
DIỄN ĐÀN HỌC THUẬT CỦA NHỮNG NGƯỜI TÂM HUYẾT VỚI SỰ NGHIỆP ĐẦU TƯ GIÁO DỤC VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở AN GIANG
Em là Trần Thanh Toàn-sinh viên năm 2-Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHVH TP. HCM) rất vinh dự và háo hức mong chờ từng ngày để được tham dự hội thảo khoa học “Đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp 3 của các hộ gia đình vùng Tây Nam Bộ – trường hợp tỉnh An Giang” được tổ chứcngày 28/3/2025 tại Hội trường 300A-Trường Đại học An Giang. Chính bởi chủ đề của hội thảo lần này là điều mà tác giả tham luận đã trăn trở, đau đáu suốt gần 4 năm qua kể từ khi em còn đang là học viên cấp 3 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Giang. Em xin chân thành cảm ơn Trường Đại học An Giang phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã đồng tổ chức hội thảo; cảm ơn ban lãnh đạo, quý thầy, cô Trường ĐHVH TP. HCM đã tạo điều kiện cho em tham gia hội thảo này. Đặc biệt là sự hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện nhiệt tình đến từ cô TS. Vũ Thị Phương-trưởng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật (QLVH, NT), thầy TS. NSƯT. ĐD Huỳnh Công Duẩn, thầy TS. Nguyễn Hồ Phong, thầy TS. Phạm Văn Luân và các giảng viên của Khoa QLVH, NT.

ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc hội thảo – Nguồn: Trần Thanh Toàn-2025
Em đã từng tham dự nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, nhưng khi tham dự hội thảo lần này, em cảm thấy rất hào hứng. Chắc có lẽ, đó là tâm lý bình thường đối với những người đang gần bước đến điều mà bản thân mình đã mong chờ rất lâu…
Hội thảo đã tập hợp được những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên về đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp của phụ huynh dành cho con em đang học trung học cấp 3 ở tỉnh An Giang hiện nay từ nhiều góc nhìn như văn hoá, giáo dục, kinh tế,… trong bối cảnh tình hình đầy sự thay đổi như hiện nay. Hội thảo có sự tham dự của đại diện của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo trong và ngoài tỉnh An Giang; các nhà khoa học, giảng viên, học viên. Diễn tiến của hội thảo như sau


ĐHQG-HCM trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo Nguồn: Trần Thanh Toàn-2025

tặng hoa chủ nhiệm đề tài PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng(giữa)- Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV – Nguồn: Trần Thanh Toàn-2025


Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe 05 tham luận về các vấn đề:
(1) ÔngVõ Văn Thắng với tham luận: Đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp của phụ huynh dành cho con em đang học trung học phổ thông ở tỉnh An Giang hiện nay;
(2) Ông Nguyễn Thanh Tùng-Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang với bài báo cáo: Thực trạng và đặc điểm, xu hướng phát triển của việc đầu tư cho giáo dục và định hướng nghề nghiệp học sinh THPT của các hộ gia đình tỉnh An Giang, đặt trong quan hệ với nhà trường và xã hội tại địa phương;
(3) Tham luận: Một số vấn đề cần quan tâm nhằm thúc đẩy định hướng nghé nghiệp học sinh trung học phổ thông trong các hộ gia đình ở vùng Tây Nam Bộ qua nghiên cứu thực trạng tỉnh An Giang của báo cáo viên TS. Lê Quang Vinh- Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang;
(4) ThS. Đặng Thị Kim Phượng-Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu với bài tham luận: Định hướng nghề nghiệp cho học sinh trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang;
(5) Ông Lê Thanh Long-Giáo viên Trường THPT Châu Thị Tế, Châu Đốc, An Giang báo cáo bài tham luận: Trường đại học An Giang và những bước đi mới trong công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh An Giang và khu vực Tây Nam Bộ.
Ngoài các bài tham luận, Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, tiêu biểu như: phát huy vai trò của Trường Đại học An Giang với ĐHQG-HCM, ngành giáo dục và chính quyền địa phương; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao đông và việc làm bền vững; đẩy mạnh thông tin, truyền thông về tư vấn hướng nghiệp;… Trong phần thảo luận này, em đã có ý kiến phát biểu đóng góp cho Hội thảo, như trong tham luận của em in trong kỷ yếu đề cập: “Em là một học viên của Trung tâm giáo dục thường xuyên An Giang (TT GDTXAG), khi em học có những tâm huyết, trăn trở của mình về ngôi trường này, do đó khi em nhận được Thôg báo Hội thảo, em rất vui mừng, em được nói lên tiếng nói của mình thông qua bài viết về rào cản của việc đầu tư và định hướng nghề nghiệp của các hộ gia đình với TT GDTXAG. Trong suy nghĩ của các phụ huynh ở hộ gia đình, TTGDTXAG là một nơi chỉ dành cho học sinh trượt cấp, từ đó họ kéo theo các định kiến là về chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên ở trường như thế nào, chất lượng đầu ra thì có đảm bảo hay không? Từ những định kiến đó đã làm cho học sinh ở Trung tâm không có nhiều cơ hội phát triển, mặc dù các bạn có trượt cấp 3, nhưng khi các bạn đã vào học các bạn thức tỉnh, và mong muốn được học tập để chứng minh ngược lại với xã hội rằng là “Tôi học ở TT GDTXAG, nhưng tôi vẫn có những giá trị, nếu tôi có cố gắng, tôi có đầu tư và gia đình, phụ huynh, nhà trường phối hợp với nhau thì không thua bất kỳ ngôi trường phổ thông nào bên ngoài”. Em có chia sẻ thêm: em là một cựu học viên của Trung tâm năm học 2022-2023 là một nhân chứng của ngôi trường này, hiện tại em là sinh viên của trường ĐH VH TP. HCM. Em có thể nói với mọi người, với các hộ gia đình rằng: Chỉ cần chúng ta có chiến lược, có định hướng thì bất kỳ ngôi trường, một cơ sở giáo dục đào tạo nào cũng làm nên giá trị của bản thân”.

Sau khi đươc phát biểu tại Hội thảo, trình bày những điều trăn trở, đau đáu của bản thân trong suốt nhiều năm qua, em cảm thấy rất rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì em đã hiện thực hóa được ước mơ rằng một ngày nào đó, bằng một phương thức nào đó có thể nói ra, trình bày được những điều mà em nghĩ không chỉ là để thỏa ước mơ khi học tại TT GDTXAG, mà còn của rất nhiều bạn đang học tập tại môi trường giáo dục thường xuyên. Sau cùng, với bài tham luận của nhóm tác giả (Trần Thanh Toàn và Trần Thị Thanh Mùi) “Rào cản đối với sự đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp 3 từ góc nhìn định kiến của các hộ gia đình với Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Giang” từ trang 289-305 của kỷ yếu hội thảo, cùng những chia sẻ của em tại Hội thảo, em nghĩ rằng mình đã góp phần nhỏ cho dự án nghiên cứu của ĐHQG-HCM về chủ đề này, đồng thời góp phần thúc đẩy, xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên trong quá trình phát triển của đất nước và cải thiện góc nhìn của xã hội đối với hệ thống giáo dục này./.
Trần Thanh Toàn