Dự án đã thực hiện
Du lịch bằng xe buýt trên đất xứ dừa

Du lịch bằng xe buýt trên đất xứ dừa

5

 
 
 
Do đó, khi đi du lịch thì phải tính toán sao cho phù hợp nhất và có thể lựa chọn cho mình phương tiện đi du lịch an toàn, thích hợp và có ý nghĩa nhất. Đặc biệt, là những chuyến du lịch về miền Tây, trong đó không thể bỏ qua chuyến hành trình khám phá du lịch sông nước – sinh thái – miệt vườn của xứ dừa Bến Tre bằng xe buýt.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách đón xe buýt đến Long An; từ Long An đi xe buýt về bến xe Tiền Giang. Từ đây, xe buýt MST 01 đưa du khách về bến xe Bến Tre và du khách chọn mã tuyến xe buýt đến các điểm du lịch tại Bến Tre, mỗi chuyến cách nhau 15 – 20 phút và ngược lại.

Image

Bến xe Bến Tre, ấp 1, xã Sơn Đông, Tp Bến Tre. (Ảnh: T.Tr)

Lộ trình xe buýt MST 01: Bến xe Tiền Giang – phà Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam), tuyến này du khách có thể ghé tham quan các điểm:

+ Từ Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu, qua QL60, đến vòng xoay Tân Thành, rẽ sang tuyến tránh QL60, đến vòng xoay Bình Phú du khách sẽ được ngắm chiếc cầu Bến Tre 2 thân thương được bắt qua sông Bến Tre.

+ Đến vòng xoay chợ Ngã Năm (đường Hoàng Lam) tham quan Chùa Viên Giác; qua đường Cách Mạng Tháng Tám ngắm nhìn Bảo tàng Bến Tre; ra Đại lộ Đồng Khởi – ra tuyến tránh QL60, đến cầu Hàm Luông, chiếc cầu dài 1.315 m nối cù lao Bảo với cù lao Minh, trên xe du khách thỏa sức ngắm cảnh rừng dừa xanh mênh mông, bát ngát, ngút tầm mắt nhìn nằm 02 bên bờ sông Hàm Luông.

+ Qua địa phận Mỏ Cày Bắc, rồi đến Mỏ Cày Nam, khám phá cơ sở sản xuất kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa tại thị trấn Mỏ Cày. Rẽ sang QL57, thăm làng nghề sản xuất chỉ sơ dừa tại các xã An Thạnh, Khánh Thạnh Tân hoặc dệt chiếu cói ở xã Thành Thới B, rồi xe đến bến phà Cổ Chiên qua tỉnh Trà Vinh.

Nếu du khách chọn điểm du lịch sinh thái – sông nước – miệt vườn, du khách dừng chân tại huyện Châu Thành. Tuyến xe này, qua cầu Rạch Miễu, dưới chân cầu hai bên có các phương tiện như: tàu, thuyền, xe ngựa, xe gắn máy, xe đạp… để du khách lựa chọn đến các điểm du lịch mà du khách yêu thích như: Cồn Phụng, Cồn Qui, du lịch sinh thái – miệt vườn Tân Phú; Vườn Hàm Luông, Đồng Quê, Quới An, Hảo Ái, Phong Phú, Thảo Nhi, Diễm Phượng,  Hồng Vân, Quê Dừa, Năm Thành, du lịch Vườn dâu, An Khánh 2,… Đình Tân Thạch, chùa Hội Tôn cổ tự ở xã Quới Sơn…

Lộ trình xe buýt MST 02: Thành phố Bến Tre – Tiệm Tôm (xã An Thủy – Ba Tri), trên tuyến này du khách có thể dừng chân tại các điểm:

+ Xe hành trình qua Đại lộ Đồng Khởi (tuyến đường trung tâm nối dài từ xã Sơn Đông – phường Phú Tân – phường Phú Khương – phường 4 – phường 3). Đây là con đường chính dẫn vào TP Bến Tre được đầu tư, mở rộng, trang trí, phối cảnh rất đẹp. Trên đường vào trung tâm thành phố Bến Tre qua công viên tượng đài Đồng Khởi, đến đường Nguyễn Đình Chiểu ngắm nhìn kiến trúc của đình An Hội, chùa Viên Minh; qua đường Cách Mạng Tháng Tám tham quan Bảo tàng Bến Tre.

