Tin Tức & Sự Kiện
Hành trình về với quê hương Cần Giuộc, thăm bà Châu Anh Phụng dõi theo dấu chân cụ Đồ Chiểu – Danh nhân văn hóa thế giới

Hành trình về với quê hương Cần Giuộc, thăm bà Châu Anh Phụng dõi theo dấu chân cụ Đồ Chiểu – Danh nhân văn hóa thế giới

Lời đầu tiên, em xin cảm ơn thầy Phạm Văn Luân, giảng viên bộ môn Phát triển đời sống văn hoá cộng đồng. Thầy là người dẫn dắt, giúp em hiểu rõ hơn về cộng đồng, hiểu rõ hơn về văn hoá, đặc biệt là văn hoá trong cộng đồng và làm thế nào để phát triển được văn hoá trong đời sống của cộng đồng. Nhờ bộ môn của thầy, chúng em có cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn về văn hoá, cộng đồng, để khi học phần kết thúc là một chuyến đi thực tế vô cùng ý nghĩa, giúp chúng em được tiếp xúc gần hơn với cộng đồng. Được học hỏi từ các kiến thức thực tế, được lắng nghe mong muốn từ cộng đồng, qua đó mà có những đề xuất thực tiễn góp phần vào quá trình đưa sức trẻ sinh viên Văn hóa phục vụ phát triển đời sống văn hoá cộng đồng.

Tập thể lớp 22QLDS, Bộ môn Phát triển đời sống văn hóa cộng đồng trước giờ khởi hành đi Cần Giuộc

Tiếng đồng hồ báo thức vang lên giục giã, em vội vã thức dậy. Em nhẹ nhàng bước ra khỏi căn phòng nhỏ, lòng tràn đầy những cảm xúc khó tả. Cánh cửa nhà khép lại mang bao nỗi niềm và hành lý, em bắt đầu cho chuyến hành trình mà em mong chờ nhất. Ánh đèn từ đêm qua vẫn vương vấn, hoà quyện cùng ánh bình minh hồng nhạt. Tiếng xe máy rù rì cũng những người dân lao động, đã bắt đầu chạy khắp con phố nhỏ, bắt đầu cho một ngày mưu sinh, tiếng người bán hàng rong gọi mời, tiếng rao bánh mì nóng giòn vang vọng khắp cung đường, ngõ nhỏ. Em hoà mình vào dòng người hối hả, trên xe khách lòng em tràn đầy hào hứng, sự mong mỏi cho đến ngày cuối tuần để cùng với lớp khám phá một mảnh đất mà em tưởng chừng như vô vị nhưng lại có vô số câu chuyện lịch sử, câu chuyện về những hậu duệ của các bậc tiền nhân có danh tiếng trong lịch sử Việt Nam. Em đã từng lui tới Long An nhiều lần, thế mà lại chưa từng nghĩ đến mảnh đất này, ẩn sâu những giá trị lịch sử, những giá trị rất cần được mọi người biết đến, đặc biệt là người dân Việt Nam vì “Dân ta phải biết sử ta”. Nhất là chúng em, thế hệ sinh viên, những người học trong lĩnh vực di sản, một lĩnh vực luôn được quan tâm dù ở bất kì thời đại nào. Di sản không chỉ đơn thuần là một kho tàng vô giá, chứa đựng những giá trị tinh thần, vật chất độc đáo của một dân tộc. Hay là bằng chứng lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng bất tận, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhận thức sâu sắc được điều này, hơn ai hết em lại tha thiết, mong chờ vào chuyến đi thực tế lần này.

Sinh viên chuẩn bị khởi hành đi Cần Giuộc

Xuất phát từ trường Đại học Văn hoá chúng em di chuyển đến Long An, những cảm xúc đan xen lẫn lộn về một ngày dài “khám phá” một vùng đất mới. Đi xa dần Sài Gòn, cảnh vật quen thuộc bắt đầu trở nên lạ lẫm. Liệu chuyến đi thực tế này sẽ mang đến cho em trải nghiệm gì? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu em. Địa điểm đầu tiên chúng em đến là nhà bà Châu Anh Phụng, một người phụ nữ, dành cả phần đời theo chân cụ Nguyễn Đình Chiểu, bà sưu tầm, nghiên cứu về cụ Đồ Chiểu, “người con gái nuôi” ấy đã dành cả gia tài, thời gian, tất cả những gì bà có chỉ để hiểu và biết thêm về “người cha nuôi” của mình. Bà chia sẻ sự say mê cụ Đồ Chiểu chắc phải bắt nguồn từ người cha của bà, người đàn ông tri thức đã mang cái sự say mê ấy truyền đến cho người con gái của mình: “Cha tôi mê văn chương cụ Nguyễn Đình Chiểu mà truyền cho tôi cảm hứng ấy”. Và để rồi khi cha bà qua đời, năm bà 20 tuổi lại tiếp tục theo con đường của cha mình còn dang dở, con đường tìm hiểu văn chương, cuộc đời của cụ Đồ Chiểu. Bà cũng là người góp phần lớn trong việc xây dựng bia cụ Nguyễn Đình Chiểu, khi thời gian ấy đất nước ta còn trong giai đoạn khó khăn, khi chính quyền cũ vẫn còn, cũng như họ “làm khó dễ” vì nghi ngờ người đàn bà này thuộc người cách mạng và có ý đồ liên quan đến chính trị. Thế nhưng sự cản trở ấy không thể ngăn cản được ý định của bà, bà không có gì trong tay, cũng không có ý định gì trong đầu bà chỉ có một trái tim với các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu.

