Tin Tức & Sự Kiện
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam làm việc tại Bến Tre

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam làm việc tại Bến Tre

5

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre vào ngày 16/3/2013 và dành cho Bến Tre sự quan tâm đặc biệt… Nhiều thành viên của STT cho rằng có sự liên quan nào đó giữa Chương trình ngày Sáng tạo Việt Nam  – VID do WB khởi xướng và Bến Tre bởi từ giữa năm 2007 với dự án – VID2007-P57 “Xe bus học đường” và 3 dự án VID, VACI sau đó – nhiều bạn trẻ Bến Tre đã biết đến WB và bà V. Kwakwa như một người bạn thân thiết của người nghèo Việt Nam…

Bà V.Kwakwa và các thành viên nhóm Sáng tạo Trẻ  tại Hội thảo Giữa kỳ VACI2011 – Hà Nội, tháng 8/2012
 
Tham dự buổi làm việc với bà Victoria Kwakwa có ông Nguyễn Thành Phong – Bí thư Tỉnh ủy; ông Huỳnh Văn Be – nguyên Bí thư Tỉnh ủy, hiện là cố vấn của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ về biến đổi khí hậu (BĐKH); ông Cao Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành có liên quan.

Đến thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Cao Đức Phát làm trưởng đoàn, cùng đi có bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam.
Trong buổi sáng cùng ngày, đoàn đã đến thị sát tiến độ thi công công trình Đê biển Ba Tri, kiểm tra hiệu quả công trình Cống đập Ba Lai và tham quan mô hình nuôi cá da trơn sau khi Cống đập Ba Lai được đưa vào sử dụng. Tại Đê biển Ba Tri bà Victoria Kwakwa đánh giá cao công trình và cho biết: “Tôi rất quan tâm hệ thống đê biển, bởi nước biển dâng trước hết là nhiều người nghèo chịu khổ”.
Tại buổi làm việc, ông Cao Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo dự báo của thế giới về tình trạng BĐKH ảnh hưởng khá nặng đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long của Việt nam. Trong đó, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất do BĐKH. Bến Tre có chiều dài bờ biển 65km giáp biển Đông. Bên trong gồm ba dãy cù lao với nhiều hệ thống sông ngòi chằng chịt nên nước biển xâm nhập vào nội đồng rất dễ dàng. Hơn nữa, Bến Tre có diện tích gần 2.400km2, trong đó 90% diện tích đất có độ cao chỉ 1-2m so với mực nước biển. Cho nên theo kịch bản BĐKH, nếu nước biển dâng 12cm vào năm 2020, Bến Tre sẽ bị ngập với diện tích gần 280km2, gần 100.000 người bị ảnh hưởng nặng; nước biển dâng 30cm vào năm 2050 thì diện tích bị ngập mặn gần 343km2, trên 100.000 người bị ảnh hưởng khá nặng. Khi đó, ba huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Cũng theo kịch bản đó, đến năm 2050 ranh mặn 4‰ tiến sâu vào nội đồng hơn 50km (cách cửa sông giáp biển). Hiện tại, nước mặn từ 1-2‰ đã bao phủ khắp toàn tỉnh; trên sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên có nơi độ mặn lên đến 6-8‰ khiến cuộc sống người dân rất khốn khổ vì thiếu nước ngọt để phục vụ con người, cây trồng và vật nuôi. Trước tình hình nước mặn xâm nhập ngày càng sâu rộng trong toàn tỉnh, Bến Tre đề xuất xin WB hỗ trợ 4 dự án cho Bến Tre để ngăn xâm nhập mặn. “Bốn dự án đề xuất thêm là: Đê biển Ba Tri giai đoạn 2; Đê biển Thạnh Phú; Đê bao các cồn và khu vực xung yếu; nâng cấp Đê biển Bình Đại. Bốn dự án đề xuất thêm có tổng kinh phí khoảng 6.710 tỷ đồng” – ông Trọng cho biết.
Để bà Victoria Kwakwa hiểu rõ hơn trong công tác ứng phó BĐKH và nhu cầu cấp bách về hỗ trợ vốn cho Bến Tre, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay đã khẩn trương quy hoạch thủy lợi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có cả quy hoạch cho mỗi tỉnh về hạ tầng, về cơ cấu cây trồng, vật nuôi (trong đó có Bến Tre). Đặc biệt là cây lúa: lúa trong mùa mưa, lũ, lúa trong thời kỳ xâm nhập mặn.
Tại Bến Tre, nhà nước đang bảo vệ người dân, giúp người dân gắn bó với mảnh đất, gắn bó với con đê bằng cách nuôi tôm sú và làm muối. Tỉnh đang tiếp tục nâng cấp hệ thống đê nhỏ ngăn mặn cục bộ. Về lâu về dài phải hoàn chỉnh hệ thống đê ven biển (đê lớn) theo hướng bền vững, cụ thể như ở Bến Tre đang thi công 31km đê biển ở huyện Ba Tri. Chính phủ rất ủng hộ việc xây dựng đê biển nhưng kinh phí rất hạn hẹp, do đó rất cần sự ủng hộ của WB. Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó Bến Tre nằm hạ nguồn) đang trong tình trạng thiếu nước ngọt, bị nước biển tấn công do những nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. “Nếu bà Victoria Kwakwa hỏi tôi: Ưu tiên hỗ trợ vốn để ứng phó BĐKH và ngăn xâm nhập mặn cho ở đâu là trước hết, thì tôi trả lời là: Ở Bến Tre” – ông Bộ trưởng nhấn mạnh.
                           
                             Đại diện nhóm STT (bìa trái) và bà V. Kwakwa (giữa) tại VACI2011
Bà Victoria Kwakwa cho biết, WB sẽ hỗ trợ cho Bến Tre về nghiên cứu tác động BĐKH, vấn đề này WB hợp tác với Ủy ban quốc tế sông Mekong để nêu lên diễn đàn quốc tế. Bến Tre xứng đáng để WB hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật trong ứng phó BĐKH và ngăn xâm nhập mặn. “Chúng tôi khẳng định Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi của WB, trong đó có Bến Tre. Hai năm qua, mỗi năm WB thực hiện chương trình hỗ trợ 70 tỷ USD cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các bộ ngành có liên quan để Bến Tre được sử dụng nguồn vốn này. Chúng tôi ưu tiên hỗ trợ Bến Tre” – bà Victoria Kwakwa nói.

                                       Image

Bà Victoria Kwakwa (bìa trái) tham quan công trình Đê biển Ba Tri. (Ảnh: Thanh Hiền)
 
(TVN,STT + TH)