Dự án đã thực hiện
Chưa thể bỏ “3 chung”, nhưng có thể hạ điểm sàn

Chưa thể bỏ “3 chung”, nhưng có thể hạ điểm sàn

5

 

 
NGƯT Nguyễn Thạc San
Thưa ông, có đề nghị cho rằng nên bỏ điểm sàn, bỏ “3 chung”, thực hiện ngay Luật GDĐH trong mùa tuyển sinh 2013. Ý kiến của ông thế nào?
 
NGƯT Nguyễn Thạc San: Cụm từ "Chung kết quả" trong "3 chung" có nghĩa là sử dụng chung kết quả, tức là phải xác định điểm sàn, khác với việc thi theo kiểu test chung của TOEFL, TOEIC (chỉ là "2 chung", còn kết quả thì sử dụng riêng).
 
 
Thi "Ba chung" của Việt Nam là để tuyển sinh ĐH, còn thi "Hai chung" như TOEFL, TOEIC không phải là để tuyển sinh ĐH.
 
Vì thế, nếu bỏ điểm sàn trong "Ba chung", thì không cần "Ba chung" nữa. Bỏ điểm sàn trong "Ba chung" đồng nghĩa với việc bỏ tuyển sinh theo phương thức "Ba chung", mà điều đó đồng nghĩa với việc giao cho các trường ĐH được quyền tự chủ trong tuyển sinh như Điều 34, Luật GDĐH đã nêu.   
 
Dẫu rất muốn thi hành Điều 34. Nhưng vào thời điểm chưa làm xong quy định chi tiết như Điều 73 ấn định, chúng ta không thể và không nên bỏ điểm sàn, bỏ thi theo phương thức “Ba chung” được.
 
Nhập thi tốt nghiệp THPT với thi tuyển sinh ư? Chất lượng giáo dục phổ thông đã yên tâm chưa? Với tôi, tôi chưa thể yên tâm. Tôi dạy ĐH và CĐ không ít năm nên tôi thấy rất rõ cái khó khăn khi đầu vào thí sinh thấp.
 
Các em không chỉ thiếu kiến thức nền tảng, tư duy của các em chưa vượt qua được logic hình thức thì đừng nói đến tư duy phản biện, tư duy sáng tạo. Hiện trạng thực tế ấy cho thấy nếu hạ điểm sàn (đầu vào thấp) mà trường ĐH nào có chuẩn đầu ra cao, thì trường đó thật là đáng khâm phục. Nhưng liệu đã có mấy trường ĐH làm được điều đó? 
 
Không bỏ “Ba chung”, vẫn giữ điểm sàn. Vậy theo ông chúng ta có nên xác định điểm sàn riêng cho ĐH Công lập và ĐH tư thục không?  
 
– Điểm sàn cho từng tốp trường ư? Đã có Nghị định phân tầng và xếp hạng ĐH đâu! Khi chúng ta chưa thực hiện được Điều 73 thì Điều 34 chưa thể thi hành. Mặt khác, do chưa có Nghị định phân tầng và xếp hạng ĐH một cách khoa học, chúng ta không có lý gì nói rằng trường tư thuộc tốp dưới, còn trường công thuộc tốp trên.
 
Tuy chưa phải là nhiều, nhưng tôi đã thấy một vài trường tư rất mạnh. Họ không mạnh về tầm nhìn, về sứ mạng thì họ cũng mạnh trong cung cách quản trị, đột phá về chương trình đào tạo. Vì thế, không nên có điểm sàn riêng cho tường công và trường tư. Vì vậy, trong thời điểm chưa thực hiện Điều 73 thì phương thức “Ba chung” vẫn là phương thức ổn nhất và nên duy trì.   
 

Ảnh minh họa
 
Không có điểm sàn riêng cho ĐH công lập và ĐH ngoài công lập. Nhưng theo ông có nên hạ điểm sàn không? Và xác định điểm sàn theo cách nào thì phù hợp nhất?
 
– Chúng ta chỉ có thể hạ điểm sàn vì 4 lý do. Thứ nhất, về nguyên tắc, ai đã tốt nghiệp THPT thì đủ trình độ học vấn để được tuyển vào học ĐH (chất lượng giáo dục THPT phải thật sự thay đổi). Thứ hai, cách xác định điểm sàn vài năm qua đã bộc lộ một vài bất cập, đến lúc cần phải thay đổi (như lãnh đạo Bộ đã nói). Thứ ba, các trường NCL đã tìm được một nguyên nhân khó tuyển sinh vì điểm sàn cao. Thứ tư, việc hạ điểm sàn là thuộc phạm vi điều chỉnh kĩ thuật của chủ trương “Ba chung”, chứ không phải thuộc phạm trù thay đổi chủ trương để làm rối hệ thống.
 
Nhưng hạ điểm sàn đến đâu vẫn nên đảm bảo yêu cầu sau: Tuyển được số thí sinh có điểm cao từ trên xuống dưới với số lượng sát với tổng chỉ tiêu tuyển sinh. 
 
Đây là bài toán không dễ. Vì thế, cá nhân tôi đề nghị xác định điểm sàn theo phương án lấy mức điểm của tổng số 3 môn ở từng khối thi mà nhiều thí sinh đạt được nhiều nhất. Xác dịnh điểm sàn theo đỉnh phổ điểm này, ta sẽ có nguồn tuyển rộng rãi.
 
Hạ điểm sàn như thế, không đáng quá lo đầu vào sẽ thấp. Bởi việc tuyển sinh còn tuân thủ nguyên tắc lấy từ điểm cao xuống điểm thấp hơn. Mặt khác, chúng ta cũng không quá lo rằng các trường NCL sẽ tuyển đầu vào quá thấp. Vì theo tôi, nguyên nhân chính của việc các trường NCL khó tuyển không phải là do điểm sàn cao, mà do học phí cao trong khi “học hiệu” vẫn đang trên con đường khẳng định.
 
(TVN-STT dẫn đưa lại từ Anh Tú ghi)