DA Dạy Chữ Dạy Nguời
Chia sẻ giữa kỳ các dự án VACI – Gặp người điều chế văcxin CHỐNG THAM NHŨNG

Chia sẻ giữa kỳ các dự án VACI – Gặp người điều chế văcxin CHỐNG THAM NHŨNG

5

PV: Ý tưởng tạo ra một không gian liêm chính công với “3 không” có từ khi nào? Từ đâu có ý tưởng có vẻ lãng mạn này? Anh có số liệu nào về liêm chính công ở VN hay không?
Ngô Sỹ Thuyết (NST): Khi còn làm việc ở VNPT (1989-2007), trong các buổi sinh hoạt chính trị (năm 2005, 2006) tôi đã được nghe về môi trường 3-không trong cơ quan Chính phủ của Singapore: 
– Không muốn tham nhũng vì lương, thu nhập rất cao;
– Không dám tham nhũng vì chế tài xử phạt rất  nặng;
– Không thể tham nhũng vì hệ thống ngân hàng, tài chính hiện đại.
Ý tưởng về văcxin PCTN xuất hiện từ năm 2006 khi tôi còn làm trưởng phòng tin học của Văn phòng Tập đoàn VNPT. Đối với một kỹ sư tin học, chúng tôi luôn mong muốn có được những phần mềm, những chương trình tin học giúp cho việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh thật sự hiệu quả. Đặc biệt là cần có những hệ thống thông tin quản lý minh bạch và thống nhất mọi mặt hoạt động của mỗi tổ chức doanh nghiệp. Là dân toán, tôi rất coi trọng các chỉ tiêu, các con số thống kê, nhất là số liệu thống kê trên phạm vi toàn quốc, toàn ngành.
Sau khi có phiên bản demo phần mềm MNC tôi quyết định rời khỏi Tập đoàn VNPT để có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu triết học và minh triết đồng thời phát triển luận thuyết về Cây thông tin dữ liệu. Càng đi sâu nghiên cứu minh triết và văn hoá phương đông bằng tư duy của dân Tin học tôi càng thấy sáng tỏ và tin tưởng vào hướng đi của mình. Quá trình tích luỹ tri thức, làm giàu trí tuệ của bản thân và mong muốn đưa phần mềm MNC ra xã hội thôi thúc tôi có những suy nghĩ và hành động thật “lãng mạn” bởi tôi đã trở nên tự tin và lạc quan hơn bất cứ ai trên thế gian này.
Tôi không có số liệu cụ thể nào về liêm chính công ở VN nhưng qua kinh nghiệm thực tế khi phụ trách công tác báo cáo số liệu ở VNPT và qua hệ thống truyền thông tôi thấy được sự bất cập của những con số thống kê về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước cũng như của các tổ chức, doanh nghiệp. Chúng ta không có nhiều thông tin, số liệu đáng tin cậy, một mặt do cách thức quản lý lạc hậu, chậm thay đổi, một mặt nhận thức sai lạc về ứng dụng công nghệ thông tin (cho rằng khó khăn, tốn kém, thiếu đồng bộ), một mặt khác chưa có được những sáng tạo mang tính đột phá trong lĩnh vực ứng dụng CNTT.

