Tin Tức & Sự Kiện
Cây di sản Việt Nam – điểm nhấn của hội thảo khoa học quốc tế “Kiến tạo môi trường kinh doanh, chuyển đổi kinh tế xanh vàphát triển bền vững vùng”

Cây di sản Việt Nam – điểm nhấn của hội thảo khoa học quốc tế “Kiến tạo môi trường kinh doanh, chuyển đổi kinh tế xanh vàphát triển bền vững vùng”

Ngày 04 tháng 7 năm 2025 vừa qua tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Gia Lai (tỉnh Bình Định cũ), Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai, Trường Quản trị kinh doanh EM Normandie (Cộng hòa Pháp), Đại học Quốc gia Hankyong (Hàn Quốc) và Tổ chức Mạng lưới nghiên cứu Đổi mới sáng tạo (RNI) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Kiến tạo môi trường kinh doanh, chuyển đổi kinh tế xanh và phát triển bền vững vùng”. Hội thảo quy tụ trên 200 nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Quang cảnh Hội thảo

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy-Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên, Trưởng Ban tổ chức hội thảo trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo đã nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, bất bình đẳng phát triển và bất ổn kinh tế-xã hội, nhu cầu chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, xanh và toàn diện đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Trong xu thế chung đó,  kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và đổi mới đóng vai trò then chốt. Đây không chỉ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là nền tảng khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn và đầu tư có trách nhiệm. Chính chủ đề hấp dẫn của Hội thảo đã thu hút trên 200 học giả trong và ngoài nước với 223 bài nghiên cứu gửi về Ban Tổ chức Hội thảo, gồm: 117 bài tiếng Việt và 106 bài tiếng Anh. Hội đồng Khoa học đã tuyển chọn 60 bài tiêu biểu biên tập, xuất bản Kỷ yếu hội thảo có chỉ số ISBN.

Kỷ yếu Hội thảo bao gồm: 14 bài viết đề cập đến cảng xanh, logistics xanh; 24 bài viết về môi trường kinh doanh, kinh tế số, kinh tế xanh; 22 bài viết tập trung vào phát triển bền vững vùng và kinh tế tuần hoàn. Tại Hội thảo đại biểu đã tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề trọng tâm: phát triển cảng xanh, logistics xanh gắn với giảm phát thải và tối ưu chuỗi cung ứng; kiến tạo môi trường kinh doanh xanh, tài chính xanh, chuyển đổi số, đổi mới thể chế và chính sách; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững vùng, hợp tác liên vùng trong thích ứng biến đổi khí hậu qua phần trình bày của các học giả ở 1 phiên toàn thể và 2 phiên tiểu ban trong cả ngày 4/7.

Tại hội thảo, đại diện Trường Quản trị Kinh doanh EM Normandie, Đại học Quốc gia Hankyong và Tổ chức Mạng lưới nghiên cứu Đổi mới sáng tạo (RNI) trong phát biểu của mình đã khẳng định và cam kết đồng hành cùng các địa phương tại Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển xanh.

TS Phạm Văn Luân trình bày báo cáo

Đặc biệt trong phiên thảo luận chủ đề môi trường kinh doanh, kinh tế số, kinh tế xanh, các học giả đã dành sự quan tâm đến bài trình bày của TS Phạm Văn Luân & ThS Lâm Thị Hòa – trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh có nhan đề CÂY DI SẢN VIỆT NAM TIẾP CẬN DU LỊCH MẠO HIỂM Ở VƯỜN QUỐC GIA HƯỚNG TỚI CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ XANH. Theo TS Phạm Văn Luân hiện nay Việt Nam có 34 vườn quốc gia luôn rợp bóng cây xanh, đây chính là không gian đặc hữu giúp du khách có những trải nghiệm khi phiêu lưu, khám phá thiên nhiên bao la, rộng lớn, những thử thách mà chỉ có du lịch mạo hiểm đem lại bên cạnh những trò chơi thoả mãn nhu cầu khám phá, rèn luyện bản thân.

TS Phạm Văn Luân trả lời câu hỏi của cử tọa

Vườn Quốc gia tập trung nhiều cây cổ thụ, cây Di sản Việt Nam, khai thác giá trị cây cổ thụ, độc đáo, quí hiếm vừa có tính đặc hữu về mặt thực vật học, vừa là minh chứng lịch sử, văn hóa của cộng đồng được tôn vinh, bảo vệ sẽ thúc đẩy phát triển du lịch mạo hiểm và giao lưu văn hóa, giáo dục & khoa học – những khía cạnh mà chuyển đổi kinh tế xanh cần hướng đến.

Bên cạnh bài trình bày của mình, TS Phạm Văn Luân còn chia sẻ các câu chuyện văn hóa từ truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu phiên bản tiếng Hàn cho các học giả Hàn Quốc..

TS. Phạm Văn Luân (trái) tặng sách Lục Vân Tiên song ngữ Việt – Hàn cho GSTS. LEE Wonhee Chủ tịch ĐH Quốc gia Hankyong, Hàn Quốc

Tại Hội thảo, các học giả và đại biểu còn trao đổi về những mô hình thành công và chưa thành công từ nhiều quốc gia trong chuyển đổi kinh tế xanh; đề xuất hướng đi phù hợp với điều kiện vùng Trung Bộ và Tây Nguyên, nơi đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu nhưng cũng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp sinh thái và du lịch bền vững.

Các kết quả nghiên cứu và trao đổi tại hội thảo đã tạo ra một diễn đàn học thuật quốc tế đầu tiên được tổ chức ở  một địa phương sau khi Việt Nam thực hiện chủ trương sáp nhập chỉ còn 34 tỉnh, thành; Hội thảo đã tạo những hiệu ứng tích cực thông qua đưa ra những khuyến nghị có hàm ý chính sách cụ thể, định hướng chiến lược phát triển vùng trong bối cảnh sáp nhập và tái cấu trúc không gian phát triển mới theo hướng bền vững, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững SDGs và cam kết khí hậu toàn cầu. Hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu, đầu tư và đổi mới sáng tạo giữa các bên liên quan, hướng tới xây dựng một tương lai xanh, thịnh vượng và công bằng. Những bài viết, bài thuyết trình sâu sắc, các cuộc thảo luận sôi nổi và tinh thần hợp tác của các học giả với các hạt động bên lề đã làm sâu sắc và phong phú nội dung của Hội thảo. Kết quả nghiên cứu được công bố từ Hội thảo đã góp phần gợi mở những tư duy mới, giải pháp và chính sách phù hợp đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra trên toàn cầu cũng như củng cố niềm tin vào các mối quan hệ, hợp tác đa phương, liên ngành và liên vùng vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ảnh hoạt động bên lề Hội thảo

TS. Phạm Văn Luân và  GSTS. LEE Wonhee
Trao đổi về Tạp chí Văn hóa & Nguồn lực với GS. Joseph Lema, UNLV, Hoa Kỳ
     Cùng GS Pariwat, ĐH  Ubon   với GS. Joseph Lema, UNLV, Hoa Kỳ Ratchathani, Thái Lan
Tiệc chia tay Hội thảo
Khảo sát các thiết chế văn hóa và du lịch
Tìm hiểu sinh hoạt văn nghệ dân gian
Tìm hiểu sinh hoạt văn nghệ dân gian
Khảo sát vườn tượng trên đường Nguyễn Tất Thành

Khôi Nguyên