Hành trình tìm về câu chuyện liên quan đến anh hùng lực lượng vũ trang liệt sĩ Nguyễn Thái Bình và bài học tri ân khi về với cộng đồng
Cần Giuộc hôm nay đang không ngừng đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, để xây dựng một cộng đồng văn minh, tiến bộ nhưng vẫn giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống, nét tự tôn của dân tộc là điều không dễ dàng. Chúng ta không thể quên đi quá khứ hào hùng của dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ đang tiếp nối các giá trị thế hệ cha ông đã để lại. Hình ảnh anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân liệt sĩ Nguyễn Thái Bình, với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường không khuất phục và sợ hãi trước kẻ thù luôn tấm gương sáng để mọi người noi theo. Từ những câu chuyện về ông, những giá trị mà ông đã để lại cho quê hương là một di sản vô cùng quý giá, để chúng ta có thể học tập và noi gương ông cho công cuộc xây dựng quê hương Việt Nam nói riêng và huyện Cần Giuộc nói riêng.
Kế tiếp chuyến đi tiền trạm đến Công viên Tượng đài Nguyễn Thái Bình huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vào ngày 06/10/2024, em và các bạn thành viên lớp 22DQLDS đã cùng nhau đồng hành trong chuyến đi thực tế ngày 13/10/2024. Đó quả thật là một ngày đẹp và vô cùng ý nghĩa trong chặng đường học tập của em. Chúng em vô cùng biết ơn Giảng viên hướng dẫn bộ môn – TS. Phạm Văn Luân, người đã dành thời gian quý báu hướng dẫn và đồng hành cùng chúng em trong chuyến đi thực tế đặc biệt này. Nhờ có thầy tận tình hướng dẫn và nhiệt tình hỗ trợ, chúng em đã có những trải nghiệm vô cùng bổ ích và đáng nhớ.
Người ta thường hay nói “Chờ đợi là hạnh phúc”. Những đêm dài mất ngủ và lo lắng cho chuyến đi thực tế, em đã thật sự rất hồi hộp và chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi ngày chủ nhật, 13/10/2024. Theo như lịch trình kế hoạch của lớp, chúng em có tất cả 5 địa điểm cần phải đến để thực hiện đề tài tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lần lượt là: Nhà bà Châu Anh Phụng, Công viên Nguyễn Thái Bình, Miếu Bà Ngũ Hành, Đình Chánh Tân Kim và cuối cùng là Chùa Tôn Thạnh. Thời gian xuyên suốt chuyến đi dự kiến là từ 6 giờ 30 phút cho đến 15 giờ cùng ngày và xuất phát từ Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
Có lẽ, không phải chỉ mỗi em là mong chờ chuyến đi thực tế này mà ngay cả các bạn lớp 22DQLDS và giảng viên hướng dẫn TS. Phạm văn Luân của chúng em đều đến từ rất sớm trước khi xe khởi hành. Tập thể lớp 22DQLDS ngồi trên xe trong hơn 1 giờ 30 phút lưu thông qua Quốc lộ 50 nối huyện Cần Giuộc và thành phố Hồ Chí Minh là những câu nói rôm rả, những câu chuyện thường nhật được ríu rít vào tai nhau, cùng nhau ngắm cảnh qua cửa kính. Đó chính là những giây phút vui vẻ của cuộc đời sinh viên và là kỉ niệm em không bao giờ quên. Ngay sau đó, thời gian trôi qua nhanh, chúng em và thầy đã đến được địa điểm đầu tiên là nhà bà Châu Anh Phụng. Theo em được biết, bà ở trong một căn phòng trọ khá nhỏ nằm trong một con hẻm. Đây là địa điểm để thực hiện đề tài của nhóm 3 – nhóm bạn Lại Khánh Linh, cứ mỗi nhóm sẽ có khoảng thời gian từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút để thực hiện điền dã, khảo sát thu thập tư liệu phục vụ đề tài. Các nhóm còn lại có thể tham quan và sinh hoạt tự do gần khu vực không quá bán kính 500m. Sau khi nhóm thứ nhất thực hiện xong tiếp theo là tới lượt nhóm 9 của chúng em thực hiện đề tài tại địa điểm thứ hai Công viên Tượng đài Nguyễn Thái Bình. Nhóm chúng em có tất cả 5 thành viên bao gồm em là nhóm trưởng nhóm 9. Khi cả đoàn xe vừa đến địa điểm thứ hai thì quy trình đầu tiên mà tập thể lớp em thực hiện đó là cùng nhau chụp hình kỉ niệm trước tượng đài liệt sĩ Nguyễn Thái Bình.
