Tin Tức & Sự Kiện
CĐSP BẾN TRE – 45 NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH…

CĐSP BẾN TRE – 45 NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH…

STT. Nhóm Sáng tạo Trẻ Bến Tre có một diễm phúc lớn là các thành viên sáng lập nhóm từ thầy đến trò đều là những người xuất thân từ mái trường CĐSP Bến Tre mến yêu, ít nhiều được được học, được biết đến Quý Thầy Cô trong đoàn Cựu Giảng viên trường CĐSP Bến Tre từng công tác tại trường cách nay tròn 45 năm từ các tỉnh phía Bắc, Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương… về thăm trường nhân kỷ niệm 45 năm ngày đầu tiên về Bến Tre công tác.

Với tình cảm trân trọng và những cảm xúc khỏ tả, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn (Tựa bài do chúng tôi đặt) Bài phát biểu của Thầy Nguyền Chí Bền thay mặt Quý Thầy Cô trong đoàn chia sẻ tại cuộc họp mặt đặc biệt  ngày 22 tháng 9 năm 2022 tại trường CĐ Bến Tre…

Thầy Nguyễn Chí Bền phát biểu- ảnh Trần Thành Liễu

CĐSP BẾN TRE – 45 NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH…

Kính thưa TS Nguyễn Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bến Tre

                 TS Võ Thành Phước, Phó Bí thư đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bến Tre

Kính thưa quí thầy cô giáo là cựu giảng viên, cán bộ và giảng viên, cán bộ đương nhiệm của trường CĐ Bến Tre

Kính thưa các anh chị em trong đoàn cựu giảng viên của trường CĐSP Bến Tre 

Thưa quí vị;

Lời đầu tiên, cho phép tôi được thay mặt các anh chị em trong đoàn cựu giảng viên của trường CĐSP Bến Tre về thăm trường xưa nay là trường Cao đẳng Bến Tre.  Tôi cám ơn các anh chị trong đoàn cựu giảng viên đã tin tưởng ủy quyền cho tôi thay mặt các anh, các chị nói những lời tâm tình hôm nay. Dù rằng đã đứng trên giảng đường 45 năm, hôm nay trong sự xúc động, tôi vẫn e ngại mình không nói hết được suy nghĩ, tình cảm của các đồng nghiệp. 

Đoàn Thầy Cô trên đường về thăm trường xưa… – Ảnh Tư liệu CSV

Trân trọng cám ơn và chúc sức khỏe quí thầy trong Ban giám hiệu, quí thầy cô giáo đã nghỉ hưu và đương nhiệm tham gia cuộc hội ngộ có một không hai này…

Các thế hệ Cựu Sinh viên đón Quý thầy cô chiều 21/9/2022 – Ảnh Tư liệu CSV

Cách nay 45 năm, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) thành lập Cơ sở Cao đẳng sư phạm Bến Tre với nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 2 cho các trường phổ thông cấp 2 của tỉnh. Tháng 9 năm 1977, Bộ phân công 32 sinh viên các khoa của trường Đại học sư phạm Hà Nội 1 về làm giảng viên của Cơ sở Cao đẳng sư phạm Bến Tre. Cũng năm 1977, tháng 10, Bộ điều động 16 giáo viên cấp 3 các tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), thành phố Hải Phòng bổ sung, làm giảng viên của trường. Liên tục từ năm 1978 đến năm 1985, Bộ bổ sung nhiều anh chị sinh viên tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Vinh, Đại học sư phạm Hà Nội 1, Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh làm giảng viên của trường.

Ngay sau khi đoàn đến nhà khách Hùng Vương đã diễn ra cuộc hội ngộ với các Cựu sinh viên – Ảnh Tư liệu CSV

Thế là từ ngày ấy, gần 100 anh chị em chúng tôi trở thành công dân Bến Tre, gắn bó với mái trường Cao đẳng sư phạm Bến Tre nay là trường Cao đẳng Bến Tre. Với 32 sinh viên mới tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội 1, nơi đây là nơi chúng tôi thực hiện những công việc đầu tiên của cuộc đời làm nghề dạy học với tư cách giảng viên, với quí thầy giáo các tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), Hải Phòng được Bộ điều động vào công tác, đây là nơi các anh thực hiện nhiệm vụ một giảng viên của một trường sư phạm thuộc hệ đại học. Trường Cao đẳng sư phạm Bến Tre bắt đầu những trang sử của mình. Nhưng những năm tháng ấy, Bến Tre vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ nên khó khăn thiếu thốn trăm bề. Ban đầu, Cơ sở CĐSP Bến Tre đặt tại trường Tân Dân, trong khuôn viên nhà thờ, giữa năm 1978, trường chuyển về trường Trung học Phan Tôn hiện nay. Tại đây, anh chị em chúng tôi cùng chịu đựng những khó khăn gian khổ ấy trong tư cách một công dân Bến Tre, một giảng viên trường sư phạm. Làm sao chúng tôi có thể quên tiếng súng phá nhà giam tối mồng 2 Tết năm 1978 của một vài người lính chế độ cũ đang học tập cải tạo ở đây, làm sao chúng tôi có thể quên những ngày vất vả khi cùng cán bộ các Ty của tỉnh vào khai hoang ở rừng U Minh Hạ tỉnh Minh Hải nay là tỉnh Cà Mau để trồng lúa, vì năm 1978, 1979 Bến Tre mất mùa. Làm sao chúng tôi có thể quên những ngày cả giảng viên lẫn sinh viên làm lò, đóng gạch để xây trường tại trường Phan Tôn, nơi chúng ta ngồi hôm nay. 

