Tin Tức & Sự Kiện
Cảm nhận từ làng nghề “Một Thoáng Việt Nam”

Cảm nhận từ làng nghề “Một Thoáng Việt Nam”

         Trước tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến TS.Phạm Văn Luân hiện đang là giảng viên bộ môn môn Lý luận văn hóa của lớp em tại trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Cảm ơn thầy đã nhiệt tình giúp đỡ và đã hỗ trợ em xuyên suốt trong chuyến đi tham quan du lịch làng nghề truyền thống “Một Thoáng Việt Nam” tại huyện Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh. Chuyến đi này đã góp phần giúp cho em học hỏi nhiều điều, những bài học vô cùng quý báu và ý nghĩa từ các anh chị đi cùng em trong chuyến đi. Bên cạnh đó, còn giúp em có thêm nhiều mối quan hệ và được trao dồi kỹ năng cũng như học thêm nhiều kiến thức mới lạ trong quá trình tham quan của mình.

Tác giả bài viết Việt Nam. Nguồn: PVL

         Trong chuyến đi lần này em vô cùng vinh dự được tham gia cùng với TS.Phạm Văn Luân hiện đang công tác tại trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, có sự tham gia của anh Trần Đức Nhân (Phó Ban LLĐH huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre tại Tp. Hồ Chí Minh), anh Hồ Châu Xuân Trường (Tổng thư ký Ban LLĐH tỉnh Bến Tre tại Tp. Hồ Chí Minh), anh Phùng Linh Vũ (Green Heart) và Chị Nguyễn Thị Kim Sương (Giám đốc công ty yến sào Quốc Hoàng).

        Điểm đến của đoàn là làng nghề “Một Thoáng Việt Nam”,109 đường Nguyễn Thị Sữa, ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km.

Khu du lịch làng nghề “Một Thoáng Việt Nam”. Nguồn: Hà Hải Đăng

        Lịch trình chuyến đi gồm có hai nội dung: Đầu tiên là đoàn đến thăm và làm việc – ăn trưa với bà Trần Thị Tuyết Nga, Giám đốc làng nghề “Một Thoáng Việt Nam”, tiếp theo đoàn đi thực địa làng nghề “Một Thoáng Việt Nam” với gần 40 ha có điểm nhấn nổi bật là không gian văn hóa lịch sử qua các triều đại Việt Nam từ thuở mới khai quốc…

         Khi đến làng nghề, đoàn được gặp mặt trực tiếp bà Trần Thị Tuyết Nga, tại đây đoàn được bà mời dùng cơm trưa cũng như là trò chuyện về khu du lịch, quá trình bà đã xây dựng, gìn giữ cũng như là bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử. Trong lúc dùng cơm trưa em đã học hỏi rất nhiều điều từ bà, từ cách ăn nói, những bài học mà bà đã truyền đạt lại cho em và các anh chị trong đoàn. Bà kể về các giá trị văn lịch sử mà bà đang giữ gìn và phát huy trong tương lai, tất cả đều được bà thể hiện qua làng nghề “Một Thoáng Việt Nam”. Ngoài ra bà còn chia sẻ những bài thuốc chữa bệnh bằng cây thuốc quý, bà trồng rau, nấm, lúa,.. bằng phương pháp thuận thiên không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học với mục đích cung cấp thực phẩm sạch. Những thực phẩm này được sử dụng để chế biến thành 7 món ăn do bà và các anh đã chuẩn bị. Em được dùng các món đặc sản mà chỉ trong làng nghề này mới có như: gỏi cuốn bì với rau sạch, phở tái nạm, cá Mú hấp cuốn bánh tráng, cháo nấm, tàu hủ nóng, chè nhãn. Đặc biệt món khiến em ấn tượng nhất đó là món gà nướng xa lửa, bà đã chế biến món này hơn hai tiếng để mời cả đoàn dùng cơm. Em cảm thấy bữa ăn này rất ngon và để lại cho em nhiều cảm xúc về ẩm thực Việt Nam trong quá trình đi tham quan của mình.

Đoàn dùng bữa trưa cùng Bà Trần Thị Tuyết Nga. Nguồn: Hà Hải Đăng

Sau khi dùng bữa trưa xong, đoàn tham quan trong nhà dược thiết kế như một bảo tàng thu nhỏ, tại đây em được chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm mà bà đã lưu trữ từ hàng chục đến hàng trăm năm trước. Điển hình như bức tranh Cụ Tổ (cùng thời và là hàng xóm của bác học Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn xưa) được làm bằng vải và vô số cổ vật khác.

Bức tranh Cụ Tổ được thêu bằng vải từ 100 năm trước. Nguồn: Hà Hải Đăng

        Trong quá trình tham quan TS.Phạm Văn Luân đã có những trò chuyện về giá trị văn hóa cũng như những hướng phát triển sắp tới trong tương lai cùng với bà Trần Thị Tuyết Nga. Sau đó thầy đã tặng cho bà cuốn sách Lục Vân Tiên mà bà rất yêu thích.

TS.Phạm Văn Luân tặng sách cho Bà Trần Thị Tuyết Nga. Nguồn: Hà Hải Đăng

        Sau khi tham quan trong nhà bà, đoàn được bà dẫn đi xem những cây thuốc quý mà bà trồng tại đây như một loài cây (chưa có tên) được xem là “thần dược” có tác dụng chữa trị gãy xương,.. ngoài ra còn được chứng kiến cây lúa Tây Tạng được giữ trồng từ hàng chục năm trước. Đây là những kiến thức mới mà trước giờ em chưa từng được trải nghiệm, bà không chỉ giỏi về văn hóa mà bà còn giỏi cả về nông nghiệp trồng trọt.