Mỗi địa điểm của mỗi nhóm đều là một đề tài ý nghĩa và đáng trân trọng nhằm mục đích tìm kiếm giải pháp phát triển đời sống văn hóa cộng đồng cho người dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nhóm chúng em và nhóm 5 – nhóm trưởng Trần Tuấn Quy đã cùng nhau phỏng vấn người dân, cán bộ địa phương huyện xung quanh khu vực công viên Tượng đài Nguyễn Thái Bình thu thập thêm thông tin cũng như những câu chuyện liên quan về ông. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc của mình như kế hoạch đã phân công, nhóm chúng em trước tiên cùng nghe chị hướng dẫn viên Lê Trần Trúc Linh, không chỉ là viên chức Trung tâm VHTT&TT huyện, mà còn là một người dân sinh sống ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Chị Linh chia sẻ về tiểu sử ông Nguyễn Thái Bình và vì sao Công viên tượng đài Nguyễn Thái Bình được xây dựng tại nơi đây. Công viên Tượng đài Nguyễn Thái Bình còn gọi là Khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình là quê hương và cũng là địa điểm tưởng nhớ một trí thức trẻ, một nhân vật tích cực trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ngay trên đất Mỹ.
Nguyễn Thái Bình sinh ngày 14/1/1948 tại nhà Bảo sanh Cần Giuộc, xã Trường Bình nay thuộc Thị Trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An, là một người con trong một gia đình tư chức nghèo đông con, cha là Nguyễn Văn Hai, mẹ là Lê Thị Anh, từ nhỏ anh đã ham học và yêu thương gia đình. Thuở nhỏ anh học ở trường Sơ cấp Tân Kim. Lên lớp 3 chuyển về Trường Tiểu học Cần Giuộc nay là tiểu học Nguyễn Thái Bình. Hết tiểu học anh theo gia đình lên sống ở Sài Gòn vào học trường Pétrus Ký nay là trường THPT Lê Hồng Phong. Dù học ở đâu anh cũng là 1 học sinh ngoan, hiền lành và học rất giỏi. Sau khi đỗ tú tài, anh trúng tuyển vào nhiều trường đại học danh tiếng và anh học tại Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc nay là Trường Đại học Nông Lâm và sau đó được cấp học bổng sang Mỹ học.
Tại Mỹ, ông tích cực tham gia các hoạt động của sinh viên Việt Nam chống chiến tranh, kêu gọi chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Sự dũng cảm của ông đã làm tăng thêm lòng yêu nước nồng nàn của tầng lớp sinh viên đặc biệt là tinh thần yêu nước của người Việt Nam dù ở bất kì đâu. Năm 1972, trên đường trở về nước do bị chính quyền Mỹ trục xuất và bị sát hại tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Chị Linh không chỉ tận tình thuyết minh về tiểu sử của ông mà còn cùng chị Nguyễn Hoàng Bích Thủy, cán bộ phòng Văn hóa Thông tin huyện huyện Cần Giuộc đã giúp đỡ chúng em rất nhiều trong việc thu thập thông tin về ông mặc cho thời tiết khắc nghiện với cái nắng nóng hơn 32 độ. Ở công viên có một tượng đài anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình và một nhà truyền thống văn hóa nằm trong khuôn viên. Để thu thập được nhiều nhất có thể, chị Thủy đã mở cửa nhà truyền thống văn hóa giúp chúng em có thể tiếp cận “kho báu” về những gì mà anh đã hy sinh cho dân tộc ta. Đó chính là những bản tin về anh, những tài liệu, những thành tích,… của liệt sĩ Nguyễn Thái Bình các thế hệ hôm nay và mai sau cần phải giữ gìn thật cẩn thận và trân trọng chúng. Vì đó cũng là cơ sở là bằng chứng cho lòng yêu nước của người sinh viên máu đỏ da vàng trên đất Mỹ và hy sinh vinh dự trên đất nước, quê hương Việt Nam!
