Chuyển giao công nghệ mô hình lọc nước sinh học tại xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Thực hiện kế hoạch hành động trong ứng phó với Biến đổi khí hậu giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam với các giải pháp dựa vào thiên nhiên, thích ứng dựa vào hệ sinh thái. Năm 2021, nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Trẻ Bến Tre (STKNBT) tiếp tục triển khai Sáng kiến thực hiện kế hoạch nêu trên đến nhân dân xã Tam Hiệp.
Xã Tam Hiệp là xã cù lao nằm giữa sông Tiền nên chưa có nguồn nước máy. Năm 2018, mô hình công nghệ lọc nước bằng phương pháp màng sinh học do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tài trợ thực hiện thành công tại hộ anh Đặng Văn Thuật, ấp 4, tại xã Tam Hiệp đã góp phần giải quyết được nguồn nước sạch cho sinh hoạt, ăn uống trong gia đình theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, góp phần thực hiện Mục tiêu thứ 6 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc: “Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người”. Đặc biệt, mô hình này còn có hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy bà con trên địa bàn xã quan tâm tìm hiểu hưởng ứng sáng kiến xây dựng mô hình lọc nước sinh học.
Hội viên trong Hội phụ nữ và các đoàn thể Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các trường học của xã là nòng cốt được tổ chức tập huấn và tư vấn. Đây cũng là vấn đề chia sẻ việc nhà của nam giới trong hộ gia đình từ những lợi ích của mô hình rất hữu ích trong điều kiện thiếu nước sạch.
Mô hình lọc nước sinh học do nhóm STKNBT chuyển giao về xã Tam Hiệp
Trước hết cần hiểu thêm về nguồn tài nguyên nước: Nguồn nước tự nhiên từ sông rạch, nước mưa, nước ngầm. Nguồn nước máy từ Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre và nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch nông thôn Bến Tre. Do điều kiện địa lý cách trở, dù nằm giữa bốn bề sông nước nhưng đến nay xã Tam Hiệp chưa có được. Nhằm giúp bà con nhân dân xã Tam Hiệp tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn, từ năm 2013 nhóm STKNBT đã nghiên cứu, thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật lọc nước sạch: hóa học, sinh học, lý học qua lắng lọc bởi đá, sỏi, than, cát,…
Nước liên quan đến sinh hoạt, ăn uống mà phụ nữ vừa là tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên, chủ yếu; đồng thời cũng vừa là người quyết định cho quyền lợi chính mình trong gia đình.
Nước đối với phụ nữ và trẻ em gái không thể không có nước và có nước thiếu vệ sinh.
Xưa kia dùng nước sông, rạch lắng lọc bằng phèn chua có khi thừa phèn gây ảnh hưởng đến đường ruột, dạ dày và biến chứng khác.
Theo nghiên cứu của tổ chức Path Foundation của Canada, sử dụng hạt Chùm ngây hiệu quả diệt khuẩn trên 95%. Phương pháp lọc nước sinh học có sử dụng hạt chùm ngây, bởi trong hạt chùm ngây có hợp chất protein moginga có khả năng diệt khuẩn, loại bỏ vi khuẩn E.coli; cộng với phương pháp ứng dụng lắng lọc bởi đá, sỏi, than, cát làm trong và sạch nước; bằng cách xay hạt chùm ngây giã nhỏ cho vào túi vải, dùng túi vải khuấy đều vào trong nước, tỷ lệ 1 hạt chùm ngây làm trong sạch ½ lít nước. Các nguyên tố trong hợp chất protein moginga mang một lượng điện tích dương, khi khuấy vào nước thô các protein moginga kết dính các hạt cặn như đất, bụi và tiêu diệt vi khuẩn mang điện tích (-) âm trái dấu.
Bài học kinh nghiệm và khuyến nghị
Trước hết, nhân dân trong xã cần có ý thức giữ gìn nguồn nước sông rạch thật vệ sinh bằng cách không xả nước thải chăn nuôi gia súc gia cầm, nước thải sinh hoạt con người, xác bã động vật, rác sinh hoạt, xả rác nhựa xuống dưới dòng sông rạch. Chính quyền, đoàn thể vận động nhân dân nên có đặt thùng chứa rác nơi công cộng, ven đường, tổ chức thu gom vận chuyển đến nơi tập trung xử lý đúng quy định khuyến khích thay thế vật dụng khi dùng các thứ làm từ gỗ, giấy, vải, vật liệu hữu cơ. Nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, xanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tăng cường kiểm soát rác bằng xử lý phạt các hành vi xả rác bừa bãi.
Khuyến khích nhân dân thực hành phân loại rác riêng biệt: rác hữu cơ (giấy, cây, cỏ…làm phân bón vì nó tự phân hủy); phân loại rác nhựa; rác không hoặc khó phân hủy như chai, lọ bằng thủy tinh, kim loại, mang đến nơi có xử lý đặc biệt. Khuyến khích, hướng dẫn chăn nuôi gia súc gia cầm có hầm biogas.
Hàng năm, cần phải dự trữ nước ngọt, một cách cơ bản, lâu dài và thường xuyên, nhất là trước mùa khô hạn, kết nối việc tích trữ, bảo vệ tốt nguồn nước thô với mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học và lọc nước bằng hạt Chùm ngây.
Hệ thống xử lý nước bằng bể lắng, lọc, có thể là vật liệu khác nhau như nhựa, composit, xi măng… Bể lắng lớn và luôn cao hơn bể lọc thì tốc độ lọc nước sẽ nhanh, cho ra nhiều nước sạch. Thiết kế hệ thống sao cho mực nước ở bể lọc luôn từ 15-20cm so với cát ( điều kiện để tạo màng sinh học ). Thời gian súc xả khoảng 2 năm.
Nguyên liệu gồm: đá, sỏi, than đá, cát, chỉ xơ dừa, hạt chùm ngây. Hệ thống gồm: Hồ lắng, hồ lọc, đường dây điện, moteur, đường ống nhựa, trồng cây Chùm ngây.
Lá, hoa, quả có hoạt tính chống u bướu, hạ nhiệt, chống kinh phong, chống sưng viêm, trị u loét, chống co giật, lợi tiểu, hạ huyết áp, bảo vệ gan. Hạt có tác dụng lọc nước, thân dùng làm giá thể nuôi nấm mèo, rễ Chùm ngây có tác dụng ngừa thai, phụ nữ có thai không được dùng rễ.
Lá Chùm ngây dùng làm rau sống, nấu canh, lá có thể giả nhuyễn để đắp lên mặt có tác dụng dưỡng da, hoa có thể nấu nước uống như trà, trái non xào nấu ăn như trái đậu.
Tóm lại:
Sáng kiến của nhóm STKN Bến Tre góp phần giải quyết nhu cầu nước sạch ở xã đảo Tam Hiệp bước đầu thành công, được cộng đồng chấp nhận và có nhu cầu nhận rộng, điểm mới của sáng kiến này không chỉ hướng đến mục tiêu cung cấp nước sạch, an toàn cho người dân mà còn đưa Chùm ngây về xã Tam Hiệp trông giống như trồng bù ngót, nấu canh ăn chung quanh nhà. Đặc biệt Chùm ngây không chỉ có giá trị sử dụng cho việc làm rau xanh mà còn là một nguyên liệu thiên nhiên lắng lọc nước sinh hoạt gia đình, góp phẩn bổ sung, kết nối phát triển mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học./.
Theo: Đỗ Văn Công
(Trích lược tài liệu từ phòng NCKH-QHQT, Trường Cao đẳng Bến Tre)