Cây Di sản Việt Nam đầu tiên trong năm 2025 ở Đồng bằng sông Cửu Long – Cây Thiên Tuế, Đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre
Ngày 10 tháng 01 năm 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Thiên Tuế hơn 200 năm tuổi tại Đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa bởi ra đúng vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Bến Tre, 65 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi.Tham dự lễ có PGS.TS Nguyễn Công Thuận, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; TS. Phạm Văn Luân, trường ĐH Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia cây Di sản; ông Nguyễn Văn Tuấn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bến Tre; bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố Bến Tre cùng trên 200 đại diện bà con nhân dân các xã, phường và xã Phú Nhuận.
Điểm đặc biệt thu hút sự chú ý của đông đảo đại biểu về dự lễ là trong phần văn nghệ chào mừng lần đầu tiên cây Di sản Việt Nam đã đi vào thơ – nhạc, trở thành nguồn cảm hứng cho 1 bài vọng cổ độc đáo của soạn giả Võ Thành Hạo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre được trình diễn mượt mà, gây xúc động lòng người về đất và người Bến Tre với “chứng nhân” là Cây Di sản Thiên Tuế.
Trong phần nghi thức chính của buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Công Thuận, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã thay mặt Hội trao Quyết định số 01/ QĐ-HMTg ngày 02/01/2025 và Bằng công nhận của Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây Thiên Tuế hơn 200 năm tuổi tại Đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre cho Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Bến Tre Nguyễn Văn Thương, bà Đặng Thị Bừng, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận và ông Trần Văn Kỵ, Chánh Bái – Trưởng Ban quản lý di tích đình Phú Nhuận.
Cây Thiên Tuế Đình Phú Nhuận, Thành phố Bến Tre là cây Di sản thứ đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận trong năm 2025. Đây còn là một sự kiện quan trọng, tin vui lớn ngay những ngày đầu năm mới 2025 của tỉnh Bến Tre. Cây Thiên Tuế Đình Phú Nhuận là cây Di sản Việt Nam thứ hai của thành phố Bến Tre, cây Di sản Việt Nam thứ 7 của tỉnh Bến Tre (8 cây Di sản còn lại gồm ở Ba Tri 4 cây, Tp. Bến Tre 1 cây, huyện Bình Đại 1 cây v
Theo hồ sơ Cây Thiên Tuế đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre khoảng 200 năm tuổi, cây cao hơn 6m, tán rộng 6m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 3,2m, đường kính 1,4m. Cây đứng, từ gốc cao đến 2m chỉ một thân, từ 2m trở lên cây chia làm 2 tược, từ 2 tược này phân thành 10 ngọn, chu vi mỗi tược từ 0,5 – 0,8m. Theo Chánh Bái Trần Văn Kỵ (sinh năm 1937), người có trên 60 năm theo dõi, chăm sóc cây Thiên Tuế: “… quá trình sinh trưởng, đâm chồi, nảy ngọn này được xác định là chỉ phát triển mạnh từ sau 30/4/1975. Từ trước đến nay, cây luôn phát triển xanh tốt, không sâu bệnh, không có cây ký sinh hay nấm ký sinh. Đặc biệt, cây có khả năng kháng bệnh trong quá trình sinh trưởng, không phát hiện sâu bệnh, rệp sáp bởi thường xuyên cây có chim Gõ Kiến đến bắt sâu, rầy nên không có sâu bệnh… Cây Thiên Tuế hàng năm trổ bông vào mùa xuân, góp phần tạo nên không gian sinh thái nhân văn đặc biệt, tạo nên hồn thiêng cho đình Phú Nhuận trăm năm tuổi”.
