Bến Tre – Tâm Điểm của Hội thảo Khoa học Quốc Gia “Phát triển Bền vững trong bối cảnh Biến đổi Khí hậu”
Nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre đã và đang đứng trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, tác động của nước biển dâng và hạn mặn diễn biến ngày càng cực đoan kết hợp với hiện tượng nước biển dâng gây nên tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng đe dọa sự phát triển bền vững của tỉnh Bến Tre.
Như một trường hợp điển hình nghiên cứu của cả nước, thời gian qua Bến Tre được Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ quan tâm mời các nhà khoa học trong cả nước và nhà quản lý địa phương nghiên cứu, viết bài đóng góp cho Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Phát triển bền vững tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 31/12/2021 tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm đến Bến Tre và vấn đề BĐKH đến từ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong cả nước và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành, trường Cao đẳng Bến Tre, nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre, lãnh đạo và cán bộ Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và tỉnh Bến Tre.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGSTS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu” vào ngày cuối năm 2021 là một nỗ lực mạnh mẽ không chỉ của Viện mà còn là tâm huyết của các nhà khoa học dành cho Bến Tre – một địa phương có tính điển hình được Viện quan tâm tổ chức Hội thảo, do đó Hội thảo này còn có tính đại diện, là diễn đàn không chỉ của Bến Tre mà của cả khu vực, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học với hơn 40 bài nghiên cứu được đầu tư chuyên sâu, có giá trị. Ban tổ chức đã phản biện nhiều vòng, tuyển chọn 35 bài đưa vào Kỷ yếu Hội thảo là một công trình rất có giá trị.
PGS.TS Lê Thanh Sang, Trưởng ban tổ chức hội thảo, trong báo cáo đề dẫn “Các vấn đề cơ bản của Bến Tre trong phát triển bền vững thích ứng với BĐKH” đã chỉ rõ: “Phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là một chủ trương lớn được chính quyền các cấp Bến Tre triển khai thực hiện với tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045. Bến Tre định hướng phát triển về phía đông và triển khai thực hiện đồng bộ bốn trụ cột chính: Tăng giá trị và tiếp cận thị trường trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo tồn di sản văn hóa; nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo môi trường xanh, bền vững”.
Sau báo cáo đề dẫn Hội thảo, đại biểu tham dự đã nghe trình bày và thảo luận các báo cáo khoa học của diễn giả được chọn trình bày. Các công trình nghiên cứu được công bố đáng chú ý như: ThS Nguyễn Quốc Thành đến từ Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre đại diện nhóm tác giả trình bày báo cáo đầu tiên của Hội thảo “Chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt tỉnh Bến Tre thích ứng với BĐKH”; ThS. NCS Huỳnh Thị Thúy Diễm, trường ĐHKHXH&NV TP Hồ Chí Minh có báo cáo “Ứng xử kinh tế của nông hộ trong bối cảnh xâm nhập mặn (Nghiên cứu trường hợp xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre)”.
ThS. Nguyễn Ngọc Thoại trình bày báo cáo là kết quả nghiên cứu từ 1 đề tài nghiên cứu cấp Bộ do Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ thực hiện có nhan đề: “Di dân ở Bến Tre trong bối cảnh BĐKH – Thực trạng và giải pháp”; ThS. Huỳnh Tấn Khương, trường ĐH Trà Vinh trình bày báo cáo “Tiềm năng và hướng phát triển bền vững du lịch nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre”.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền, trường ĐHKHXH&NV TP Hồ Chí Minh trình bày báo cáo “Nhận thức của người dân Bến Tre về rủi ro sức khỏe dưới tác động của BĐKH (Nghiên cứu trường hợp xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”).
Ở góc nhìn mới huy động nguồn lực ứng phó BĐKH vì sự phát triển bền vững ở Bến Tre, Hội thảo đã dành sự quan tâm đến báo cáo là 1 phần của luận án được bảo vệ tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tháng 6/2021 do TS. Phạm Văn Luân trình bày có nhan đề: “Bảo tồn di sản văn hóa Bến Tre trước tác động của BĐKH”. Trong phần minh họa các giải pháp khuyến nghị cho sự phát triển bền vững Bến Tre từ góc nhìn BĐKH, tác giả đã đưa ra thông điệp phát động trồng cây xanh và bảo vệ, chăm sóc thành cây cổ thụ, phát triển chương trình “Cây di sản Việt Nam” tại mỗi di tích đã xếp hạng ở tỉnh Bến Tre (như trường hợp Bạch Mai cổ thụ ở đình Phú Tự – Di tích cấp tỉnh ở TP Bến Tre).