PV:  Sau 4 năm nung nấu, tính lãng mạn của đề án có giảm dần không?
NST: Sau 4 năm nung nấu, tính lãng mạn của tôi không hề giảm mà ngày càng tăng lên, mà gần đây nhất là dám trình làng đề án "Điều chế văcxin phòng chống tham nhũng tại Việt Nam"!.
Qua theo sát tình hình, về công nghệ thông tin trên thế giới và trong nước không (chưa) thấy xuất hiện phần mềm nào tương tự như phần mềm MNC của chúng tôi. Mặc dù hạ tầng viễn thông, tin học phát triển rất nhanh tạo điều kiện cho nhiều ứng dụng mới mẻ, năng suất cao, xong xu hướng công nghệ luôn chạy theo vẻ hào nhoáng, gấp gáp, mà càng xa những giá trị chân thực (Iphone, 3G, 4G,…). VD: mặc dù thông tin các loại đầy rẫy trên Internet, khi cần người ta Google để thấy ngay những thứ cần thiết nhưng những con số xác thực, những bảng biểu, những cơ sở dữ liệu dùng cho việc nghiên cứu, đánh giá, so sánh,… một cách có hệ thống lại không thể có. Dùng Google người ta chỉ thu được những kết quả lẻ tẻ, rời rạc, tính pháp lý không cao, không trực tiếp phục vụ cho nhà nghiên cứu, phân tích hay quản lý các cấp. Bởi vậy, có thể nói không sai rằng: sống trong môi trường ngập lụt thông tin (Internet, báo chí) mà chúng ta vẫn thiếu đói thông tin, số liệu!.
Sản phẩm của chúng tôi nếu được áp dụng chắc chắn sẽ khắc phục sự thiếu thốn nghiêm trọng đó, có nghĩa là cái văcxin PCTN là có thật, bởi vậy tôi luôn tự tin, lạc quan và tôi cũng “không cần phải vội vã”. Vấn đề là phải có kèm theo nó là một phác đồ điều trị, một giải pháp tổng lực.
Mặc dù không vội vã, xong tôi vẫn luôn tìm cách thích hợp nhất để sớm đưa phần mềm MNC vào cuộc sống. Năm 2009, tôi đã gửi đề án dự Hội thi Ngày sáng tạo Việt Nam 2009 (cũng do Thanh tra CP và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức) với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” một chủ đề hoàn toàn phù hợp với việc ứng dụng CNTT. Tuy nhiên đề án của chúng tôi không được lựa chọn.
Đến cuối năm 2010, Thanh tra Chính phủ và NHTG tiếp tục phát động và tổ chức Sáng kiến phòng chống tham nhũng với khẩu hiệu “Vì một ngày mới không tham nhũng” và chủ đề “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả”. Tôi quyết định gửi Đề án cùng những lời tâm sự chân thành đến Ban Tổ chức hội thi. Thật thú vị là tên cuộc thi VACI 2011 lại đồng âm với Vaccine mà tôi trăn trở trước đó, sự trùng hợp ngẫu nhiên này giúp tôi tin rằng Đề án sẽ được quan tâm thích đáng.  
PV: Tôi vẫn muốn anh cho biết rõ hơn là làm thế nào để đề án này được hiện thực hóa, không chỉ ở VN, nhưng trước hết là ở VN?
NST: Tham nhũng ở Việt Nam là quốc nạn là vấn đề nhức nhối nhất của đất nước, của dân tộc bởi vậy hơn lúc nào hết, hơn ở đâu hết chúng ta cần phải giải quyết triệt để vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên phải nhìn nhận thấu đáo những khó khăn, thử thách để có thể xử lý tận gốc rễ vấn đề, hiển nhiên không thể duy lý, giản đơn, nóng vội để xử lý dứt điểm nạn tham nhũng trong một sớm một chiều, ít nhất, nếu bắt đầu từ bây giờ cũng phải kéo dài tới 4-5 năm mới “thanh toán” được 80% nạn tham nhũng.
Tôi thường nói, là tác giả của Đề án điều chế văcxin phòng chống tham nhũng nhưng tôi không chống ai cả, tôi không muốn có bất cứ kẻ thù nào, không muốn làm tổn hại ai. Tôi muốn cùng mọi người ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, phần mềm tin học để chúng ta có thể nắm được từng mẩu tin, từng con số, để giúp nhà nước, nhân dân quản lý được mọi nguồn lực của đất nước và sử dụng nguồn lực đó một cách minh bạch và hiệu quả.
Chúng ta cần những kho số liệu cập nhật, chính xác cao trên phạm vi toàn quốc, bắt đầu từ những con số ít nhạy cảm, tiến tới những con số nhạy cảm hơn, làm sao để từng bước mọi người được làm quen với việc thống kê, báo cáo, thu thập thông tin số liệu qua mạng Internet. Các em học sinh THPT trở lên có thể làm quen với việc sử dụng phần mềm MNC để nhập liệu và quản lý kho dữ liệu của mình hoặc tham gia vào những hệ thống thu thập dữ liệu toàn quốc.
Những hệ thống dữ liệu này đi vào hoạt động ổn định, chắc chắn nạn tham nhũng sẽ bị xoá bỏ dần dần và nhanh chóng bị tiêu diệt hoàn toàn. Tất nhiên, ngoài thứ văcxin phòng chống tham nhũng chúng ta còn cần phải có một “phác đồ điều trị” hoàn hảo, đúng đắn và sự quyết tâm chữa bệnh của các cấp lãnh đạo cũng như người dân; cần một giải pháp tổng lực.

