Tin Tức & Sự Kiện
Cảm nhận về Hội thảo “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục”- góc nhìn từ sinh viên ngành văn hóa.

Cảm nhận về Hội thảo “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục”- góc nhìn từ sinh viên ngành văn hóa.

Em tên là Trần Thanh Toàn – sinh viên năm hai, lớp Đại học Quản lý văn hóa 18.2, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Ngày 08/11/2024, em rất vinh dự khi được tham gia Hội thảo khoa học lần thứ hai về “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục” được tổ chức bởi Viện Đào tạo và Nâng cao TP. HCM phối hợp cùng Trường Giáo dục, Đại học Johns Hopkins Hoa Kỳ. Em xin chân thành cảm ơn Ban tổ chức Hội thảo đã cùng phối hợp tổ chức nên Hội thảo rất thiết thực và ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Tiếp theo, em xin chân thành cảm ơn TS. Phạm Văn Luân và TS. Nguyễn Hồ Phong đã tạo điều kiện, kết nối cho em đến tham gia trong Hội thảo,: Lý luận Văn hóa giúp em được trải nghiệm thực tế cho các môn học quan trọng của hai thầy hướng dẫn, Phương pháp nghiên cứu khoa học…. Hội thảo đã cung cấp cho bản thân em nhiều kiến thức mới về trí tuệ nhân tạo (AI), các giải pháp ứng dụng AI như vấn đề về đạo đức, trách nhiệm xã hội, tư duy phản biện, trí tuệ cảm xúc, đảm bảo an toàn dữ liệu,….

Hội thảo khoa học “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục” được diễn ra tại Khách sạn Hotel des Arts, Phòng Ballroom-tầng 1, số 76-78 Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP. HCM. Chương trình được bắt đầu từ 07:30 ngày 08/11/2024 (Thứ 6) với mục tiêu nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà khoa hoc, nhà quản lý giáo dục, cán bộ giảng dạy tham gia nghiên cứu những vấn đề đặt ra khi ứng dụng Al vào giáo dục nói chung, đồng thời đề xuất giải pháp ứng dụng an toàn, hiệu quả Al vào giáo dục tại Việt Nam. Hội thảo quy tụ gần 100 đại biểu tham gia là các nhà khoa hoc/Chuyên gia/Nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục; đại diện Ban lãnh đạo các trường Đại học, Học viện; các cơ quan Sở/Phòng GD-ĐT tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam; các Tổ chức/Trung tâm giáo dục; Cán bộ quản lý, nhà giáo dục tại các trường phổ thông công lập, ngoài công lập; các đối tác chiến lược và các tổ chức, cá nhân liên quan có quan tâm, đăng ký và được Viện trưởng Viện Đào tạo và Nâng cao TP. HCM chấp thuận tham dự. Trong đó, về phía đại diện tổ chức và các diễn giả chính, gồm có: Về phía Trường Giáo dục-Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) có sự hiện diện của PGSTS. Jennifer Adams-Giám đốc Giảng dạy quốc tế & Lãnh đạo toàn cầu; Về phía Tổ chức Giáo dục ACEE Global, với sự tham gia của bà Cecilia Chen-Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành ACEE Global; Về phía Viện Đào tạo và Nâng cao TP. HCM, với các đại diện là TS. Nguyễn Thuỵ Vũ – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nâng cao TP. HCM, PGSTS. Trịnh Quang Từ – Hội đồng Khoa học Viện Đào tạo và Nâng cao TP. HCM, TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung – Thành viên Hội đồng Tư vấn Thế giới về Chương trình và Giảng dạy-Trưởng ban Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Nâng cao TP. HCM. Ngôn ngữ được sử dụng trong Hội thảo bao gồm cả Tiếng Việt và Tiếng Anh.