+ Sau đó theo tỉnh lộ 885 về huyện Giồng Trôm – Ba Tri, ngang qua xã Phú Hưng (cách TP. Bến Tre 3 km), du khách có thể ghé tham quan đình Phú Tự và cây Bạch Mai cổ thụ trên 300 tuổi.

+ Tiếp tục hành trình ngắm cảnh trên đường đến huyện Giồng Trôm, ghé thăm di tích Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và khám phá làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng” ở xã Mỹ Thạnh.

+ Ghé thăm Khu tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, xã Lương Hòa – huyện Giồng Trôm.

+ Xe ngang qua chợ chanh Lương Quới, là chợ đầu mối mua bán chanh độc nhất vô nhị ở vùng ĐBSCL.

+ Đến xã Bình Hòa tham quan Di tích Kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Hòa.
+ Đến xã Hưng Nhượng tham quan làng nghề “Bánh phồng Sơn Đốc”.

+ Xe đến thị trấn Ba Tri, du khách có thể lựa chọn cho mình một phương tiện khác để tham gia các điểm đến tại Ba Tri như: Di tích Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức); Di tích Mộ và đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản, mộ Phan Thanh Giản (xã Bảo Thạnh); Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ và làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ (xã Phú Lễ); sân chim Vàm Hồ (xã Tân Mỹ); thăm đền thờ Phan Ngọc Tòng (xã An Hiệp); miếu thờ Tán Kế (Lê Quan Quang) ở xã Mỹ Thạnh; thăm Di tích lịch sử Nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba cây da đôi và công trình thủy lợi cống đập Ba Lai (xã Tân Xuân).

+ Cũng tuyến xe này, du khách có thể đi thẳng đến Tiệm Tôm (xã An Thủy) tham quan Cảng cá Ba Tri, bãi biển phù sa và thưởng thức các món hải sản biển.

Image

Xe buýt tuyến Chợ Lách. (Ảnh: T.Tr)

Lộ trình xe buýt MST 03: Thành phố Bến Tre – phà Tân Phú (Châu Thành), du khách có thể dừng chân tại các điểm đến như:

+ Để tiếp tục khám phá các điểm du lịch tại huyện Châu Thành, tại vòng xoay Tân Thành, du khách đón xe buýt MST 03 (theo tỉnh lộ 884), du khách ghé thăm làng nghề dệt chiếu truyền thống, dệt thảm sơ dừa và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại xã An Hiệp. Đến xã Thành Triệu chọn phương tiện khác để đến Khu du lịch Forever Green Resort (còn gọi tắt Resort bên bờ sông Tiền) tọa lạc tại ấp Phú Khương, xã Phú Túc.

+ Trở ra tỉnh lộ 884, tiếp tục đến chợ Tiên Thủy hay vào xã Tân Phú, du khách có thể chọn các điểm du lịch sinh thái miệt vườn, điểm vườn Hàm Luông… và đi vào dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch sẽ thưởng thức đặc sản trái cây đặc sắc, bánh xèo hến…

+ Nếu chọn điểm xuất phát từ thành phố Bến Tre, qua Đại lộ Đồng Khởi, ngang qua công viên tượng đài Đồng Khởi; qua đường Hai Bà Trưng vào hồ Trúc Giang; qua đường Nguyễn Đình Chiểu có Trung tâm Thương mại Bến Tre, đình An Hội, chùa Viên Minh; qua Bảo tàng Bến Tre trên đường Cách mạng  Tháng Tám.

+ Hành trình trên đường Đoàn Hoàng Minh ra QL60, theo đường tỉnh 884 qua các xã Sơn Đông – Sơn Hòa – An Hiệp – Thành Triệu – vào chợ Tiên Thủy và điểm cuối cách cổng bến phà Tân Phú 20m. Tại đây, du khách qua phà và chọn phương tiện đến các điểm du lịch sinh thái – vườn cây trái và trung tâm huyện Chợ Lách rất gần.

Lộ trình xe buýt MST 04: Thành phố Bến Tre – Phà Cầu Ván (huyện Thạnh Phú), du khách có thể dừng chân khám phá các điểm:

+ Từ bến xe khách tỉnh, đến vòng xoay Tân Thành, theo đường tránh QL 60 ngắm cảnh con đường sang trọng, rất đẹp dẫn đến cầu Hàm Luông. Từ đỉnh cầu du khách ngắm nhìn ngút tầm mắt hai bên hai bờ sông Hàm Luông với rừng dừa bạt ngàn, xanh ngát.