PV: Theo anh, đề án thắng giải vì sao? Cụm từ “thắng giải” hơi khác so với các quy trình xét giải thường thấy ở VN thì phải? Anh có thể giải thích điều này?
NST: Đề án thắng giải một phần vì sự độc đáo từ cách đặt tên “Điều chế văcxin phòng chống tham nhũng tại Việt Nam” đến sự dẫn dắt (mở bài) dài tới 4 trang A4 như những lời tự sự, chân thành, thú vị, vừa hóm hỉnh vừa khúc triết, vừa lãng mạn vừa thực tế, vừa mạnh mẽ vừa mềm mại. Sau này, khi nói chuyện với mọi người, ai cũng cho rằng khái niệm “văcxin phòng chống tham nhũng” tôi sử dụng thật phù hợp, đúng với bản chất của vấn đề phòng chống tham nhũng và cũng là giải pháp đầy tính nhân văn, nhân đạo. Ngoài ra tôi luôn tìm cách giải thích đơn giản và hợp lý về tính khả thi của của đề án.
Cụm từ “thắng giải” là cách gọi rất chuẩn xác của Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ, các đề án thắng giải nhận được một khoản tài trợ tối đa là 290 triệu VNĐ để triển khai. Quy trình xét giải thường thấy ở VN và việc xét duyệt các đề án dự thi này giống nhau, song Giải thưởng lại hoàn toàn khác, không giành cho cá nhân mà giành cho đơn vị/ tổ chức. Số tiền của giải thưởng được chuyển vào tài khoản của đơn vị/ tổ chức và được chi theo những hoạt động đã đăng ký trong Đề án đã cam kết thực hiện với Ngân hàng thế giới. Việc chi tiêu tuân thủ các quy định tài chính chung và các quy định của Ngân hàng thế giới (chúng tôi đã được tập huấn 2 ngày về những quy định này) nói chung khá chặt chẽ.

PV: Được WB và Thanh tra Chính phủ đồng ý đầu tư, anh sẽ làm gì để tiếp tục hiện thực hóa đề án một cách hiệu quả?
NST: Đề án của chúng tôi đã chính thức được trao giải với kinh phí đăng ký là 286 triệu VNĐ. Đây có thể là bước đi đầu tiên để tôi bắt đầu triển khai, giới thiệu, chia sẻ những tri thức và mong ước đầy lạc quan của mình với xã hội và cộng đồng.
Có một điều thuận lợi là không phải bây giờ chúng tôi mới tiến hành nghiên cứu, điều chế văcxin PCTN, thực tế là từ năm 2007 chúng tôi đã nghiên cứu và “điều chế thành công” văcxin phòng chống tham nhũng “trong phòng thí nghiệm” (tức phần mềm MNC thế hệ 1.x), bằng chứng là sản phẩm phần mềm MNC-2007 đang hiện hữu.
Trong phạm vi đề án dự thi, với số kinh phí được tài trợ chúng tôi tập trung vào việc tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu, quảng bá PR, chia sẻ tri thức, củng cố và hoàn thiện luận thuyết về “cây thông tin” và cho dùng thử sản phẩm demo để theo dõi và thu hút sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ và cộng đồng. Phạm vi triển khai thuộc địa bàn TP.Hà Nội, lĩnh vực giáo dục đào tạo và dân số lao động.
Tôi sẽ sử dụng toàn bộ vốn tri thức của mình từ việc nghiên cứu triết học và minh triết những năm qua để thực hiện thành công đề án.
Tôi mong rằng, bức thông điệp mà chúng tôi đưa ra: “Chúng ta đã có giải pháp, đã tìm ra loại văcxin để phòng chống tham nhũng và có cả một phác đồ điều trị căn bệnh tham nhũng không chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam” đến được thật nhiều người qua việc triển khai đề án đặc biệt là đến được các nhà lãnh đạo đất nước. Chúng tôi cần sự ủng hộ của họ bởi có thể đây là cách duy nhất để đất nước thoát khỏi vấn nạn tham nhũng và hiên ngang bước vào một giai đoạn phát triển mới, cực thịnh và phồn vinh.
Tôi đã sẵn sàng./.
PV: Chúc anh thành công và văcxin PCTN sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi.

(NSTT giới thiệu, ảnh P/141)