Hình 1: Diễn giả và chuyên đề của Hội thảo- Nguồn Trần Thanh Toàn

Chương trình Hội thảo được diễn ra gồm có 05 chuyên đề với các nội dung như sau: Thúc đẩy ứng dụng Al trong Giáo dục: Hỗ trợ giáo viên vượt qua rào cản công nghệ; Một số phương thức, thủ đoạn lừa đọa trên không gian mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực Giáo dục và biện pháp phòng ngừa; Văn hóa số và trí tuệ cảm xúc trong lãnh đạo và quản lý giáo dục; Tư duy phản biện đồng hành cũng Chatbot; Thách thức và giải pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào giáo dục.

Hình 2: PGSTS. Jennifer Adams diễn thuyết về sự thúc đẩy ứng dụng Al
trong Giáo dục-Nguồn: Trần Thanh Toàn

Trong chuyên đề 1: “Thúc đẩy ứng dụng AI trong Giáo dục: Hỗ trợ giáo viên vượt qua rào cản công nghệ” với sự diễn thuyết của PGSTS. Jennifer Adams, Bà đã nêu ra vai trò của AI trong việc cải thiện chất lượng giảng dạy và hỗ trợ giáo viên trong quá trình đổi mới phương pháp giáo dục nhằm khai thác tiềm năng của AI. Bài tham luận của PGSTS. Jennifer Adams tập trung xác định những rào cản trong công cuộc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, có thể kể đến như từ cấp độ chính sách, tổ chức và cá nhân mà giáo viên phải đối mặt; chiến lược cụ thể trong việc tiếp cận cũng như ứng dụng AI. Sau khi nghe xong phần diễn thuyết, em đã biết thêm nhiều thông tin về AI trong những rào cản khi tiếp cận với giáo dục và nhiều cách tiếp cận, khắc phục rào cản đó từ sự hỗ trợ cho giáo viên trong công tác giảng dạy.

Hình 3: TS. Nguyễn Khắc Chiến diễn thuyết về phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo

Tiếp theo chương trình Hội thảo là chuyên đề 2: “Một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực Giáo dục và biện pháp phòng ngừa” được trình bày bởi TS. Nguyễn Khắc Chiến đến từ đơn vị trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Phần diễn thuyết thú vị trong cách truyền tải của TS. Nguyễn Khắc Chiến đã trình bày những kiến thức chung về AI trong giáo dục như khái niệm Trí tuệ nhân tạo; một số chức năng chính của AI trong giáo dục: trò chơi áp dụng trong giáo dục, Chatbox, gia sư thông minh….Tiếp theo, diễn giả Nguyễn Khắc Chiến đã giúp em nhận diện được các tội phạm sử dụng AI như loại tội phạm sử dụng công nghệ AI để tạo ra các hình ảnh, video không có thật, tạo ra các mã độc, phần mềm độc, sử dụng AI để phạm tội trên thi trường tiền điện tử là như thế nào. Phần nội dung cuối cùng trong bài tham luận, TS. Nguyễn Khắc Chiến đã trình bày vị trí và thách thức của AI trong lĩnh vực giáo dục. Qua bài tham luận này, em có thể hình dung một cách rõ hơn về AI từ thông tin, chức năng, vị trí, thách thức mà AI đối mặt trong giáo dục ở Việt Nam.

Hình 4: TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung diễn thuyết về trí tuệ cảm xúc (EQ)

Chuyên đề tiếp theo em được nghe TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung diễn thuyết về “Văn hóa số và trí tuệ cảm xúc trong lãnh đạo và quản lý giáo dục”. Trong chuyên đề này, em được học hỏi nhiều kiến thức về văn hóa số, thế hệ Y, thế hệ Z-Thế hệ ưu việt, về giáo dục tỉnh thức, về trí tuệ cảm xúc (EQ) và cuối cùng là văn hóa số và EQ trong lãnh đạo và QLGD. Riêng đối với góc độ cá nhân, em rất tâm đắc về nội dung trí tuệ cảm xúc, các tác động của EQ từ việc ra quyết định, quản lý thời gian đến biểu hiện của EQ như tự nhận thức và làm chủ các mối quan hệ. Có lẽ, những điều này là những yếu tố mà bản thân em đang phấn đấu để chạm đến, nên khi nghe cô TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung diễn thuyết, em cảm thấy rất hay, rất đúng, rất đồng cảm và bản thân có thêm động lực để phấn đấu và phát triển.

