Tin Tức & Sự Kiện
Lăng Ông Nam Hải, điểm tâm linh gắn bó sâu sắc với ngư dân Bến Tre

Lăng Ông Nam Hải, điểm tâm linh gắn bó sâu sắc với ngư dân Bến Tre

Trong chuyến đi thực tế vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 vừa qua của sinh viên trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Nhóm sinh viên chúng em có cơ hội hiếm có, đến thăm Lăng Ông Nam Hải – vị thần bảo vệ ngư dân khi ra biển. Trong đền có 2 bộ xương cá Ông nặng hàng chục tấn, một bộ dài 20m và một bộ dài 25m. Đây là biểu tượng linh thiêng đến từ biển cả và là điểm tâm linh gắn bó sâu sắc với người dân Bến Tre. Vì vậy hằng năm, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức linh đình tại đây thu hút hàng ngàn khách du lịch và là cội nguồn cho đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 vừa qua, 120 sinh viên khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật của trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã có chuyến đi thực tế về tỉnh Bến Tre. Để có một chuyến đi tốt đẹp, ý nghĩa vừa qua là nhờ sự hướng dẫn hết sức tận tình của hai giảng viên bộ môn ThS. Nguyễn Thị Phà Ca và TS. Phạm Văn Luân. Đây là hoạt động trọng tâm trong chương trình học Nhập môn Quản lý di sản, Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng và Tín ngưỡng và Tôn giáo Việt Nam. Trong chuyến đi thực tế này sinh viên chúng em đã có chuyến tham quan hết sức đáng nhớ về Lăng Ông Nam Hải. Qua đó, sinh viên được biết thêm về lịch sử, ý nghĩa, tín ngưỡng và đời sống cộng đồng của người dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Sau hơn 3 giờ khởi hành chúng tôi đã có mặt ở Lăng Ông Nam Hải, vừa xuống xe chúng tôi đã có cảm giác gần gũi và thân quen vì hai chị thuyết minh viên Nguyễn Trương Khánh Như và chị Nguyễn Thị Lan Chi đã chào đón chúng tôi rất nhiệt tình, cùng với những nụ cười kết nối mọi người với nhau. Tại đây, chị Khánh Như đã chia sẻ cho chúng tôi những bài học quý giá, những kiến thức chuyên môn liên quan về ngành Văn hóa nói chung và môi trường để sinh viên có thể thực hành khảo sát, tìm hiểu về văn hoá cộng đồng ở địa phương, qua đó có cơ hội tiếp thu những bài học và kinh nghiệm, thu thập dữ liệu có giá trị trong việc kết hợp học lý thuyết và thực hành, để phát triển cộng đồng nơi đây.

Hình 1: Cổng Lăng Ông Nam Hải – Nguồn: Nguyễn Trúc Mai – 7/10/2023

Qua lời thuyết minh của chị Khánh Như chúng tôi được biết bãi biển Cồn Bửng là vùng đất tiếp giáp với biển Đông, cách trung tâm tỉnh lỵ Bến Tre khoảng 70 km. Trước đây, khu vực này còn rất hoang sơ, rất ít người biết tới. Vào ngày 15/1 (âm lịch) năm 2004, người dân xã Thạnh Hải nơi đây đã phát hiện 2 cá ông lụy (cách nói tôn kính của dân làng biển đối với cá voi). Cá Ông đầu tiên được phát hiện có trọng lượng 57 tấn và chưa đầy 43 ngày sau cũng tại nơi đây lại có thêm một xác Cá Ông nặng 78 tấn nằm cách Cá Ông trước đó 300m. Từ khi có hai Ông về lụy bãi biển Cồn Bửng như được tiếp thêm sinh khí nên nhiều người biết tin đã đến tham quan và ngắm bộ xương cá voi lớn nhất trong vùng.

