Tin Tức & Sự Kiện
BÀI CẢM NHẬN SAU CHUYẾN ĐI LAN ĐÌNH BẾN: LAN ĐÌNH BẾN: Trải nghiệm thú vị của đời sinh viên

BÀI CẢM NHẬN SAU CHUYẾN ĐI LAN ĐÌNH BẾN: LAN ĐÌNH BẾN: Trải nghiệm thú vị của đời sinh viên

Đời sinh viên chỉ trải qua một lần trong đời được tìm hiểu, được vui chơi, khám phá những thứ mới mẻ trong cuộc sống. Em đã có một chuyến đi nghiên cứu thực tế tại Lan Đình Bến để học tập nghiên cứu, tìm hiểu nguyện vọng của nữ sĩ Lan Hinh về không gian Á Nam Lưu niệm đường. Chuyến đi này giúp chúng em xây dựng nội dung của đề tài nghiên cứu bộ môn Lý luận văn hóa một cách đầy đủ hơn. Em chân thành cảm ơn thầy Phạm Văn Luân giảng viên môn đã tin tưởng giao cho nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu và cảm ơn anh Khôi và cô Kim Thanh đã đồng hành, giúp đỡ nhóm em trong suốt chuyến đi cũng như đề tài nhóm đang nghiên cứu. Chuyến đi không chỉ cho chúng em thêm nhiều kiến thức mà còn cảm nhận được không khí trong lành, mở mang tầm mắt bởi cảnh vật nơi đây.

Cổng vào Lan Đình Bến

Sáng sớm ngày 22 tháng 9, 6g30 nhóm đã có mặt tại trường Đại học Văn hóa Thành Phố Hồ Chí Minh cùng anh Khôi, nhà điêu khắc Lại Thị Kim Thanh và thầy Luân để xuất phát đến địa điểm Lan Đình Bến. Lan Đình Bến tọa lạc tại xã Đông Hà huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận là nơi bà Lan Hinh sống với mong muốn đây sẽ là điểm hẹn dành cho các đối tượng có cùng mối quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa.

Dọc hai bên với hàng hoa nở đầy màu sắc và các tảng đá đại diện cho các bến

Vào ngày chúng em đến thời tiết có hơi xấu trời mưa nên con đường dẫn vào Lan Đình Bến gặp chút khó khăn. Nhưng khi vào tới cổng Lan Đình Bến em bất ngờ khi dọc đường vào là dãy hàng bông hoa nở với nhiều màu sắc, cùng với đó là các tảng đá được khắc 12 bến trong bài thơ “Bến nào” của cụ Lan Hinh. Xuống xe, em càng cảm nhận rõ hơn nữa bầu không khí trong lành cùng âm thanh líu lo của tiếng chim tạo nên bức tranh vô cùng hùng vĩ và sống động. Từ trên đồi nhìn xuống, dòng sông La Ngà chảy xiết hòa nguyện với sắc xanh của cây cối, khiến tâm hồn em như lắng lại, xao xuyến không thể tả được trước vẻ đẹp của đất trời. Bà Lan Hinh –  nữ sĩ Lan Hinh tên thật là Trần Thị Lan là hậu nhân của Á Nam Trần Tuấn Khải – một nhà thơ yêu nước. Trong truyền thống của gia đình, bà thừa hưởng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc chứa chan của cha. Đồng thời bằng “nếp nhà”, bằng cái gia phong lễ giáo bà chuyền tải tất cả giá trị văn hóa kế thừa từ cha ông vào thơ của mình và “Bến nào” là một phần trong câu chuyện đó… Mong muốn của bà là giữ được “nếp nhà”, giữ được gia phong, văn hóa ứng xử của dân tộc từ các lễ nghi cách thức ứng xử của con người sao cho đúng, cho phải phép.

Không gian ở Lan Đình Bến

Phía trước Lan Đình Bến là rừng Nam Cát Tiên và dòng sông La Ngà. Sở dĩ, bà Lan Hinh chọn nơi này là vì được tiếp cận với dòng sông với mong muốn sẽ xây một bến tạm để mọi người đến tham quan, định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Lan Đình Bến chủ yếu được bao bọc bởi cây rừng nên nơi đây có sinh khí từ rừng, không khí rất trong lành và mát mẻ. Vị trí được nằm ở trên đồi cao có thể quan sát được mọi cảnh vật xung quanh. Về kiến trúc, tổng thể nơi này có năm gian nhà: một gian chính, một gian bà Lan Hinh ở, ba gian phía sau dành cho du khách và trong tương lai là bà muốn có chỗ ở cho khách bất kì lúc nào tới thăm bà và muốn ở lại. Những căn nhà này được thiết kế theo kiến trúc nguyên mẫu nhà cổ Bắc Bộ. Từ một nơi hoang sơ bà đã gầy dựng nên một Lan Đình Bến hùng vĩ vô cùng tươi đẹp, em cảm thấy rất ngưỡng mộ bà.

Buổi phỏng vấn nữ sĩ Lan Hinh

Sau khi tham quan và được giới thiệu sơ qua Lan Đình Bến, chúng em vào nhà phỏng vấn bà Lan Hinh để hiểu rõ hơn tâm nguyện của bà về khu Á Nam Lưu niệm đường, từ đó chúng em có thể đề ra các giải pháp bảo tồn và phát huy không gian văn hóa độc đáo này. Trong lúc trao đổi với bà em hiểu được tấm lòng của bà, một người coi trọng lễ nghĩa, tôn trọng các giá trị truyền thống của ông cha. Qua tâm sự của bà, nhóm em biết thêm nhiều thông tin và hiểu sâu hơn nguyện vọng, mong muốn của bà về không gian văn hóa Á Nam Lưu niệm đường cũng như Lan Đình Bến để có cách bảo tồn phát huy một cách hợp lý .

Nhóm nghiên cứu cùng thầy cô chia tay bà Lan Hinh kết thúc buổi phỏng vấn

Qua chuyến đi không chỉ mang lại cho chúng em những trải nghiệm quý báu mà còn mở ra nhiều góc nhìn mới về Lan Đình Bến. Qua quan sát trực tiếp và trao đổi chúng em đã hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa ở không gian Á Nam Lưu niệm đường và Lan Đình Bến. Những bài học trong chuyến đi thực tiễn này sẽ là hành trang quý giá giúp chúng em áp dụng vào đề tài nghiên cứu lần này để có thể đóng góp một phần mình vào gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc ta. Cuối cùng em xin trân thành gửi lời cảm ơn đến bà Lan Hinh đã cho phép chúng em được tham quan và được trao đổi, tâm sự để nhóm có thể xây dựng đề tài nghiên cứu một cách hoàn thiện. Và một lần nữa em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy Luân, anh Khôi và cô Kim Thanh đã đồng hành, hỗ trợ chúng em trong suốt chuyến đi thực tế này. Em mong rằng những kỷ niệm và bài học từ chuyến đi sẽ là động lực để chúng em phát huy đến mức cao nhất về đề tài nghiên cứu rất thiết thực của nhóm mình.

 Mai Thị Thanh Hương