      Quý thầy lãnh đạo, cựu lãnh đạo phòng, khoa và nhà trường – Ảnh Trần Thành Liễu

Nhưng chúng tôi càng nhớ lời thầy Phan Ngọc Đằng trong một sáng chào cờ năm 1987, reo to phấn khởi: thưa quí thầy cô giáo, các em sinh viên, trường ta được Hội đồng Bộ trưởng công nhận là trường CĐSP Bến Tre rồi, càng không thể quên những nụ cười rạng rỡ của các bạn sinh viên khóa 1 rồi các khóa sau, tốt nghiệp, nhận quyết định về làm thầy, cô giáo trường cấp 2 ở các huyện, càng nhớ nụ cười hạnh phúc của hai người bạn có đám cưới đầu tiên tại trường. Làm sao chúng tôi có thể quên những giọt nước mắt của các đồng nghiệp khi nghe tin ngừơi thân nơi quê nhà qua đời của anh Thạc San v.v…

Nhìn lại chặng đường ấy, chúng tôi nghĩ rằng đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của những giảng viên ở một trường cao đẳng sư phạm thuộc hệ đại học. Các bạn sinh viên ra trường, về công tác ở các trường phổ thông cơ sở trên ba dải cù lao Bảo, Minh, An Hóa đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của thầy cô giáo,đưa sự nghiệp giáo dục của trường phát triển tốt. Đội ngũ anh chị em giảng viên của trường, ngoài công việc trong trường, còn tham gia nhiều hoạt động ngoài trường, như năm 1978, các anh Thức, Khôi, San, Thanh đã giảng bài về Văn, Sử cho các vị lãnh đạo tỉnh khi ấy, anh chị em tổ Văn, khoa Xã hội tích cực nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu nhân hội nghị khoa học toàn quốc đầu tiên về Cụ năm 1982, giảng viên các khoa của trường vất vả đi điền dã hai năm 1984-1985 để làm Địa chí huyện Bình Đại v.v… Trong tâm thức, mỗi người chúng tôi vẫn tin và nhớ đây là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, chúng tôi đã sống và cống hiến những tháng năm đẹp nhất của thời trai trẻ trên quê hương Bến Tre, tại trường CĐSP Bến Tre và xin mượn câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo để bộc bạch tâm trạng của chúng tôi:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình 

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc 

Ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc

Nhiều anh chị em chúng tôi được kết nạp Đảng tại Chi bộ, rồi Đảng bộ của trường CĐSP Bến Tre,được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý khoa, phòng của trường CĐSP Bến Tre.Thời gian trôi qua, anh chị em chúng tôi, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã chuyển về công tác nơi quê hương bản quán, xa cách Bến Tre, xa cách trường CĐSP Bến Tre về không gian.  

Quý thầy cô dự buổi họp mặt – Ảnh Trần Thành Liễu

Thế là, người ít nhất cũng là công dân Bến Tre bốn năm, người nhiều nhất là công dân Bến Tre gần 20 năm, sống và làm việc dưới mái trường này, tất cả chúng tôi đều coi Bến Tre là quê hương thứ hai của mình, trường CĐSP Bến Tre là nơi công tác đầu tiên của mình, nơi công tác thứ hai của mình. 

Và xin cho phép tôi thông tin, 14 anh chị em giảng viên do tuổi già sức yếu đã đi xa, không còn trong đội ngũ cựu giảng viên của trường CĐSP Bến Tre nay là trường CĐ Bến Tre. 

  Quý thầy cô và khu Tập thể trường năm ấy…. – Ảnh Tư liệu CSV

Kính thưa quí thầy trong Ban giám hiệu, quí đồng nghiệp.

