Tin Tức & Sự Kiện
CẢM NHẬN TỪ TỌA ĐÀM VỀ TÍN DỤNG TIÊU DÙNG CỦA VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ PHÁP TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

CẢM NHẬN TỪ TỌA ĐÀM VỀ TÍN DỤNG TIÊU DÙNG CỦA VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ PHÁP TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Lúc 17h30 ngày 6/7/2023, em may mắn đại diện 1 nhóm nghiên cứu trong CLB Sinh viên Nghiên cứu khoa học khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, trường ĐH văn hóa Tp. Hồ Chí Minh cùng TS. Phạm Văn Luân – Cố vấn CLB tham gia Tọa đàm do diễn giả người Pháp – Nicolas Lainez trình bày với chủ đề “Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam: Phi/Cá nhân hóa tín dụng và thu hồi nợ” tại Viễn Đông Bác Cổ Pháp – Trung tâm EFEO – Thành phố Hồ Chí Minh (113 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP. HCM). 

Tác giả bài viết lần đầu tiên đến tại Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Tp.Hồ Chí Minh (Ảnh VL)

Trong buổi Tọa đàm, diễn giả đã thuyết trình nghiên cứu 1 năm rưỡi của mình bằng tiếng Pháp và được dịch nối tiếp sang tiếng Việt. Bài chia sẻ kết quả nghiên cứu của Nicolas Lainez nói về tín dụng tiêu dùng đang bùng nổ tại Việt Nam nhưng cuốn hút em bởi sự xâu chuỗi và gắn kết với câu chuyện văn hóa… Những cảm nhận về một sự kiện học thuật đầu tiên em tham dự xin được chia sẻ dưới đây thay lời tri ân của em và CLB đến Viễn Đông Bác Cổ Pháp và rất mong đón nhận được ý kiến trao đổi, chỉ giáo!

Thị trường tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam mười năm trước còn gần như không tồn tại, thế nhưng lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Buổi Tọa đàm này xem xét khoảng cách giữa các câu chuyện chính trị về lợi ích của tín dụng tiêu dùng và hoạt động ngân hàng liên quan đến khoản vay và thu nợ của họ. Các chủ thể nhà nước, tài chính và công nghệ tài chính (fintech) đang quảng bá tín dụng tiêu dùng như một công cụ “ma thuật” để thúc đẩy tài chính toàn diện, chính thức hóa các giao dịch, cá nhân hóa tín dụng và xóa bỏ lĩnh vực “tín dụng đen” cổ lỗ sĩ mà chai lỳ. Theo họ, hình thức tín dụng phi chính thức này phản ánh một nền kinh tế tự cung tự cấp mang tính ép buộc, theo chủ nghĩa khách hàng và không được kiểm soát, nền kinh tế này phải được thay thế bằng một nền tài chính được tối ưu hóa, phi cá nhân hóa và được điều tiết hợp lye tủ căn nguyên của những thành tố văn hóa – điều đã làm nên “chân dung xã hội học” của người đi vay lẫn người cho vay.

Tặng sách Lục Vân Tiên cho diễn giả Nicolas Lainez (bìa trái) –  (Ảnh: TT)

Nghiên cứu của Nicolas Lainez về vận hành của tín dụng tiêu dùng và thu hồi nợ đặt câu hỏi về lập luận này, đặc biệt là điều kiện tiên quyết rằng sự phát triển của tín dụng tiêu dùng dựa trên sự phi cá nhân hóa. Trong lĩnh vực này, công ty tài chính và ngân hàng đang cá nhân hóa các giao dịch tín dụng và tự động hóa việc đánh giá rủi ro vỡ nợ. Nhưng đồng thời, họ biến mạng lưới xã hội và gia đình của người đi vay thành tài sản thế chấp, một hành vi bất hợp pháp mà họ đồng thời mô tả là ngược đãi, bất hợp pháp và ép buộc khi được thực hiện dưới tay các “băng nhóm” đảm bảo thu hồi “tín dụng đen”.

Bằng cách hạn chế rủi ro nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng theo cách này, công ty tài chính và ngân hàng góp phần tái cấu trúc hệ thống tín dụng bằng cách tích hợp vào đó các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau dựa trên các mạng lưới quan hệ giữa các cá nhân đã có từ trước. Điều này diễn ra trong một môi trường mà tài chính phi chính thức có vai trò rất quan trọng cho hàng triệu người Việt Nam.

TS Bùi Trân Phượng (giữa) và TS Phạm Văn Luân trao đổi với diễn giả Nicolas Lainez tại Tọa đàm (Ảnh: HL)

Kết quả nghiên cứu được chia sẻ đã đặt ra câu hỏi về lằn ranh tưởng tượng giữa nền kinh tế và phạm vi xã hội, đồng thời nhấn mạnh rằng tín dụng và cặp song sinh của nó, nợ, là các mối quan hệ và quá trình xã hội mà tài chính hóa đang tái cấu hình chứ không loại bỏ.

Buổi toạ đàm nhận được sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà nghiên cứu khoa học và các bạn sinh viên người Nga, Pháp lẫn Việt Nam…. Đây được xem là hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực, góp phần lan tỏa giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc nghiên cứu khoa học của Nicolas Lainez và Viễn Đông Bác Cổ Pháp đến đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội củangười dân Việt Nam. Mặc dù đã được biết đến rất nhiều buổi toạ đàm nhưng đây là buổi tọa đàm đầu tiên em có cơ hội được tham gia trực tiếp. Tuy rằng còn nhiều bỡ ngỡ nhưng em rất vui khi được tham gia học hỏi kinh nghiệm, giao lưu với các học giả, quý thầy cô và các anh chị, các bạn sinh viên trong và ngoài nước. Qua đó, em có thể tích lũy thêm nhiều kiến thức mới, học thêm được nhiều điều thú vị và có cơ hội biết thêm được nhiều bài học bổ ích khi tham dự các Tọa đàm của Viễn Đông Bác Cổ Pháp.

Một lần nữa em xin được bày tỏ lòng biết ơn đến Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Tp. Hồ Chí Minh – EFEO  đã tổ chức buổi Tọa đàm rất thành công và mong được tham dự những hoạt động tương tự vàrất thú vị của EFEO thời gian tới.

 Nguyễn Thị Hoài Linh, lớp 15.1

Khoa Quản lý VHNT, trường ĐH văn hóa Tp. HCM

Dưới đây là các hình ảnh bên lề sự kiện

Chúc mừng Tọa đàm thành công TS Bùi Trân Phượng (Ảnh: HL)
TS Phạm Văn Luân trao đổi với TS. Olivier – GĐ EFEO tại Tọa đàm (Ảnh: HL)
TS Bùi Trân Phượng  và TS Phạm Văn Luân tại Tọa đàm (Ảnh: HL)
TS Phạm Văn Luân và đại biểu từ trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM tại Tọa đàm (Ảnh: HL)