
Bản thảo đầy đủ hồi ký của Trương Vĩnh Ký lần đầu công bố: Hồi cố một di sản chữ nghĩa đầy xúc động
Trong không gian ấm cúng tại tòa soạn Tạp chí Xưa và Nay ngày 10/4/2025, những người yêu mến Trương Vĩnh Ký – vị học giả lỗi lạc được mệnh danh là “cầu nối Đông Tây” – đã có dịp ngồi lại bên nhau, lắng nghe tiến sĩ Nguyễn Nam (Đại học Fulbright Việt Nam) kể về hành trình trở về kỳ lạ của một bản thảo tưởng chừng đã thất lạc: hồi ký tự thuật bằng thơ lục bát do chính cụ Trương Vĩnh Ký viết tay hơn 150 năm trước.

Bản thảo này không chỉ quý bởi nét chữ cổ, mà còn bởi chính câu chuyện đời được cụ thuật lại bằng thơ – một hình thức không ai ngờ tới ở một người thường được nhớ đến như nhà ngôn ngữ học, nhà báo, học giả uyên bác. Hơn hai ngàn sáu trăm cặp lục bát đã gìn giữ ký ức từ thuở thiếu thời cho đến ngày cụ từ giã cõi đời – một cuốn phim bằng thơ, sống động và thấm đẫm cảm xúc.
Câu chuyện bắt đầu từ những trang giấy mỏng manh được ông Trương Vĩnh Tống giữ gìn như gia bảo tại nhà kỷ niệm ở Chợ Quán. Những năm 1920–1940, ông Tống từng cho nhiều học giả như Dương Mạnh Huy, Nguyễn Tiến Lãng, Jean Bouchot mượn bản thảo này để nghiên cứu về thân phụ mình.Dường như do không có tựa đề ghi chính thức trên văn bản, nên các nhà nghiên cứu đã tuỳ theo cảm nhận của mình mà định danh cho nó bằng nhiều cách khác nhau, ví như “tập hành trạng nhựt ký” (Dương Mạnh Huy), “Ghi chú của J. B. Pétrus Trương Vĩnh Ký về những sự kiện trong đời ông” (Nguyễn Tiến Lãng), “Ghi chép về những sự kiện của đời ông” (Jean Bouchot), hay “Trương Vĩnh Ký truyện” (Lê Thanh). Qua miêu tả của các học giả đã có dịp tìm hiểu tác phẩm này, sự phong phú của các sự kiện cùng với những tâm tư, tình cảm mà tác giả tự truyện đã gửi gắm trong đó đã khẳng định tầm quan trọng của nó: đây là một tài liệu quý hiếm, có thể giúp hậu thế hiểu hơn về Trương Vĩnh Ký như một con người, ở những góc độ đa dạng: gia đình, chính trị, văn hoá – xã hội, qua lời tự thuật của chính ông.
Nhiều thập niên sau khi Pétrus Ký quá vãng, văn bản này được ông Trương Vĩnh Tống gìn giữ cẩn thận như “tài liệu gia đình” riêng tư, được bảo tồn ở nhà kỷ niệm Chợ Quán, và hầu như không có ý định xuất bản. Đến năm 1958, trước khi sang Pháp định cư, ông Trương Vĩnh Tống đã trao tặng một phần tư liệu cho Viện Khảo cổ (nay là Thư Viện Khoa Học Xã Hội TPHCM 34 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, TPHCM), nhưng phần lớn những trang thơ đặc biệt ấy đã không nằm trong số chuyển giao.
Trương Vĩnh Ký kết hôn với bà Vương Thị Thơ (1839-1907) ngày 8 tháng 6 năm 1861, hai ông bà đã có một gia đình viên mãn với chín người con: con trai đầu là Jean Baptiste Trương Vĩnh Thế (1862-1918) và con trai út là Nicolas Trương Vĩnh Tống (1884-1974).
May mắn là phần đầu thất lạc của tập tư liệu tự truyện của Trương Vĩnh Ký đã được chi trưởng nam J. B. Trương Vĩnh Thế tiếp tục lưu giữ như một kỷ vật thiêng liêng. Bà Monique Nguyễn Kim Hoa (1933-2022) hậu duệ đời thứ 5 đã gìn giữ tập bản thảo viết tay của Pétrus Ký, đặt trang trọng trong tủ kính cùng với di ảnh của ông suốt một thời gian dài. Vào những năm cuối đời, khoảng 2018, bà Nguyễn Kim Hoa sắp xếp lại gian tủ này và giao tập bản thảo lại cho các con Nguyễn Mai Chi, Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Minh Tiến lưu giữ, bảo tồn. Qua sự kết nối hữu duyên từ vợ chồng cô Phan Mỹ Tuyệt-PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng đến TS Phạm Văn Luân (đại học Văn hoá TPHCM) và giáo sư Shimizu Masaaki (Đại học Osaka, Nhật Bản), bản thảo quý giá này đã được trung tâm nghiên cứu Việt Nam của trường đại học Fulbright Việt Nam số hoá để công bố phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Từ những con chữ cổ, TS Nguyễn Nam miệt mài phục dựng lại đời sống nội tâm của một người vừa là học giả, vừa là con – là cha – là công dân sống trong thời đoạn đầy biến động. Mỗi đoạn thơ như một lát cắt tinh tế: lúc là kỷ niệm tuổi thơ, lúc là nỗi dằn vặt vì mẹ mất mà không kịp về chịu tang, lúc là nhật ký công việc thường nhật, lại có khi là tâm tình đời sống cá nhân…
Những dòng thơ mộc mạc ghi lại tâm trạng cụ khi hay tin mẹ mất:
“Xót vì sanh dục mẹ cha,
Công ơn chưa báo sao đà xa chơi!
…
Mẹ đi đâu mà vội bấy?
Tình mẫu tử tình thâm!”
Người đọc ngày nay khó lòng không xúc động trước một Trương Vĩnh Ký đầy tình cảm như thế.
TS Nguyễn Nam chia sẻ rằng, toàn bộ bản thảo gồm 216 trang với 2.673 cặp lục bát, được chia làm ba phần: hồi ký, nhật ký công việc và nhật ký đời sống. Công trình khảo cứu này là nền tảng để độc giả có cái nhìn sâu sắc và con người hơn về một nhân vật lịch sử vốn thường được đóng khung trong những bài học giáo khoa khô khan.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trong chương trình cũng nhấn mạnh: “Nghiên cứu lịch sử giới sử học là phải đi đến tận gốc rễ tư liệu, Tìm hiểu đó là cái gì? Tại sao lại như vậy? . Những tranh luận không thể chỉ dựa vào truyền miệng hay phỏng đoán mà phải căn cứ vào tư liệu gốc.”