+ Qua đường tỉnh 882, theo QL60 đến thị trấn Mỏ Cày, du khách chọn cho mình phương tiện tham quan nơi ra đời đặc sản kẹo dừa Bến Tre; khám phá cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; tham quan làng nghề chỉ sơ dừa ở xã An Thạnh. Điều du khách không thể bỏ qua đó là tham quan Khu di tích Đồng Khởi và địa danh Đình Rắn tại xã Định Thủy.

+ Trở ra QL57 đón xe buýt, du khách ghé xã Minh Đức tham quan Di tích lịch sử chùa Tuyên Linh.

+ Cũng tuyến xe buýt MST 04, du khách đến xã Đại Điền thăm bia lưu liệm nơi làm lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307 và Di tích Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ, tại đây du khách thưởng thức đặc sản truyền thống bánh dừa Giồng Luông nổi tiếng và bì bún cũng rất độc đáo.

+ Trở ra QL57 ghé tham quan làng nghề đúc lu tại xã Hòa Lợi.

+ Sau đó tiếp tục hành trình đến thị trấn Thạnh Phú. Ở đây du khách lựa chọn phương tiện để tham quan làng nghề bó chổi cọng dừa tại xã Mỹ An; nghề chằm nón bài thơ Huế ở xã Mỹ Hưng.

+ Theo xe buýt này du khách đến xã Giao Thạnh – qua phà Cầu Ván, chọn phương tiện để đến điểm Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam (hay còn gọi Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển), di tích này ghi lại 02 lần bộ đội miền Nam vượt biển từ xã Thạnh Phong ra miền Bắc xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam; khám phá quần thể vùng bưng trũng rừng ngập mặn; biển phù sa hay đền thờ cá Ông tại Cồn Bửng, xã Thạnh Hải.

Image

Xe buýt tuyến Giồng Trôm. (Ảnh: T.Tr)

Lộ trình xe buýt MST 05: huyện Châu Thành – huyện Bình Đại, du khách có thể chọn các điểm dừng chân như:

+ Từ Tiền Giang đón xe buýt MST 01 về Bến Tre, qua trạm thu phí cầu Rạch Miễu, đến ngã tư đèn đỏ đèn xanh huyện Châu Thành (điểm cây xăng Quang Dư – ấp Phú Nhơn – thị trấn Châu Thành), du khách đón xe buýt MST 05 theo đường tỉnh 883 để đến huyện Bình Đại.

+ Trên tuyến đường về đất biển Bình Đại, du khách có thể ghé các điểm du lịch sinh thái – miệt vườn – sông nước ở xã Tân Thạch – Quới Sơn, huyện Châu Thành.

+ Đến địa phận huyện Bình Đại, trên đường ngắm cảnh những vườn dừa xen đồng lúa, vườn nhãn nằm ven hai bên đường. Hay đến xã Châu Hưng, du khách ghé thăm di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Tân Hưng và đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát; tham quan kiến trúc chùa Liên Hoa (xã Vang Quới Tây).

+ Xe qua xã Phú Long, Bình Thới, du khách ngắm nhìn mô hình nuôi tôm sú công nghiệp.

+ Đến thị trấn Bình Đại du khách lựa chọn phương tiện đến tham quan công trình thủy lợi cống đập Ba Lai lớn nhất ĐBSCL.

+ Tại thị trấn Bình Đại, du khách tham quan kiến trúc chùa Vạn Phước; sau đó theo xe buýt khám phá biển phù sa tại xã Thừa Đức, vui chơi, tắm biển, thưởng thức các món ăn đặc sản biển như cá, mực, tôm, cua, nghêu, sò… và độc đáo là món bánh xèo xứ biển. Hay khám phá rừng sinh thái ngập mặn xã Thới Thuận.

Nếu du khách đến Bình Đại vào dịp 16/6 âm lịch  hàng năm, tại các đình, đền hay miếu của các xã thuộc huyện Bình Đại đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông, nhưng tổ chức lớn nhất hàng năm vẫn là tại lăng Ông ở xã Bình Thắng.

Image

Xe buýt tuyến Thạnh Phú. (Ảnh: T.Tr).