Thầy và Trò chụp hình lưu niệm cùng bà Châu Anh Phùng và cô Kim Anh

Bước chân vào căn nhà nhỏ nhắn của bà Châu Anh Phụng, em như lạc vào một thế giới khác, một thế giới tràn ngập hơi thở của quá khứ. Mỗi góc phòng, mỗi vật dụng đều mang đậm dấu ấn của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Cũng không ai có thể nghĩ đến giữa một thị trấn lại có một căn nhà nhỏ, mang dấu tích sự nghiệp của ba con người. Một sự nghiệp đồ sộ của Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Đình Chiểu, một cụ Đồ mù loà nhưng tâm hồn luôn toả sáng, vẹn tròn hai chữ hiếu – trung. Là người con có hiếu với mẹ, trung thành với sự nghiệp giảng dạy, giúp người, yêu nước, thương dân, đi đầu trong dòng văn học yêu nước và rất nhiều thành tựu khác, cho đến khi ông đã đi xa người ta vẫn nhắc đến ông như tấm gương sáng. Đó cũng còn là sự nghiệp của hai cha con nối tiếp niềm đam mê say sưa với cụ Đồ Chiểu, muốn lan toả những giá trị, đạo đức, nhân cách của một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức.

Bà Châu Anh Phụng chia sẻ về tài liệu chép tay chữ Nôm các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu

Khi bà xuất hiện bên bộ áo dài trắng thêu hoa, dáng người mảnh khảnh, thì em cũng đã biết người phụ nữ ấy yêu nét đẹp truyền thống đến mức độ nào. Nhìn hình dáng của bà không ai nghĩ được người đàn bà này đã cả đời xuôi ngược đi khắp nơi để tìm kiếm những “vết tích” còn sót lại của cụ Đồ Chiểu, những “vết tích” nhuộm màu của thời gian với dấu ấn “Hán – Nôm”. Để giờ đây, khi đã qua những năm tháng tuổi trẻ của một kiếp người, đến cái độ tuổi bóng chiều thì bà lại chọn một cuộc sống yên bình bên cạnh “gia tài” của cả đời mình là những gì mà bà có của cụ Đồ Chiểu, những điều người ta coi là không giá trị, thì với bà đó lại là sinh mạng, bà bảo vệ bằng tính mạng mình, là sự nghiệp mà cả đời bà theo đuổi, theo bóng cụ Đồ Chiểu. Bà đã lớn tuổi, tai và mắt cũng đã kém nhưng cái sự tôn vinh với cụ Nguyễn Đình Chiểu thì vẫn còn đó, vẫn luôn nhiệt huyết như những năm tháng tuổi 20 của bà. Ngồi cạnh bà, em cảm nhận được một nguồn năng lượng kỳ lạ thôi thúc em khám phá về cuộc đời và sự nghiệp của một nhà thơ lớn – Nguyễn Đình Chiểu.

Bà Châu Anh Phụng lần lật từng trang tài liệu chép tay chữ Nôm các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu

Và khi thấy bàn tay bà lật từng trang, những trang viết tay ngả màu vàng thời gian, những dòng chữ đã nhoè, sự mục nát trên từng quyển,… tất cả như đưa em về một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Những chữ viết tay của cụ Nguyễn Đình Chiểu, với những nét chữ uyển chuyển, đã gợi lên trong em bao cảm xúc. Em hình dung ra một cụ Đồ mù lòa nhưng tâm hồn lại vô cùng phong phú, một con người luôn đau đáu nỗi lo dân tộc. Mỗi trang sách như một cánh cửa mở ra một thế giới mới, đưa em đến với cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Em cảm nhận được hơi ấm của những con chữ, như thể chính cụ đang ngồi đây, kể cho em nghe những câu chuyện về đất nước, về con người…

Tài liệu chép tay chữ Nôm các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu

Em đã gặp được bao nhiêu người trong cuộc đời mình nhưng bà Châu Anh Phụng lại là người khiến em thấy ấn tượng sâu sắc đến vậy, người đàn bà kiên định cả đời với một lý tưởng, đó cũng là điều ít ai làm được lại còn là phụ nữ như bà. Dù có quay ngược quá khứ, đánh đổi hết tất cả thì bà vẫn vậy, vẫn say mê với những câu chuyện, câu thơ, những gì liên quan đến cụ Đồ Chiểu. Ánh mắt khi kể về những khó khăn của đời mình trong quá trình nghiên cứu về cụ Nguyễn Đình Chiểu, giọng nói run run nhớ về một thời đã quá, khiến em chú trọng lắng nghe từng lời, từng ý một, em thấy đâu đó hình ảnh thật đẹp không chỉ đẹp vì người phụ nữ kiên cường ấy theo đuổi một sự nghiệp của Danh nhân văn hoá thế giới. Mà sâu xa hơn hình ảnh đẹp đấy là một con người Việt Nam luôn tìm về cội nguồn, di tích, những giá trị cao đẹp của lịch sử, để khi xã hội phát triển dần theo thời gian, những giá trị ấy chưa từng một lần rơi vào quên lãng mà được nhiều người biết đến, để trân trọng, tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam này.

Bà Châu Anh Phụng tỉ mỉ lật từng trang chép tài tài liệu chữ Nôm các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu

Những hồi ức như được sống lại, hình ảnh chúng em như bà ngày trước, hình ảnh tuổi 20 chạy theo những khát vọng tuổi trẻ, không lãng phí, thời gian với những chuyến đi sẽ là những gì khi về già người ta nhớ lại bằng những cảm xúc mạnh mẽ nhất. Bà dặn dò từng người, từng người một, bà nói về mong muốn của mình, để khi nhắm mắt ai đó sẽ thay thế bà gìn giữ được “gia tài” của bà, những báu vật mà cả đời bà theo đuổi và bảo vệ. Bà trao đổi với thầy Luân niềm ao ước chỉ mong người ta biết đến cụ Đồ Chiểu và học tập theo tấm gương của cụ, bà không mong người ta biết đến bà, vì bà cũng chẳng làm gì nhiều. Đi cùng với lớp cũng có đại diện Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam cũng rất mong muốn việc bà Châu Anh Phụng trao tặng tài liệu ghi chép tay chữ Nôm tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu, để số hoá, lưu giữ lại cho thế hệ mai sau, để những tác phẩm của cụ Đồ Chiểu sống mãi với từng thế hệ.       

Bà Châu Anh Phụng (bìa trái) trao đổi về tài liệu chép tay chữ Nôm các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu

Cho đến tận lúc về cảm xúc em vẫn rất khó tả, khi chính tay em được chạm vào từng trang, từng chữ viết, em như được chạm vào một quá khứ, chạm vào một đời người, chạm vào sự thông thái của một cụ Đồ mù mang tâm hồn trong sáng và lý tưởng cao quý đến kỳ lạ. Nụ cười ấm áp khi nhắc và chia sẻ về cụ Đồ Chiểu của bà, hình ảnh người đàn bà đã vào tuổi 90 ngồi tỉ mỉ lật từng cái túi, từng mảnh vải và từng cái một được lật ra để giấu dưới đó lại là một “kho báu lớn” mà cả bà và cha bà đã trọn đời theo đuổi. Bà trân trọng đến mức, nhẹ nhàng nhìn ngắm mỗi khi lật qua từng trang, lấy tay áo lau từng tí một, bà không vội lật qua nhanh mà chầm chậm nhìn ngắm thật lâu như thể bà đang lật lại không chỉ là quá khứ của cụ Đồ Chiểu mà còn là quá khứ của chính mình, một thời đã quá, một thời theo đuổi thơ văn và sự nghiệp cụ Nguyễn Đình Chiểu. Chính những tập thơ viết tay, những đồ vật, những bức chân dung của cụ Đồ Chiểu mà bà luôn nghiêm cẩn giữ gìn là động lực mỗi ngày của bà, là lẽ sống của bà cho đến tận bây giờ, bà bám víu vào chính những thứ ấy để trải qua cuộc sống tuổi già.

