Tin Tức & Sự Kiện
CẢM NHẬN TỪ CHUYÊN ĐI THỰC TẾ Ở BÌNH THUẬN MÙA LỄ HỘI KA TÊ 2-24

CẢM NHẬN TỪ CHUYÊN ĐI THỰC TẾ Ở BÌNH THUẬN MÙA LỄ HỘI KA TÊ 2-24

Lời đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đối với thầy Ts. Phạm Văn Luân, giảng viên bộ môn Phát triển đời sống văn hoá cộng đồng, đã giúp đỡ em trong quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài “Phát triển đời sống văn hoá cộng đồng người Chăm từ lễ hội Kate tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận

Hình 1: Nhóm nghiên cứu chụp hình lưu niệm tại Nhà văn hóa xã Phú Lạc

Nhờ những kiến thức trong bộ môn của thầy, em có thêm cái nhìn bao quát hơn, hiểu rõ hơn về cộng đồng, nhất là tầm quan trọng của việc phát triển văn hoá trong cộng đồng. Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã từng rất nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của văn hoá trong mọi thời đại: “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Hay chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:” Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Nền văn hoá luôn đóng góp to lớn vào sự nghiệp của đất nước. Tuy nhiên, văn hoá lại chưa được quan tâm một cách đầy đủ so với kinh tế, chính trị. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, cố Tổng Bí thư cũng nêu ra những giải pháp lớn. Trong đó có giải pháp: Yêu cầu Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Là một trong những cán bộ công tác trong lĩnh vực di sản văn hoá tương lai, hơn ai hết em phải nhận thức đúng về văn hoá trong cộng đồng, nhất là những loại hình về di sản. Cũng nhận dịp học môn của thầy và ngay tại tháng 10 tại cộng đồng người Chăm có một lễ hội rất lớn, cũng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2017, đó chính là Lễ hội Kate được tổ chức tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Được thầy và nhà trường tạo điều kiện nhóm em đã được đi xuống cộng đồng để tham gia Lễ hội Kate, được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cộng đồng người Chăm. Từ đó, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, cách thức, cũng như lễ nghi, văn hoá của người Chăm tại tỉnh Bình Thuận.

Tối ngày 28/9/2024 nhóm di chuyển xuống thôn Lạc Trị, với sự hỗ trợ của bạn Ngân là thành viên nhóm, cũng là người Chăm, nên với đề tài của nhóm, cũng có ý nghĩa rất lớn đối với bạn. Vì đây là cơ hội bạn hiểu thêm về cộng đồng, kết hợp với ngành học và kiến thức để gìn giữ, phát huy, văn hoá của cộng đồng của mình. Đến ngày 29/9/2024, nhóm tới địa bàn, cùng tham gia vào lễ giỗ của một người dân trong làng, bản thân em thêm phần hiểu đôi chút cũng như được trò chuyện cùng cộng đồng. Được biết thêm nhiều điều khác so với cộng đồng người Kinh. Khi ở đây, mâm cúng là mâm cao, người cúng sẽ là thầy giỗ theo đạo Bà-la-môn, giỗ được tổ chức tại sân nhà, mâm cúng người mất sẽ được để ngoài sân cùng với mọi người. Nói về điều này, em được chủ nhà chia sẻ, người ta quan điểm, như vậy người mất sẽ cùng ăn uống với người thân trong gia đình, không coi họ như người đã chết.

Hình 2: Lễ giỗ tròn 1 tháng tại nhà một người dân trong thôn Lạc Trị

Tại đây, em được các cô giới thiệu với ông Minh, bà Loan là cán bộ về hưu, hiện giờ đang là Ban quản lý Đền Pô Inư Nưgăr thôn Lạc Trị. Ông bà là người đóng góp nhiều trong lễ hội Kate tại đây, ông bà cũng đại diện địa phương, tỉnh, đi tham gia nhiều hội thảo, toạ đàm, giao lưu văn hoá. Cũng nhờ có ông bà lễ hội Kate tại đây, được rất nhiều các đài truyền hình lớn về quay như VTV, HTV…Người dân địa phương hưởng ứng rất nhiều, họ tham gia đông đủ, họ luôn mong ngóng mỗi năm để được tham gia. Đây cũng là khoảng thời gian họ gặt lúa xong và nghỉ ngơi. Cũng tại đây phần hội được cộng đồng yêu thích nhất, mang bản sắc của người Chăm như: thi làm mâm cơm người Chăm, thi làm mâm cúng, thi làm bánh gừng…Các cuộc thi gắn kết cộng đồng, cũng như giáo dục được thế hệ trẻ người Chăm hiểu hơn về văn hoá, phong tục của dân tộc mình. Với hơn 4 tiếng trò chuyện cùng ông bà, em như biết thêm và mong muốn được ở lại để hiểu biết thêm về đời sống của người Chăm. Và đặc biệt, lễ hội Kate với những câu chuyện chưa ai được biết ngay cả cộng đồng người Chăm, cũng hiểu sai về lễ hội Kate. Tiếng trống Ghinăng, được vang dội khắp xóm làng người Chăm, vì họ đang chuẩn bị, luyện tập cho buổi lễ sắp tới.