Cũng tại sự kiện, cô Lê Ngọc Hân nhắc đến một bản dịch tiếng Việt đã hoàn tất của cuốn “Pétrus J.B. Trương Vĩnh Ký (1837–1898)” của Jean Bouchot, vốn từng được cụ Nguyễn Đình Đầu đặt vấn đề trước khi mất. Bản dịch này đến nay vẫn chưa xuất bản, nhưng nếu ra mắt sẽ là một nguồn tài liệu quý giá bổ sung cho việc tìm hiểu toàn diện về Trương Vĩnh Ký.

Dự kiến cuối năm 2025, bộ sách công trình nghiên cứu về hồi ký và nhật ký Trương Vĩnh Ký do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đại học Fulbright biên soạn sẽ chính thức đến tay bạn đọc. Đây không chỉ là một bước tiến khoa học, mà còn là cơ hội để công chúng hiểu rõ hơn về nhân cách, tư tưởng và cống hiến của một người đã tận hiến trọn đời cho văn hóa và giáo dục nước nhà.


Tóm tắt về Trương Vĩnh Ký
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6-12-1837 ở Cái Mơn, thôn Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Năm 21 tuổi, Trương Vĩnh Ký đạt giải thưởng của thống đốc Anh (thuộc địa Mã Lai) cho luận văn viết bằng tiếng Latin khi đang theo học tại Đại chủng viện Penang.
Năm 26 tuổi, Trương Vĩnh Ký làm phiên dịch cho sứ đoàn Phan Thanh Giản qua Paris. Trong chuyến đi này, ông viết bài báo khoa học cho tạp chí Hội Địa lý Paris, trở thành hội viên thông tấn của Hội Nhân chủng học Pháp
Năm 36 tuổi, Trương Vĩnh Ký được Le Biographe (tạp chí Tiểu sử) xếp vào danh sách 18 danh nhân văn hoá của thế giới trong năm.
Năm 39 tuổi, Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam duy nhất được cử vào làm thành viên Hội đồng thị xã Sài Gòn
Trương Vĩnh Ký đã biên dịch, biên soạn, viết hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ, Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận, Cours de langue annamite (Bài giảng ngôn ngữ An Nam), Voyage au Tonkin en 1876 (Chuyến đi ra Bắc Kỳ năm Ất Hợi, 1786), Lục Vân Tiên (bản phiên âm ra chữ quốc ngữ đầu tiên năm 1889, tái bản lần thứ 5 năm 1901), Đại Nam tam thập nhất tỉnh thành đồ, Cours de littérature annamite (Bài giảng văn chương An Nam), Grand Dictionnaire Annamite-Français (Đại tự điển An Nam-Pháp)…
Năm 1938, toàn quyền Nam Kỳ Pierre Pages đã tặng nhà bia tưởng niệm nơi ông sinh ra tạiấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) để tưởng nhớ về ông.
Các trường học mang tên ông: Trường THPT Trương Vĩnh Ký ở Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre. Trường Tiểu học, THCS và THPT Trương Vĩnh Ký ở Tp Hồ Chí Minh.
Học giả Jean Bouchot Giám đốc đầu tiên của bảo tàng Blanchard de la Brosse (Bảo tàng lịch sử TPHCM ngày nay) đã gọi Trương Vĩnh Ký là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương… Ta phải xem đời của cụ Trương Vĩnh Ký là một bài học và một gương tốt cho ta. Một bài học vì, vì ta thấy người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học…”
LÊ NGỌC HÂN