Tiếp cận, nâng cao hiệu quả tham gia BHYT trong HSSV qua giáo dục bảo vệ môi trường – Trường CĐ Bến Tre
2. Giải quyết vấn đề
2.1 Giới thiệu sơ lược về nội dung giáo dục môi trường ở trường Cao đẳng Bến Tre
Học phần “ Giáo dục môi trường ở tiểu học” nằm trong nhóm các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo tại trường CĐBT của các ngành học như Giáo dục tiểu học, Giáo dục thể chất. Ngoài ra, việc giáo dục bảo vệ môi trường cũng được thực hiện qua nội dung môn “ Môi trường và Con người”, được đào tạo trong ngành học Mầm non, hay môn “ Giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu” đã đưa vào giảng dạy khối trung cấp chuyên nghiệp.
Học phần nhằm giúp người học hiểu biết đúng về khoa học môi trường và các thành phần cơ bản của tự nhiên, tìm hiểu các nguyên lý sinh thái học ứng dụng trong khoa học môi trường để giải thích các sự vật, hiện tượng. Qua môn học, người học biết khai thác và vận dụng kiến thức nền tảng về môi trường và phát triển bền vững vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, có nhận thức đúng đắn về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và hệ quả ô nhiễm môi trường trầm trọng cũng như các tác động của biến đổi khí hậu đến nhiều lĩnh vực của kinh tế, đời sống xã hội, trong đó có liên quan đến sức khỏe con người. Từ đó, có phương hướng và các chương trình hành động nhằm bảo vệ môi trường đồng thời, thông qua môn học, có thể tuyên truyền giúp người học thay đổi góc nhìn theo hướng tích cực trong sự cần thiết phải tham gia BHYT tự nguyện toàn dân trong cộng đồng.
2.2 Giáo dục BVMT giúp nâng cao hiệu quả tham gia BHYT tự nguyện toàn dân trong cộng đồng
Tại sao giáo dục BVMT lại giúp nâng cao hiệu quả tham gia BHYT tự nguyện trong cộng đồng. Do bởi, đối tượng người học đa số là sinh viên ngành sư phạm, trong tương lai sẽ giáo dục hàng vạn công dân, thông qua đó sẽ giáo dục cả gia đình, láng giềng, bà con, bè bạn…nói chung là cả cộng đồng.
Như tất cả chúng ta, ai cũng biết tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, kèm theo những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Chính tác động này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mọi mặt của kinh tế và đời sống người dân, tất nhiên là bao gồm cả sức khỏe cộng đồng.
Ví dụ: Khi học phần ô nhiễm môi trường không khí, người học nhận thức được bầu không khí ô nhiễm sẽ làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp, tiếp xúc lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí quản, phế quản và phổi; các bệnh về hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bụi phổi, viêm mũi dị ứng, da, mắt… Bệnh tật ngày càng gia tăng theo số lượng cũng như diễn biến ngày càng phức tạp, đồng thời độ tuổi mắc phải càng hạ thấp xuống theo thời gian. Nguy hiểm hơn, nếu tiếp xúc nhiều với các chất gây ô nhiễm như cacbon mono oxyt sẽ làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng đau đầu và mệt mỏi nếu ở mức độ thấp; nếu ở mức độ cao có thể mắc bệnh tâm thần và nguy cơ tử vong cao…
Hay người dân khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm một số chất hữu cơ, sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, rối loạn máu, bệnh bạch cầu, ung thư, làm hại gan và có thể tác động đến thận, thị giác hay nghiêm trọng hơn là gây ra quái thai…Đó là chưa kể đến hậu quả khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khi sử dụng lâu ngày với nguồn nước ô nhiễm chất vô cơ, điển hình là ô nhiễm các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, fluo…Không chỉ có nguồn nước, hệ sinh thái đất khi bị ô nhiễm sẽ làm cho cây cỏ, vật nuôi nhiễm độc, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngay cả trong thời đại ngày nay khi cuộc sống từng bước được cơ giới hóa, tiếng ồn được xem như không tránh khỏi. Khi cường độ âm thanh vượt quá ngưỡng cho phép, có thể gây ra các bệnh mất ngủ, đau đầu, huyết áp cao, hoặc với người thường xuyên tiếp xúc tiếng ồn trên 120 dexiben, có khả năng bị điếc nghề nghiệp hay đứt màng nhĩ…
Kiến thức Giáo dục bảo vệ môi trường càng được phát huy và cũng cố khi sinh viên trực tiếp nghiên cứu, thảo luận và thuyết trình về những nguyên nhân và tác hại của vấn đề ô nhiễm môi trường đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của con người. Từ đó, có thể liên hệ thực tiễn hiện nay, nhiều căn bệnh lây lan với tốc độ nhanh và có những diễn biến khó lường, ví dụ như dịch cúm với các chủng đa dạng, có thể kháng với nhiều loại thuốc và rất khó phát hiện cũng như khó điều trị hơn so với trước đây.