Bà Châu Anh Phụng (bìa trái), đại diện Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (ở giữa) và thầy Phạm Văn Luân (bên phải) chụp hình lưu niệm tại nhà bà

Việc bà Châu Anh Phụng dành cả đời để sưu tầm và bảo tồn các tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu là một hành động vô cùng ý nghĩa, góp phần lớn vào việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Qua việc sưu tầm và nghiên cứu các tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu, bà đã góp phần truyền bá tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc đến thế hệ trẻ. Những tư liệu mà bà sưu tầm được là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, giúp họ có thêm nhiều góc nhìn mới về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, lưu trữ được những giá trị văn hoá ấy cho các thế hệ mai sau. Việc làm của bà Châu Anh Phụng là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Nghĩa cử cao cả này đã truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là một vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của đất nước. Nhờ những đóng góp của bà Châu Anh Phụng và những người có cùng tâm huyết, di sản văn hóa của dân tộc ngày càng được bảo tồn và phát huy. Khi thơ văn của cụ Nguyễn Đình Chiểu luôn bừng cháy ngọn lửa yêu nước, thể hiện lòng trắc ẩn với dân tộc, lên án chiến tranh, yêu chuộng hòa bình. Tác phẩm của cụ là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ người Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, cụ Đồ Chiểu còn là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã sớm phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Bệnh tật cướp đi ánh sáng của cụ, nhưng không vì thể mà cụ gục ngã. Ngược lại, cụ đã vượt qua số phận, tự học, tự rèn luyện để trở thành một nhà thơ, một nhà giáo và một lương y nổi tiếng. Cụ dành cả cuộc đời mình dạy học rèn luyện, trao truyền tri thức và tình yêu đất nước cho các thế hệ học trò của mình. Cụ cũng là người thầy thuốc, lương y như từ mẫu, khi cụ đón nhận, chữa bệnh cho người nghèo mà không màng danh lợi. Cụ đã dùng ngòi bút của mình để tố cáo tội ác của kẻ thù, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân.

Nhóm Sinh viên nghiên cứu về văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tại chùa Tôn Thạnh

Những câu thơ của cụ như những ngọn lửa thắp sáng lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt. Tất cả những điều tốt đẹp nhất đều thấy được ở con người cụ Đồ Chiểu, cụ là tấm gương sáng không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn là thế hệ ngày hôm sau và sau nữa. Người ta nhắc đến cụ là sự trân trọng, tôn trọng và một cảm xúc đầy biết ơn, tự hào khi được sinh ra ở đất nước Việt Nam cũng là nơi có Danh nhân thế giới – Nguyễn Đình Chiểu được sinh ra.
Chuyến đi thực tế môn học, đến thăm nhà bà Châu Anh Phụng là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa, không chỉ giúp em hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu mà còn khơi dậy trong em tình yêu đối với văn học dân tộc. Em tin rằng, những giá trị mà bà Châu Anh Phụng đã gìn giữ và truyền lại sẽ mãi sống trong lòng những người yêu văn học.
Lời sau cùng, em xin cảm ơn bà Châu Anh Phụng và cô Nguyễn Thị Kim Anh đã dành thời gian, chia sẻ những kiến thức quý báu của mình. Đặc biệt, chúng con bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến những đóng góp to lớn của bà Châu Anh Phụng, khi bà đã dành cả đời sưu tầm những tư liệu quý giá về cụ Đồ Chiểu và đến cuối đời bà vấn đang sống neo đơn, khó khăn với sự trợ giúp của hàng xóm (là cô Nguyễn Thị Kim Anh). Được biết trong chuyến đi này, thầy Phạm Van Luân đã chuyển những phần quà nhỏ trợ giúp bà Châu Anh Phụng do các học giả, những người tâm huyết với văn hóa dân tộc cảm mến chuyển tặng từ xa như một sự động viên, khích lệ nhỏ nhoi trước những nghĩa cử to lớn của bà…

Trao quà cho bà Châu Anh Phụng

Nhờ bà mà kho tàng văn học Việt Nam cũng như dân tộc Việt Nam không bị mất đi những tư liệu quý giá và di sản văn hóa của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó, mỗi người dân Việt Nam đã có thêm nguồn tư liệu quý báu để hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cũng như những giá trị tư tưởng cao đẹp của một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Để giờ đây, cụ Đồ Chiểu không chỉ đơn thuần là tấm gương sáng cho người dân Việt Nam noi theo mà còn là một Danh nhân văn hóa được cả thế giới biết đến. Chúng con vô cùng biết ơn và cũng xin hứa sẽ cố gắng nối tiếp công việc của bà, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mà bà dành cả đời sưu tầm và nghiên cứu. Trong chuyến đi, em cũng xin gửi lời cảm ơn sự hướng dẫn, đồng hành của thầy Phạm Văn Luân, cùng với các kiến thức được truyền dạy vượt ra ngoài phạm vi môn học và đến với cộng đồng của thầy đã giúp chuyến đi của em ý nghĩa hơn rất nhiều./.

(Bài: Tô Liên; Ảnh:TT lớ 22QLDSVH)