VỀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐƯỢC KTS HUỲNH TẤN PHÁT PHÁT LỆNH KHỞI CÔNG ÍT NGƯỜI BIẾT ĐẾN!
Đó là công trình thủy lợi Dầu Tiếng (thường gọi Hồ Dầu Tiếng), ấp Thuận Bình xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Đây là công trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1979, với tổng số vốn 110 triệu USD, nguồn vốn xây dựng hồ từ khoản vay ưu đãi 110 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, đây là công trình xây dựng đầu tiên ở miền Nam sau năm 1975 được xây dựng bằng đô la Mỹ.
Đặc biệt, công trình thủy lợi Dầu Tiếng được khởi công xây dựng dưới sự chứng kiến và phát lệnh của cố Phó Thủ tướng – Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ngày 29/4/1981 tại ấp Thuận Bình, xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), cố Phó Thủ tướng – Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã bổ nhát cuốc đầu tiên, khởi công xây dựng hồ Dầu Tiếng, hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tại lễ khởi công, sau khi đọc diễn văn giao nhiệm vụ cho tỉnh Tây Ninh, cố Phó Thủ tướng – Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã cầm cuốc bổ nhát đầu tiên xuống đất. Vị trí này ngày nay nằm trong lòng kênh N4. Ông Đặng Hồng Phước (Út Ru), 74 tuổi, một trong hàng ngàn người dự lễ khởi công, nhớ lại như in trong ký ức của mình: “Ông Huỳnh Tấn Phát giơ cuốc lên cao rồi bổ xuống mặt đất. Cú bổ quá mạnh xuống mặt đất khô cứng, làm cuốc bật tưng trở lại. Bà con hò reo, vỗ tay rần rần”[1].
Theo lẽ thông thường ở lễ khởi công người ta chỉ cần thực hiện những động tác tượng trưng mang tính lễ nghĩa, chỉ cần bổ nhẹ nhát cuốc tượng trưng, nhưng cố Phó Thủ tướng – Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã dùng hết sức lực bổ nhát cuốc phát lệnh, “thể hiện quyết tâm của người đứng đầu” khi thực hiện một công trình vĩ đại (cho đến lúc bấy giờ) gặp không ít trở ngại mà lớn nhất là những tranh cãi về “niềm tin có nước hay không?” khi thực hện công trình vĩ đại này.
Lực lượng công nhân, thanh niên xung phong xây dựng hồ Dầu Tiếng đa phần là thanh niên có thời điểm lên đến hàng chục ngàn người. Theo số liệu thống kê của tỉnh Đoàn Tây Ninh, sau hơn 3 năm thi công đến ngày công trình hoàn thành và đưa vào vận hành, Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận đã huy động hơn 450 ngàn lượt đoàn viên – thanh niên tham gia; thực hiện gần 15 triệu ngày công lao động; đào đắp hơn 11,6 triệu m³ đất, xây lắp gần 54 ngàn m³ bê tông… xây dựng nên hàng ngàn km kênh và hàng ngàn công trình trên hồ với tổng diện tích bề mặt 270 km² là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn nước nông nghiệp cho miền Đông Nam Bộ, đặc biệt còn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cực kỳ quan trọng cho hàng triệu dân Tp.HCM và vùng lân cận. Ngày 2/7/1984, hồ bắt đầu tích nước và đến ngày 10/01/1985, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng với hai tuyến kênh chính Đông và Tây chính thức đưa vào khai thác.
42 năm sau sự kiện cố Phó Thủ tướng – Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công hồ Dầu Tiếng, trao đổi với chúng tôi các nhân chứng lịch sử của công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng đều bày tỏ một nỗi niềm… họ mong mỏi các cơ quan chức năng quan tâm định vị nơi cố Phó Thủ tướng – Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công hồ Dầu Tiếng và sớm xây dựng một tấm bia ghi dấu ấn công xây dựng vĩ đại này, đây là việc làm có ý nghĩa trong năm 2023 khi cả nước chúng ta đang kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Phó Thủ tướng – Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Đây cũng là mong muốn của ông Trần Việt Biên (Bảy Biên), nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh (giai đoạn thi công hồ Dầu Tiếng là bí thư Tỉnh Đoàn Tây Ninh, nghỉ hưu năm 2001) trăn trở: “Rất cần một tấm bảng như vậy để cho thế hệ hiện tại và mai sau biết việc làm của cha anh mình“.
(PT, Nhóm STT Bến Tre, nguồn khảo cứu tư liệu báo chí và điền dã của nhóm STT năm 2023)
[1] Nguồn Đông Hà – Đức Trong (2020), Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng – Kỳ 1: Nhát cuốc đầu tiên – Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 06/09/2020