai-tro-cua-di-san-van-hoa-trong-xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-625691.html, 03/09/2024.
Phạm Ngọc Trung (2012), Giáo trình Lý luận văn hoá, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
PHỤ LỤC HÌNH ẢNH
Hình 02, 03: Thượng Công Linh Miếu
Hình 06, 07: Sân khấu hát Bội với tuồng Ngũ Sắc Châu
Hình 09, 10: Du khách đến tham quan và dự lễ tại lăng miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt
(Nguồn ảnh: Phạm Thị Ánh Quỳnh, 03/09/2024)