Sau một thời gian xa nhà trường, hôm nay trở về trường xưa, tôi xin phép báo cáo một vài thông tin:

  • Tất cả anh chị em trong đoàn, sau khi chia xa nhà trường, đều trưởng thành. Cùng sự phát triển của đất nước, anh chị em ở các tỉnh lẫn ở thủ đô Hà Nội đều có nhà riêng đàng hoàng, khang trang bằng lao động của những công dân chân chính, bằng mồ hôi của người thầy giáo, cô giáo. Sở dĩ, tôi nhắc đến điều này để nhớ lại những căn hộ tập thể của chúng tôi tại khu tập thể nhà trường của một thời bao cấp. Dãy Lò Đúc, dãy Hàng Hòm (theo cách gọi tên hơi hài hước của anh chị em trong khu tập thể) tường xây, mái lợp lá dừa nước luôn hằn trong tâm khảm chúng tôi.

Thầy trò trường CĐSP Bến Tre những năm 80 thế kỷ trước – Ảnh Tư liệu CSV

  • Truyền thống Bến Tre, truyền thống của những giảng viên trường CĐSP Bến Tre mà tôi tạm gọi là truyền thống vượt khó, đã theo suốt hành trình của chúng tôi những năm tháng qua. Một số anh chị em là giáo viên, một số anh chị em được xã hội tín nhiệm, làm công tác quản lý ở các Sở giáo dục và đào tạo cùng các cơ quan văn hóa, báo chí như anh Nguyễn Trí Thức (trưởng phòng TCCB Sở Giáo dục Vĩnh Phúc), anh Thuyên làm hiệu trưởng trường PTTH Đồ Sơn thành phố Hải Phòng nhiều năm, anh Nguyễn Tiến Khôi (phó ban TG tỉnh ủy, giám đốc khu DTLS đền Hùng),chị Nguyễn Thị Kim Ửng, TBT tạp chí Kiến thức ngày nay, anh Quí Thế  ủy viên hội đồng văn hóa phẩm, kiêm trưởng phòng văn hóa ở Tổng công ty sách Việt Nam v.v…;  có những anh chị em được chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú như anh Nguyễn Thạc San, anh Nguyễn Chí Bền, có người được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố như chị Chu Thị Thu Dung. Một số anh chị em không ngừng phấn đấu để có học vị thạc sĩ như anh Nguyễn Tiến Khôi, chị Hoàng Thị Bạch Liên, học vị tiến sĩ như anh Nguyễn Thạc San chị Lục Thị Nga, chị Nguyễn Thị Kim Ửng, anh Nguyễn Hoài Thanh, anh Nguyễn Chí Bền, có chức danh như anh Nguyễn Chí Bền. Không hề có thầy cô giáo nào bị đánh giá là công dân, thầy cô giáo chưa gương mẫu. 
  • Mỗi người trong chúng tôi về với gia đình riêng của mình, nuôi dạy các con nên người. Hôm nay, xin phép trân trọng báo cáo với quí thầy trong Ban giám hiệu, quí thầy cô đồng nghiệp, các con của mỗi gia đình chúng tôi đều ngoan ngoãn, học giỏi, lớn lên, nhiều cháu đã xây dựng gia đình riêng, sinh con, nên nhiều anh chị em chúng tôi đã thành ông, bà nội ngoại. Các cháu đều là các công dân tốt, đều thành đạt trong sự nghiệp của mình: có cháu đã là PGS.TS như cháu Nam con anh Vũ Trường Kỳ, một số cháu đi học đại học ở nước ngoài, có cháu bảo vệ luận án Ph.D thành công như cháu Thảo con gia đình anh Bền chị Liên. Đặc biệt, cháu Trang con gia đình chị Nga anh Thỏa, sau học Ph.D ở Anh quốc, đã trưởng thành trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, cháu Trang được trao tặng Kỷ niệmchương Vì thế hệ trẻ, được giải Sách hay và cháu được giải thưởng của Tây Ban Nha, nhiều cháu thành đạt như cháu Đức con gia đình Minh Lương, hai cháu con gia đình chị Bích Hòa anh Tiến, các cháu gia đình anh Nhật chị Thép, anh Ma Toan, chị Bình v.v… Một số cháu theo nghề dạy học làm thầy cô giáo như bố mẹ như cháu Tú con anh Lương, chị Minh, cháu Thảo, cháu Nhị Hà con anh Bền chị Liên. Một số cháu đã sống, làm việc ở nước ngoài như con anh Thức, con anh Nhật, chị Thép, con chị Bích Hòa anh Tiến v.v… Trong số các cháu, nhiều cháu cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu của tỉnh nhà, làm giấy khai sinh ở xã Sơn Đông, huyện Châu Thành. Nói hình ảnh, thế hệ F1 của anh chị em chúng tôi đều có trong căn tính phẩm chất của người Bến Tre, công dân Bến Tre. Chúng tôi tự hào về các cháu, nhưng luôn biết ơn quê hương Bến Tre, biết ơn mái trường Cao đẳng sư phạm Bến Tre, đã là tiền đề cho các cháu phát triển, thành đạt. 