TS.Phạm Văn Luân và anh Phùng Linh Vũ trực tiếp xem cây thuốc quý. Nguồn: Hà Hải Đăng

     Sau hoạt động thứ nhất của chuyến đi, em cảm thấy mình trưởng thành nhiều lên về mặt nhận thức từ những bài học quý báu của bà Trần Thị Tuyết Nga truyền dạy. Em được học hỏi nhiều hơn về cách ứng xử và được bồi dưỡng thêm kiến thức về các giá trị cổ vật lịch sử. Em cảm bản thân thật may mắn khi tham gia chuyến đi này cùng với thầy Phạm Văn Luân. Chuyến đi này cho em được học hỏi rất nhiều điều trong thực tế mà trước đó em chưa được học.

Cả đoàn chụp hình lưu niệm cùng bà Trần Thị Tuyết Nga. Nguồn: Hà Hải Đăng

Hoạt động thứ hai, đi tham quan các khu trưng bày, tái hiện giá trị truyền thống, lịch sử văn hóa qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn,…và Đền thờ Tổ có “một không hai” ở Việt Nam. Tại đây bà xây dựng không gian văn hóa của từng triều đại. Mỗi triều đại chuyển tải một giá trị lịch sử khác nhau. Nơi đây còn được xem là địa điểm tâm linh, là nơi thắp hương dành cho du khách.

Ngoài ra, còn là nơi lưu giữ những cổ vật, những chứng nhân lịch sử như: cọc Bạch Đằng năm 938 ( Ngô Quyền), tháp đồng, ly hương, các nhạc cụ dân tộc thời xưa. Một số cổ vật thời thời xưa như: Rương kho báo, chậu rửa mặt, hộp sắc phong cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX,…tất cả đều được bà lưu giữ tại đây.

TS.Phạm Văn Luân và anh Xuân Trường chụp hình với cọc Bạch Đằng. Nguồn: Hà Hải Đăng

Không gian văn hóa ở đây không chỉ là các giá trị văn hóa vật thể mà còn được tái hiện chân thực qua các nghề truyền thống của Việt Nam như: làm giấy dó, in tranh Đông Hồ, nuôi tằm dệt lụa… đồng thời còn thể hiện những kiến trúc độc đáo về nhà ở của các vùng Bắc Bộ, Nam Bộ, Huế, Tây Nguyên. Đặc biệt đây được xem là bản đồ thu nhỏ của đất nước Việt Nam khi bà Trần Thị Tuyết Nga đã đưa tinh hoa đặc sắc nhất ở khắp vùng miền nước ta vào khu du lịch này.

TS. Phạm Văn Luân chụp hình với làng nghề truyền thống. Nguồn: Hà Hải Đăng

Tại đây, em như được đi khắp một vòng Việt Nam. Chứng kiến Việt Nam ta qua từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử để rồi trong em tràn đầy những cảm xúc nể phục, cảm thán trước ý tưởng độc đáo mà bà đã tái hiện qua không gian văn hóa tại nơi đây. Điều đặc biệt ở đây bà Trần Thị Tuyết Nga đã làm em thực sự thán phục khi bà tái hiện lịch sử “Con Rồng Cháu Tiên”.  Qua hình ảnh “đồi trứng”  theo lời kể của anh Nhật Huân – hướng dẫn viên: bà đã sử dụng đất của 63 tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước để làm công trình này. Tác phẩm tái hiện truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” qua hình ảnh bọc trăm trứng.

Tác giả và anh Phùng Linh Vũ tại Đồi Trứng. Nguồn: Hà Hải Đăng

Là một sinh viên ngành “Quản lý văn hóa” em thực sự cảm thấy thích thú về hoạt động trải nghiệm thực tế tại làng nghề “Một Thoáng Việt Nam”.  Qua hoạt động trải nghiệm,  tham quan các giá trị văn hóa lịch sử, các làng nghề truyền thống của Việt Nam, em cảm thấy bản thân được học hỏi và tiếp thu những kiến thức vô cùng giá trị và bổ ích. Giúp em có thêm hiểu biết về giá trị lịch sử của ông cha ta, em được tận mắt nhìn thấy đất nướcViệt Nam mến yêu qua từng thời kỳ lịch sử. Học được nhiều cái hay và cái mới, cung cấp nguồn kiến thức vô cùng quý báu cho hành trình học vấn của bản thân em sau này. “Một Thoáng Việt Nam” là nơi hội tụ tinh hoa và bản sắc của dân tộc, đây là nơi mà chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy để sau này con cháu chúng ta được tiếp thu những giá trị văn hóa của dân tộc qua hình ảnh Việt Nam thu nhỏ.

Tác giả tại Đền thờ Tổ – Hồn Thiêng Sông Núi. Nguồn: Hà Hải Đăng

      Kết thúc chuyến đi em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và  được truyền cảm hứng, được học những bài học quý, đến với “Một Thoáng Việt Nam” em đã được cả đời học tập, đến với vùng đất Hồn Thiêng Sông Núi kỳ diệu này em không chỉ được học hỏi, bổ sung thêm nhiều kiến thức và còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, hiểu biết thêm về lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam và thấu hiểu tấm lòng, sự tâm huyết cháy bỏng đến “vi diệu” của bà Trần Thị Tuyết Nga – linh hồn của làng nghề. Em hi vọng trong tương lai em sẽ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm có ý nghĩa như thế này ở một làng nghề “Một Thoáng Việt Nam” – Hồn Thiêng Sông Núi.

  Hải Đăng