Tin Tức & Sự Kiện
<strong>DẤU ẤN VĂN HOÁ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU QUA MÚA RỐI LỤC VÂN TIÊN Ở NƯỚC NGÒAI</strong>

DẤU ẤN VĂN HOÁ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU QUA MÚA RỐI LỤC VÂN TIÊN Ở NƯỚC NGÒAI

Ngày 28 tháng 3 là một ngày thật đặc biệt ở thủ đô Kiev, Ucraina vở múa rối Lục Vân Tiên của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu – danh nhân văn hoá thế giới đã được trình diễn trước đông đảo công chúng yêu mến Nguyễn Đình Chiểu ở Ucraina; cùng dự khán có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ucraina Nguyễn Hồng Thạch. 

Dấu ấn văn hoá Nguyễn Đình Chiểu lan toả ở nước ngoài thể hiện sinh động qua vở múa rối Lục Vân Tiên khi công diễn ở Thư viện thiếu nhi thành phố Kiev đã chật kín chỗ ngồi. Khán giả rất hài lòng với vở diễn, Artem Leleka – sinh viên học tiếng Việt năm thứ tư đã viết bài luận về sự kiện văn hoá này cho rằng đây là vở diễn thành công ngoài mong đợi của người thực hiện lẫn người thưởng thức. “Trước tiên, tôi xin cảm ơn tất cả những người đã tham gia và đóng góp tổ chức chương trình biểu diễn múa rối truyền thống Việt Nam này. Đây là một đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển tình hữu nghị thông qua kênh văn hóa giữa hai nước chúng ta, bởi vì người Ucraine sẽ có cơ hội học hỏi những điều mới mẻ cho bản thân, mở rộng tầm nhìn từ một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Việt Nam trên quê hương mình”.

Vở diễn múa rối Lục Vân Tiên thu hút sự chú ý ngay từ màn đầu tiên với những gam màu đặc biệt của văn hoá Nguyễn Đình Chiểu dù đây không phải lần đầu người Ucraine biết đến Lục Vân Tiên (cần nhắc lại tác phẩm nổi tiếng này được dịch sang tiếng Ucraina và xuất bản từ năm 1983 bởi Nhà xuất bản Văn học nghệ thuật “Dnepro”, Kiev nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ucraina; đến năm 2022 tái bản  bởi Tổ chức Sáng kiến Ucraina hưởng ứng Nghị quyết của UNESCO vinh danh Nguyễn Đình Chiểu nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông), nhưng với sự xuất hiện lần này thông qua nghệ thuật dân gian cổ truyền độc đáo của Việt Nam là múa rối đi kèm với màn trình diễn, sự chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Ucraina, Lục Vân Tiên phiên bản mới nhất – múa rối đã đi vào lòng người dân Ucraine một cách sinh động, diễn viên lồng tiếng cho nhân vật chính của vở diễn đã nhập vai rất tài tình, thể hiện rất tốt vai diễn của mình, đã truyền tải được tâm tư, tình cảm và trải nghiệm của các nhân vật trong tác phẩm trên sân khấu. 

Một cảnh trong vở múa rối Lục Vân Tiên (Nguồn ảnh: Victoria Musiychuk).

Điều đáng chú ý là phần đệm âm nhạc xuất sắc, mang lại nhịp điệu cho màn trình diễn đã tạo nên hiệu ứng cho các trạng thái cảm xúc của nhân vật và qua đó rút ngắn khoảng cách ngôn ngữ và không gian vốn xa xôi ở tận Việt Nam trong bối cảnh Ucraina đang có chiến sự. Thành công của vở diễn múa rối Lục Vân Tiên đầu tiên ở nước ngoài được công chúng hồ hởi đón nhận theo lời Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch là bởi sự tiếp biến sáng tạo độc đáo giữa văn học và nghệ thuật, giữa  Việt Nam và Ucraina – “… chuyển thể từ thơ sang kịch, là biểu diễn là âm nhạc là thiết kế hình ảnh, là thiết kế trang phục…” nói chung là “cả núi” công việc bên cạnh một bản dịch Lục Vân Tiên tiếng Ucraina độc đáo sớm thứ 2 trên thế giới sau tiếng Pháp và dàn diễn viên tuyệt vời cùng một lực lượng công chúng nghệ thuật nhạy cảm đã phát huy cao độ cả sức sáng tạo lẫn cách thưởng thức nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam, tất cả đã cho thấy sự thăng hoa kỳ diệu của múa rối Việt Nam qua nhịp cầu Lục Vân Tiên ở nước ngoài. Đại sứ nhấn mạnh: “Dựng vở Vua Lear của Hamlet hay dựng vở ballet Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky đã là giỏi, nhưng đó là những tác phẩm kinh điển cứ thế mà dựng. Còn từ truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên chuyển thể thành vở múa rối thì phải sáng tạo hơn nhiều. Chưa ai làm cả (ngay cả ở Việt Nam) mà các bạn Ucraina dám làm!”.

Từ Bến Tre, Việt Nam, hay tin múa rối Lục Vân Tiên lần đầu tiên được công diễn thành công ở Ucraine, chúng tôi không nén được sự cảm kích, vui mừng nhận thấy sức lan toả của văn hoá Nguyễn Đình Chiểu ở nước ngoài và tin chắc rằng những sự kiện văn hóa đặc biệt như vậy sẽ được tổ chức ngày càng nhiều hơn. Múa rối Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã chứng minh hùng hồn rằng: Nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật là không có biên giới và quá trình đó đã hội tụ, chuyển tải, chia sẻ trí tuệ và kinh nghiệm sống của một dân tộc, quá trình kỳ diệu đó cần được chia sẻ với mọi người góp phần củng cố lòng tin, xây đắp tình đoàn kết, từ đó tăng cường sự hiểu biết để kiến tạo cuộc sống được tốt đẹp và bền vững hơn…

Với ý nghĩa đó, vở diễn múa rối Lục Vân Tiên đã để lại những dấu ấn đặc biệt từ văn hoá Nguyễn Đình Chiểu, tạo nên những viên gạch diệu kỳ không chỉ xây đắp cho tình hữu nghị hai nước hôm nay mà còn chuẩn bị cho cả tương lai mai sau, phù hợp với nguyên tắc “chung sống hoà bình” mà UNESCO khuyến cáo và cũng rất đúng với tinh thần mà Nguyễn Đình Chiểu đã gợi dẫn trong sáng tác của mình lúc sinh thời:

 “Bao giờ Nhựt Nguyệt vầy gương sáng ?

Bốn biển âu ca hợp một nhà”!

(Khôi Nguyên)