Hình 5: PGSTS Trịnh Quang Từ diễn thuyết về thách thức và giải pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào giáo dục

Tiếp theo chương trình Hội thảo là chuyên đề 4: “Tư duy phản biện đồng hành cũng Chatbot”. Ở chuyên đề này, em được nghe phần trình bày của TS. Nguyễn Nam đến từ trường Đại học Fulbright Việt Nam. TS. Nguyễn Nam làm rõ về việc sinh viên sử dụng chat GPT, trong đó có Chatbox trong học tập gây lo ngại về thái độ thụ động và nguy cơ mất đi tư duy độc lập của học sinh, sinh viên cùng với việc sa sút đạo đức và rối loạn thông tin. Trước tình hình này, TS. Nguyễn Nam nhấn mạnh về ý thức của người dùng và kỹ năng tư duy phản biện đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn hệ quả tiêu cực từ việc lạm dụng AI. Qua bài tham luận, em tự ý thức bản thân cần phải cố gắng học hỏi, trang bị kiến thức về tư duy phản biện cho bản thân để sử dụng công nghệ Al một cách ý thức và hiệu quả.

Chuyên đề 5 cũng là chuyên đề cuối cùng trong chương trình Hội thảo, PGSTS Trịnh Quang Từ trình bày chuyên đề “Thách thức và giải pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào giáo dục”. Ở bài tham luận này, PGSTS Trịnh Quang Từ đã làm rõ hệ quả của việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào giáo dục là những thách thức như việc kiểm soát bí mật cá nhân; nguy cơ lừa đảo, bắt nạt trên mạng; một số chuẩn mực đạo đức thông thường không còn phù hợp; không đạt được mục tiêu giáo dục…. Đứng trước những tác động tiêu cực đó, trong phần diễn thuyết của mình, PGSTS Trịnh Quang Từ nêu ra một số giải pháp: coi trọng giáo dục ý thức tự giác; xây dựng động cơ học tập đúng đắn; tăng cường giáo dục thói quen và kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin có trách nhiệm…. Cuối cùng, tác giả tham luận tóm lại vấn đề: Để tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho người học trong môi trường Al, cần phối hợp các biện pháp phát triển đạo đức nghề nghiệp mới cho người học, chú trọng vào đổi mới toàn diện kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả học tập của người học trong môi trường ứng dụng Al.

Ngoài ra, chương trình Hội thảo còn tiếp tục với cuộc hội nghị bàn tròn chuyên sâu, trao đổi về các chuyên đề đến từ các vị khách mời.

Là một sinh viên ngành Quản lý văn hóa, Hội thảo “Ứng dụng hiệu quả công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục” đã mở ra trong em nhiều góc nhìn mới mẻ về trí tuệ nhân tạo trong văn hóa giáo dục. Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, AI không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình dạy và học qua các công cụ hỗ trợ giảng dạy và học tập thông minh mà còn có khả năng cá nhân hóa giáo dục để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng học sinh, sinh viên. Ngoài những mặt mà Hội thảo đã làm rất thành công, từ góc nhìn sinh viên chuyên ngành Tổ chức sự kiện Văn hóa, Thể thao, Du lịch, em xin được đóng góp một số ý kiến để Hội thảo được tổ chức thành công hơn,: Màn hình máy chiếu cần đáp ứng về tầm nhìn hơn cho quý vị ngồi phía sau; Khi diễn giả diễn thuyết xong, cần có khoảng thời gian tương tác đặt câu hỏi từ quý vị tham gia. Sau Hội thảo, em rút ra được nhiều kiến thức về AL, về cách tổ chức một Hội thảo Quốc tế chuyên nghiệp, em hi vọng rằng, sẽ có cơ hội tham gia những chương trình Hội thảo có ý nghĩa như thế này nữa trong thời gian tới cùng Viện Đào tạo và Nâng cao TP. HCM và Trường Giáo dục, Đại học Johns Hopkins Hoa Kỳ .

Trần Thanh Toàn