Kính thưa quí thầy trong Ban giám hiệu,

Kính thưa quí đồng nghiệp 

Tôi nhớ chừng 21g ngày 21/9/1977, chúng tôi đặt chân lên đất Bến Tre ở đầu bắc Rạch Miễu, một vài chị trong nhóm 32 người chúng tôi lau nước mắt vì vừa khóc trên bắc mà người các tỉnh phía Bắc gọi là phà trên sông Cửa Đại.Thời gian trôi đến nay đã tròn 45 năm. Đây cũng là lý do mà anh chị em chúng tôi chọn ngày này để về thăm trường cũ. Niềm vui hội ngộ khó nói hết thành lời, với tấm lòng biết ơn trường xưa, anh chị em chúng tôi có món quà xin kính tặng trường Cao đẳng Bến Tre. Đây là hình ảnh Khuê Văn Các, biểu tượng của nền giáo dục đại học Việt Nam ở Hà Nội, bởi tất cả các cựu giảng viên chúng tôi đều được đào tạo tại Hà Nội, hoặc ở Vinh, ở thành phố Hồ Chí Minh nói chung là trải qua giáo dục đại học.

Trân trọng kính mời quí thầy Nguyễn Văn Huấn, Võ Thành Phước trong Ban giám hiệu lên nhận kỷ vật của chúng tôi, cũng xin đề nghị hai chị Trần Bích Hòa, Nguyễn Thị Đạt thay mặt đoàn trao quà cho nhà trường, nơi công tác đầu tiên của chúng ta, nơi chúng ta làm giảng viên. 

Quý Thầy Cô tặng quà cho nhà trường – Ảnh Tư liệu CSV

  Trân trọng kính mời anh Nguyễn Đắc Thỏa, chị Lục Thị Nga thay mặt cháu Trang tặng sách của cháu được giải thưởng Tây Ban Nha để làm kỷ vật lưu niệm tại Thư viện. 

Trân trọng mời TS Nguyễn Thị Kim Ửng tặng sách của chị để làm kỷ vật lưu niệm tại Thư viện trường.

Cũng tại trường xưa, hôm nay tôi trân trọng kính đề nghị quí thầy cô cựu giảng viên có các sản phẩm, tác phẩm của mình đã xuất bản, đã công bố hãy gửi tặng Thư viện trường, nếu có thể Thư viện trường dành một không gian nhỏ bé để lưu trữ, trưng bày, giới thiệu các tác phẩm của cựu giảng viên nhà trường những năm qua thì rất quí hóa. 

Và tại cuộc hội ngộ này, chúng tôi xin hứa sẵn sàng hỗ trợ, cộng tác với nhà trường những việc cụ thể, trong điều kiện, khả năng cho phép của mình về sức khỏe, cũng như các phương diện khác.

Thầy Trần Đình Viễn, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trường trường CĐSP Bến Tre phát biểu tại buổi họp mặt- Ảnh Tư liệu CSV

Bến Tre phát biểu tại buổi họp mặt- Ảnh Tư liệu CSV

Thay mặt anh chị em trong đoàn cựu giảng viên xin nhà trường nối kết thường xuyên với chúng tôi. Chúng tôi xin gởi Ban giám hiệu Danh sách cựu giảng viên có điện thoại và zalo để tiện liên lạc. Nếu được, thành lập Hội cựu giảng viên Cao đẳng Bến Tre để gắn kết giữa nhà trường và anh chị em chúng tôi. 

Kính chúc quí thầy trong Ban giám hiệu, quí thầy cô đồng nghiệp mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công các dự định của mình…

Trân trọng cám ơn quí vị đã lắng nghe.  

Nguyễn Chí Bền 

Giảng viên tổ Văn,

Phó Chủ nhiệm khoa Xã hội/khoa Văn – Sử – Chính trị

trường CĐSP Bến Tre từ năm 1984-9/1990.

Phụ lục ảnh:

Thầy Nguyễn Chí Bền phát biểu tại buổi tiếp đoàn của UBND tỉnh Bến Tre (ảnh trái) tặng quà của đoàn choi UBND Tỉnh Bến Tre (ảnh phải) chiều 21/9/2022 – Ảnh Tư liệu CSV.

Lãnh đạo cao nhất của tỉnh (Bí thư tỉnh ủy, ảnh trái – Chủ tịch UBND tỉnh, ảnh phải) tiếp đoàn – Ảnh Bs. Đức Dũng và Tư liệu CSV.

Bí thư tỉnh ủy tặng quà thầy cô trong đoàn – Ảnh Tư liệu CSV.

Đoàn Cựu GV CĐSP Bến Tre thăm đồng nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh – Ảnh Tư liệu CSV.