Như vậy, nhìn toàn cục hiện nay, khi ô nhiễm môi trường ngày càng lan rộng, đối tượng là người dân, nhất là dân nghèo thành thị, nông thôn, càng có nhiều nguy cơ mắc nhiều căn bệnh, mà rất cần có sự can thiệp của các cơ sở y tế. BHYT là nơi giúp người bệnh an tâm do được đảm bảo nhu cầu tối thiểu về khám, chữa bệnh…
Tất cả chúng ta đều không mong muốn mình hay người thân mắc bệnh. Song trong điều kiện sống với nhiều tác nhân gây ô nhiễm như hiện nay, muốn tránh cũng không tránh khỏi. Do đó, việc tự nguyện tham gia BHYT trong người dân là một yêu cầu cấp thiết, nếu được tuyên truyền đúng mực. Đối tượng giáo viên và học sinh được chọn như những tuyên truyền viên mang hiệu quả cao nhất và phổ rộng nhất. Góp thêm phần hiệu quả, môn Giáo dục môi trường cũng được chọn là “ lưỡng toàn thập mỹ”, bởi vì vừa tuyên truyền cho việc bảo vệ môi trường, vừa vận động mọi người đến với BHYT một cách tự nguyện; giúp kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe một cách hiệu quả, kịp thời và tiết kiệm nhất.
2.3 Kết quả khảo sát trong người học
Thực hiện khảo sát trong đối tượng người học để đánh giá hiệu quả giải pháp, kết quả như sau:
– 100% nhận thức được tầm quan trọng của môn học và nhất trí cần tuyên truyền trong cộng đồng về nâng cao ý thức và hành động bảo vệ môi trường
– 100% nhận thức được sự cần thiết phải tham gia BHYT
– 36% còn e ngại khi tham gia BHYT với các lý do sau:
+ Chất lượng thuốc BHYT chưa cao
+ Chất lượng trong phục vụ, điều trị khám, chữa bệnh có BHYT chưa được tốt lắm( khám chưa đúng bệnh; khám qua loa, chiếu lệ; trong tiếp xúc chưa có sự quan tâm, chia sẽ…)
+ Những yêu cầu trong thực hiện điều trị kỹ thuật cao chưa đáp ứng…
– 100% hứa sẽ vận động gia đình, người thân… tham gia BHYT do có quá nhiều sự đe dọa đến an toàn về sức khỏe trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm như hiện nay.
3. Kết luận và Kiến nghị
3.1 Kết luận
Được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt là tâm nguyện của mọi công dân. Có nhiều phương thức thực hiện trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng ổn định và hội nhập với nền kinh tế thế giới, việc tiến tới BHYT tự nguyện toàn dân cũng được xem là tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên, muốn thực thi tốt cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cá nhân, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền. Trên cơ sở khảo sát thực tế, người viết mạnh dạn đưa ra có một số kiến nghị sau:
3.2 Kiến nghị
* Đối với ngành Y tế và BHYT
– Mạnh dạn cải tổ, nâng cấp hệ thống, chất lượng phục vụ bệnh nhân BHYT. Cần rèn luyện y đức trong nhân viên y tế, tránh có sự phân biệt đối xử với người bệnh có thẻ BHYT với người bệnh điều trị theo yêu cầu.
– Cần có nhiều mệnh giá khi tham gia BHYT với nhiều tiêu chuẩn khác nhau, nhằm mục đích phù hợp với nhiều đối tượng có thu nhập khác nhau.
– Cần đa dạng thẻ BHYT như thẻ dùng cho cá nhân hay từng nhóm người (2 người, 4 người hoặc cả gia đình)
– Giải quyết các tình trạng vượt tuyến hợp lý; thực hiện đa tuyến, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong sự lựa chọn cơ sở y tế phục vụ cho mình.
– Thẻ BHYT có nhiều dạng về qui định thời gian: 6 tháng, 1 năm, 2 năm hay vĩnh viễn…
* Đối với ngành giáo dục
– Cần quan tâm hơn đến ngành học Giáo dục bảo vệ môi trường. Tùy theo đặc thù từng ngành học, có thể có những tên gọi khác nhau. Đặc biệt, trong tất cả các ngành thuộc sư phạm, nên đưa học phần này vào chương trình bắt buộc ở khối kiến thức đại cương.
– Thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ kiến thức và thực tiễn cho đội ngũ giảng dạy chuyên ngành, có năng lực sư phạm, tạo sức hấp dẫn đối với người học.
* Đối với người học
– Cần nhận thức đúng tầm quan trọng của môn học.
– Có năng lực tuyên truyền, thuyết phục mọi người trong việc tham gia BHYT, để bảo đảm cho sức khỏe, tiết kiệm cho ngân sách gia đình khi gặp vấn đề về sức khỏe..
* Đối với người dân
– Cần xem việc tham gia BHYT như một điều bắt buộc phải thực hiện cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
– Để bảo vệ tốt sức khỏe cần có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường.
“ Sức khỏe quý hơn vàng”, trong bối cảnh hiện nay lời chúc nhau không gì quý hơn là chúc mạnh khỏe, bởi vì, có sức khỏe là có tất cả. Thế nên, mọi người cần ý thức sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn để có thể chuyển biến thành hành động trong việc bảo vệ môi trường và hãy đến với BHYT như một địa chỉ đáng tin cậy cho việc giữ gìn kho báu của mình.
Tháng 3/2014
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Giáo dục và Đào tạo- Giáo dục môi trường- Tài liệu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên- NXB Giáo dục, năm 2005
THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ
Họ và tên: Huỳnh Thị Kim Tuyến
Học vị: Ths- GVC
Nơi công tác: Trường Cao đẳng Bến Tre
Địa chỉ: Ấp 1, xã Sơn Đông, Tp Bến Tre
Email: hkimtuyen@gmail.com