Lộ trình xe buýt MST 07: Thành phố Bến Tre – Tân Hào, du khách chọn các điểm đến sau:
+ Từ bến xe Bến Tre hành trình qua Đại lộ Đồng Khởi nối dài, rồi đến chợ Bến Tre, đối viện đình An Hội trên đường Nguyễn Đình Chiểu, qua đường Phan Ngọc Tòng – 3/2, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (mặt bên chùa Viên Minh), đường Cách mạng Tháng Tám (Bảo tàng Bến Tre), đường Đoàn Hoàng Minh (vòng xoay chợ Ngã Năm), đến đường Nguyễn Văn Tư, qua cầu Bến Tre 2, sang tỉnh lộ 887 ngang qua các điểm du lịch sinh thái Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh (TP Bến Tre).

+ Xe đến địa  phận huyện Giồng Trôm (đường tỉnh 887), đến xã Phước Long – đường ra bến phà Hưng Phong, du khách chọn phương tiện đến khám phá du lịch sinh thái Cồn Ốc (xã Hưng Phong).

+ Trên đường tỉnh 887, tuyến xe này vào huyện lộ 11 đến xã Tân Hào, tham quan đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống. Cũng hành trình theo tuyến xe này, đến xã Thạnh Phú Đông ghé thăm đền thờ nhà thơ Phan Văn Trị hay chọn phương tiện khác đến Di tích lịch sử cấp quốc gia “Nhà của Nguyễn Văn Trác, nơi ở, làm việc của đồng chí Lê Duẩn” tại xã Hưng Lễ.

Lộ trình xe buýt MST 08: Bến Tre – Vĩnh Long, du khách thỏa thích lựa chọn các điểm dừng chân:
+ Từ bến xe khách Bến Tre, xe đưa du khách hành trình trên QL60 (Đại lộ Đồng Khởi nối dài đến phường Phú Tân) – qua tuyến tránh QL60, qua cầu Hàm Luông, đến ngã tư đèn đèn đỏ, đèn xanh, rẽ phải sang tỉnh lộ 882 đi tiếp 04 km, du khách ghé thăm khu căn cứ có mật danh là T4, Y4 (hay còn gọi là căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia định) thuộc xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc.

+ Đến Ngã ba Cây Trâm (xã Phước Mỹ Trung), ra QL57 du khách đi huyện Chợ Lách. Xe ngang qua xã Hưng Khánh Trung B chiêm ngưỡng vườn cây cảnh, kiểng hình Năm Công, hay tham quan khám phá trung tâm sản xuất cây giống và hoa kiểng, thưởng thức các loại trái cây ngon nổi tiếng tại Cái Mơn (xã Vĩnh Thành). Đến đây du khách còn được tham quan Nhà bia Trương Vĩnh Ký, Nhà thờ Cái Mơn là một trong 10 trung tâm lớn và lâu đời của đạo Thiên Chúa ở nước ta.

+ Xe tiếp tục ngang qua các xã Long Thới – Hòa Nghĩa, du khách sẽ ngắm nhìn vườn cây ăn trái (sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt…) nằm ven hai bên đường, điều thích thú nhất là các cơ sở sản xuất và trưng bày cây giống, hoa kiểng rất đẹp mắt.

+ Đến thị trấn Chợ Lách, du khách có thể lựa chọn phương tiện để đến các điểm du lịch sinh thái hay vườn cây ăn trái, hoặc du khách tiếp tục lên xe qua xã Sơn Định hoặc đến xã Vĩnh Bình ghé điểm du lịch Ba Ngói ở cồn Phú Đa thưởng thức đặc sản ốc gạo và bánh xèo hến rất độc đáo.

+ Tiếp tục chuyến hành trình đến xã Phú Phụng dừng chân tại điểm du lịch sinh thái Năm Vũ thưởng thức các món ăn dân dã, cũng như trái cây miệt vườn thứ thiệt. Nếu du khách muốn chu du sang tỉnh khác, tiếp tục theo xe buýt đến phà Đình Khao qua Vĩnh Long.

Đến Bến Tre, du lịch bằng các tuyến xe buýt an toàn, lịch sự, hiếu khách. Tin tưởng rằng, du khách sẽ có chuyến hành trình khám phá thú vị, đầy ý nghĩa trên đất xứ dừa Bến Tre.