Nhìn và thấy những thông tin và câu chuyện về ông khi cánh cửa nhà truyền thống được mở ra, chúng em thật sự biết ơn và xúc động về những sự hy sinh cao cả của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Trước những đóng góp của ông, ông thật sự là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng em noi theo. Bởi những đóng góp to lớn này mà tại thời điểm khi ông hy sinh, cái chết của ông quả là một cú sốc cho tầng lớp sinh viên yêu nước và đã làm chấn động dư luận trong nước và cả nước Mỹ khi mất đi một nhân tài trẻ. Chị Thủy và chị Linh cùng cho hay, công viên Tượng đài Nguyễn Thái Bình gồm quần thể nền gò nhà cũ khi ông còn sống và học tập trên quê hương Cần Giuộc và phần mộ táng của ông rộng 1,100m nhưng hiện nay, phần mộ táng này đã được di dời về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, bao gồm nhiều anh hùng liệt sĩ khác và trong đó có ông. Tuy chỉ mới là một ít trải nghiệm ban đầu và những thông tin được cung cấp từ chị hướng dẫn viên Trúc Linh và chị Thủy – cán bộ địa phương huyện, trong lòng em đã trào dâng niềm tự hào về lịch sử dân tộc và những anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc.
Ngay sau đó, chúng em được tự do thực hiện đề tài theo kế hoạch, mỗi người mỗi nhiệm vụ sao cho hoàn thành tốt công việc của mình. Chúng em vừa ngân nga hát vừa nói chuyện về ông Nguyễn Thái Bình với lòng biết ơn sâu sắc. Vừa hay, chúng em cũng nhanh chóng tiếp cận được một cô đang bán vé số tại công viên đã trên 70 tuổi để xin phỏng vấn, cô nhiệt tình giúp đỡ và rất dễ thương, cô chia sẻ khi được hỏi về cuộc đời và những thông tin về ông Nguyễn Thái Bình rằng cô thường xuyên tới công viên để bán vé số, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vất vả nên cô chưa có cơ hội để biết và tìm hiểu về ông, cô càng không biết tượng đài ở công viên là ai nhưng người dân lui tới công viên cũng rất đông trong ngày, đặc biệt là các ngày cuối tuần.
Phỏng vấn được một người dân đang bán vé số xong, vì thời gian có hạn nên chúng em đã tiếp tục công cuộc tìm kiếm và thu thập thông tin ở đối tượng khác. Chúng em được chị Thủy hỗ trợ dẫn vào một nhà người dân ngay bên đường đối diện công viên Nguyễn Thái Bình để phỏng vấn. Cô tên là Kim Em, 66 tuổi, hiện đã nghỉ hưu và từng là một cán bộ địa phương huyện. Cảm nhận đầu tiên khi em tiếp xúc với cô là cô vô cùng tận tình và sẵn sàng cung cấp thông tin mà cô biết về ông, cô cùng con trai trong nhà lấy ghế để cho chúng em ngồi vào bàn, cô ngồi chính giữa để có thể trả lời phỏng vấn bao quát đến các thành viên nhằm tránh bị thiếu sót thông tin. Đi vào phỏng vấn, khi được hỏi cô đã chia sẻ về tiểu sử, cuộc đời của ông Nguyễn Thái Bình giống như những gì mà em đã được chị Linh thuyết minh trước đó. Cô cho hay là cứ hàng năm vào ngày 02/07/2024 tưởng nhớ công ơn của ông, Huyện đoàn đều tổ chức lễ dân hương kỉ niệm ngày mất của người thanh niên trẻ yêu nước Nguyễn Thái Bình. Bổi lễ năm nào cũng thu hút đông đảo đoàn viên, cán bộ địa phương và người dân Cần Giuộc tham gia. Bất kể là gái hay trai, già hay trẻ, đã đi làm hay còn đi học, chỉ cần có lòng yêu nước và biết ơn những đóng góp mà ông đã để lại, sự tham gia buổi lễ luôn được chào đón và hoan nghênh.
