Tin Tức & Sự Kiện
Hành trình đến Long An thăm Bà Châu Anh Phụng- người theo bóng Cụ Đồ Chiểu

Hành trình đến Long An thăm Bà Châu Anh Phụng- người theo bóng Cụ Đồ Chiểu

Lời đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đối với Thầy TS. Phạm Văn Luân- giảng viên học phần Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng, đã giúp đỡ em trong quá trình nghiên cứu học phần, đề tài và cả chuyến đi thực tế đến Cần Giuộc, Long An.

Hình 1: Đoàn SV đi thực tế huẩn bị lên xe di chuyển đến Long An

Nhờ những kiến thức trong bộ môn mà thầy truyền đạt, giúp em có thêm cái nhìn bao quát hơn về cộng đồng cũng như tầm quan trọng của việc lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam và cũng đồng thời giúp em có cơ hội được tìm về những giá trị quý giá ấy.

Sáng ngày 13/10/2024 khi trời vừa sáng cũng là lúc thầy trò chúng em chuẩn bị cho chuyến đi, vào lúc 6 giờ 45’ thầy và lớp di chuyển lên xe để bắt đầu chuyến đi đến Long An. Và đây cũng là dịp đầu tiên lớp được cùng nhau đi thực tế ở cộng đồng.

Mở đầu cho chuyến đi trải nghiệm đầy thú vị này chúng em được ghé thăm nhà Bà Châu Anh Phụng, người lưu giữ tư liệu Hán Nôm về Cụ Nguyễn Đình Chiểu. Em cũng đã từng đến Long An rồi nhưng lại không nghĩ Long An lại có những điều đặc biệt như thế. Khi đến, điều đầu tiên khiến em ấn tượng là Bà xuất hiện trong tà áo dài trắng. Bà nói “Bà thích áo đồng phục học sinh như tụi con”. Đi cùng với bà là Cô Kim Anh người ở cạnh nhà trọ nơi bà đang sống và điều trùng hợp là Bà và Cô Kim Anh lại có cùng tên- Nguyễn Thị Kim Anh, hai bà đón tiếp đoàn chúng em rất nhiệt tình. Sau đó Bà còn cho chúng tôi được tận mắt chứng kiến tập tài liệu vật bất ly thân của bà,..Bà chia sẻ sự say mê văn chương và tấm lòng tìm hiểu về Cụ Đồ Chiểu phải bắt nguồn từ cha mình. Bà nói” Cha tôi mê văn chương cụ Nguyễn Đình Chiểu mà truyền cho tôi cảm hứng ấy”. Lúc còn nhỏ, bà thấy cha mình mỗi khi đọc một cuốn sách mà lại rơi nước mắt, thấy lạ. Nên bà bắt đầu tìm hiểu Cụ Đồ Chiểu là ai mà cha mình lại say mê đến vậy. Và để rồi sau khi cha bà qua đời bà đã được truyền lại những niềm say mê ấy, tiếp tục kế thừa cha mình tìm hiểu về văn chương, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Bà cũng đã có nhiều đóng góp như tìm người vẽ lại bức chân dung của Cụ Đồ Chiểu. Bức chân dung Nguyễn Đình Chiểu đó sau được sử dụng phổ biến trong các sách vở nghiên cứu cũng như các sinh hoạt văn chương cả nước, hay xây dựng lại bia Nghĩa sĩ Cần Giuộc,…

Hình 2: Bà Châu Anh Phụng bên tấm ảnh chân dung Đồ Chiểu

Khi bước vào căn nhà nhỏ của bà Châu Anh Phụng, em choáng ngộp bởi những mảnh ký ức mà bà lưu giữ qua rât nhiều năm. Mỗi một góc phòng đều có hình ảnh, những tác phẩm liên quan đến Cụ Đồ Chiểu.

Hình 3: Bà Châu Anh Phụng trong tà áo dài tiếp đón Thầy và lớp

Dù đã lớn tuổi mắt yếu, tai kém nhưng em cảm nhận được rằng trong bà vẫn rất sâu sắc với những gì cha mình để lại như khi còn 20 tuổi. Tiếp xúc với bà em mới thấy rõ sự tâm huyết lớn lao đến như nào khi bà cất giữ kĩ từng tài liệu được bà xem như là của quý hay cả khi bà chăm chú tỉ mỉ lật từng trang sách, các tác phẩm bằng chữ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu.

Hình 4: Bà Châu Anh Phung bên những “gia tài” của mình

Những tài liệu mà Bà Châu Anh Phụng sưu tầm, lưu giữ lại đã góp phần rất lớn tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu được biết thêm, hiểu thêm về những góc nhìn khác của một Danh nhân Văn hóa Thế giới. Và cũng giúp lưu truyền lại các giá trị di sản, văn hóa cho các thế hệ sau tự hào, tiếp nối.

Lời sau sau cùng, con xin được cảm ơn Bà Châu Anh Phụng cũng như cô Kim Anh đã dành cho chúng con khoảng thời gian quý báu của mình để chúng con tìm hiểu và biết thêm về những giá trị văn hóa mà con nghĩ không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận.

Và em cũng xin được cảm ơn thầy Phạm Văn Luân đã kết nối và tạo điều kiện cho em có cơ hội được biết đến và tiếp xúc với Bà Châu Anh Phụng, cô Kim Anh cùng những kiến thức trong môn học vô cùng bổ ích.

Yến Nhi, Ảnh Đoàn TT