Hình 3: Nhóm nghiên cứu cùng trò chuyện với ông Minh, bà Loan

Năm nay, có phần đặc biệt, khi xã đã tham gia vào tổ chức lễ hội. Nên phần hội được tổ chức tại Nhà văn hoá Xã Phú Lạc, với sự tham gia của rất nhiều cán bộ. Tại đây, nhóm cũng được gặp Chủ tịch Hội đồng Chức sắc Bàlamôn tỉnh Bình Thuận. Ông đã chia sẻ cho nhóm nhiều điều quan trọng, cũng như quy trình buổi lễ diễn ra, thời gian tổ chức, vai trò của các chức sắc trong buổi lễ.

Hình 4: Nhóm nghiên cứu chụp hình cùng cán bộ và thầy Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamon tỉnh Bình Thuận
Hình 5: Phần thi gánh nước, học sinh trong trang phục người Chăm tham gia hội thi

Nhóm cũng được gặp gỡ, trò chuyện cùng chú Trương Công- Ban quản lý đền Pô Inư Nưgăr. Nhận lời mời của chú nhóm được tham gia vào phần lễ tại làng được tổ chức tại Đền. Đây cũng là năm đầu tiên, lễ hội Kate diễn ra có nhiều sự thay đổi, nhất là tại Đền Pô Inư Nưgăr, đền được sửa năm năm ngoái để chuẩn bị cho lễ hội năm sau với quy mô lớn.

Hình 6: Nhóm nghiên cứu trò chuyện cùng chú Trương Công

Tối ngày 1/9/2024, nhóm tham gia, xem văn nghệ, thấy được các cô, các bà mặc đồ Chăm, đầu đội mâm, đội gùi dâng lễ vào đền. Ở ngoài, không khí sôi động, bên trong các thầy, cùng người dân chuẩn bị lễ. Người dân đi vào đền dâng hương, sau đó ra ngoài xem văn nghệ.  Tiếng Trống Paranưng, trống Ginăng, kèn Saranai, cùng tiếng hát, nói, cười đùa của người dân xung quanh Đền tạo nên một không gian lễ hội sôi động, những tiếng trồng chào mừng các vị khách nơi xa như chúng em. Tất cả những gì diễn ra tối hôm đó, đã in mạnh vào ấn tượng của em, một ấn tượng sâu sắc và lời mời gọi cho mùa lễ hội năm sau.

Hình 7: Không gian tại Đền Pô Inư Nưgăr
Hình 8: Tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm tại Đền Pô Inư Nưgăr
Hình 9: Bên trong Đền Pô Inư Nưgăr các cô tạ lễ và thắp hương

Nắng Bình Thuận chào đón em, những cái nắng gay gắt nhưng vẫn không thể nào cản trở được niềm yêu thích, mong muốn được khám phá mảnh đất này của em. Để rồi đây, hành trình khép lại, em trở về với cuộc sống thường ngày, là một kỉ niệm đẹp thời sinh viên. Là sự nhiệt tình tiếp đón những con người xa lạ đến với mảnh đất của các vị thần. Trước lúc xuống địa bàn, trời Bình Thuận luôn đổ mưa rất to, em cũng rất lo lắng về đề tài của nhóm. Nhưng xuống đây, mọi thứ lại rất thuận lợi đối với nhóm em, em cảm nhận như Mẹ xứ sở đang ngầm giúp đỡ chúng em, Mẹ yêu thương những người con trên mảnh đất này và cả những người con từ nơi khác đến. Sự mến khách, sự nhiệt tình của các ông, các bà, của cộng đồng địa phương ở đây, đã làm em rất ấn tượng. Em được biết những điều nhỏ nhất trong phong tục người Chăm, nhưng với thời gian có hạn em không thể thấy được nhiều hơn tại đây. Nhận lời mời của cộng đồng, nếu có dịp nhóm em sẽ quay lại, vào lễ hội ở tháp Pô Tằm là năm sau. Đây cũng là lễ hội lớn 3 năm chỉ có 1 lần. Có thể nói, đây là dịp hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị thẩm mỹ của nền văn hóa Chăm. Kết thúc những ngày tại thôn Lạc Trị, để lại trong em rất nhiều cảm xúc cũng như những bài học, thêm sự hiểu biết hơn về cộng đồng người Chăm. Đúng như những gì ông bà ta nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Em cũng rất mong có thêm nhiều cơ hội được đi và tìm hiểu thêm nhiều về cộng đồng

Lời cuối, em xin cảm ơn Ban quản lý Đền Pô Inư Nưgăr, người dân địa phương, gia đình bạn Ngân, cán bộ địa phương, hội đồng chức sắc Balamon, các thầy cô giáo tại thôn và thầy Phạm Văn Luân đã giúp đỡ nhóm em trong đề tài này. Chính những điều ấy, đã giúp chuyến đi của em ý nghĩa hơn, một sự kết nối giữa các dân tộc với nhau, là tình anh em giữa các dân tộc. Từ đó, các đồng bào, các dân tộc cùng tiếp thu tinh hoá văn hoá và góp phần vào phát triển văn hoá của đất nước Việt Nam./.

Bài, ảnh: Hồng Liên và nhóm nghiên cứu