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Công Thuận đã nhấn mạnh: “Hôm nay Tôi rất vui mừng và vinh dự, được thay mặt BCH Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) về dự và trân trọng trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho thành phố Bến Tre. Có thể khẳng định, Bến Tre là tỉnh có khá nhiều cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Qua đó cho thấy xứ Dừa Bến Tre đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 15 năm hoạt động bảo tồn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam (2010 – 2025), góp phần đẩy mạnh truyền thông bảo vệ cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường với mục tiêu nâng cao vai trò, nhận thức của cộng đồng về giá trị của cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
PGS.TS. Nguyễn Công Thuận cho rằng, “Bến Tre tổ chức Lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam cho cây Thiên Tuế đã khơi dậy niềm tự hào cho người dân địa phương và hướng cộng đồng bảo vệ tốt hơn cây cổ thụ. Việc Lựa chọn và vinh danh cây Thiên Tuế cổ thụ, không chỉ hướng tới mục tiêu: bảo tồn nguồn gen quý, tiêu biểu của Việt Nam, giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới, mà còn hoạt động trực tiếp quảng bá, nâng cao giá trị văn hoá cộng đồng, góp phần phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Bến Tre và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Cây Thiên Tuế không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp tự nhiên mà còn mang trong mình những ý nghĩa phong thủy sâu sắc, đặc biệt là trong văn hóa người Việt. Với hình dáng mạnh mẽ và sức sống bền bỉ, cây Thiên Tuế được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Việc trồng loại cây này trong không gian sống không chỉ mang lại niềm vui mà còn kèm theo nhiều lợi ích về tinh thần và vật chất. Thêm váo đó, sự trường tồn của cây Thiên Tuế còn mang tính lịch sử. Vì vậy, mong rằng sau khi được công nhận, địa phương và cộng đồng tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của cây Thiên Tuế cổ thụ cho chúng ta hôm nay và cho con cháu mai sau.
Thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Công Thuận chân thành cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương tiếp tục tìm tòi, để cử các cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh Bến Tre vào danh sách Cây Di sản Việt Nam.
Cây Thiên Tuế, đình Phú Nhuận trở thành cây Di sản là biểu tượng của sự cố kết các giá trị sinh thái nhân văn của cộng đồng người dân Bến Tre hàng trăm năm qua chăm sóc, bảo vệ, trân trọng các giá trị truyền thống của quê hương. Khi cây Thiên Tuế đình Phú Nhuận được công nhận là cây Di sản sẽ tạo hiệu ứng thúc đẩy bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đình Phú Nhuận – di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Bến Tre, góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau, tri ân, ca ngợi, tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn vùng đất Bến Tre “địa linh, nhân kiệt”.
Ông Trần Văn Kỵ, Chánh Bái đình Phú Nhuận vui mừng cho biết: Ban Quản lý Đình, cùng bà con nhân dân xã Phú Nhuận rất tự hào có cây Thiên Tuế linh thiêng, quý hiếm, trải bao thăng trầm, biến thiên người dân xã nhà luôn chăm sóc bảo vệ. Hôm nay cây Thiên Tuế đình Phú Nhuận được công nhận là cây Di sản, người dân xã nhà lại càng thêm quý trọng, hứa tiếp tục chăm sóc, bảo vệ cho cây phát triển trường tồn.
Cây Thiên Tuế cổ thụ được công nhận là cây Di sản Việt Nam, sẽ đưa đình Phú Nhuận trở thành 1 điểm đến du lịch giáo dục lịch sử-văn hoá và sinh thái nhân văn theo các kết quả nghiên cứu của Chương trình “Bảo tồn di tích Bến Tre theo bóng cây Di sản Việt Nam” do TS. Phạm Văn Luân, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh cố vấn nhóm sinh viên của trường và nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre thực hiện từ năm 2022 đến nay, từ đó mở ra cơ hội lớn kết nối các tuyến, điểm du lịch sinh thái nhân văn ở thành phố Bến Tre khi phát triển các quần thể di tích cấp tỉnh – cây Di sản ở đình Phú Tự, xã Phú Hưng và đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre.
Khôi Nguyên
Ảnh bên lề sự kiện
Nguồn: Nhóm STT Bến Tre, Xã Đoàn Phú Nhuận và Phòng VHTT Tp. BT