Khi nghe những gì cô chia sẻ, em lấy làm vui vì ở địa phương hiện đã có ngày tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Thái Bình hàng năm với sự tham gia của đông đảo bạn trẻ và người dân huyện Cần Giuộc. Tuy vậy, theo như những gì chúng em đã đến công viên Nguyễn Thái Bình và quan sát, chúng em nhìn thấy duy nhất chỉ có tượng đài của ông được xây dựng và không kèm thêm thông tin gì khác để mọi người có thể tìm hiểu về ông. Ngoại trừ khi nhà truyền thống văn hóa được mở cửa và cho phép tham quan, ngoài giờ hành chính thì đóng cửa. Như vậy, bất kì ai muốn tìm hiểu và biết thêm về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình là điều hoàn toàn khó khăn. Em với tư cách một sinh viên đang theo học ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch, Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Hồ Chí Minh, em hiểu rõ sự quan trọng giữa các giá trị văn hóa được kế thừa và gìn giữ sẽ là cơ sở để phát huy và thúc đẩy ý thức và nguồn động lực về tinh thần yêu nước của người dân nói riêng và sự phát triển đời sống văn hóa cộng đồng nói chung. Vì vậy, em nghĩ cần có một bia đá, bảng danh dự, bảng tưởng niệm,… dưới tượng đài anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình nhằm cung cấp thêm thông tin, giá trị và đóng góp của ông đã để lại, nhấn mạnh sự khắc ghi của hậu thế về công đức của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình đối với lịch sử dân tộc. Nhờ đó người dân huyện Cần Giuộc hoặc bất kì du khách nào đến công viên đều có thể hiểu về ông và làm gia tăng hiệu quả giáo dục lòng yêu nước, sự tri ân của người Việt Nam đối vớc các bậc anh hùng liệt sĩ.
Những gì em vừa đề xuất, khi được hỏi đến cô Em hoàn toàn đồng ý và thừa nhận đó là một thiếu sót của địa phương. Cô sẽ đưa ý kiến khắc bia đá, bảng danh dự, tưởng niệm về ông Nguyễn Thái Bình lên Huyện để được xem xét. Cô tươi cười nói rằng: “Có khi tụi con quay lại đây vào năm sau sẽ thấy được bảng tên đó rồi không chừng”. Sự ghi nhận thành thật của cô khiến em cảm giác nôn nao trong lòng và càng hi vọng sẽ mau sớm có cơ hội quay lại Cần Giuộc xinh đẹp một lần nữa để chứng kiến sự đổi mới ấy. Được hỏi về việc địa phương cần làm gì để phát triển đời sống văn hóa cộng đồng huyện Cần Giuộc thông qua những gái trị, đóng góp mà anh hùng Nguyễn Thái Bình đã để lại, cô cho rằng địa phương cần tổ chức thêm nhiều phong trào thi đua về anh hùng Nguyễn Thái Bình để người dân có thể tham gia và nâng cao kiến thức lịch sử và đặc biệt là trân trọng những giá trị to lớn mà ông đã để lại cho quê hương, đất nước. Cô cho hay, đó là điều cần thiết bởi huyện Cần Giuộc đang dần đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn so với nhiều năm trước và mục tiêu xây dựng và phát triển Huyện Cần Giuộc lên Thành Phố Cần Giuộc năm 2030.
Hơn 45 phút ngồi trò chuyện và phỏng vấn cùng cô Em, chúng em vô cùng biết ơn sự hỗ trợ của cô trong vai trò là một cán bộ địa phương và nhìn nhận khách quan về nhừng điểm còn thiếu sót của địa phương trong việc phải thay đổi để có thể giúp cho đời sống văn hóa cộng đồng ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn, ấm no và hạnh phúc hơn. Đó cũng chính là kết thúc chặng hành trình đi tìm về những câu chuyện có liên quan đến anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Thái Bình của nhóm 9 – lớp 22DQLDS trong khuôn khổ hoạt động thực tế môn học Phát triẻn đời sống văn hóa cộng đồng.
Tuy nhiên, kết thúc ấy lại sẽ là mở đầu cho những hành trình tiếp theo trên con đường học tập, nghiên cứu và phát triển của chúng em. Chúng em vô cùng tự hào là sinh viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và biết ơn sâu sắc về những đóng góp to lớn mà anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình đã để lại cho dân tộc. Kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy chắc chắn là điều mà mỗi người Việt Nam chúng ta đã, đang và sẽ luôn thực hiện với niềm tự tôn dân tộc thiêng liêng và cao cả.
-Trần Thị Thanh Thúy-