Cảm nhận từ “PHÚ XUÂN – GIA ĐỊNH NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ” ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Là sinh viên lớp Đại học Quản lý văn hóa 18.2, Khoa Quản lý văn hóa và Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, chúng em – Đinh Thị Lệ Thùy và Trần Thị Kim Chi – đã có cơ hội tham dự Lễ Khai mạc trưng bày chuyên đề: “PHÚ XUÂN – GIA ĐỊNH NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ”. Đây là sự kiện kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa và hướng đến kỷ niệm 65 năm kết nghĩa của ba thành phố Hà Nội – Huế – Sài Gòn (08/10/1960 – 08/10/2025).
Đây là sự kiện được sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm chờ đón, có đến hơn 50 sinh viên cùng Tiến sĩ Phạm Văn Luân đến tham dự.
Sự kiện này được phối hợp tổ chức bởi Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tôn vinh, quảng bá và tái hiện các giá trị di sản văn hóa qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Mục tiêu của sự kiện không chỉ là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, mà còn góp phần xây dựng nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản. Đồng thời, sự kiện còn giới thiệu và quảng bá các sản phẩm từ làng nghề thủ công truyền thống, chẳng hạn như đồ gốm, dệt may, mộc, và nhiều sản phẩm khác, cũng như các sản phẩm du lịch độc đáo của vùng đất Phú Xuân và Gia Định. Nhờ đó, du khách trong và ngoài nước có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm và thưởng thức những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất này.
Triển lãm là sự giao thoa giữa vùng đất từ Thuận Hóa – Phú Xuân đến Cố đô Huế và Nam Bộ thế kỷ XVII – XIX đến Sài Gòn nay. Triển lãm trưng bày 300 hình ảnh và tài liệu tiêu biểu, triển lãm đã thành công tái hiện những thành tựu đáng chú ý về kinh tế, văn hóa men theo dòng chảy lịch sử dưới từng triều đại phong kiến. Triển lãm cũng giới thiệu nét đặc trưng về lối sống và phong tục tập quán của từng vùng đất, đồng thời ban tổ chức đã khéo léo tạo nên sự hòa quyện tinh tế giữa bản sắc văn hóa cung đình và bản sắc văn hóa Nam Bộ.
Tại không gian trải nghiệm, chúng em đã có cơ hội trực tiếp khám phá và tham gia vào các công đoạn tạo nên những sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của xứ Huế. Chúng em đã được hướng dẫn tỉ mỉ từng bước làm hoa giấy Thanh Tiên, một loại hoa giấy nổi tiếng với màu sắc rực rỡ và tính nghệ thuật cao, thường được dùng để trang trí trong các dịp lễ hội. Ngoài ra, chúng em còn có dịp tự tay tô tượng ông Công, ông Táo, một phong tục đẹp đẽ và ý nghĩa trong văn hóa dân gian Việt Nam, tượng trưng cho sự bảo vệ và may mắn trong mỗi gia đình. Những trải nghiệm này không chỉ giúp chúng em hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công mà còn mang lại cảm giác tự hào và kết nối sâu sắc với nền văn hóa truyền thống của dân tộc.
Lễ Khai mạc trưng bày chuyên đề “PHÚ XUÂN – GIA ĐỊNH NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ” không chỉ là một sự kiện quan trọng, mà còn là một trải nghiệm quý báu đối với chúng em. Việc tham dự triển lãm đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của hai vùng đất Phú Xuân và Gia Định, đồng thời tạo cơ hội để chúng em trải nghiệm thực tế các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Sự kiện này không chỉ mở rộng kiến thức mà còn khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Chúng em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ban tổ chức và tất cả những người đã góp phần tạo nên thành công của triển lãm này
Sau đây là một số hình ảnh hiện vật tại trưng bày “Phú Xuân – Gia Định những dấu ấn lịch sử”:
(Lệ Thùy- Kim Chi, 18-2)