Vấn đề số hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa cũng được tác giả giới thiệu qua mô hình “App Nguyễn Đình Chiểu – Văn chương vượt mọi rào cản ngôn ngữ (trường hợp tiếng Hàn Quốc)” của nhóm sinh viên trường Cao đẳng Bến Tre là kết quả của 1 đề tài nghiên cứu tham gia Chương trình Học phục vụ cộng đồng của bộ môn Phương pháp nghiên cứu khoa học theo mô hình SL/CEL do Mạng lưới học giả vì cộng đồng Việt Nam thực hiện lần đầu tiên ở Bến Tre.
Trong chia sẻ của TS. Phạm Văn Luân, hoạt động hưởng ứng diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH qua cuộc thi ảnh triển khai ngay đầu năm 2022 của nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre tại link http://thianhbiendoikhihaudbscl.com/news/rules cũng đã được giới thiệu. Được biết tham gia Hội thảo còn có 2 bài nghiên cứu được chọn đăng trong Kỷ yếu: tác giả Nguyễn Kim Thư có bài “Phát huy vai trò Phụ nữ trong bối cảnh BĐKH ở Bến Tre”; tác giả Phạm Nguyễn Phúc Toàn với bài “Sinh viên trong công tác thích ứng với BĐKH ở Bến Tre”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu quan tâm đến Bến Tre đã phát biểu chỉ ra những thách thức của BĐKH tác động đến đời sống kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre và khuyến nghị những giải pháp thích ứng cho tỉnh. Theo TS. Lê Văn Thành, Đồng bằng sông Cửu Long đã đặc thù, tỉnh Bến Tre càng đặc thù hơn, vấn đề của Bến Tre trong phát triển bền vững là nguồn nhân lực, đây là vấn đề đáng lo nhất khi mà dân Bến Tre vẫn xuất cư nhiều, trước đây Bến Tre là ốc đảo, 10 năm nay đã có cầu Rạch Miễu, sắp có cầu Rạch Miễu 2 hết cảnh ốc đảo, biệt lập trước đây nhưng Bến Tre đã phát triển đến cỡ nào? Đây là câu hỏi lớn cần được quan tâm nếu muốn Bến Tre phát triển bền vững!
Theo PGS.TS Lê Thanh Sang, để nhận diện cơ hội và thách thức của BĐKH từ đó có giải pháp cho sự phát triển bền vững, Bến Tre cần xây dựng bộ chỉ số về bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước và ứng phó với BĐKH, cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó là việc nghiên cứu để có thể nhận diện tiềm năng và hướng phát triển bền vững cho du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tỉnh Bến Tre, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi sinh kế ở nông dân Bến Tre thích ứng với BĐKH. Di sản văn hóa vật thể ở Bến Tre cũng cần được xem xét trong bối cảnh BĐKH và kỷ nguyên số, từ đó có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị và gìn giữ không chỉ để cho các thế hệ mai sau mà còn là nguồn lực để thích ứng với BĐKH ngày nay.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ nhấn mạnh: để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH, Bến Tre cần có các giải pháp phù hợp nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội, tiềm năng; đồng thời phải quan tâm đúng mức đến những hạn chế và thách thức đối với nguồn lực hiện tại để có giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Với tình cảm đặc biệt dành cho Bến Tre, PGS.TS Lê Thanh Sang cho biết sau Hội thảo, các vấn đề đại biểu đặt ra tại Hội thảo cũng như khuyến nghị của các nhà khoa học trong Kỷ yếu Hội thảo sẽ được Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ tập hợp chính thức chuyển đến lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Riêng với cách tiếp cận phát triển bền vững cho cả vùng Nam Bộ, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng BĐKH cho tỉnh Bến Tre trong bối cảnh mới.
Khôi Nguyên