Hình 2: Hai bộ xương cá ông khổng lồ được người dân thờ tại Lăng Ông Nam Hải
Nguồn: Nguyễn Trúc Mai – 7/10/2023

Ngoài ra, sinh viên chúng em còn được biết thêm về Lễ hội Nghinh Ông qua lời giới thiệu của chị Khánh Như để tưởng nhớ hai Cá Ông hằng năm tổ chức vào ngày 14 – 16/1 âm lịch thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Đây là dịp để người dân sinh sống bằng nghề biển bày tỏ lòng biết ơn đến Cá Ông (cá voi) và gửi gắm những niềm tin và hy vọng của mình vào vị thần hộ mệnh linh thiêng. Ngoài ra, đây còn là một nghi thức quan trọng cầu cho biển lặng, mưa thuận, gió hòa để mà giúp cho ngư dân có được một mùa đánh bắt thuận lợi và bình an. Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre cũng phản ánh ước mơ tốt đẹp của cư dân miền biển là mong muốn được “ăn nên làm ra”, thuận buồm xuôi gió và không bao giờ quên ơn nghĩa, công đức của Tổ nghiệp.

Hình 3: Lễ cúng Lăng Ông Nam Hải – Nguồn: Văn Minh – 17/10/2023

Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải được chia thành hai phần là phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ hầu như diễn ra ở trên mặt biển. Phần lễ được tổ chức cực kỳ long trọng bao gồm 5 nghi thức như: lễ Túc yết, lễ Nghinh Ông, lễ tế Tiền hiền – Hậu hiền, lễ Chánh tế và lễ xây chầu đại bội và để nối tiếp phần lễ là phần hội với một bầu không khí cực kỳ là sôi nổi và hào hứng. Phần hội diễn ra các hoạt động gồm: hội thi mâm xôi, thi đấu bóng chuyền hơi nữ và thi kéo co…

Qua Lễ hội Nghinh Ông chúng em biết được đây là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cư dân miền biển, hướng đến một nhiệm vụ quan trọng là phát huy truyền thống yêu nước gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Ngoài ra, đồng thời góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân và thu hút du khách đến điểm du lịch văn minh, ấn tượng và mang nét đặc trưng của miền biển.

Chúng em được tham quan Lăng Ông Nam Hải mới, đây chính là công trình Lăng mới thay cho Lăng Ông xây dựng tạm thời từ năm 2004. Việc trùng tu lại công trình Lăng Ông nằm trong quần thể chung của dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển”. Công trình sau khi hoàn thành đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và tạo điều kiện để địa phương phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống về vật chất, cũng như tinh thần cho nhân dân. Nhân dịp về thực tế nơi đây sinh viên chúng em còn được biết thêm thông tin để ấp ủ một dự án phát triển cộng đồng, tạo ra cơ hội việc làm của sinh viên sau này.

Hình 4: Lăng Ông Nam Hải sau khi trùng tu Nguồn: Nguyễn Trúc Mai – 7/10/2023

Theo tìm hiểu chủa chúng em, công trình có vốn đầu tư lên đến 30 tỉ đồng trên diện tích 2.600m2, gồm những hạng mục: Tiền sảnh, không gian thờ cúng, nơi chứa di cốt 2 cá ông…. Công trình hoàn thành đã góp phần không nhỏ vào xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Ngoài ra, còn là điểm nhấn quảng bá, nâng tầm du lịch bãi biển Cồn Bửng phục vụ khách du lịch gần, xa tới tham quan và chiêm bái vào dịp lễ hội.

Hình 5: Không gian thờ cúng bên trong Lăng Ông Nam Hải
Nguồn: Nguyễn Trúc Mai – 7/10/2023

Chuyến đi đã kết thúc nhưng nhiều bài học ý nghĩa từ vùng đất đặc biệt này sẽ luôn đọng lại trong tâm trí của sinh viên trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Sinh viên chúng em có dịp chứng kiến, quan sát và tìm hiểu một địa điểm tâm linh của ngư dân tỉnh Bến Tre. Hiếm có một địa phương nào có Lăng thờ 2 “vị thần” Cá Ông khổng lồ tại Đồng bằng sông Cửu Long như ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Lăng Ông đã góp phần làm cho Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải Bến Tre tổ chức vào các ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, từ thời xa xưa trở thành một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng quan trọng đối với người dân địa phương và khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến Lăng Ông thắp hương, cúng bái, cầu khấn vị thần Cá Ông giúp đỡ cho những chuyến ra khơi của ngư dân bình an nơi biển cả, được mùa tôm cá…

– Võ Minh Thư –